21 tháng 9, 2013

Phó Chủ tịch Nước kêu gọi “bộ phận không nhỏ” hãy chấp hành tốt pháp luật

“Cán bộ, đảng viên có 2 tay thì một tay nắm pháp luật, một tay nắm nguyên tắc Đảng và trái tim hướng về đồng bào. Nếu làm tốt điều này, nếu không có “bộ phận không nhỏ” thì không có chuyện niềm tin người dân suy giảm. “Bộ phận không nhỏ” này hãy chấp hành tốt pháp luật” - Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi trong phiên thảo luận tại Thường vụ Quốc hội hôm qua (17.9), về báo cáo tình hình tội phạm.
Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên họp
Bị đâm vì “mày quá đẹp trai”!


Phân tích nguyên nhân của tình hình “khá phổ biến”, “đáng báo động”, “rất phức tạp”, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan cho biết bà “phân vân về nguyên nhân”.
Đó là quản lý nhà nước có nhiều sơ hở; trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Đó là đạo đức xã hội đang xuống cấp đáng báo động, ở mọi lĩnh vực, từ y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp. Nguyên nhân- theo bà, từ việc không chấp hành tốt chương trình giảng dạy đạo đức trong nhà trường và cả từ sự gương mẫu của CB đảng viên, đã tác động tiêu cực đến đạo đức XH?
Lấy ví dụ từ “chuyên đề giáo dục đạo đức trong nhà trường”, Phó Chủ tịch Nước nói “có nhiều bất cập”. Sinh viên thì đánh nhau. “Ngay trong ngày khai giảng đâm nhau vì “mày quá đẹp trai”. Con gái cũng đánh nhau. Rồi trò đánh thầy. Mỗi ngày bao nhiêu vụ thì bấy nhiêu vụ vợ giết chồng, chồng giết vợ. Không ký giấy nợ cũng nhốt, cũng đánh.
Theo Phó Chủ tịch Nước, từ chỗ quản lý nhà nước có vấn đề, từ chỗ đạo đức xuống cấp dẫn tới niềm tin của nhân dân giảm sút, trong khi xử lý của chúng ta không nghiêm, đạo đức cán bộ đảng viên có vấn đề.
“Cán bộ đảng viên có 2 tay thì một tay nắm pháp luật, một tay nắm nguyên tắc Đảng và trái tim hướng về đồng bào. Mình cứ nói do kinh tế thị trường, dẫn đến đạo đức XH suy thoái, nhưng phải chăng do bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chúng ta! “Bộ phận không nhỏ” này hãy chấp hành tốt pháp luật” - Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi.

Bần cùng sinh đạo tặc

Vụ đánh chết 2 người trộm chó và cả làng ký đơn nhận tội, vụ chôn thuốc trừ  sâu ở Thanh Hóa đã được chính Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhắc tới như những ví dụ cho sự lơi lỏng của kỷ cương phép nước.
“Chuyện ăn trộm chó cũng dẫn đến đánh người, đánh chết không thả, rồi đốt xe, dù cái xe máy là phương tiện đi lại, là tài sản. Mà không phải chỉ xảy ra ở một địa phương. Coi thường tính mạng người khác, bất chấp pháp luật” - Phó Chủ tịch QH không giấu được sự bức xúc.
Ông cũng lo ngại “15 ngàn tù nhân vừa được thả, giờ không biết trong đó có bao nhiêu sẽ tái phạm, bao nhiêu câu kết với tội phạm ở ngoài. Trong khi KTXH chưa cải thiện được. Thất nghiệp, thiếu công ăn việc làm rồi bần cùng sinh đạo tặc”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương cũng đặt lại vấn đề “tội phạm môi trường giảm là do DN giải thể, phá sản quá nhiều. Tai nạn giảm do xe tải nằm nhà đắp “chiếu”. Thành phố lớn tội phạm đang ít đi là do bị trấn áp, tràn về vùng ven và nông thôn”.
Ông Đỗ Văn Đương cảnh báo điều mà ông gọi là “không hành động”, “thiếu trách nhiệm” từ phía chính quyền địa phương.
Lấy ví dụ vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp nói “Theo tôi, khởi tố bắt giam ngay được, sao cứ phải nói đi nói lại mãi”.
Một trong những vấn đề đang biểu hiện sự phức tạp trong diễn biến tình hình tội phạm cũng đã được cảnh báo “tình hình tự xử trong dân chúng đang nổi lên. Dân bất lực hoặc tự thiêu, hoặc cầm súng bắn vào chính quyền, rồi đòi nợ thuê. Chính quyền không thi hành án được mà để ''xã hội đen'' đi thi hành án cho dân. Đây là trách nhiệm thuộc ai?”.

Có bỏ lọt, có oan sai, có tiêu cực

Đặt ra 3 câu hỏi: Có bỏ lọt tội phạm không? Có oan sai không? Có tiêu cực không? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga lần lượt trả lời và lời khẳng định của bà là “có”.
Có lọt tội phạm với “tình trạng tương đối nhiều”, thông qua việc xử lý vi phạm hành chính.
Có tình trạng bảo kê của một số cá nhân, tổ chức, thể hiện ở việc tội phạm xảy ra ngang nhiên, trước mắt, ngay sát trụ sở cơ quan chức năng. 
Có oan, trong cả hoạt động điều tra, với 289 trường hợp phải đình chỉ trả tự do vì không có hành vi phạm tội. Cả ở truy tố, với 13 trường hợp truy tố thiếu chính xác được tòa án tuyên không phạm tội. 
Có tiêu cực khi Tổ chức Minh bạch thế giới xếp tiêu cực trong tư pháp vào vị trí thứ năm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền sau đó đặt vấn đề vào hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm. “Chúng ta đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ cho hàng chục chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, nhưng tỉ lệ tội phạm năm sau vẫn cao hơn năm trước”. Theo ông, cần đánh giá nghiêm túc xem các chương trình đi vào cuộc sống như thế nào? Nguồn lực, con người có tạo ra hiệu quả chưa? Đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm không?
Ngợi khen thành tích của ngành công an trong khám phá những vụ xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng trong việc khám phá các vụ án tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn số liệu giám sát cho biết “có những địa phương hai năm rưỡi chỉ xử lý được 1 vụ”. “Xử lý tội phạm tham nhũng rất yếu” - ông nói.

Thủ tướng từng phải yêu cầu xử lý vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) nghiêm túc để an dân. Rồi vụ “nhân bản” ở Hoài Đức (Hà Nội), vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, các phó thủ tướng đều phải có ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm báo cáo Chính phủ. Vì sao lãnh đạo Chính phủ phải chỉ đạo trực tiếp như vậy thì dân mới yên tâm, mới tin tưởng; cái gì đang đặt ra ở đây?
Nhiều vụ cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc dân mới yên tâm là làm rốt ráo, trong khi địa phương làm thì dân nghi sẽ chìm xuồng, sẽ bị bao che. Tại sao lại như vậy?

Không có nhận xét nào:

Trang