18 tháng 1, 2014

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi không có gì để mất...

Cẩm Hằng
Theo Một thế giới
Nguyễn Quang Lập: Rất quí trọng bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông là một trong rất ít bộ trưởng đương thời cả tâm và trí đều rất sáng. Tiếc thay ông đã rất đơn độc trong một môi trường lú loạn lem luốc lươn lẹo, hu hu.
Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQ VN) diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 13, 14.1 tại Hà Nội ghi nhận nhiều ý kiến đầy tâm huyết đối với sự phát triển của đất nước. 
Tham nhũng làm cho đất nước này “chết” nhanh nhất
Sáng 13.1, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư được mời đến nói về tình hình kinh tế đất nước. Dù “độc diễn” hơn hai tiếng đồng hồ nhưng phần nói chuyện của Bộ trưởng Vinh nhận được rất nhiều tràng pháo tay của các đại biểu.
Nhớ lại quãng thời gian khi mới nhậm chức và đưa ra nhiều chính sách cứng rắn được ví là “lấy đá ghề chân mình” để kiểm soát đầu tư công, Bộ trương Vinh cho biết: “TƯ phân bổ thế nào, địa phương chạy chọt thế nào tôi biết hết”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trăn trở: “Tôi nói rằng đất nước này cần công khai minh bạch và không được có tham nhũng, bởi vì đó là những thứ làm cho đất nước này 'chết' nhanh chóng nhất. Công việc này vô cùng khó khăn, động chạm đến rất nhiều người vì làm họ mất rất nhiều quyền. Nhưng phải làm, nếu QH, Chính phủ bỏ phiếu bất tín nhiệm tôi, tôi cũng vui vẻ vì không có gì để mất”.
Dẫn ra nhiều số liệu chứng minh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng thiếu bền vững, ông Vinh lo lắng: “Nhưng đến một ngày nào đó chúng ta sẽ hết tất cả dầu khí, không còn than hay quặng nữa. Lúc đó Việt Nam phát triển bằng gì? Sẽ in tiền à?
Để phát triển bền vững, Bộ trưởng Vinh cho rằng phải chú trọng đặc biệt đến nguồn lực con người vì tài nguyên thiên nhiên sớm muộn sẽ cạn kiệt. 
Đổi mới thể chế mới tiêu diệt được tham nhũng
Ông Đặng Văn Khoa, ủy viên UB MTTQ TP.HCM nhận định: “Tham nhũng có mặt ở các cấp và trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, đất đai, xây dựng, văn hóa, giáo dục, y tế, thậm chí cả trong giảm nghèo cũng có tham nhũng”.
Theo ông Khoa, người dân thất vọng vì những gì được đưa ra xử lý thực chất chỉ là một phần nhỏ và mong muốn Đảng không thể để một bộ phận không nhỏ tha hóa xuống cấp, làm suy giảm lòng tin, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Giáo sư Tương Lai cũng cho rằng cần trị thật nghiêm tham nhũng, phải quyết liệt đến cùng với các vụ đại án tham nhũng và đẩy tới một cách công khai minh bạch cuộc đấu tranh chống tham nhũng là việc phải làm. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải dám chỉ ra một cách thật sòng phẳng: Cội nguồn của tham nhũng là ở đâu?
“Quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Cho nên, đổi mới thể chế chính là chữa tận gốc tham nhũng”, GS Tương Lai nhấn mạnh”.
Box :
Lắng nghe tiếng nói nhân dân
Nói về khối đại đoàn kết dân tộc, Giáo sư Phạm Khiêm Ích cho rằng: “Xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc là phải xây dựng thông tin 2 chiều, nói cho dân nghe và nghe dân nói”.
Lấy ví dụ về các vụ khiếu kiện đất đai, nền kinh tế bị Trung Quốc lũng đoạn… Giáo sư Ích lo lắng : “Nhiều vấn đề bức xúc của dân nhưng hình như Mặt trận không nghe thấy và ít thấy”.
Giáo sư Phạm Khiêm Ích băn khoăn, những bức xúc, yếu kém về dân chủ và nhân quyền vẫn chưa được “nói thật” với nhân dân và đưa ý kiến: “Hiện nay nhiều người ác cảm với khái niệm xã hội dân sự nhưng thực tế xã hội dân dự là nghe dân nói và nói cho dân nghe. Việc thành lập một xã hội dân sự là rất cần của Nhà nước ta trong giai đoạn này”.

Không có nhận xét nào:

Trang