23 tháng 4, 2015

Sau 20 năm Việt Nam thành ... “Con Rồng xì ke” (!?)

Vì sao sau 20 năm, con rồng Việt Nam vẫn…nghèo?
Những năm 1990s, Việt Nam đã có thời gian dài phát triển ngoạn mục, được mệnh danh là con rồng thứ 5 Châu Á, sau 4 con rồng là Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Thời gian là vàng, nhưng sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Namđứng thứ 7. Chỉ còn 8 tháng nữa, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức hình thành. Làm sao thức tỉnh con rồng Việt Nam, để gia nhập kinh tế ASEAN với những cơ hội và thách thức mới?
20 năm Việt Nam đã tiến đến đâu
Cách đây 20 năm, năm 1995 có rất nhiều sự kiện lớn đối với Việt Nam, đó là gia nhập và trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN, cũng đứng thứ 7 về thu nhập bình quân đầu người. Hai là, Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao, dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam, trở thành đối tác toàn diện. Ba là, ViệtNam ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu và xóa bỏ thế bị cô lập, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhiều nước .
Sau 20 năm gia nhập ASEAN và bình thường hóa với Mỹ, EU, mặc dù đã có những bước tiến rất dài, nhưng Việt Nam vẫn đứng hàng thứ 7 trong ASEAN, chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar.
Đại Kỷ Nguyên tính toán và có bảng số liệu trên cơ sở số liệu gốc mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) công bố. Lưu ý là, Việt Nam là nước thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn Lào, Campuchia và Myanmar, vì vậy đóng góp của FDI vào GDP là khá lớn, nếu loại bỏ FDI, chỉ tính GNP thì còn thấp hơn. Tính theo GDP (PPP) sức mua tương đương, thì Việt Nam cũng đứng hàng thứ 7.

Sáng đến chiều 19-4, Thanh niên leo rào vào Công viên nước Hồ Tây để tắm...miễn phí !
(Còn may là cây Hà Nội chưa bị chặt trắng!) - Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Hiện tại, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7/10 trong ASEAN, nhưng khoảng cách so với 4 nước đầu bảng là quá xa, kém Singapore gần 30 lần, kém Brunei 20 lần. Năm 1995, GDP bình quân đầu người Việt Nam bằng 48% của Trung Quốc, nhưng năm 2013, thì chỉ còn bằng 35,6% so Trung Quốc. Không những chậm hơn mà còn ngày càng cách xa. Bởi vì những năm gần đây Rồng Việt đang say sưa với những gì mới thoát nghèo.
20 năm qua, thế giới đã có những bước dài
Chỉ cần 15 năm để tạo ra thành phố Dubai hiện đại tầm cỡ thế giới. Năm 2000, Dubai đầu tư gần 600 tỷ USD để xây dựng tòa tháp cao nhất thế giới, hòn đảo nhân tạo lớn nhất, khách sạn xa xỉ nhất cùng nhiều công trình ấn tượng khác. Những công trình tiêu biểu ở Dubai còn là hệ thống tàu điện ngầm với 42 điểm dừng đã được hoàn thành trong thời gian 18 tháng; công viên giải trí Dubailand cũng sắp khai trương, rộng gấp đôi Disney Land của Mỹ, dự kiến sẽ thu hút khoảng 200.000 khách du lịch mỗi ngày; những hòn đảo nhân tạo khổng lồ như đảo Palm Jumeirah.
Singapore chỉ cần 50 năm để tạo nên một quốc gia có mức thu nhập rất cao trên thế giới. Thành lập năm 1965, từ một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, diện tích 700 km2, dân số gần 4 triệu người, đất đai là vùng sình lầy, cơ sở hạ tầng không có, Singapore đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế hàng đầu khu vực, với những tòa nhà chọc trời mọc lên san sát.
Năm 1975, nước Cộng hòa nhỏ bé Singapore, thực tế chỉ là một thành phố còn chưa nổi tiếng, còn kém xa Sài Gòn Hòn ngọc Viễn đông. Nhưng năm 1990 đã trở thành con rồng châu Á, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất, một trong 5 cảng bận rộn nhất và trung tâm tài chính quan trọng hàng thứ tư trên thế giới. Singapore có thu nhập bình quân đầu người cao thứ ba thế giới, hệ thống giáo dục, y tế công cộng, tính minh bạch của chính quyền và khả năng cạnh tranh kinh tế đều đứng vào hạng cao quốc tế. Hầu hết thành công đó được thực hiện chỉ trong 30 năm.
Trong 20 năm qua, thế giới có rất nhiều chuyển biến căn bản, đặc biệt là công nghệ tin học, mạng lưới internet, công nghệ thông tin, công nghệ biển, công nghệ sinh học đã làm thế giới chuyển mình từ nền kinh tế vật chất, sang nền kinh tế tri thức. Nhiều nước đã bước sang nền kinh tế tri thức với những bước tiến nhảy vọt không ngờ. Những nước phát triển đều có kế hoạch chuyển sang nền kinh tế tri thức.
Trong các số tiếp theo, Đại Kỷ Nguyên Việt Nam sẽ cùng bạn đọc đi tìm nguyên nhân thuộc về các nguồn lực phát triển kinh tế cả ở phía cung và cầu như: sử dụng tài nguyên lãng phí; chênh lệch giàu nghèo, 50% nông dân thuộc tầng lớp nghèo, không có sức mua, làm cho đường cầu không đạt giới hạn; nguồn lực con người chưa phát triển tương xứng cả về tầm vóc, trí tuệ, tay nghề…
* * *
Tiếp theo bài Con rồng Việt Nam trước và sau 2 0 năm, Đại Kỷ Nguyên sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu nguyên nhân vì sao Việt Nam vẫn nghèo.
Việt Nam sau 20 năm gia nhập ASEAN và bình thường hóa với Mỹ, EU, đã có rất nhiều cố gắng để thoát khỏi nước nghèo, nhưng vẫn đứng hàng thứ 7 trong ASEAN, chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Sau 20 năm, thế giới đã có những thay đổi cơ bản, chuyển sang nền kinh tế tri thức, còn ta thì vẫn không đuổi kịp các nước trong khu vực, khoảng cách càng ngày càng cách xa.
Làm gì để đất nước thoát nghèo? Đứng trước thách thức và cơ hội mới khi cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập, hãy vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước. Hãy biết quý tiếc thời gian và nguồn lực phát triển của đất nước. Một trong số những nguyên nhân nghèo là vì lãng phí.
Lãng phí trong xây dựng cơ bản
Ai cũng biết việc sử dụng ngân sách quá lãng phí từ khâu phân bổ nguồn vốn đầu tư, đến thi công thực hiện. Lãng phí thất thoát 30% trong xây dựng cơ bản đã trở thành phổ biến, người ta đua nhau xây dựng công trình lớn để có tiền lót tay hợp lý. Ai cũng biết rằng, một số công chức giàu lên mà chủ yếu là nhờ xây dựng.
Chuyện con đường đẹp nhất Tây Nguyên, nối từ cửa khẩu Bờ Y đến Quốc lộ 14 ở phía Bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – Kon Tum được đưa vào sử dụng 2009, dài 19 km, tổng vốn đầu tư hơn 900 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, “siêu lộ” có 6-8 làn xe, rộng 40-50 m này hầu như không có phương tiện qua lại. Người dân địa phương đã tận dụng con đường thênh thang này làm bãi phơi nông sản, lội bộ lên nương rẫy, tập lái ô tô, xe máy…!
Chuyện công trình Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam được xây dựng với kinh phí hơn 411 tỉ đồng, khánh thành 3/2015, mới khánh thành xong mà sân, nền đã hỏng, không có người đến, vì ở một vùng quê rất nghèo đói. Công trình đã gây không biết bao bức xúc trong dư luận.
Còn chuyện ném tiền qua các công trình xây dựng, dự án chợ, cầu đường, trường trạm, mương thủy lợi tại các địa phương thì vô cùng nhiều, các phương tiện thông tin thường xuyên đăng tải, nhưng vẫn không thấy giảm đi.
Lãng phí trong sử dụng đất đai
Đất là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển, nhưng kể cả đất đô thị và đất nông nghiệp đang bị lãng phí quá lớn, nhất là từ sau khi khủng hoảng bất động sản, thì các công trình dở dang, các khu đất quây hàng rào để không, rất lãng phí.
Chỉ riêng tại Sài Gòn, hiện có 348 khu đất với 1.170ha bị bỏ hoang, 285 khu cho thuê trái phép, 65 khu cho mượn không đúng pháp luật. Theo thông kê của sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết các tập đoàn, tổng công ty đang trực tiếp quản lí, sử dụng 410 khu đất với diện tích 6,3 triệu mét vuông, nhưng sử dụng đúng mục đích chỉ 2,5 triệu mét vuông, chiếm khoảng 39%. Số còn lại là bỏ hoang, cho thuê trái phép…
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số hơn 7,5 triệu héc-ta đất nhà nước giao cho các tổ chức, có đến hàng trăm nghìn héc-ta sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật, thậm chí còn dùng ma thuật biến đất công thành đất tư.
Một vấn đề nhức nhối khác trong sử dụng đất hiện nay là tình trạng phát triển sân golf tràn lan. Trong số 166 dự án sân golf hiện có thì 145 dự án được nhà nước cấp 52.700ha đất, bình quân mỗi sân rộng 300 ha. Nhưng một nửa trong số đó đang đắp chiếu, trong khi đất sản xuất nông nghiệp thì đang bị thu hẹp dần.
Lãng phí trong việc tổ chức lễ hội
Đất nước cần tập trung nguồn lực để phát triển thì chúng ta lại quá lãng phí tiền của, thời gian vào việc tổ chức lễ hội tràn lan ở cả trung ương và địa phương. Lễ hội lớn cấp quốc gia như đại lễ 1000 năm Thăng Long, tiêu tốn 10.000 tỷ, Lễ hội đền Hùng, lễ hội tại các tỉnh thành cũng tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Còn trong dân gian thì lễ hội quá nhiều, theo thống kê thì nhiều nhất thế giới, hàng năm thường lễ hội đến tháng 3 âm lịch mới xong.
Nói về lãng phí của Việt Nam thì rất nhiều, việc lãng phí đó đã làm thất thoát đáng kể các nguồn lực phát triển, trong khi các nước giàu như Nhật mà họ lại rất tiết kiệm, biết sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên để phát triển. Nên chăng chúng ta cũng cần tiết kiệm để góp phần đưa Việt Nam trở thành thịnh vượng?
Thành Tâm/(Đại Kỷ Nguyên VN)

Không có nhận xét nào:

Trang