26 tháng 2, 2013

Đại Thi hào Nguyễn Du: Những ngày cuối


Nguyễn Xuân Bách


Năm 1813, sau chuyến đi sứ lần thứ nhất trở về, Nguyễn Du được mệnh danh là nhà ngoại giao có tài và được nhà vua đặc cách thăng chức Hữu tham tri Bộ Lễ. Vào năm Canh Thìn (1820), Gia Long mất, vua Minh Mệnh lên ngôi, triều đình lại quyết đinh cử Nguyễn Du làm chánh sứ đi Trung Quốc cầu phong lần thứ hai.

 - Chuyến đi này thời gian ngắn, lại vào giữa mùa thu, để tránh trở ngại dọc đường, Nguyễn Du đã cho đoàn tuỳ tùng chuẩn bị rất đầy đủ phương tiện, quân lương và thuốc men. Hơn nữa, ông cũng muốn đi sớm, để trên đường sẽ dừng lại Kinh thành Thăng Long đón trăng rằm Trung Thu - nơi ông đã sinh ra và có nhiều kỷ niệm. Đoàn gồm có 20 người, yên ngựa, vọng, kiệu đã sΩn sàng để lên đường, quyết định của nhà vua cũng đã được trao vào tay Nguyễn Du. Vào thời điểm này có một bệnh dịch tả lớn đang lan nhanh. Sử triều Nguyễn thời đó còn ghi rõ: "Bệnh dịch tả từ Căm Pu Chia lan về vùng đất Hà Tiên và ra đến phía bắc Kinh thành Huế. Dịch bệnh lan đến đâu, làng xóm điêu tàn đến đó, nhà vua thấy cảnh dân tình chết chóc ảm đảm, đã xuất một số vàng bạc và các phương thuốc dự trữ trong kho cung cấp xuống cho dân, đồng thời ban cho các địa phương lập đàn tế lễ để cầu đảo. Nhưng rồi người chết vẫn cứ chết, nạn dịch năm đó có đến 20 vạn người chết". Ở trong Thành những đám tang cứ lặng lẽ nối nhau đi, Kinh thành Phú Xuân những ngày mùa thu năm Canh Thìn sống trong sự ảm đạm, nơm nớm lo âu. Nguyễn Du và một số người trong đoàn tuỳ tùng đi sứ cũng dính vào bệnh dịch, Nguyễn Du đành phải hoãn chuyến đi. Những ngày đầu ông cho là ốm đau bình thường và đơn giản, tạm nghỉ vài hôm lấy sức rồi lại tiếp tục lên đường. Ông nằm trị bệnh ngay tại nơi làm việc trong nội phủ Phú Xuân, nhưng những ngày sau bệnh tình không thuyên giảm, càng nặng thêm. Người ông như gầy rộc, đôi mắt hõm sâu, sức chống đỡ ngày càng yếu, chuyến đi sứ không thể nào thực hiện được, ông đã cử người lên báo với nhà vua cho người thay thế. Ở quê nhà, gia đình cũng biết tin ông đau nặng, nhưng do đường sá xa xôi, vợ con không ai vào chăm được. Túc trực bên giường bệnh của ông những ngày đau yếu có Nguyễn Ức - em ông và Nguyễn Thắng, người cháu gọi ông bằng chú ruột. Khi bệnh tình trầm trọng, ông được chuyển xuống khu gia cư giành cho các quan nội phủ, nằm phía sau cổng Thành Huế. Vào những ngày cuối cùng, sức khoẻ ông dường như cạn kiệt. Nằm trên giường con cháu đem thuốc cho, ông không chịu uống, người nhà sờ tay chân nói "đã lạnh cả rồi" ông vẫn bình tĩnh, thanh thản trả lời: "Thế là được". Nói xong, vài giờ sau ông lặng lẽ nhắm mắt, không nói thêm một lời trăn trối nào. Nguyễn Du mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820 (tức là ngày 10 tháng 8 âm lịch), hưởng thọ 55 tuổi. 

Khi nhận được tin báo Nguyễn Du mất, nhà vua rất thương xót, ban tên thuỵ cho ông là "Trung Thanh". Ngoài số tiền tuất được hưởng theo quy định, vua còn ban cho 20 lạng bạc, 2 tấm vóc đỏ, 30kg sáp, 300kg dầu thắp đèn và 1 câu đối để điếu: 



Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh sinh bất thiểm; 
Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tự do hương.
 
Nghĩa là:  Một kiếp tài hoa khi làm sứ, lúc làm khanh sống không hổ thẹn; 
Trăm năm sự nghiệp việc nhà, việc nước chết vẫn còn thơm.
 

Hai câu đối đó đến nay này vẫn được khắc lên phía trước Nhà thờ của ông. Ngoài ra, mẹ vua và em vua là Kiến Anh Công cùng các quan trong triều ai cũng thương tiếc, đều đến điếu và đặt lễ phúng viếng. Thi thể ông được quàn trong chiếc quan tài bằng gỗ vàng tâm. Vài ngày sau triều đình và người nhà đã tổ chức mai táng ông tại cánh đồng Bàu Đá, thuộc xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một nghĩa trang đẹp có địa thế cao ráo dành riêng cho quan nội phủ và các hoàng tộc trong triều lúc đó.
 
Đám tang đưa tiễn Nguyễn Du lặng lẽ, rất ít người đưa tiễn, vì bệnh dịch tả đang làm cho mọi người khiếp sợ, hơn nữa, khi đám tang vừa ra khỏi cổng thành thì một cơn mưa vần vũ ập đến, nước loang khắp cả mặt đường, dòng sông Hương hiền hòa cũng gợn lên từng đợt sóng...



Không có nhận xét nào:

Trang