17 tháng 3, 2014

Xã Cổ Đạm đón nhận bằng công nhận Đền Đông Giáp là di tích Lịch sử- Văn hoá cấp tỉnh

 Đồng chí Phan Thư Hiền, phó GĐ sở văn hoá trao Bằng công nhận di tích Đền Đông Giáp cho cán bộ xã Cổ Đạm
Xã Cổ Đạm – huyện Nghi Xuân vừa tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Đền Đông Giáp là di tích Lịch sử- Văn hoá cấp tỉnh. Đến dự lễ có đồng chí Phan Thị Thư Hiền – Phó GD sở Văn hoá Hà Tĩnh; lãnh đạo trung tâm văn hoá, bảo tàng tỉnh; đại diện các ban ngành cấp huyện.
Di tích Đền Đông Giáp được xây dựng vào năm 1866, dưới triều vua Tự Đức, thời Nguyễn. Toàn bộ khu vực đền toạ lạc trên cồn cát cao ven biển. Căn cứ vào gia phả các dòng họ ở Cổ Đạm thì Đền Đông Giáp được xây dựng để ghi nhớ công lao của danh tướng Nguyễn Bá Lân thời vua Lê, chúa Trịnh và ông Đặng Đại Nhân là những người đã có công mở đất lập làng cùng những cư dân đầu tiên cần cù bám biển sản xuất, khai khẩn ruộng vườn, dần dần gây dựng nên những thôn xóm đông đúc, trù phú vùng tổng Cổ Đạm.
Trước cách mạng tháng 8, vào ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm nhân dân vùng cửa biển tổng Cổ Đạm thường đến đây để tổ chức lễ tế các vị Thành Hoàng làng, làm lễ tế cá Ông, lễ cầu Ngư, cầu yên, nhằm cầu mong cho Quốc thái dân yên, mưa thuận gió hoà. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Đền Đông Giáp với vị trí nằm sát cửa biển là địa điểm hoạt động bí mật của các chiến sỹ Cách Mạng trong phong trào 1930 – 1931. Và là vị trí tiền tiêu của quân dân ta chống trả các cuộc tập kích bằng đường biển của địch trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Ngoài những giá trị lịch sử hiện thực, Đền Đông Giáp còn là một công trình Văn hoá mang đậm phong cách kiến trúc cổ thời Nguyễn với việc sử dụng các vật liệu truyền thống bản địa. Tuy thời gian xây dựng đã qua mấy trăm năm nhưng Đền vẫn tồn tại hầu như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Với những giá trị Lịch sử -Văn hoá của di tích, UBND tỉnh đã ra quyết định số 3396 công nhận Đền Đông Giáp là di tích Lịch sử- Văn hoá. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền nhân dân xã Cổ Đạm trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị một công trình kiến trúc cổ có ý nghĩa về Văn hoá- Lịch sử trên vùng đất Nghi Xuân địa linh, nhân kiệt.
                                                                                                             Hồng Quang

1 nhận xét:

Phan Văn Cương nói...

Theo tôi được biết:Nguyễn Bá Lân là người Họ Nguyễn Chắc rằng làng Vân Hải không lập đền thờ .Còn Đặng Đại Nhân là người khai sinh lập ấp ra làng Phúc Hải nên được dân tôn là thành Hoàng làng và đã được nhân dân xây dựng đền ĐỆ TAM (đặt ở xóm Vân Lạc đến năm 1963 vẫn còn)để thờ phụng ngài .Chúng tôi là hậu duệ sinh ra ở làng Vân Hải bây giờ Mới biết Cửa Điện là nơi thờ tự hai vị này( Theo bài báo đã viết).Do vậy để con cháu hậu duệ làng Vân Hải hiện nay và mai sau biết được chính xác đâu là sự thực ...Mong các vị có trách nhiệm hãy giải thích cho các thế hệ kế tiếp được rõ ràng ...Vì sau khi cải cách ruộng đất hầu như tất cả đền ,miếu đều được hợp tự về thờ chung ở đình làng Vân Hải hiện nay ( Kể cả đền Thượng tọa lạc ở xóm Hải Nam) cũng vậy.

Trang