22 tháng 3, 2014

LỄ HỘI CẦU KHOA Ở NGHI XUÂN HÀ TĨNH


Đình tế tư văn (nằm trong khuôn viên Khu lưu niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du)
Từ xa xưa huyện Nghi Xuân là vùng đất nổi tiếng hiếu học và lắm người văn hay chữ tốt. Sách Nghi Xuân địa chí cho biết: “ con người sống trên mảnh đất này phần lớn đều ham chuộng học hành, tôn trọng lễ nghĩa”. Truyền thống hiếu học, dùi mài kinh sử được rèn dũa với ý thức hệ rất rõ ràng là học để tham gia thi cử làm quan, dạy học, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, làm nghề địa lý và bói toán.
Để khuyến khích việc học hành, thi cử nhiều làng xã ở Nghi Xuân đề ra hương ước phân bố ruộng học cho sĩ tử . Từ thời Lê, ở Nghi Xuân đã thiết lập đình Tư văn hoặc Văn miếu hàng huyện để chăm lo việc học hành của con em nơi cửa Khổng sân Trình . Sách Nghi Xuân địa chí chép: “Đình tế Tư văn ( Văn miếu) từ thời Long Đức, triều Lê về trước hàng huyện tế ở đình xã Xuân Viên. Đến đời Vĩnh Hữu (1735-1740) Xuân quận công Nguyễn Nghiễm bắt đầu cho dời về xã Tiên Điền”. Các xã thôn trong huyện đều thiết lập văn thánh hoặc văn chỉ.
Từ khi Văn miếu di chuyển về Tiên Điền, việc học tập của con em trong huyện ngày càng phát đạt. Tuy nhiên vào năm 1791, Hiệp trấn triều Tây Sơn là Nguyễn Quang Dụ cho binh lính về vây ráp xã Tiên Điền tìm bắt đồng đảng Nguyễn Quýnh đã phóng lửa đốt cháy Văn miếu này. Văn miếu chỉ còn lại mấy cái bệ thờ tiên hiền, tiên Thánh xây bằng gạch và 3 mặt tường vôi hàu. Khoảng năm 1795, Nghi đình hầu Nguyễn Nễ là con trai thứ 6 của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm bỏ tiền của ra sửa chữa lại đình Tư văn. Đến năm 1836, đời Minh Mệnh hội Tư văn Nghi Xuân xây thêm tòa bái đường, lợp bằng tranh do dân làng đóng góp. Năm 1838, xã Tiên Điền lợp ngói tòa thượng điện, đồng thời sắm thêm một bộ chiêng trống. Cũng năm đó hội Tư văn Nghi Xuân xây dựng thêm 2 dãy hành lang, lợp ngói để thờ các nhà khoa bảng hiển đạt có danh tiếng. Bấy giờ tri huyện Trần Vĩ vận động đốc thúc dân công đức tiền mua ngói lợp tòa bái đường. Hiện nay đình tế Tư văn được tu bổ, tôn tạo và bảo tồn tại di tích đặc biệt quốc gia Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa Thế giới.
Văn miếu, văn thánh là nơi diễn ra lễ tế đinh, tức lễ hội Tư văn tế Khổng Tử người khai sáng Nho giáo , mỗi năm làng xã tổ chức 2 ngày vào mùa xuân và mùa thu. Hội Tư văn huyện Nghi Xuân tế ở Văn miếu xã Tiên Điền. Vào năm 1795, khi sửa chữa Văn miếu có thông sức quy định trong huyện: “Người nào là con cháu thuộc dòng dõi có khoa bảng cũ phải nạp 3 tiền, người nào tuy là dân “ bạch đinh” nhưng có biết chữ phải nạp 10 tiền. Kể cả kết quả đóng góp trong lớp hiệu sinh được cả thảy vài trăm quan. Số tiền này cho vay lấy lãi. Mỗi năm đến 2 kỳ lễ tế Tư văn, số tiền lãi được giao cho lý dịch xã Tiên Điền biện xôi gà làm lễ cúng tế”. Các tổng Phan Xá, tổng Xuân Viên và tổng Đan Hải tổ chức tế riêng từng tổng. Ở tổng Phan Xá, định lệ 5 xã chia nhau mỗi năm một xã tế lễ Khổng Tử, địa điểm tổ chức không quy định. Về sau tổng này quy định lại điều ước dùng Văn miếu xã Phan Xá làm nơi lễ hội Tư văn. Các xã, thôn, trang khác ở Nghi Xuân đều làm lễ hội riêng. Làng Uy Viễn, quê cụ Nguyễn Công Trứ từ trước chỉ cúng lễ ở nền Xá Đàn .
Từ ý thức hiếu học đã phát sinh một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, có bản sắc riêng không lẫn với các vùng miền khác. Đó là lễ hội cầu khoa của sĩ tử Nghi Xuân trước khi mang lều chõng đến trường thi ứng thí. Lễ hội có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, tạo ra yếu tố tâm lý ổn định giúp sĩ tử tự tin làm bài thi xuất sắc. Lễ hội cầu khoa thường được tổ chức sau tết nguyên đán và trước khoa thi vào mùa xuân, hay thi hội, thi hương . Sách Nghi Xuân địa chí chép về lễ hội cầu khoa: “ Theo tục lệ thông thường, ngày đóng quyển người đi thi phải làm lễ cúng thần nhưng cũng có nơi toàn xã lễ chung. Xã Tiên Điền định lễ hai năm Mão, Dậu tổ chức hát xướng, thờ thần, gọi là lễ cầu khoa. Xã Tiên Bào ( Xuân Yên) quy định thi Hội lễ vào ngày khai hạ. Thi Hương lễ vào ngày kỳ phúc. Vào những ngày ấy buổi sáng kiêm làm lễ cầu khoa. Xã Phan Xá ( Xuân Mỹ) đến ngày lễ cầu khoa, các ông hương thân tắm rửa sạch sẽ túc trực ở đền rất thành kính. Ở xã Đan Phố ngày học trò vào trường thi và trước ngày xướng bảng, các ông hương thân túc trực tại Văn miếu để cầu khẩn cho học trò đậu đạt”.
Vùng trung tâm huyện Nghi Xuân có 4 làng nổi tiếng khoa bảng là Phan Xá, Tiên Điền, Uy Viễn và Tiên Bào. Đây cũng là 4 làng có nhiều danh nhân, dòng họ khoa bảng. Họ Lê Tiên Bào, họ Nguyễn, họ Hà, họ Trần Tiên Điền, họ Đặng Uy Viễn, họ Phan ở Phan Xá. Các xã này đều là vùng đất cát bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, năng suất cây trồng thấp. Vì thế trước đây để mưu cầu cuộc sống ấm no các cụ đã khuyên bảo con cháu chịu khó dùi mài đèn sách để lập thân, lập nghiệp kiếm kế sinh nhai từ học hành thi cử. Nhờ vậy nhân dân trong vùng có cuộc sống khá giả. Từ đó nhân dân trong làng đồng lòng đóng đậu tiền của xây dựng Văn miếu để tôn thờ đạo học. Văn miếu là nơi thờ đức Khổng Tử và những danh nhân khoa bảng nổi tiếng trong vùng.
Đại lễ cầu khoa được tổ chức ở Văn miếu, ngày nay gọi là nhà Tư văn 1 và 2 tại khu lưu niệm Nguyễn Du . Hàng năm chưa đến đại lễ thì quan chức các dòng họ khoa bảng, các gia đình có con em trước khi đi học đều thiết lễ đến Văn miếu tế tự. Phẩm vật phải thật sự tinh cẩn. Xin đơn cử một việc nhỏ. Ví như con gà dùng để thiết lễ phải được nuôi nhốt mấy ngày, trước khi hóa kiếp cho gà phải rửa đôi chân sạch sẽ, thắp hương khấn niệm mới được cắt tiết. Trước khi đến hành lễ mọi người đều phải tắm gội sạch sẽ mới được đến Văn Thánh của làng tế tự. Chính lễ có nhiều phẩm vật xôi thịt thường tế về đêm để tránh ruồi nhặng. Kết thúc phần lễ mới đến phần hội tổ chức ca hát. Ban đêm diễn trò Lưu Bình Dương Lễ ca ngợi tình bạn và tôn vinh đạo học. Ban ngày các cụ trong nhà đàm đạo thơ văn , ngoài sân đánh cờ tướng. Lễ cầu khoa có khi kéo dài 2 đến 3 ngày đêm .
Lễ hội cầu khoa là một nét đẹp văn hóa giàu chất nhân văn ở Nghi Xuân, nhưng hiện nay không được bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần hiếu học, cầu mong đỗ đạt thành tài năng phụng sự quê hương và đất nước. Tuy vậy dư âm của lễ hội cầu khoa vẫn lưu luyến trong nhân dân và tầng lớp con em hiếu học. Vào những dịp ngày lễ, ngày tết hoặc trước khi đi thi tốt nghiệp, tuyển sinh vào các trường đại học, nhiều con em Nghi Xuân đã về đình tế Tư văn ở khu di tích nhà thờ Nguyễn Du thắp hương cầu mong thi tốt đỗ điểm cao. Nét đẹp văn hóa này cần được phát huy trên quê hương núi Hồng sông Lam giàu truyền thống văn vật.
                                                                                                                       Đặng Viết Tường

Không có nhận xét nào:

Trang