22 tháng 4, 2015

50% lót tay vào công chức: Người dân nói sai làm gì?

Tác giả: Thành Luân
.KD: Tham nhũng đã là lỗi hệ thống, thì con số này cũng chẳng có gì lạ. Nó cho thấy tệ nạn tham nhũng làm mọt ruỗng xã hội một cách không thương tiếc. Nhưng có bác vẫn chỉ lo vỡ bình quý . Không chống nổi tham nhũng thì cái bình quý cũng dễ dàng trở thành bình sâu mọt. Nguy cơ là ở đó, các bác ạ :
—————
Ở nước ta, con số điều tra chỉ là số liệu tham khảo, nó chưa có sức mạnh gì trong công quyền.
Tin có lót tay để vào công chức…
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2014 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng phối hợp Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc công bố. Trong đó, phản ánh một thực trạng đáng lo ngại: Gần 50% người trả lời phải lót tay để vào công chức.
Trao đổi với Đất Việt về con số này, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, ông tin kết quả của các chỉ số này bởi cơ quan chủ trì điều tra là Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam; cơ quan phối hợp là Liên hợp quốc, họ rất có kỹ năng và trách nhiệm về điều tra, thăm do.
“Thế thì phải tin chứ! Còn người dân họ trả lời chắc chăn là có trách nhiệm và trung thực vì họ không có mục đích nói sai để làm gì”, ông nói.
Xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa .Dù vậy, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển cũng cho rằng, ở Việt Nam, con số điều tra chỉ là số liệu tham khảo, chưa có sức mạnh gì trong công quyền, thậm chí nó dễ bị bác bỏ do tính chất chỉ là thăm dò của nó. Trong khi một nền kinh tế tiền mặt như nước ta rất khó phát hiện tiêu cực, lót tay.
Đồng quan điểm, TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính tin rằng số liệu mà báo cáo PAPI đưa ra phản ánh phần nào thực trạng chạy công chức trong xã hội hiện nay, thậm chí trên thực tế con số chạy công chức có thể nhiều hơn.
“Nhà quản lý luôn mong muống những tồn tại như tham nhũng, lót tay, chạy việc sẽ dần bị đẩy lùi và hướng tới một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả, đúng như mục tiêu Chính phủ đặt ra trong đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ.
Đó là mong muốn nhưng thực tế cần nhìn vào những người muốn tham gia công vụ. Kể cả những người có năng lực khi xin vào công vụ vẫn thấp thỏm thấy người nọ người kia rỉ tai nhau có cách xin được chắc ăn dù không có năng lực. Thành ra, tự nhiên thấy người khác chạy thì người ta cũng chạy.
Bên cạnh đó, có những người năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng mong muốn được vào làm nhà nước vì làm nhà nước mang lại cho người ta sự ổn định. Vì năng lực không có nên người ta dùng những thứ khác để đạt được mục đích, dẫn tới việc chạy chọt.Về phía người tuyển dụng, dĩ nhiên bao giờ họ cũng phải làm theo quy trình vì nó đã được duyệt, đóng dấu và xác nhận. Tuy nhiên, họ vẫn tìm ra được khe hở nào đó để đưa những người không mong muốn vào. Bởi vậy, trong nhiều lần điều tra, khảo sát, phóng vấn về chạy công chức, người ta đều trả lời là có hiện tượng này”, TS Ngô Thành Can phân tích.
Lý giải sự trái khoáy khi nhiều người kêu lương công chức “ba cọc ba đồng” nhưng vẫn bỏ tiền ra để chạy vào nhà nước, TS Ngô Thành Can nhận xét, khu vực công vẫn hấp dẫn rất nhiều người. 
“Đúng là có một bộ phận nghĩ rằng ở khu vực này đến một lúc nào đó có thể kiếm được vì họ thấy nhiều người làm lương chỉ có thế nhưng vẫn có nhà to, có đất, có ô tô… và cho rằng hẳn người ta có cách để kiếm. Tuy nhiên, không hẳn là như thế! Có những người nghĩ vào khu vực công thì tương đối yên ổn, được nhà nước bảo hộ, làm theo ngạch bậc, có đuối một tý cũng không bị đuổi như khu vực nước ngoài, tư nhân, do vậy người ta cảm thấy an tâm khi vào đó. Lại có người chỉ cần có chỗ làm cho an tâm, thu nhập được đồng nào hay đồng ấy rồi cố gắng kiếm chỗ nọ chỗ kia…”.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển cho rằng, nguyên nhân sâu xa là do xã hội không đủ việc làm. Mà xã hội không đủ việc làm là vì kinh tế khu vực tư còn rất hạn chế, nó như con nuôi so với doanh nghiệp công trên đủ mọi khía cạnh. 
“Đây chính là nơi có thể dung nạp số lượng lao động lớn. Doanh nghiệp nhà nước hiện nay dường như chả khác gì cơ quan công quyền, nghĩa là việc làm đều có quan hệ đã lấp khá đầy rồi. Thứ hai, vì cái thứ nhất nên họ phải lao vào công chức trong hệ thống. Một là lương thấp còn hơn là không lương. Hai là một số cho rằng chỉ có công quyền mới có tiêu cực, nên nuôi hi vọng đó nên mới chạy chọt. Nếu không phải như vậy thì còn gì nữa?”.
… Nhưng sao chạy công chức tìm không ra?
Cách đây 3 năm, ông Trần Trọng Dực – chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã “tố” chuyện chạy công chức ra HĐND TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó các đoàn thanh tra đều không thể tìm ra được trường hợp nào chạy công chức.
Trước câu hỏi phải chăng người dân đã nói không chính xác nếu nhìn vào báo cáo PAPI 2014, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển thẳng thắn: “Nếu nói đến tham nhũng hay tiêu cực thường phải có sự câu kết, một người không làm được. Hơn nữa hiện nay giữa người làm tạm cho là họ sai, với người đi thanh tra đều trong hệ thống hành chính, họ là “anh em” với nhau nên rất khó”.
“Chỉ có thể có một cơ quan độc lập, họ thanh tra thì nhà nước phải trả tiền cho họ mới có thể có kết quả khách quan”, ông nhấn mạnh.
TS Ngô Thành Can cũng cho rằng, có những con số chính thức báo cáo khác với con số thực. Để minh chứng, ông mượn con số 1% công chức không làm được việc được một cán bộ báo cáo trước các cơ quan công quyền và con số 30% mà các phương tiện thông tin đại chúng dẫn lời một lãnh đạo cấp cao đưa ra. 
“Trường hợp này cũng thế, nó không thể chỉ ra được vì ai cũng cảm thấy phải làm cái này. Giống như trường hợp hỏi người dân về việc phải lót tay trong y tế. Một số bộ phận nói phải có lót tay, bộ phận khác bảo không. Nhưng hỏi những người lót tay thì chẳng ai nói, nó đã thành một thứ mà người ta quy ước với nhau rằng phải có, bởi vậy rất khó xác định. 
Vậy có phải người dân trả lời thiếu chính xác? Tại sao mãi không tìm ra chạy công chức? Đây là diều tế nhị vì ai cũng biết nhưng hông thể chỉ ra được. Nếu trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng và không nhằm vào ai cả thì người ta sẽ bảo là có. Nhưng nếu hỏi cụ thể thế nào, đưa cho ai thì người ta nói không biết. Do đó, phải tạm chấp nhận với nhau những đánh giá như thế”.
Để ngăn chặn, loại trừ tiêu cực trong thi tuyển công chức hiện nay, theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, cần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trước. 
“Đó là chuyển các dịch vụ công sang khu vực tư. Công chứng còn có văn phòng tư thì tại sao bệnh viện, trường học lại không làm mạnh mẽ được? Rất nhiều trường nghề, trường trung cấp, trường đại học chỉ dạy kế toán, kĩ sư xây dựng…có thể chuyển sang khu vực tư. Làm sao nhà nước cứ nuôi mãi thế? 
Khi đó hàng loạt công chức vốn phục vụ cho các cơ quan dịch vụ công, nay không phải làm nữa, thế thì nó bớt người đi. Tôi ví dụ: Trường công thì nhiều ngành có công chức phải có biên chế để làm đủ mọi việc phục vụ cho họ: tuyển dụng (có tiêu cực), phân công công tác (có tiêu cực); đề bạt (có tiêu cực chạy chức); khen thưởng kỉ luật, lương bổng, hưu trí, xây dựng cơ sở vật chất… Nếu nó là trường tư thì làm gì phải làm bao nhiêu việc đó? Thế thì số công chức sẽ giảm đi”, ông nhấn mạnh. 

Không có nhận xét nào:

Trang