19 tháng 3, 2015

Người lớn và trẻ con

Tác giả: Dương Trọng Huế
KD: Người lớn nào, trẻ con nấy. Trẻ con nào, người lớn nấy. Mức sống giàu có của các gia đình có thể ngang nhau, nhưng chất lượng cuộc sống giữa các gia đình sẽ rất khác nhau. Chất lượng đó được đo bằng tiêu chí giáo dục, và văn hóa mỗi gia đình :
———–
 1. Cách đây không lâu trên báo Tuổi Trẻ có đăng tin về một gia đình nọ đi máy bay từ Hải Phòng vào TPHCM. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, gia đình này để quên một kiện hành lý. An ninh sân bay lập biên bản, kiểm tra hành lý thì phát hiện trong đó có ba chiếc áo phao cứu hộ của hãng hàng không. Sau khi xác minh thì lòi ra mấy cái áo phao này là đồ ăn cắp. Ông bố vốn là cán bộ cơ quan công quyền hẳn hoi đã rất mau miệng đổ cho hai đứa con nhỏ của mình táy máy nhét áo phao vào vali của gia đình.
2. Buổi chiều tối trong siêu thị mini dưới khu chung cư thường đông khách do người đi làm về tranh thủ tạt vào mua mớ rau, ký thịt cho bữa ăn tối. Chiều nọ, khách xếp hàng bỗng phải đợi lâu hơn thường lệ. Một cậu bé có vẻ như đã được bố mẹ nhờ ra siêu thị mua một củ khoai tây và mấy hộp sữa chua, đang đứng tần ngần trước quầy thanh toán không chịu đi. Số là cậu trả tiền mua hàng còn dư 500 đồng, cô bán hàng bèn trả lại bằng 2 cây kẹo. Cậu bé không chịu lấy kẹo và cứ đứng chờ lấy lại 500 đồng.
Mấy người lớn đang xếp hàng bèn bảo cậu bé: “Có 500 đồng thôi mà. Cầm lấy kẹo về đi cháu ơi”. Một lúc sau, dường như không chịu được áp lực của số đông người lớn, cậu bé miễn cưỡng cầm lấy hai cây kẹo rồi bỏ đi. Đám đông người lớn xếp hàng thở phào, tiếp tục nhích vào quầy thanh toán.
3. Anh bạn hàng xóm kể mấy hôm rồi, anh đón gia đình một người anh bà con ở xa đến chơi. Có hôm, anh chở gia đình người anh bà con đi ăn tối trên ô tô của mình. Ông anh bà con to béo nên ngồi ghế trước. Anh bạn hàng xóm nói mãi, đem cả cảnh sát giao thông ra dọa, ông anh này mới chịu quàng cái dây an toàn vào người. Không biết có phải do bực mình vì bị ép buộc phải đeo dây an toàn hay không mà ông ta quay lui quay tới, chọc ghẹo với cậu con trai ngồi băng ghế sau về những lần hai cha con họ vượt đèn đỏ như những kỷ niệm thú vị. Anh hàng xóm tay ôm vô lăng ngồi nghe mà chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
4. Kể mấy chuyện này ra mới thấy người lớn tuy vẫn thường hay nói mình cần làm gương cho lớp trẻ, nhưng đôi lúc lại quên khuấy điều đó. Người lớn hay bảo trẻ em cần thật thà, biết dũng cảm nhận lỗi khi sai. Vậy mà khi đụng chuyện lại lôi các em ra chịu trận để giữ uy tín cho mình. Chắc người lớn cho rằng mình là bộ mặt của gia đình, của cơ quan, đoàn thể nên cần giữ gìn, còn trẻ em là “tương lai” gia đình và xã hội thì chẳng cần?
Người lớn hay bảo trẻ em cần rèn luyện tính kiên trì và tiết kiệm. Cậu bé trong siêu thị đã kiên trì vì mục đích thực hiện một cuộc trao đổi mua bán công bằng. Thử hỏi nếu cậu mua hàng thiếu 500 đồng và moi trong túi mình ra hai cây kẹo để trả thay thì siêu thị kia có chịu không? Mà cứ mỗi người bỏ ra 500 đồng thì cả nước sẽ có được bao nhiêu là tiền nhỉ? Chẳng phải các nhà mạng viễn thông và các công ty quảng cáo đã giàu lên nhanh chóng là nhờ gom góp những đồng bạc lẻ này sao? Người lớn còn tranh cãi nhau vì 300 đồng phí nhắn tin mà nhà mạng thu trong đợt nhắn tin ủng hộ biển đảo vừa rồi kia mà.
Người lớn thường mong trẻ em nghiêm khắc với bản thân để xây dựng và rèn luyện tính kỷ luật. Có ông bố bà mẹ tốn bạc triệu gửi con vào các trại hè quân đội những mong con mình sẽ có nhận thức và lối sống kỷ luật hơn. Thế nhưng chính thái độ và hành vi thượng tôn pháp luật và lẽ phải một cách nhất quán của người lớn mới có giá trị ảnh hưởng tới trẻ em lớn hơn nhiều lần so với những trò chơi hay những khẩu hiệu hoa mỹ chăng đầy phố phường.
Khi miệng người lớn bảo “vì tương lai con em chúng ta” và “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nhưng tay lại làm ngược lại thì thật đúng là “không bằng trẻ con”.

Không có nhận xét nào:

Trang