24 tháng 9, 2013

Vì sao Vinashin không thể chết?


Sau một thời gian làm việc trực tiếp với Vinashin, Bộ GTVT đã liên tiếp đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Từ việc cắt giảm nhân sự, chuyển các doanh nghiệp thuộc Vinashin sang SCIC và DATC đến chuyện cho hơn 100 doanh nghiệp "cởi bỏ" tấm áo Vinashin đang phải khoác bấy lâu nay. Tất cả đều đó chỉ chứng minh điều duy nhất là không thể để Vinashin phá sản. 
Bộ GTVT vừa ban hành quyết định phê duyệt danh sách các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thực hiện rút vốn thương hiệu.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng Thành viên Vinashin chỉ đạo người đại diện phần vốn của tập đoàn tại các doanh nghiệp, thống nhất phương án xử lý, tổ chức đại hội cổ đông để thông qua phương án rút vốn thương hiệu tại doanh nghiệp.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các doanh nghiệp phối hợp với sở kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện thủ tục đăng ký lại doanh nghiệp sau khi giảm vốn điều lệ.
 Trong danh sách được phê duyệt, nhóm 1 gồm 51 công ty có thể thực hiện rút vốn thương hiệu được ngay. Theo Bộ GTVT đây là những công ty có tình hình tài chính không phức tạp, không vay nợ của Vinashin hoặc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy, không có tài sản lớn.
 Nhóm 2 bao gồm 54 công ty mà theo Bộ GTVT, cần xem xét, phân tích tình hình tài chính, tài sản, lợi thế, công nợ... trước khi tiến hành rút vốn góp bằng thương hiệu.
 Nhìn vào danh sách hơn 100 doanh nghiệp, dễ thấy sự dễ dãi của Vinashin trong quá khứ khi tham gia góp vốn bằng thương hiệu vào rất nhiều lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến ngành nghề sản xuất chính.
Chẳng hạn, trong danh sách này có những công ty trong các lĩnh vực như thương mại, chế biến nông - thủy sản, thực phẩm…

Trước đó, vào ngày 18/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Vinashin nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng Vinashin tìm hướng tái cơ cấu các khoản nợ từ đó mới có thể tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. 
Để giải quyết việc tái cơ cấu cho Vinashin, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã tìm hướng giải quyết các DN của Vinashin trong diện chuyển giao sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
 Đồng thời, lãnh đạo hai Bộ cũng quyết định sẽ phát hành trái phiếu cho Vinashin, quyết toán thuế và các khoản nộp Ngân sách Nhà nước khi thực hiện giải thể, sáp nhập doanh nghiệp...
 Vào ngày 16/9, Bộ GTVT đã quyết định phương án tái cơ cấu lao động, Vinashin sẽ giữ lại khoảng 8.000 người, cắt giảm và giải quyết chế độ cho gần 14.000 người, trước mắt sẽ cắt giảm ngay 30% lao động không có việc làm.
 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo Vinashin giải quyết dứt điểm các quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng với lao động.
 
Vì sao Vinashin không thể chết?
 Trong phiên trả lời chất vấn chiều 14/6 tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành khoảng 20 phút để trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ cần quan tâm.  
 Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về hiệu quả tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã khởi tố bắt giam 8 người trong vụ Vinashin. Pháp luật đã xử lý nghiêm khắc những cán bộ trực tiếp quản lý vốn của tập đoàn nhưng làm thất thoát.
 Tuy nhiên, ông Phúc cũng khẳng định không thể cho phá sản Vinashin mà buộc phải tái cấu trúc vì đây là vốn của Nhà nước. Nếu cho phá sản sẽ làm mất uy tín, mất vốn và người lao động mất việc làm.
 Đồng tình với ý kiến của ông Phúc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng không thể để Vinashin phá sản sau đó xây dựng lại từ đầu.
 "Tôi cho rằng ý kiến đó là cực đoan, thứ nhất nếu xây lại có nghĩa ta đi từ con số 0, lại xây nhà máy mới lại đóng những con tàu ban đầu. Trong khi hiện nay chúng ta đã đang có sẵn mà tất cả đều là vốn nhà nước chứ không phải của tư nhân. Như mình đã nói dù muốn hay không kinh tế biển tại Việt Nam là phải có. Trong mục tiêu chúng ta phấn đầu năm 2020 kinh tế biển chiếm 50% GDP mà giờ lại muốn phá đơn vị đóng tàu lớn nhất đi thì bao giờ sẽ lại có.
 Thứ hai Vinashin đã được đầu tư nền tảng nếu thành lập doanh nghiệp mới thì cũng phải tiếp tục đầu tư lại, do vậy ý kiến kia là cực đoan. Tôi nói là “thay máu” nghĩa là thay đổi cơ chế, thay đổi lãnh đạo con người còn những người công nhân người lao động trình độ cao có sẵn phải sử dụng ngay đâu phải như mớ rau ý kiến đó rất thiếu trách nhiệm" - Ông phong nói.
 Trong khi đó, ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cho biết, cả tập thể công ty đang “gồng mình” thực hiện tái cơ cấu Vinashin.
 "Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Vinashin đều có vấn đề, có doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Do đó, công việc tái cơ cấu tập đoàn này đòi hỏi quá trình khảo sát và đánh giá kỹ càng trước khi đưa ra các giải pháp phù hợp với doanh nghiệp" - ông Quang cho biết.
 Cũng theo ông Quang, việc tiến hành tái cơ cấu Vinashin có thể có phần chậm trễ, một phần do một số cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, quan điểm xử lý giữa các bộ, ban ngành, cơ quan chức năng chưa thống nhất. Kết quả tái cơ cấu Vinashin sẽ gắn với trách nhiệm của nhiều người nên một số người có tâm lý e ngại.
 

Thuỵ Miên

Không có nhận xét nào:

Trang