2 tháng 2, 2013

NHỚ QUÊ NGOẠI TIÊN ĐIỀN


Nguyễn Lam Thủy - Vietinfo.eu



Tất cả cứ phai mờ theo năm tháng, riêng tôi - tuổi thơ, quê hương - tuổi càng già càng nhớ - một nỗi nhớ về cội nguồn, nó đã thành máu thịt trong tôi đi theo suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ mãi mùa hè năm 1965, lúc đó chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ càng trở nên ác liệt.
 Mẹ tôi gửi tôi, em gái và 3 cô cháu gái cùng bà giúp việc về quê ngoại Tiên Điền, ở nhà anh con cậu. Nhà anh nghèo lắm, nằm cạnh rìa làng, có nhiều cây ăn quả, nhiều nhất là hồng. Nhà cách sông Lam chưa đầy 500m, cách biển chừng hai cây số, những đêm biển động nghe sóng vỗ ầm ầm. Có lẽ anh là người đầu tiên ý thức cho tôi về họ hàng. Vào những đêm trăng sáng, ngồi giữa sân, anh kể cho tôi dòng họ Nguyễn Tiên Điền xưa vốn là người ở trấn Nam Sơn, Thanh Hóa. Dưới thời nhà Mạc, Nguyễn Thiến đỗ trạng Nguyên vào năm 1532, nhưng ông lại làm quan cho nhà Lê dưới chức Thượng thư bộ lại. Hai người con của ông là Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn âm mưu tạo phản nhà Lê. Việc bại lộ, cả nhà bị giết. Riêng Nguyễn Nhiệm là con của Nguyễn Miễn trốn được vào làng Tiên Điền mai danh ẩn tích. Ông Nguyễn Nhiệm được coi là ông Tổ của họ Nguyễn ở Tiên Điền.
Từ đời ông đến Nguyễn Nghiễm là sáu đời. Nguyễn Nghiễm làm tể tướng cho triều đình nhà Lê, ông có 8 vợ và 20 người con, trong đó có Nguyễn Du. Ông ngoại tôi là Nguyễn Sỹ, cháu 5 đời của Nguyễn Nghiễm, ông có 3 vợ và 13 người con. Ông ngoại tôi làm nghề thuốc nổi tiếng một thời. Bà ngoại tôi có 2 người con: mẹ tôi và một cậu. Có lần ông ngoại tôi vào Huế chữa bệnh, ở nhà cậu tôi bị đau bụng tiêu chảy, bà ngoại tôi không biết gì về thuốc, cho cậu uống thuốc phiện quá liều, sau vài tiếng cậu tôi tắt thở trên tay bà. Lúc đó cậu chưa tròn mười tuổi. Chẳng bao lâu bà ngoại tôi buồn phiền, ngã bệnh và mất sớm.
Tôi nhớ rõ những đêm khuya uống rượu xong, ngồi trong buồng vẽ tranh để bán (vì sợ máy bay phát hiện ánh đèn), anh thường vịnh Kiều cho chúng tôi nghe, giọng nghe vừa buồn, vừa thảm thiết… Có lần anh kể cho tôi nghe hồi cải cách ruộng đất, đội cải cách đem một gian đầy sách của Nguyễn Du để lại chất thành đống ở sân rồi đốt, vì cho đó là tàn dư của Đế quốc Phong kiến. Sau này mỗi lần nhớ lại tôi thấy tiếc vô cùng, vì biết đâu trong số đó có bài của Nguyễn Du chưa được biết thì sao?
Từ nhà anh sang nhà thờ họ Nguyễn và đền Voi Ngựa (chúng tôi thường gọi vậy vì có nhiều tượng voi ngựa, thực ra đây là đền thờ tể tướng Nguyễn Nghiễm) không xa lắm. Cả một thời kỳ rất dài mấy chục năm, chẳng riêng gì Tiên Điền mà cả miền Bắc chẳng ai thờ cúng, cũng chẳng có ai thăm nom, săn sóc nên cả hai nhà thờ trở nên hoang vu, chỉ có những cây đại già, dù nắng gió quanh năm vẫn lặng lẽ đơm hoa trắng, hoa vàng. Mấy cây thị già mấy trăm tuổi ở nhà thờ họ Nguyễn, khi nào cũng có vài ba tổ quạ. Cũng may có ai đó thông minh đã tung ra những chuyện hoang đường: nào là trong nhà thờ có rắn hai đầu, ma quỉ, tinh quái… nên cả hai nhà thờ không bị phá phách. Riêng đền thờ Voi ngựa, một tượng voi và một tượng ngựa bị ngã sõng xoài vì ô tô đi lại quá nhiều, đường bị lún. Còn mộ của Nguyễn Du hồi đó nằm ở một nghĩa địa bình thường, được đắp cao hơn một chút, không xây, không bia, chỉ có bốn cây khuynh diệp trồng bốn hướng. Sau này chết hai cây do những đứa trẻ chăn bò thường bẻ cây làm củi.
Một hôm anh đi họp về mặt thiểu não, buồn rầu gần như khóc, anh nói cả nhà anh phải chuyển vào chân núi Hồng Lĩnh để thành lập xã mới. Loại như anh được liệt vào diện tiểu tư sản nông thôn, phải đi đầu tiên. Hai năm sau vợ chồng anh mang về những củ sắn, vài ký gạo nếp do chính nhà anh trồng biếu mẹ tôi. Sau đó không bao lâu nghe tin anh thổ huyết, không kịp một lời trăng trối, đi luôn trong đêm giao thừa, lúc chưa đầy 50 tuổi.
Mùa hè năm đó, sau khi gia đình anh chuyển đi, chúng tôi phải chuyển về một xóm khác cách đó không xa. Con sáo biết nói anh tặng tôi trước lúc đi, tôi quý vô cùng, suốt ngày bắt cào cào, châu chấu cho chim ăn. Có hôm đi đâu về không nghe chim nói như mọi lần, tôi hoảng quá chạy đến bên chuồng chim, thì chim đã chết, tôi khóc thét lên, đưa chim ra xem thấy miệng đầy vôi. Tôi biết chắc thằng Tân nhà bên cạnh cũng nuôi sáo, nhưng con sáo của nó không biết nói, nên nó ghen đã giết chết con chim sáo của tôi. Hơn một tuần sau, một đêm máy bay Mỹ ném bom, cả làng thành một chảo lửa, những tàn lửa theo gió bay cao, tiếng kêu tìm mẹ, tìm con, tiếng kêu cứu thất thanh…cả xóm chết mười mấy người, trong đó có Tân. Nó bị một mảnh bom to bằng quả ổi xuyên từ trước ngực ra sau lưng, một mảnh khác phạt lìa cánh tay. Sáng hôm đó tôi giúp các anh chị dân quân múc nước giếng rửa thân thể đầy máu. Tân được quấn trong 2 mét ni-lông chôn ngay ở đầu làng cùng mấy người khác. Lúc đó tôi đã khóc nức nở vì thương Tân, thương mọi người và căm thù bọn giặc Mỹ quá chừng.
Cũng mùa hè năm đó, vào một buổi sáng rất đẹp, chúng tôi chơi bi ở sân gạch, thấy bà cố Dực là con dâu ông Nguyễn Công Trứ ( Nguyễn Công Trứ có 20
người vợ và rất nhiều thê thiếp, ông cố Dực được bà vợ thứ 18 sinh ra lúc Nguyễn Công Trứ 80 tuổi. Ông cố Dực lúc 87 tuổi mới lấy bà cố Dực 23 tuổi) nằm sóng soài ở sân, máu ở đầu chảy ra lai láng đọng thành vũng. Lúc này người lớn đi làm hết, mấy đứa chúng tôi đứa thì đi gọi người lớn, đứa thì chạy đi xin thuốc lào và cuối cùng không có thuốc lào tôi đã lấy bồ hóng trên trần bếp đắp lên vết thương cho bà. Sau này, mấy năm sau bà mất lúc nào tôi cũng không hay. Khi lớn lên tôi lấy làm tiếc cho các nhà sử học: nhân chứng sống về Nguyễn Công Trứ mà không ai khai thác.
Năm ngoái, sau nhiều năm xa cách, hai anh em tôi trở về thăm quê ngoại Tiên Điền. Gần 35 năm trôi qua Tiên Điền vẫn thế, vẫn là một làng quê nghèo, dù ở đâu, lúc nào, trong lòng tôi luôn nhớ thương da diết. Chúng tôi thăm đền thờ Voi ngựa, nhà thờ họ Nguyễn, bây giờ chỉ còn miếu nhỏ để đươm hương hoa, những cây thị già ghi vào ký ức của tuổi thơ tôi cũng không còn nữa, Đền thăm va chụp ảnh lưu niệm ở mộ cụ Nguyễn Du-khu mộ lúc này được xây rất đẹp và trang nghiêm, có nhiều hoa, cây cảnh...
Chúng tôi ghé thăm người chị họ xa, chị đã gần 70 tuổi, tóc bạc phơ, hom hem ốm yếu, vẫn ở trong ngôi nhà tranh vách đất ngày nào, trong nhà không có gì đáng giá. Chị ôm hai em tôi vừa khóc vừa kể: Cháu trai đầu mất ở biên giới phía Bắc năm 79, hồi chiến tranh với Trung Quốc. Anh chồng chị mất cách đây vài ba năm do đau ốm lâu ngày không có thuốc men. Cháu trai sau, đói quá không có cái mà ăn, đi ăn cắp bị công an bắt, cũng chết trong tù. Tôi không cầm nổi nước mắt trước hoàn cảnh của chị. Chị rót nước chè ( nói là nước chè, nhưng nước trong veo), gió Lào thổi, bụi mù mịt, trên bát nước một màng bụi bám đầy. Tôi nhắm mắt cố uống cho chị an lòng và biếu chị 200 ngàn đồng. Anh em tôi ghé thăm nhà bác Tuân, cũng trong cánh họ Nguyễn, đúng lúc trên vai bác là gánh lá thông đầy mới đi cào ở núi Hồng Lĩnh về để làm củi. Mười mấy năm làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch huyện, lương hưu làm sao đủ sống. Bác mừng lắm khi gặp hai anh em tôi với bao nhiêu chuyện vui buồn.Tôi cười nhắc lại với bác:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Trên cầu tơ liễu, bóng viền thướt tha.
Những năm 60 lúc bác còn là cán bộ tuyên giáo, nói sẽ xây dựng quê hương Tiên Điền như Nguyễn Du đã viết.
Cách hơn đây 300 năm về trước vào triều Lê đã có câu ca dao nói về dòng họ Nguyễn Tiên Điền:
Bao giờ ngàn Hống ( núi Hồng Lĩnh) hết cây
Sông Rum (sông Lam) hết nước, họ này hết quan.
Có thể nói, một dòng họ đại quí tộc bậc nhất một thời, mà bây giờ cả dòng họ Nguyễn Tiên Điền là thế đấy, đang lụi tàn theo thời gian! Hay ông trời đã công bằng cho muôn họ - dòng họ nào cũng có lúc thịnh lúc suy.
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
( Ba trăm năm nữa ta đâu biết
Thiên hạ ai người khóc Tố Như).
Cụ Nguyễn Du ơi, dòng đời cứ chảy, đã bước sang thế kỷ 21 rồi, con không khóc Cụ mà khóc cho số phận của con đang sống nơi đất khách quê người, khóc cho cả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, chỉ mong sống một đời như Cụ.


Không có nhận xét nào:

Trang