21 tháng 3, 2015

Ai bảo Chính quyền Hà Nội chậm, trì trệ ?

Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Bộ máy làm việc của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời bao cấp và đối với dân thì luôn " hành là… chính"! Việc “nhanh nhảu” trong vụ “hạ sát” tới mấy cây xanh, chỉ trong có vài ngày, chứng tỏ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có khả năng xử lý công việc một cách “nhanh nhẹn” chứ không trì trệ như người dân lâu nay vẫn phàn nàn…/Cái gì, chứ lấy đất của dân và lạm của công thì …nhanh lắm!/.
Chiến dịch chặt cây xanh ồ ạt ở Hà Nội mới bị lãnh đạo thành phố quyết định đình lại là một 'tổn thất' với thủ đô, vừa thể hiện 'lỗi chính' của cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo thành phố về quy hoạch cảnh quan, cây xanh đô thị của Hà Nội, theo ý kiến trong giới kiến trúc sư từ Hà Nội.
Các nhà quản lý cần rút kinh nghiệm không để việc thiết kế ý tưởng đặt vào tay một cơ quan thực thi, chẳng hạn như Sở Xây dựng, trong khi đến lượt mình, Sở này lại giao việc thực thi quy hoạch về cây xanh cho một công ty 'kinh doanh' chuyên quan tâm tới triển khai số lượng trồng cây xanh mới, vẫn theo các ý kiến.
Trao đổi với BBC hôm 20/3/2015, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói: "Đây là một sự tổn hại rất đáng tiếc và Hà Nội phải rút kinh nghiệm việc này...Việc ấy đã phải đình lại rồi và đấy phải coi là một bài học cho tất cả...Chủ tịch Thành phố để xảy ra việc như thế cũng là việc đáng tiếc."
Khi được hỏi nếu đây là một quyết định chưa hợp lý, dẫn đến tổn thất cho không gian xanh của Hà Nội, thì việc xử lý hậu quả cần tiến hành ra sao, ông Nguyễn Trực Luyện nói thêm: "Tất nhiên cây mà trồng vào mà nó còn bé thì làm sao mà nó có thể to và nó có bóng mát như cây lớn được. Cho nên cái chính là cũng phải vài ba chục năm nữa thì may ra mới có hiệu quả tương đương được. Thế còn bây giờ đương nhiên nó không thể nào thay thế cho cái cũ được," - ông Luyện nêu quan điểm.
'Lỗi chính' ở ai?
Cũng hôm thứ Sáu, một kiến trúc sư khác nói với BBC về điều mà ông cho là có 'lỗi chính' thuộc về khâu tham mưu, tư vấn cho thiết kế ý tưởng, điều hành quy hoạch cho lãnh đạo Hà Nội và đặt vấn đề cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong chiến dịch 'chặt cây xanh' hàng loạt và quy mô lớn cấp tập, nhưng bất thành vừa rồi.
Kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói: "Hiện nay chức năng của Kiến trúc sư trưởng là Sở Kiến trúc & Quy hoạch, đứng về góc độ Sở Kiến trúc & Quy hoạch, đó là cái cũng có trách nhiệm trong vấn đề này. Bởi vì riêng về chuyện cây xanh đô thị, nó cũng quan trọng không khác gì kiến trúc, vì nó là một trong các thành phần hỗ trợ cho kiến trúc đô thị. Mà trong quy hoạch cũng có những cái ấn định về vấn đề này, cho nên Sở Kiến trúc & Quy hoạch phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Khi giải quyết chuyện đầu tư thế nào, thiết kế thế nào, trồng cái gì, Sở đó phải có chỉ đạo, giúp cho Thành phố chỉ đạo việc đó. Chứ còn Sở Xây dựng chỉ làm nhiệm vụ thực thi, chứ Sở Xây dựng không chịu trách nhiệm về ý tưởng. Ý tưởng cây xanh, môi trường đô thị v.v... nằm trong kiến trúc quy hoạch. Cho nên không có Kiến trúc sư trưởng, nhưng vai trò của Kiến trúc sư trưởng nằm trong Sở Kiến trúc & Quy hoạch hiện nay," - ông Nguyễn Thúc Hoàng nói với BBC.
'Bài học thời Pháp.
Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện nói với BBC về việc Hà Nội có thể vẫn phải học hỏi các nhà quy hoạch cảnh quan của Pháp khi thiết kế cảnh quan, cây xanh cho thành phố dù ở thời thuộc Đông Dương trong quá khứ.
Cựu Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói: "Người Pháp người ta trồng, thì cũng trồng tùy theo từng tuyến phố, và chọn từng loại cây một. Chủ yếu nhất với họ, cây bóng mát là chủ yếu. Ngày xưa khi họ sang, họ thấy xứ của mình nóng thì họ chọn cây có tán rộng để che nắng. Tôi thấy họ làm rất hợp lý, nhờ thế nó tạo cho Hà Nội có dáng rất đặc biệt, mà người ta vẫn khen Hà Nội là cây xanh tốt. Nói thực là sau này mình cũng không giữ được như người Pháp nữa, bởi vì người Pháp người ta trồng trong những phố nội đô, về sau mình phát triển ra ngoại ô, ngoại vi nhiều hơn, cây cũng không trồng theo đúng từng cây phố có loại cây riêng mà nó cũng có hỗn tạp...Cây xanh có vai trò rất lớn, nó làm cho khí hậu mát mẻ đi, nó cung cấp ốc xi cho con người. Cho nên cây xanh rất quan trọng đối với đời sống đô thị. Đã nói đến đô thị tức là nói đến toàn bê-tông, nhựa đường, nó tản nhiệt nhiều lắm. Cho nên phải dùng cây xanh để giảm bớt bức xạ nhiệt đi nhiều," - ông Luyện nhân dịp này nói về tác dụng của cây xanh ở đô thị.
'Chặt cây, lấp hồ'
Hôm thứ Sáu, kiến trúc sư Nguyễn Thúc Hoàng nêu quan điểm cho rằng Việt Nam cần 'rút kinh nghiệm' để tránh lặp lại vụ chặt cây mới đây, cũng như việc đã từng xảy ra vài năm gần đây, khi thành phố để xảy ra việc 'san lấp, ao hồ', thu hẹp diện tích mặt nước đô thị lấy chỗ cho xây dựng mặt bằng gây bất lợi cho môi sinh.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói: "Trước đây mình bị một khuyết điểm khá lớn đó là lấp các hồ ao trong thành phố để mà lấy đất xây nhà cửa, các dự án. Cái đấy làm cho thành phố giảm mặt nước rất nhiều, cho nên là nhiệt độ không khí cũng tăng lên. Còn trong mấy năm vừa qua, một số khu đô thị mới, một số hồ cũ đã được giữ lại và bắt đầu cũng hoàn thiện cho tốt hơn. Tôi cho cái đó thành phố làm là tốt, còn bây giờ cũng không lấp ao hồ nữa. Chỉ có cái là hiện nay làm thế nào để giữ được mực nước vệ sinh là cái quan trọng. Thứ hai mức nước ở trong các hồ đó cũng phải đảm bảo thì nó mới giữ được độ sạch mặt nước, thì nó mới đảm bảo vi khí hậu được tốt."
Về vấn đề cây xanh ở Hà Nội, kiến trúc sư Thúc Hoàng nhân dịp này nêu thêm một vấn đề: "Đứng ở góc độ thẩm mỹ, hiện nay cây cối ở đô thị... chưa thấy một ý tưởng gì rõ ràng, phố nào cây gì, để cho mang cái như một cái nhận biết để cho nó có đặc thù, chứ không phải phố nào cũng trồng cây giống nhau hoặc là cứ mỗi phố trồng 'lung tung' như hiện nay. Hiện nay, về ý tưởng trồng cây xanh ở Hà Nội, hoặc nói chung các thành phố khác lại càng chưa rõ. Trong kiến trúc, chúng tôi rất thích ý tưởng về vấn đề cây xanh, chứ không phải là cứ trồng theo kiểu bạ đâu trồng đấy mà chỉ đạt được bóng mát hoặc vấn đề là rễ rồi thì là khỏi đổ thế thôi. Chỉ mới quan tâm đến việc đó thì chưa đủ, mà phải quan tâm đến vấn đề thẩm mỹ nữa, mà đồng thời có những nhận biết về đô thị. Thí dụ như có những phố hoa sữa, rồi phố hoa phượng, rồi phố cây sấu... thì các phố có những cái đặc thù, ngày xưa đẹp nhất thời Pháp là phố Lò Đúc, các cây rất đẹp," - cựu Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói thêm với BBC.
(BBC)
---------------
... Phá hoại có tổ chức ?
… Việc “nhanh nhảu” trong vụ “hạ sát” tới 2000 cây xanh, chỉ trong có vài ngày, chứng tỏ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có khả năng xử lý công việc một cách “nhanh nhẹn” chứ không trì trệ như người dân lâu nay vẫn phàn nàn.
Chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là trì trệ, chậm chạp và độ chuyên nghiệp, năng động thì thua xa các thành phố khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Bộ máy làm việc của các cấp chính quyền Hà Nội cực kỳ quan liêu, mang nặng tư duy thời bao cấp và đối với dân thì luôn " hành là… chính"!
Tuy nhiên, trong vụ "thảm sát" cây xanh có tổ chức này, thì các cơ quan chức năng liên quan đến "dự án thay cũ đổi mới cây xanh" lại thể hiện một động thái nhanh, quyết liệt, mạnh mẽ và cả… âm thầm.
Chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chỉnh trang đô thị đã “chặt phăng” khoảng 2.000 cây, trong đó có rất nhiều cây cổ thụ, cây có giá trị.
Lực lượng này làm việc nhiệt tình chưa từng thấy, làm việc cả ngày lẫn đêm, làm việc dưới áp lực cao (trong tình trạng vừa làm vừa nghe dân chửi).
Điều này cho thấy các lực lượng chỉnh trang đô thị của thành phố cũng “không phải hạng vừa”. Chỉ có điều lâu nay chưa có cơ hội thể hiện!
Vụ chặt 6.700 cây xanh nếu không bị người dân và dư luận chặn lại thì có thể coi là một cuộc “thảm sát” cây chưa từng thấy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ riêng việc đã chặt phăng 2.000 gốc cây cũng đủ đưa Hà Nội lên “đầu bảng” trong việc chặt phá cây xanh trong cả nước.
Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu “sức ép” từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm.
Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà từ trước đến nay, “các anh ấy” cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị Hà Nội đâu có đến nỗi “nguệch ngoạc” như bây giờ.­!
Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây "thần tốc" đến vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người … bán được lắm cây nhất?
Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy. Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan… thì muốn làm gì cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo. Còn như cái ông quan chức nào đó, mở miệng ra bảo "chính quyền làm không cần phải hỏi dân", thì cũng nên cho ông này đi nơi khác. Sao lại có thứ quan chức ăn nói hồ đồ đến vậy?
Có rất nhiều khuất tất trong vụ chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong ông Chủ tịch cho điều tra làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây này.
Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch còn không biết, vậy phải chăng Phó Chủ tịch đã lộng quyền? Số tiền phải bỏ ra thay cây là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai?
Và trước những hậu quả đã trông thấy, phải coi đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức".
Nguyễn Như Phong/(PetroTimes)

Không có nhận xét nào:

Trang