29 tháng 4, 2015

Việt gian trong lịch sử

TÁC GIẢ: NGUYỄN NGỌC LANH
KD: Rất bất ngờ, bạn bè iu quí gửi cho bài viết này. Một bài viết hóm, hài, cứ tưng tửng, nhưng vấn đề đặt ra mang tính nghiên cứu lịch sử , thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Xin đăng lên để bạn đọc theo dõi, chia sẻ
————
Việt-gian là tên gọi dành riêng cho người Việt phạm tội “bán nước”. Muốn bán, phải có người mua. Người “mua nước” chỉ có thể là ngoại bang.
Khái niệm “bán nước” khá mù mờ. Thôi thì cứ tạm hiểu thế này: Đó là hành vi mưu lợi riêng bằng cách giúp ngoại bang chiếm được một phần hoặc toàn bộ các loại chủ quyền khác nhau của quốc gia. Bán rẻ tài nguyên là có tội, nhưng có thể chưa tới mức gọi là “bán nước”.
Âm mưu bán nước với hành vi thực tế bán nước là những mức độ rất khác nhau của tội phạm – cũng giống như “giết người” mới chỉ là âm mưu hay đã có hành vi thực hiện. Và nếu đã thực hiện, thì điều quan trọng nhất là hậu quả cụ thể. 
Thời xa xưa: Ca ngợi đế quốc và hoàng đế…
Một nước, nếu mua được (chiếm, hoặc thôn tính được) nhiều nước khác, bờ cõi được mở rộng, được gọi là đế quốc. Người đứng đầu đế quốc được gọi là hoàng đế, được lịch sử bản địa ca ngợi hết lời. Nói khác, làm nên nghiệp “đế” (mở mang bờ cõi) là thành công tột đỉnh của một cá nhân, đem lại vinh quang cho cả nước – với những trang sử hết lời tán tụng.
Sử ta ca ngợi vua Lê Hoàn “đuổi Tống, bình Chiêm” – mà không nói ông “xâm lược Chiêm”. Đó là quan niệm xưa kia. Lịch sử từng thán phục hoàng đế Thành Cát Tư (gây dựng đế quốc Mông Cổ), Tần Thủy Hoàng (đế quốc Tần), Pyotr Đại đế (đế quốc Nga)…
Về sau, từ “hoàng đế” bị lạm dụng. Vua nước bé xíu (chỉ lo bị xâm lược) cũng xưng “đế”. Cách đây trên ngàn năm nước ta đã có Đinh Tiên Hoàng Đế.
Thời nay: Tưởng là đế quốc, nhưng không phải…
Thời nay, từ “đế quốc” vẫn được sử dụng, nhưng nghĩa đã khác. Trước hết, chẳng vinh dự gì; do vậy, hễ bị ai gọi thế, cứ chối đây đẩy. Có trường hợp, ghét nước nào cứ vu cho là “đế quốc”. “Đế quốc Mỹ” liệu có phải là tự xưng?. 
Nhiều trường hợp, nhìn hình thức cứ tưởng đó là đế quốc (gồm nước chúa và các chư hầu), nhưng không phải. Liên bang xô viết gồm Nga (khổng lồ) và 14 nước lắt nhắt xung quanh, thoạt nhìn rất giống đế quốc thời Pyotr Đại đế. Nhưng không phải: Đó là 15 nước anh em, keo sơn không gì có thể chia lìa…
Tương lai: Thế giới đại đồng, xóa biên giới…
Phải tồn tại nhiều nước mới có thể sinh ra đế quốc. Trong tương lai, nếu lý tưởng được kiên định, thế giới sẽ “đại đồng”, không còn biên giới, không còn khái niệm đế quốc nữa. Đó là mục tiêu tối cao, tối hậu của CNCS. Để tiến tới đó, lực lượng (hoặc cá nhân) nào càng xóa nhanh biên giới, càng có công. Hoàn toàn dễ hình dung – nếu kiên định lý tưởng – sẽ tới một lúc các nước nhỏ quanh Nga đồng hóa Nga vào mình; Trung Quốc xin gia nhập các nước chư hầu cũ…
Chuyện trước mắt: Căm ghét “bọn” bán nước
Việt-gian chỉ đáng gọi là “bọn”, hoặc “bè lũ”: Bọn bán nước. Thật may mắn, tiếng Việt có vô số từ biểu cảm, nói lên lòng yêu ghét. “Bọn” nói lên sự khinh miệt. Xin nhớ rằng, “bọn” và “chúng” ở các sách (chữ Hán) xưa kia không hàm ý khinh rẻ. Nhưng dịch sang tiếng Việt – nhất là từ sau 1945 – các từ này mới mang ý nghĩa miệt thị và được sử dụng ngày càng nhiều, không những trong báo chí, văn thơ, nghị luận… mà cả trong khoa học: nhất là môn Lịch Sử. Các cháu học sinh cấp I và II khi học Lịch Sử đã gặp “chúng” “bọn”, bè lũ”… nhan nhản trong sách.
Nguyên nhân nào khiến từ “bọn” lên ngôi? Có lẽ trước 1945 chúng ta chưa phát hiện hết các loại kẻ thù (?), nay phải bổ sung cho đủ. Hoặc là, sau 1945 số kẻ thù của chúng ta cứ càng ngày càng đông đảo, khiến từ “bọn” càng đắc dụng?.
Căm ghét và cảnh giác với bọn bán nước đã thành tình cảm thường trực của dân Việt. Điều này có lý do. Bởi vì:
– Chống xâm lược là mảng nổi bật trong Lịch Sử nước ta. Mỗi khi bị xâm lược, chuyện cảnh giác với hành vi bán nước là tất nhiên. Hơn nữa, không ai công khai bán nước; cho nên luôn nhắc nhở không bao giờ là thừa. 
– Nội chiến cũng là mảng lớn khác trong Lịch Sử nước ta. Do “một mất, một còn”, mỗi phe đều phải huy động mọi khả năng – kể cả cầu cứu ngoại bang.
Chính do vậy, chúng ta đã chọn những nhân vật lịch sử “điển hình bán nước”, bắt họ sống mãi, để đời đời có đối tượng cụ thể mà nguyền rủa. Đây là “mặt phải” của vấn đề. Còn “mặt trái”? Đó là, tìm cách quy kết “phe đối địch” là bán nước. Chẳng biết quy kết đúng đến đâu, nhưng phe nào cũng cố làm cho dân tin như thế. Dường như cuộc nội chiến nào cũng có đấu khẩu “ai bán nước”. Đúng hay sai, có khi rất lâu về sau mới tỏ. Cứ tưởng quan tổng đốc Lê Hoan bán nước, té ra sai – khi hồ sơ của mật thám Pháp được giải mật.
Phải có vị trí tầm cỡ mới có thể bán nước
– Anh lính quèn tự ý đầu hàng địch: đúng là có tội; ví dụ, tội phản bội tổ quốc. Nhưng anh ta có rao ầm ỹ “bán nước” cũng chẳng ai dại mà bỏ tiền mua. 
– Một ông tướng đầu hàng quân địch thì chuyện đã khác. Nếu ông ta còn đem cả đội quân chạy sang phe địch thì chuyện lại càng khác. Thế là tội bán nước hay phản bội? Hay cả hai tội? Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, Trần Kiện đã đem cả vạn quân đầu hàng giặc – tội đáng chết vạn lần. Nhưng liệu trường hợp Trần Kiện (và các trường hợp tương tự) có dẫn đến mất nước không? Chưa chắc. Có người bảo, Trần Kiện đã “bán” cho giặc một cơ hội và Lịch Sử đã có nhiều bằng chứng.
– Trần Ích Tắc và Trần Kiện. Thực tế, khi hàng giặc Trần Ích Tắc chỉ đem theo gia đình; còn Trần Kiện đem theo cả đạo quân. Nếu (giả sử) vì Trần Kiện mà mất nước thì ngày nay Trần Kiện sẽ thành nhân vật điển hình bán nước, chẳng nhường cho Trần Ích Tắc. Nhưng thời Trần, nước ta không mất. Do vậy, đến nay, cứ 100 học sinh nhớ tên Trần Ích Tắc, có lẽ chỉ 1 học sinh biết đến Trần Kiện. Tại sao? Tại vì “tầm cỡ” hai người khác nhau trong vai trò bán nước. Nếu (giả sử) giặc Nguyên chiếm được nước ta, cần một một người đủ “tầm cỡ” làm vua (bù nhìn) thì Trần Ích Tắc là con bài phù hợp gấp trăm lần Trần Kiện.
– Sẽ rất nguy hiểm. nếu một người (hoặc một nhóm) nắm quyền lực tối cao mà rắp tâm bán nước. Hành vi bị che giấu cho tới khi khó cứu vãn. Lữ Gia, quan tể tướng 4 triều, khi phát hiện mẹ vua (Cù thị) âm mưu bán nước thì đã quá muộn.
Vai trò ngoại bang trong nội chiến ở nước ta
Mục tiêu muôn thuở là “đắc lợi”, nhưng mỗi khi can thiệp, ngoại bang giương lên những chiêu bài đẹp đẽ. Ví dụ, “bênh vực chính thống” – tức là xuất phát từ lòng hào hiệp, vô tư. Thời nhà Hồ, giặc Minh chiếm được nước ta dưới chiêu bài “diệt Hồ, phục Trần”. Hoặc chiêu bài “ủng hộ chính nghĩa” – tức là cùng theo đuổi một ý thức hệ cao cả.
Bằng chính những chiêu bài ấy, nhiều vua nước ta đã từng “giúp” Chiêm Thành, Chân Lạp mỗi khi nội bộ các nước này hục-hặc nhau. Vậy thì, vua Tầu ắt phải thành thạo bài học kinh điển đó gấp ngàn lần vua ta.
Vài trường hợp đã gặp
1) Trường hợp hai phe nội chiến ngang sức, cùng cầu cứu Thiên triều? Thiên triều sẽ không chối phắt phe nào, mà lừng khừng chờ đợi. Trong nội chiến Lê-Mạc, nhà Lê mất ngôi năm 1527, chỉ hai năm sau đã kiếm được người sang Tàu cầu cứu (1529). Rồi ngay khi vừa mới nhen nhóm lực lượng ở Thanh Hóa (1533) đã kịp cử Trịnh Duy Liêu đi cầu cứu lần nữa; nhưng nhà Minh vẫn chỉ ừ ào… Và đợi cơ hội. Trong khi đó, nhà Mạc cũng kịp sang nhà Minh tỏ ý thần phục, đồng thời tâu với nhà Minh rằng “vua” mà Nguyễn Kim dựng lên ở Thanh Hóa chỉ là kẻ giả mạo tôn thất nhà Lê… Rốt cuộc, nhà Minh đứng ngắm hai phe quần thảo suốt 60 năm. Máu chảy thành sông, xương chất thành núi. 
2) Nếu phe cầu cứu ngoại bang là phe đang lâm vào thế bĩ cực, cùng đường, cạn nẻo, thì… ngoại bang sẽ tùy hoàn cảnh và điều kiện mà lựa chọn.
a) Nếu nhân cơ hội này mà chiếm được nước thì không bao giờ bỏ lỡ. Đó là trường hợp nhà Thanh cử ngay 20 vạn quân sang “giúp” vua Lê Chiêu Thống. Thực ra, tình cảnh ông vua này chưa thảm hại bằng tình cảnh ông Nguyễn Ánh khi bị Tây Sơn bao phen truy đuổi sát gót, đã cầu cứu Tây. Sự khác nhau là khoảng cách địa lý.
b) Nếu giúp mà biết chắc không thể xoay chuyển tình thế thì… “xin đủ” (!). Đó là trường hợp sau khi Tôn Sĩ Nghị đại bại, Nguyễn Huệ đang hùng cường, vậy mà Lê Chiêu Thống vẫn vật nài “cứu tiếp” – với lý sự “suốt 200 năm qua, tổ tiên Chiêu Thống đã làm tròn chức phận bề tôi với Thiên Triều”. Té ra, ý thức hệ chẳng qua chỉ là chiêu bài của nhà Thanh, có thể vứt béng khi hết tác dụng.
3) Khoảng cách địa lý. Nước ta bao nhiêu lần là nạn nhân của ý đồ bành trướng chỉ vì nằm quá gần nước… bạn. Thời nội chiến Trịnh-Nguyễn, chúa Nguyễn hầu như bất cần, bất ngại nhà Minh, nhờ ở xa. Bầy tôi cũ của nhà Minh – khi muốn trốn nhà Thanh – đã tìm đến đất chúa Nguyễn, chứ không đến đất chúa Trịnh.
4) Hai ngoại bang khổng lồ, kình địch nhau, nhưng chưa dám xung đột trực tiếp (sợ thành chuyện lớn, không kiểm soát nổi); mỗi bên bèn giúp một phe trong nội chiến. Ví dụ, Mỹ và Liên Xô giúp Quốc và Cộng trong nội chiến Trung Hoa. Đây là chuyện của thời nay.
5) Trường hợp tổng hợp, ví dụ Nguyễn Ánh cầu cứu Tây khi hết đất cắm dùi. Khoảng cách: quá xa xôi, diệu vợi. Triển vọng cứu giúp: liệu có cứu vãn nổi số phận một kẻ cầu bơ cầu bất?. Mối lợi hứa hẹn: liệu có bõ với công sức bỏ ra…
Những “đấng” Việt gian có tên trong lịch sử
Phần tiếp theo, chúng ta thử đánh giá các “đấng” sau đây:
– Kiều Công Tiễn
– Ngô Nhật Khánh
– Trần Ích Tắc
– Lê Chiêu Thống
– Nguyễn Ánh
– Ngô Đình Diệm
Nguyên tắc xét xử ở đây là suy đoán có lợi cho bị cáo. Nhất là bị cáo (đã chết theo nghĩa đen, chỉ còn “sống” trong sách vở) hết cơ hội tự bào chữa
Một nguyên tắc “xét xử lại” ở đây là – nếu chứng cứ chưa rõ – cần suy đoán có lợi cho bị cáo; như vậy tránh được oan sai, nhất là bị cáo không còn cơ hội tự bào chữa.
– Một nguyên tắc khác là không dùng quan điểm thời nay phê phán các nhân vật thời xưa. Mỗi thời, mỗi xã hội có niềm tin, quan điểm và lẽ sống khác nhau. Cả xã hội thời xưa coi cướp ngôi là xấu, còn ngày nay coi “cướp chính quyền” là cách mạng.
Càng không dùng quan điểm của phe phái này để lên án phe phái đối địch – nhất là trong nội chiến.
– Nguyên tắc thứ ba: Ở đây, chỉ xét hành vi “bán nước”. Khi tổ quốc đã mất hẳn vào tay ngoại bang (không còn “nước” để mà “bán”) thì có thể phạm tội gì khác (ví dụ, tội cộng tác với giặc làm hại lợi ích của dân, của nước) chứ lấy đâu ra cái tội “bán nước”. ÔngHoàng Cao Khải không phạm tội “bán nước” – vì “nước đã mất từ lâu rồi”. Thậm chí đến nay có người còn thanh minh cho ông về quá trình “cộng tác với giặc đàn áp cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng“.
– Sử dụng Lịch Sử như một môn khoa học, để rút ra các bài học hữu ích; mà không lợi dụng Lịch Sử như một công cụ để làm chính trị.
Kiều Công Tiễn
Thời ông, chức tiết độ sứ và thứ sử do triều đình bên Tàu phong (từng nhiệm kỳ); còn hào trưởng (thủ lĩnh địa phương) là người Việt (hoặc đã việt-hóa) do gây dựng cơ nghiệp từ lâu đời mà có. Suốt 25 năm cả Kiều Công Tiễn và Dương Đình Nghệ đều là hào trưởng một châu, đều được họ Khúc – nhân danh Tiết độ Sứ – phong là thứ sử. Khi bên Tàu hết loạn (chia thành 10 nước) Khúc Thừa Mỹ (thiếu sáng suốt) đã thần phục nhà Lương (ở xa) mà “cứng đầu” với nhà Nam Hán ở ngay sát nách. Ông bị Nam Hán bắt mà không hào trưởng nào kịp (hoặc dám) cứu. Đây sẽ là cái cớ để sau này Kiều Công Tiễn đổ tội cho Dương Đình Nghệ.
Kiều Công Tiễn là hào trưởng và thứ sử châu Phong, cùng thời với Dương Đình Nghệ. Châu này rộng hơn, nhưng chủ yếu là đồi núi trung du, không trù phú bằng châu Ái của Dương Đình Nghệ (và sau này là Ngô Quyền). Thực lực của châu Phong không bao giờ đủ để nhòm ngó Đại La.
Khi Dương Đình Nghệ đem quân từ châu Ái ra chiếm Đại La, đuổi Lý Tiến về Tàu, chiếm chức Tiết Độ Sứ của ông ấy, rồi chuẩn bị đánh quân Hán sang cứu, Kiều Công Tiễn đã mang cả đạo quân từ châu Phong về Đại La hưởng ứng; trong khi Đinh Công Trứ, Đỗ Cảnh Thạc… chỉ tham gai chủ yếu bằng tài năng cá nhân. Có công lớn, Kiều Công Tiễn được phong thêm chức “tướng”, trong khi vẫn là thứ sử, hào trưởng. Thanh thế đứng ngay sau Dương Đình Nghệ. Gán cho Kiều Công Tiễn nằm trong số 3000 con nuôi của Dương Đình Nghệ là rất bậy.
Thực tế, Dương Đình Nghệ làm tiết độ sứ nhưng chưa chính danh – tức là chưa được triều đình bên Tàu phong cho. Ý thức dân tộc chưa đủ cao để ông vứt béng cái chức này, mà xưng vương. Cũng có lẽ ông chưa biết rằng triều Nam Hán không mạnh, thậm chí đang suy tàn, nên ông cứ cam chịu “tiết độ sứ” suốt 6 năm. Có lẽ “nếu” Nam Hán cho sứ sang phong ông “chính thức” làm tiết độ sứ, ông cũng mừng mà nhận… Tất cả, là những điều kiện để Kiều Công Tiễn nảy sinh tham vọng.
Khi Công Tiễn giết Đình Nghệ – với cái cớ “không cứu chủ họ Khúc” – đoạt chức Tiết Độ Sứ, ông vẫn mong được Nam Hán công nhận để có chính danh với các thế lực chống đối trong nước. Việc cầu cứu quân Nam Hán là vậy. Ông hy vọng, quân Nam Hán sẽ giúp ông chính thức làm Tiết Độ Sứ.
Dù xuất phát từ quan điểm thời xưa hay thời nay, Công Tiễn vẫn có tội – nặng hoặc cực nặng – mà công lao cũ không thể chuộc được. Ông bị giết là xứng tội. Sử sách ta ít nhắc vai trò “việt gian” của ông, vì chuyện đã lâu (thế kỷ X). Ngoài ra, ít còn tính thời sự. Để phục vụ việc chống Pháp (thế kỷ 19 và 20), người ta xây dựng các nhân vật hiện đại hơn: Nguyễn Ánh, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan… Đúng đến đâu chưa biết, nhưng (dù đã chết) họ vẫn phục vụ những mục đích chính trị nhất định. Cần nhất, làm cho ai cũng nhất trí nhận định.
Ngô Nhật Khánh
Về nhân cách riêng, ông là con người kiên định với niềm tin sắt đã và thực hiện nó với ý chí không gì lay chuyển nổi. Với loại người này, đối thủ không thể lung lạc được; do vậy, sẽ không thể dung tha mạng sống, và cũng không thể không kính phục và sợ hãi.
Ông Ngô Nhật Khánh tin rằng ngôi vua phải thuộc về họ Ngô, với chiến công mở ra nền độc lập cho nước ta. Hậu sinh chúng ta bị các nhà viết sử thuyết phục, chứ Ngô Nhật Khánh tận mắt thấy họ Ngô chống xâm lược, còn họ Đinh gây nội chiến. Công và tội khác nhau như trắng và đen. Do vậy, ông coi việc họ Đinh thôn tính cơ nghiệp họ Ngô là phi nghĩa, bất chính; là kẻ thù không thể chung sống.
Nếu chúng ta vẫn quen chê cười những người ăn phải “bả vinh hoa”, hay “bùa phú quý” mà quên lý tưởng, ắt chúng ta phải khâm phục Ngô Nhật Khánh. Nhà Đinh mua chuộc ông tưởng đã ở mức tột đỉnh: Mẹ ông trở thành hoàng hậu, bản thân ông trở thành phò mã (em rể Đinh Liễn) và cũng là anh vợ Đinh Liễn; nhưng ông vẫn không quên mối thù dòng họ Ngô bị tước đoạt cơ nghiệp.
Có người viết: Ngô Nhật Khánh “xẻo má” vợ. Đó là sự dễ dãi, nông cạn, do lòng yêu ghét. Xẻo má và rạch mặt là hai việc khác nhau. Lệ xưa thế này: dùng mũi nhọn của dao (hoặc kiếm) rạch nông lên mặt (đủ để thành sẹo vĩnh viễn) để cảnh báo, để nói lên quyết tâm, ý chí… Ngô Nhật Khánh đã làm như vậy với mục đích gửi một thông điệp sắt đá tới họ Đinh. Hiểu vậy, vấn đề sẽ đơn giản hơn là tán rộng về… sự dã man (!).
Phẩm cách một người là chuyện cá nhân, có thể đáng khâm phục – cũng là chuyện cá nhân với nhau. Lợi ích dân tộc mới là cao nhất. Trên quan điểm này, hậu thế lên án Ngô Nhật Khánh, là đúng. Và hậu thế ca ngợi đức thánh Trần (quên thù riêng) càng đúng.
Lên án Ngô Nhật Khánh mức nào? Ông có “bán nước” không? Ông làm quái gì có nước để mà bán (nước là của vua Đinh)?. Nhưng hẳn là ông đã thuyết phục rất giỏi và hứa hẹn “như thật” với vua Chiêm về những quyền lợi nếu ông lấy lại được nước. Cứ cho là hợp đồng đã được ký kết. Vua Chiêm đã đồng ý đánh bạc. Quân Chiêm đã được huy động trên thực tế, đã chuẩn bị đổ bộ lên đất ta. Nhưng hợp đồng đã bị Trời phá (bão). Chưa gây hậu quả cụ thể. Nếu Nhật Khánh không chết trong cơn bão, nếu ông không chạy thoát theo vua Chiêm, nếu ông bị vua Đinh bắt… (3 cái nếu) thì tử hình vẫn xứng với tội. Càng xứng tội, vì nước ta nhỏ, ngày đêm ngay ngáy lo bị xâm lược. Cảnh cáo nghiêm khắc là cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Trang