23 tháng 3, 2014

Bài thơ "Chị dâu" của Vương Trọng

(Baonghean) - Vương Trọng sinh ra ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Nhà thơ đã có 12 tập thơ và trường ca được xuất bản. Bài thơ “Chị dâu” được đưa vào tuyển thơ của tác giả nhan đề Ngoảnh lại, Nhà xuất bản Thanh niên in năm 2001, cho thấy đây là một trong những bài thơ được người viết tâm đắc.
Nhà thơ Vương Trọng
Nhà thơ Vương Trọng
Bài thơ viết về chị dâu mở đầu bằng việc cho biết chị là người cùng làng:

Lớn lên cách mấy bờ rào
Một ngày vui, chị bước vào nhà em

Xưa nay có nhiều cách thể hiện khoảng cách giữa những người sống trong cùng làng xóm. Ở đây tác giả dùng cách ước lượng cách mấy bờ rào. Câu thơ diễn tả khoảng không gian gần gũi đồng thời mở đầu giọng thơ mộc mạc chân thành. Người Việt Nam thường nhìn nhận con người theo kiểu “quen nể dạ, lạ nể áo quần”. Chị là một thành viên mới của gia đình nên các em chồng quan sát như với người lạ:

Áo cánh nâu, quần lụa đen
Cặp ba lá, đường ngôi nghiêng mái đầu

Tất cả các chi tiết đều quen thuộc cho thấy đây là một thôn nữ nền nã một cách giản dị.

Phần dài nhất của bài thơ là để biểu hiện sự chịu thương chịu khó, đức hy sinh của chị dâu. Làm dâu nhà người, cô thôn nữ ấy không chỉ thay đổi nơi ở mà thay đổi cả chức năng và thân phận. Giờ đây 
chị phải chống chèo lo toan cho nhà chồng. Điều bất thường đó được người đọc thấy dần qua những lời tự sự giản dị:

Nhà chồng, chồng ở nhà đâu
Em chồng đông, mẹ chồng đau ốm nhiều

Nhà chồng vốn là một từ, được tác giả khéo léo và hóm hỉnh tách ra làm hai, tạo nên chút hờn dỗi: chồng ở nhà đâu. Đến đây ta hiểu thêm cách mấy bờ rào không chỉ diễn tả khoảng cách giữa hai nhà mà còn ngợi ca người thôn nữ tự nguyện đảm đương nỗi vất vả. Gia cảnh ấy chị nào có lạ gì. Nhưng vì có tình cảm với một người trai làng, chị trở thành ruột thịt của nhà bên ấy. Người đàn bà này sinh ra, lớn lên và tự nguyện làm dâu ở nơi thời tiết khắc nghiệt:

Quê mình cái nắng chang chang
Trận mưa tháng Tám lụt sang tháng Mười
Khi mưa dầm, lúc nắng phơi

Lâu nay đã có nhiều người nghiên cứu tính cách của người Nghệ, cắt nghĩa nó bằng cả yếu tố thời tiết nơi đây. Cách ứng xử thiếu mềm dẻo, thường cực đoan của nhiều con người xứ này có cả hơi hướng của thời tiết nắng lắm mưa nhiều, cả hai đều quá đà quá độ.

Một thân lầm lũi như cánh cò cánh vạc, gánh vác việc nhà chồng, năm này qua tháng khác phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt thì hệ quả tất yếu là thời trẻ trung qua âm thầm lúc nào không biết. Câu thơ nhỏ nhẹ chứa chất bao xót xa thương cảm.

Nhớ về những năm tháng nghèo khó, vất vả, nhân vật trữ tình chỉ đặc tả bữa ăn ngày giáp hạt. Ngày thường, chị dâu đã nhường nhịn miếng ăn cho lũ em chồng đông đúc vô lo. Trong ngày giáp hạt, tình cảnh trở nên cùng cực:

Cả nhà trừ bữa một nồi canh rau

Cả nhà chỉ có một nồi. Người Việt Nam gọi bữa ăn là bữa cơm, nghĩa là cơm đóng vai trò chính, canh là thứ phụ để đưa cơm. Vậy mà ở nhà nghèo này, phụ kiêm luôn chính, chỉ có một món, không thể ít hơn được nữa. 

Những vấn nạn của kiếp người cùng nhau ùa đến, đè nặng lên vai người phụ nữ nghèo. Cả cơn mưa chiều dường như cũng hùa vào khiến lòng người thêm trống vắng, lạnh lẽo:

Chiều mưa, gạo hết, mẹ đau cuối giường

Từ đầu bài thơ, nhân vật trữ tình em chỉ đứng ra kể và tả, đến đây mới trực tiếp giãi bày cảm xúc thương lắm chị dâu và cầu cho hoàng hôn đừng xuống trước khi chị về! Đó là sự diễn tiến cảm xúc hợp lôgic. Hình bóng chị dâu tần tảo, chịu biết bao khó nhọc vì gia đình chồng, trong đó có cả nhân vật đang hồi tưởng, khiến không chỉ người trong cuộc mà cả người đọc cũng xót xa thương cảm.
Nhà thơ đã diễn tả lôgic thông thường của đời sống mà không phải khi nào người ta cũng nhận ra. Người thôn nữ năm xưa bước vào gia đình này thoạt đầu như khách. Nhưng rồi nhiều năm tháng qua đi, cha mẹ chồng khuất núi, lũ em chồng như những cánh chim bay đi, chị trở thành ruột thịt thiêng liêng, như bến neo đậu cho những con tàu đi xa trở về:

Quê nhà tình chị giữ dành không vơi

Đời chị dâu, cũng theo quy luật thông thường của nhân sinh, có những đổi thay theo hướng tốt đẹp và cả những thay đổi không mong muốn:

Tóc giờ sợi bạc đã chen
Con đầu sinh cháu chị lên bậc bà

Không ít người lẫn lộn văn hoá với học vấn. Học vấn tính được bằng lớp, còn văn hoá thì không thể. Xung quanh chúng ta có nhiều người học vấn thấp nhưng cuộc đời họ toát lên những giá trị văn hoá cao quý. Người chị dâu trong bài thơ này cũng vậy. Chị không quen biểu lộ tư tưởng tình cảm bằng ngôn từ Dù thư không viết một lời nhưng luôn vị tha, luôn là người giữ nếp nhà:

Canh tư chị thức bếp nhà lửa nhen

Đến cuối bài thơ tầm vóc của người chị dâu được nâng cao, hòa nhập với đất trời quê nhà:

Ngoái nhìn núi dựng phía sau
Em tìm dáng chị cuối màu trời xanh.
                                                                                                                                 Phạm Tuấn Vũ

Không có nhận xét nào:

Trang