29 tháng 4, 2015

Việt gian trong lịch sử (phần tiếp )

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lanh
Đã bàn về 2 “đấng” Kiều Công Tiễn và Ngô Nhật Khánh, xin bàn tiếp về bản án lịch sử đã tuyên với Trần Ích Tắc từng bị coi là Việt gian cỡ đại. Xin nói ngay, “Việt gian” không phải từ ngữ do ta sáng tạo, mà nó bắt nguồn từ “Hán gian” để nói về những người Tàu đã cộng tác với quân Nhật khi chúng xâm lược Trung Quốc (1937-1945). Còn “bán nước” cũng vậy, nó dịch sang tiếng Việt từ thành ngữ Tàu “mãi quốc, cầu vinh”.
Nhắc lại nguyên tắc “xét xử”:
– Suy đoán có lợi cho bị cáo, nếu chứng cứ đòi hỏi sự suy đoán.
– Không dùng quan điểm thời nay phê phán các nhân vật thời xưa. Không dùng quan điểm của phe này để lên án phe đối địch – nhất là trong nội chiến.
– Chỉ xét hành vi “bán nước” đúng nghĩa. Từ năm 1945 đã lên án Phạm Quỳnh “bán nước” (đến nay chưa cải chính), khốn nỗi nước đã mất trước khi cụ Phạm sinh ra.
– Sử dụng Lịch Sử như một môn khoa học; không lợi dụng Lịch Sử để làm chính trị.
Dưới đây, thử vận dụng các nguyên tắc với ông Kiều Công Tiễn.
Đại Nam Quốc Sử diễn ca (thời Nguyễn) lên án Kiều Công Tiễn “giết cha”; Trần Ích Tắc “đầu hàng giặc”, mà không (thèm) nhắc gì tới Ngô Nhật Khánh, lại còn tỏ ra thông cảm với tình cảnh Lê Chiêu Thống. Xin đọc đoạn trích có 4 câu về Kiều Công Tiễn.
Dương Đinh Nghệ lại báo thù,
Đuổi người Hán, lĩnh châu phù vừa xong.
Nghĩa nhi gặp đứa gian hùng,
Kiều Công Tiễn lại nỡ lòng sao nên?.
Dương công xưa có rể hiền,
Đường Lâm hào hữu: tên Quyền họ Ngô.
Vì thầy, quyết chí phục thù,
Nghĩa binh từ cõi Ái châu kéo vào.
Hán sai thái tử Hoằng Thao,
Đem quân ứng viện toan vào giúp công.
Bạch Đằng một trận giao phong,
Hoằng Thao lạc vía, Kiều công nộp đầu.
Đoạn trên nói Công Tiễn là “nghĩa nhi” (con nuôi) của Đình Nghệ, vì giết cha nuôi mà phải “nộp đầu”. Diễn Ca chỉ lên án có vậy, mà không nói gì về tội phản bội quyền lợi dân tộc (đây mới thật là trọng tội).
Nhưng, như đã phân tích, 1) Kiều Công Tiễn không thể là con nuôi của Dương Đình Nghệ. Kiều thuộc dòng dõi thế gia nhiều đời; là hào trưởng kiêm thứ sử châu Phong không thể bỏ nhiệm sở và căn cứ địa mà lặn lội vào tận châu Ái để làm con nuôi cho một vị (cũng) hào trưởng, (cũng) kiêm thứ sử châu này… và cam phận đứng lẫn lộn trong đám 3000 con nuôi “láo nháo” của ông này. Không thể dễ dãi mà tin rằng ông này là con nuôi ông kia. Như vậy, Công Tiễn phạm tội “giết” nhưng không phải là “con giết cha”, khiến án thêm nặng.
2) Mặt khác, cách đây trên ngàn năm, vùng đất mà hôm nay ta quen gọi là “nước ta” thực ra – nếu đúng nghĩa – vẫn chưa phải là “nước ta” trên thực tế và trong quan niệm chung thời ấy (ý thức dân tộc chưa đủ cao). Quyền tự chủ (thấp hơn mức độc lập) mà vẫn chưa giành lại trọn vẹn thì khái niệm “bán nước” chưa thể định hình và sáng rõ như hôm nay. Hồi đó, dân ta đang đứng trước nguy cơ bị đồng hóa, cái hồn Việt chưa giữ nổi, hỏi còn cái gì mà “bán”?
Do vậy, thời ấy chuyện “bán nước” chưa nghiêm khắc như bây giờ. Hãy nhẹ án với Công Tiễn. Nếu dùng quan điểm năm 2015 để xử thì ông này đáng tử hình bằng tiêm 2 liều thuốc độc; nhưng dùng quan điểm thời ông sống, chỉ nên xử ông bằng 1 liều thôi. Nói thế để người khe khắt nhất với ông cũng hài lòng.
Diễn Ca có đoạn, trong đó câu cuối kết tội Trần Ích Tắc “đầu hàng”:
Bạch Đằng một cõi chiến tràng
Xương bày trắng đất, máu màng đỏ sông.
….. (nhảy cách một số câu)
Trần Bình Trọng cũng là trung,
Đành làm Nam quỷ, không lòng Bắc vương.
Khuyển ưng còn nghĩa đá vàng,
Yết Kiêu, Dã Tượng hai chàng cũng ghê!
Mà trong ngọc diệp kim chi,
Lũ Trần Ích Tắc sao đi đầu hàng?
Hành vi của Trần Ích Tắc được ghi lại bằng hai nguồn sử liệu chủ yếu: An Nam Chí Lược của Lê Trắc (người cùng thời) và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (phát hành năm 1697, sau khi Ích Tắc đầu hàng 400 năm).
Trong hoàn cảnh quân Mông Cổ hùng mạnh, tiến nhanh như bão và tàn bạo khét tiếng, lại “đông như quân Nguyên”… thì số lượng nhân vật quan trọng (do sợ chết) chọn cách đầu hàng giặc là không thấp. Khi chiến thắng, quân ta thu được một hòm “đơn xin hàng” của tôn thất và quan lại nhà Trần gửi tới đại bản doanh Thoát Hoan. Đó là những người sẵn sàng nộp mình, một khi quân Nguyên đánh tới.
Thật khó ước lượng một “hòm” chứa được bao nhiêu lá đơn xin hàng… nhưng số “đồng chí chưa bị lộ” này không thể nhỏ – về sau được Thượng Hoàng lờ đi. Còn số đã lộ mặt – tức là đã thực hiện hành vi – lại không nhiều lắm, nhưng bị trừng trị rất nặng – trong đó người có phẩm tước cao nhất là Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, ngoài ra còn Trần Kiện, Trần Lộng, Lê Trắc… Sau này, Lê Trắc viết bộ An Nam Chí Lược (khi sống lưu vong trên đất Trung Quốc), trong đó có một đoạn ngắn nói tới Trần Ích Tắc, đại ý là: Năm 1284 vua ta (Nguyên) sai Thoát Hoan tiến tới biên giới, vua An Nam kháng cự, bị thua, chạy. Em là Trần Ích Tắc quy thuận, vua thương tình phong là An nam Quốc Vương…
Đại Việt Sử Ký cũng viết: “Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong làm vua. Người Nguyên phong là An Nam Quốc Vương. Sau khi người Nguyên thất bại, Ích Tắc lòng hổ thẹn, chết ở đất bắc“. 
Đương thời xử tội
– Hãy xem nhà Trần xử Trần Di Ái: Năm 1281, nhà Nguyên đòi vua ta sang bệ kiến, vua lấy cớ “bị tật” cử chú là Trần Di Ái đi thay. Hai lần như vậy, nhà Nguyên bảo: Nếu vua có tật thì để Di Ái lên thay và cho Sài Thung đem 1000 quân đưa Di Ái về nước. Ta phục kích ở biên giới khiến Di Ái hoảng sợ, quay lại Tàu. Cũng năm đó, Di Ái về nước, bị xử tội “đồ” (làm lính). Vậy Di Ái mắc tội gì? Đầu hàng? Chả phải, được cử đi sứ, đâu phải tìm đến quân Nguyên để đầu hàng? Đường đường là vị sứ giả, nhưng nếu không nghe lời vua Nguyên thì mất mạng tức khắc. Chuyện giết sứ giả không hiếm.
Phản bội? Đâu có! Ông chỉ mong về nước và thực tế đã về nước. Thà chịu tội trong nước còn hơn sống lưu vong. Bán nước? Cũng chả phải, nếu ta đối chiếu với định nghĩa. Té ra, tình huống thế này. Khi được nhà Nguyên cử làm vua An Nam, không nhận thì khó sống ngay tại chỗ; còn cứ nhận sẽ khó sống khi về nước. Nhà Nguyên đưa ông về nước bằng 1000 quân, làm sao an toàn tính mạng khi trong nước đã chuẩn bị nghênh chiến với 30 hoặc 50 vạn quân giặc?
Tóm lại, tội của Di Ái là sợ chết. Ai cũng sợ chết, đó là quyền. Nhưng với cương vị đại diện cho nước nhà, Di Ái không có quyền sợ chết. Điều này sứ giả phải tự khẳng định khi nhận sứ mệnh sang triều đình kẻ thù. Nhiều vị sử giả đã không làm nhục mệnh vua. Đầy Di Ái làm lính, liệu ông có “cải tạo” để hết sợ chết?
Xử Trần Ích Tắc. Những quan chức hàng giặc đeeuf bị án tử hoặc tù đầy (nhiều người bị xử vắng mặt), tịch thu gia sản, tước hết danh vị và nếu là tôn thất: con cháu phải đổi sang họ khác. Thế là rất nặng. Nhưng với Ích Tắc thì khác, vì ông nhận vai “An Nam Quốc Vương” mà giặc muốn ông đóng.
Thực ra, khi chưa có giặc, Ích Tắc không bị ai phàn nàn gì về lòng đố kỵ, hoặc tỏ ra thèm khát ngôi vua. Trình độ học vấn thâm thúy (nho học), ông tự thấy mình (con thứ) không có số mạng làm vua, và đoạt ngôi là tội tru di. Đương thời, ông được ca ngợi về sở học, văn chương, tài hoa và rất ham khuyến học. Ông đầu hàng trước hết vì sợ chết – như nhiều người khác. Ông thuộc nhóm “các đồng chí bị lộ”. Nhưng khi nhà Nguyên trọng đãi ông và đem chức An Nam Quốc Vương ra dụ, ông đã nhận.
Một nguyên nhân là ông tin rằng Mông Cổ sẽ chiếm được nước ta, và từ đó ông thành phản bội. Ông bị trị tội đúng như những người khác, nhưng con cháu ông không bị đổi họ. Thật sự có tài, có phẩm cách cá nhân, biết xấu hổ, nên con đường tiến thân của ông bên triều Nguyên rất hanh thông (tước vương) và thọ tới 75 tuổi. Nhưng tên ông vĩnh viễn nằm trong danh sách những người phản bội mà Lịch Sử nước ta đã ghi lại. 
Dự đoán
Một khi nước ta còn phải bảo vệ nền độc lập, Trần Ích Tắc còn phải “sống”, sống lâu (trong sách Sử) để chịu sự khinh miệt, nguyền rủa – như một tấm gương xấu.
Phải đến khi có “thế giới đại đồng”, mọi dân tộc hòa đồng (1 người Việt hòa đồng với 13 đồng bào Trung Quốc), cùng nói một thứ ngôn ngữ (xác xuất rất cao là tiếng Trung), chúng ta mới cho phép ông này được “chết”.
Đấu tranh cho “thế giới đại đồng” hẳn là mạnh nhất ở Trung Quốc – trong số các nước chung lý tưởng hiện nay.
Vua Lê Chiêu Thống: Tư liệu mâu thuẫn về ông
Chiêu Thống sinh sau, nhưng là Việt Gian xếp trên Ích Tắc. Tuy nhiên, số phận 2 người rất khác nhau. Nếu Trần Ích Tắc chỉ bị nhà Trần và hậu thế khinh miệt, nhưng được nhà Nguyên trọng vọng tới cuối đời, thì Lê Chiêu Thống khốn khổ hơn nhiều: sống khổ, chết nhục. Trần Ích Tắc hưởng thọ vượt mức “xưa nay hiếm” (75 tuổi), đẻ ra đã sướng, sướng đến khi chết và cả sau khi chết (con cháu được vinh phong); còn Lê Chiêu Thống vắn số (27 tuổi), cha bị họ Trịnh giết, mới 6 tuổi đã bị chúa Trịnh bỏ tù 11 năm cùng mẹ và hai em trai, rồi lận đận, trôi nổi 2/3 cuộc đời; khi lưu vong thì con chết (tuyệt tự), bị nhà Thanh ghẻ lạnh, chết vẫn không yên… Nhưng đó mới là một chuyện.
Điều lạ, là ông vua này bị ném đá tứ phía, từ trên ném xuống, từ dưới ném lên, từ cổ chí kim, từ bạn đến thù, từ sử sách tới tiểu thuyết… Chế độ phong kiến – như Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, nhà Thanh, rồi các cựu thần – đều bôi bác ông ở các mức độ. Rồi chế độ mới – sau 1945 – càng dùng hình ảnh ông để thóa mạ phe quốc gia. Đây là những tổ chức từng hoạt động cách mạng (chống Pháp) trên lãnh thổ Trung Quốc; rồi sau năm 1945 khi thất thế trước sức mạnh của Việt Minh lại chạy trốn sang đó.
Điền hình là cụ Nguyễn Hải Thần và cứ tưởng chỉ mình cụ bị thế. Nhưng điều bất ngờ là ngay cả cụ Hoàng Văn Hoan (nguyên ủy viên Bộ Chính Trị) năm 1979 bị kết án tử hình (vắng mặt), được coi như hiện thân của vua Lê Chiêu Thống. Liệu có phải ông vua Việt gian này được nhiều người bắt chước?.
Buồn nhất trong số các ông vua cuối triều
Các vị vua cuối triều đều gánh chịu mọi tội lỗi “làm cho triều đại suy vong”. Bắt đầu từ vua Lê Ngọa Triều. Sau gần ngàn năm đến vua Lê Chiêu Thống là đau khổ nhất. Bởi lẽ, người đời chỉ tin vào vô số tư liệu “cùng chiều” về ông vua này – cứ như chúng tham chiếu hoặc sao chép của nhau – mà bỏ qua nguồn tư liệu trái chiều. Ví dụ, các sách lưu hành chính thức đều “cùng chiều” viết rằng… Thái hậu (mẹ vua) sang nhà Thanh “gào khóc” xin nhà Thanh xuất quân. Rồi, khi quân Tàu vào cõi, vua “đích thân” đem quan lại ra nghênh tiếp và đem trâu rượu ra khao”… Nhưng ngược lại, theo các tài liệu cá nhân (nhật ký, hồi ký, thơ cảm tác… của những người đi theo vua và theo thái hậu, như Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh, Trần Danh Án…) và văn bản chính thức trao đổi giữa các bên (nay còn lưu trữ) thì sự việc lại không phải như vậy.
Vài sự kiện liên quan
– Nạn nhân bi thảm của họ Trịnh. Họ Trịnh đã nhiều lần phế truất vua Lê, kể cả giết hại – nếu không vừa ý. Vậy thì, thái tử Duy Vĩ – cha của “bé” Duy Kỳ mới lên 6 (sau này là vua Chiêu Thống) – đã bị giết như vậy. Lên 6, vậy mà bị giam trong tù tới 11 năm, cùng 2 em trai và mẹ. Ra tù, do may mắn. Cũng do may, sau khi ra tù – vừa lúc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, thành công nhờ chiêu bài “phù Lê, diệt Trịnh”, rồi lấy công cháu Ngọc Hân – nhờ vậy Duy Kỳ được lên làm vua với sự tán thành của ông. Liệu có phải Nguyễn Huệ cần một ông vua non nớt?.
Dân tình Bắc Hà khi đó rất sợ quân Tây Sơn (gọi là quân “man”, coi Huệ là “ông Ác”, còn Nguyễn Ánh là “ông Thiện” (hai vị tượng trong chùa). Huệ hết sức giữ ý và tự thấy chưa thể thâu tóm quyền lực. Thái độ Chiêu Thống căm ghét họ Trịnh (đốt phá phủ chúa) là có lý, không đáng trách như sách viết
– Kinh phí 1000 làng. Sau khi Nguyễn Huệ bị Nguyễn Nhạc ra tận Thăng Long “lôi tuột” vào nam, vua Lê Chiêu Thống chỉ còn quản lý một gia tài thảm hại. Kho tàng trống, ngân khố rỗng, không quân đội, triều đình lèo tèo, không nhân sự giúp việc… Trước đây, chúa Trịnh cho phép vua Lê thu thuế của 1000 làng, nhưng làng thời đó rất nhỏ, hay mất mùa, nên số tiền và thóc thu về chỉ đủ kinh phí cho cái triều đình tí hon chi phí vào những khoản không thể đừng.
Thực lực như vậy, Chiêu Thống vẫn quyết gây dựng lại cơ đồ, nhưng sử sách cứ mô tả ông như người kém cỏi, thụ động, nhu nhược. Những bài thơ ông làm trong mọi hoàn cảnh không thừa nhận điều đó. Phải chăng, đây là cách quen thuộc của Sử Việt: Đề cao người thắng bằng cách hạ thấp kẻ bại? Biến chuyển xã hội quá nhanh, lại toàn là trái ý Chiêu Thống, có lúc ông đành dựa vào vào Nguyễn Hữu Chỉnh – bề tôi nhà Lê, nhưng đã đầu hàng Tây Sơn, nay đang mưu toan phản trắc Tây Sơn.
– Chạy thoát thân sau hơn một năm làm vua. Khi Vũ Văn Nhận ra Bắc trị tội Hữu Chỉnh, ông tự thấy liên lụy, phải bỏ chạy khỏi kinh đô, chỉ có lác đác tùy tùng đi theo, sống lẩn khuất trong dân, nay đây mai đó, chỉ lo bị bắt nộp cho Tây Sơn; lại còn lo cho mẹ, con và thân tộc không rõ phiêu bạt nơi đâu. Khi đó, đại gia đình ông và một số thành viên triều đình bị truy đuổi lên tận biên ải, liều mạng trốn sang đất Trung Quốc dù không có căn cước tùy thân, không có giấy phép nhập cảnh. Sự ghi chép của những vị tòng vong cho thấy tình cảnh bi đát, chỉ mong “không bị đuổi về nước là may”.
Theo văn bản Lê Quýnh để lại đến nay, đám người thân cô này chỉ mong trú ngụ ít lâu rồi kiếm được mảnh đất ở Cao Bằng, được Trung Quốc hậu thuẫn để yên thân ít năm, rồi tìm cách khôi phục (giống nhà Mạc). Không có chuyện thái hậu khóc lóc xin viện binh.
Tổng đốc Lưỡng Quảng (Tôn Sĩ Nghị) nắm lấy cơ hội lập công, đã dày công “sáng tác tình huống” báo cáo (sai) tình hình để vua Thanh chắc mẩm – nếu cử binh – sẽ chiếm được An Nam. Việc xuất quân đã nằm trong kế hoạch chứ không phải do nước mắt của một bà già, dù đó là thái hậu. Nhưng muốn chính danh (khỏi bị coi là xâm lược), Tôn Sĩ Nghị phải cử Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống về nước lùng sục tìm vua bằng được (hơn một tháng mới tìm được), để vua chính thức “thỉnh” quân Thanh vào nước.
Vua làm gì có “triều đình” mà kéo nhau tới đón đại quân trên đường đi? Lấy đâu ra ngân quỹ mà sắm sửa lễ nghi và trâu rượu để khao? Hoàng Lê Nhất Thống Chí bịa đến thế là cùng. Chỉ có điều khi cuốn tiểu thuyết này in ra, các nhân chứng (biết nó nói sai) đã chết từ lâu. 
Tại sao bị ném đá tứ bề? Ném từ xưa tới nay
– Khi vua Chiêu Thống lên ngôi, quan hệ giữa vua Lê và chúa Trịnh đã “một mất, một còn”. Đả kích nhau bằng lời lẽ là quá lịch sự. Chỉ có điều cả hai bên không tồn tại đủ lâu để viết sử thóa mạ nhau thêm nữa.
– Nguyễn Huệ đang là con rể vua Hiển Tông, nay ông lên ngôi Hoàng Đế (trước khi ra Bắc đánh quân Thanh), cho nên phải cắt nghĩa vì sao không “phù Lê” (như trước đây) nữa. Nếu không dại gì nói xấu Hiển Tông, thì chỉ còn một cách: đổ lỗi cho Chiêu Thống “thấp tài, mỏng đức”, không đáng làm vua. Triều đình Tây Sơn đã giải thích với dân Bắc Hà đúng như vậy, nhưng nó không đủ thời gian viết Sử. Sau này, những người viết sử ca ngợi Tây Sơn (như cụ Hoa Bằng và nhiều vị khác) đã làm giúp Tây Sơn vượt mức cần thiết, vượt cả Ngô gia trong sách Hoàng Lê. Một số sử gia còn lấy nội dung tiểu thuyết làm… sử liệu
– Các chúa Nguyễn vẫn tự coi mình có sứ mệnh phù Lê, diệt Trịnh (giấy tờ, văn bản đều dùng niên hiệu nhà Lê). Cứ làm như, suốt 200 năm họ chỉ có một hoài bão phù Lê. Nhưng khi thu phục sơn hà, không thấy Nguyễn Anh bỏ công lùng sục tôn thất nhà Lê để… trả lại ngôi. “Tiện thể”, ông ngồi luôn vào ngai; lấy niên hiệu là Gia Long. Chỉ cần cắt nghĩa với thiên hạ và hậu thế: thời vận của nhà Lê đã hết, lỗi là do ông vua cuối cùng đớn hèn, bất tài, thiếu đức… Sử sách nhà Nguyễn đã khéo léo, nhưng ít cần che giấu, thực hiện đúng ý Gia Long. 
Đánh giá
Bà mẹ nào cũng yêu con nhưng vẫn có thể – do dốt nát, bất cẩn, sai lầm – đã làm hại con; có khi tới mức phải đối mặt trước dư luận hoặc công lý. Mặt khác, cần công nhận có vô số cách yêu nước, tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người. Thật quái gở, chuyện độc quyền yêu nước và độc đoán đưa ra tiêu chuẩn yêu nước. Do vậy, Chiêu Thống yêu ngôi vua, yêu địa vị cao của dòng họ, nhưng có yêu nước?. Nhất là những người tòng vong, với lòng trung trinh vô hạn, với nguyện vọng gửi xương nơi quê nhà – cao cả nhất là Lê Quýnh – họ là những người trung quân, ái quốc – theo quan niệm và niềm tin đương thời.
Khi bị giam trong ngục vì không chịu dóc tóc, thay đổi cách ăn mặc, ông nói một câu để đời: Đầu ta có thể chặt, nhưng tóc ta không thể cắt; da ta có thể lột, nhưng y phục ta không thể thay. Ngoài ra, họ rất đáng được thông cảm, trong đó có cả sự thông cảm với sai lầm: Quá tin vào lòng tốt của ngoại bang, dù cùng ý thức hệ (đạo nho).
Nhà Thanh xuất quân là mưu đồ tính trước, lợi dụng cơ hội khi Chiêu Thống lâm vào bĩ cực. Dẫu vậy, trước hết vua Lê Chiêu Thống vẫn phải chịu trách nhiệm về việc ông sơ xuất trong bức thư gửi Tôn Sĩ Nghị (sau khi Sĩ Nghị cho người lùng ra nơi ông trốn) để quân Tàu kiếm được danh nghĩa vào nước ta.
Đây là cuộc xâm lược đúng nghĩa, nhưng sự phá phách và tội ác của giặc bị hạn chế đến tối thiểu là nhờ tài dùng binh “như thần” của Quang Trung. Đây là tình tiết giảm án cho bị cáo. Chuyện vua Chiêu Thống phải chạy theo Sĩ Nghị là đương nhiên – không phải cố tình theo giặc, mà do sợ chết trong đám loạn quân. Sang đến Tàu, ông vẫn còn vật nài nhà Thanh cứu giúp, khi biết bị lừa, ông chỉ còn nguyện vọng sau này đưa xương cốt về đất Việt. Như thế, ông có yêu đất Việt không?
Khi xử án vua Chiêu Thống, quan tòa (mỗi chúng ta) chỉ cần:
a- đủ thông tin để tái hiện sự thật khách quan; tránh bị ảnh hưởng của nhưng ý kiến thiên lệch, do tình cảm chi phối, hoặc do chưa sử dụng lý trí xét đoán;
b- dựa vào quan niệm và niềm tin của xã hội đương thời;
c- đặt mình vào hoàn cảnh bị cáo, để hiểu tâm lý và cắt nghĩa hành động cả bị cáo;
d- coi sự tồn vong của dân tộc là tối thượng.

Không có nhận xét nào:

Trang