29 tháng 4, 2015

Hà Nôi-Sài Gòn: Sự thăng trầm của văn hóa ứng xử

Bài viết của bác TamHmong. 

Nhân dịp 40 năm sự kiện 30.04.1975 trên mạng có rất nhiều bài chia sẻ cảm nhận về Sài Gòn, về Miền Nam sau 1975, việc ai giải phóng ai, về sự khác biệt giữa Sài Gòn-Hà Nội ngày ấy và bây giờ. Đặc biệt trong văn hóa giao tiếp và ứng xử đô thị.
Sự khác biệt giữa Hà Nôi và Sài Gòn đã có từ rất lâu. Hà Nôi vào đầu thế kỷ 20 chỉ có khoảng 30-40 ngàn dân. Theo Wiki đến 1950 là 145.000 và năm 1954 còn 53.000 dân do nhiều người Hà Nội di cư vào Sài Gòn.
Cho đến những năm đầu 90 Hà Nội chỉ là một trung tâm hành chính, chưa bao giờ là một đô thi, một trung tâm thương mại và dịch vụ đúng nghĩa. Cách giao tiếp nhẹ nhàng thanh lịch huyền thoại của Tràng An – Hà Nôi xưa cũ về bản chất chỉ là văn hóa ứng xử của một tầng lớp rất mỏng trí thức khoa bảng, quan lại, nhà giầu nề nếp thời phong kiến, sau đó có thêm tầng lớp công chức trung cao cấp thời Pháp.
Văn hóa giao tiếp ứng xử này rất nền nã đẹp đẽ nhưng bao hàm sự phân chia đẳng cấp theo kiểu tôn ty trật tự ban phát. Nó rất cảnh vẻ, mong manh và không được xã hội nông dân “chém to kho mặn’’ ưa thích, tiếp nhận, thậm chí có thể nói là “thù ghét, chế giễu.” Thái độ “thù ghét” càng bộc lộ rõ hơn trong thời kỳ Cải cách ruộng đất ở miền Bắc 1953-1955.
Từ sau 1954 trong quá trình “nông thôn hóa tích cực” Hà Nội về mọi mặt (mở rộng địa giới, bùng nổ dân số cơ học, nếp sống tùy tiện xô bồ kiểu nông thôn không bị ngăn chặn, văn hóa giao tiếp cửa quyền kiểu hào lý được mang vào chốn công đường,…) cộng với nếp sống thời chiến và khó khăn kinh tế kéo dài làm cho nếp văn hóa ứng xử thanh lịch xưa cũ của Tràng An-Hà Nôi đã bị văn hóa “chém to kho măn’’ đè bẹp tuyệt đối. Vụ chen đạp kinh hoàng khi “tắm chùa” ở công viên nước Hồ Tây vừa qua là một minh chứng.
Từ trước khi Sài Gòn-Bến Nghé ra đời 1698 người Hoa thuộc tầng lớp tinh hoa phản Thanh phục Minh do các Tổng binh Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên lãnh đạo được Chúa Nguyễn Phúc Tần đồng ý cho định cư ở Nam Bộ (1679). Họ đã lập các Đô thị trung tâm sản xuất thương mại như Mỹ Tho đại phố, Cù lao phố Biên Hòa và thương gia người Hoa Mạc Cửu đã lập ra Trấn đô thị Hà Tiên (đầu thế kỷ 18 và xin thần phục Nhà Nguyễn 1708).
Khác với sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp ở đồng bằng sông Hồng lúc đó, người Hoa đã đưa kinh tế sản xuất hàng hóa để giao thương (buôn bán, xuất khẩu) vào đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm. Nhờ vậy, ở Miền Nam bước đầu đã hình thành văn hóa giao tiếp thương mại dịch vụ và phát triển rất thuận lợi trên vùng đất mới Nam Bộ màu mở, thiên nhiên ưu đãi, con người khẩn hoang cởi mở, rộng rãi và phóng khoáng.
Cũng xin nói thêm một ý là những người Minh Hương đi theo Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu khác với người Hoa ở Chợ Lớn trước đây và hiện nay đã tự hào được phục vụ Chúa Nguyễn, là công dân Đại Việt gốc Hoa. Họ đã lấy vợ Việt và con cháu họ đã hoàn toàn trở thành người Việt.
Thời kỳ thuộc Pháp, Sài Gòn với tư cách một cảng thị hàng đầu Đông Nam Á lại là đất thuộc địa nên sự phát triển công thương đã diễn ra rất mạnh mẽ so với các tỉnh thành Việt Nam khác. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước Sài Gòn đã là một đô thị đúng nghĩa với văn hóa dịch vụ thương mại phát triển.

Đầu 1954 trước khi có làn sóng di cư từ Miền Bắc vào dân số Sài Gòn-Gia Đinh đã là hơn 2 triệu người. Đến 1975 dân số Sài Gòn là gần 4 triệu với văn hóa giao tiếp thương mại dịch vụ phát triển như chúng ta đã thấy, nếp văn hóa đã làm kinh ngạc không ít người Miền Bắc vào Sài Gòn lúc đó.
Về bản chất đó là văn hóa giao tiếp thương mại dịch vụ của những người làm ăn và muốn làm ăn phát đạt. Nguyên tắc cơ bản của văn hóa này là tất cả phải đối xử với nhau tôn trọng và lịch sự. Hôm nay, ở đây tôi là chủ anh là khách hàng. Ngày mai, ở chỗ khác thì ngược lại. Không ai ban phát cho ai và không ai phải chịu ơn ai. Vì vậy, ở Sài Gòn không thể có “bún mắng cháo chửi” phong kiến cửa quyền như ở Hà Nội. Mặt khác, cũng có thể nói như các bạn trẻ hay nhận định người Sài Gòn lịch sự hơn và người Hà Nội tinh tế hơn.
Văn hóa thương mại dịch vụ của Sài Gòn đã được cả Miền Nam trước 1975 đồng thuân và tiếp nhận vì nó hợp lý, dân chủ, bình đẳng và sòng phẳng. Đó chính là nền tảng vững chắc của phong cách văn hóa giao tiếp và ứng xử kiểu Sài Gòn.
Tất nhiên so với 1975 nét văn hóa này đã ít nhiều “thoái hóa” do một thời đói kém, do tham nhũng phát triển, do bất đồng vùng miền và tác phong hào lý len lỏi vào chốn công đường,… Nhưng về cơ bản ngày nay văn hóa này vẫn được bảo tồn và được người nhâp cư vào Sài Gòn từ khắp mọi miền đất nước Việt Nam (trong đó khá nhiều từ Hà Nôi) tiếp nhận. Văn hóa “chém to kho mặn” từ bất cứ đâu đến Sài Gòn cũng bị văn hóa giao tiếp thương mại dịch vụ Sài Gòn đồng hóa.
Xét trên khía cạnh này thì hai chữ “giải phóng” của người Hà Nội dành cho người Sài Gòn là khiên cưỡng.
Tương lai nào cho văn hóa ứng xử Hà Nôi? Nhân dịp 10.10.2014 kỷ niêm 60 năm ngày Tiếp quản thủ đô 10.10.1954 nhà văn Vương Trí Nhàn một người Hà Nội gốc đã viết một bài với tựa đề “Hà Nội mất & được” . Trong bài này anh VươngTrí Nhàn hình như vẫn còn hy vọng là một ngày nào đó phong cách nhẹ nhàng thanh lịch huyền thoại của Tràng An-Hà Nôi xưa cũ rồi sẽ quay lại.
Bản thân tôi một người gốc Miền Nam, sinh ra ở Miền Bắc, lớn lên và trưởng thành ở Hà Nôi và tiếp nhận khá sâu sắc tư duy sĩ phu Bắc Hà có suy nghĩ hơi khác. Toàn bộ lịch sử Việt nam kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đưa quân đánh Chiêm Thành vào cuối thế kỷ 16 đến nay là một CUỘC NAM TIẾN VĨ ĐẠI. Cuộc Nam tiến này có lúc rất sôi động như các thế kỷ 17,18 hay là 1954 và 1975 thế kỷ 20 có lúc âm thầm nhưng không kém phần mãnh liệt như ngày nay.
Trong cuộc Nam tiến vĩ đại này người Việt không chỉ mở mang bờ cõi, không chỉ mở rộng không gian sinh tồn kinh tế, không chỉ giảm áp lực cho mình từ Phương Bắc, không chỉ tạo thêm cho mình không gian biển cả, đại dương rộng lớn hơn vịnh Bắc Bộ nhiều lần để giao thương, học hỏi.
Theo tôi người Việt còn tạo cho mình những giá trị văn hóa mới, trở thành khoan dung, rộng rãi và ôn hòa hơn và cuộc Nam tiến về nhiều phương diện nhất định sẽ còn tiếp tục tiếp diễn. Như chúng ta biết các giá trị văn hóa Việt dù có mang đôi chút tính vùng miền vào lúc này lúc khác thì đều là GIÁ TRỊ CHUNG, TÀI SẢN CHUNG của tất cả mọi người Việt Nam. Những giá trị mà chúng ta phải trả giá rất đắt để có được. Chúng ta phải bảo tồn và phát triển.
Nhưng đó là một câu chuyện khác. Xin phép đề cập vào dịp khác.
TamHmong – Moscow 4-2015

Không có nhận xét nào:

Trang