2 tháng 7, 2013

Vào Đảng để làm gì?

Ngày 26-6, về dự hội nghị Sơ kết dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo, diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyên các cán bộ phấn đấu để được vào Đảng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở: “Vào Đảng không phải để lên quan, lên chức mà để thực hiện lý tưởng cao đẹp, đóng góp xây dựng đất nước“.
Ý nghĩa của câu nói rất hay và chắc rằng dân đều muốn cán bộ như vậy. Nhưng thực tế, cán bộ muốn lên chức phải là Đảng viên? Làm thế nào để cán bộ thay đổi đi suy nghĩ “cố gắng” vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp? Làm thế nào để Đảng viên trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp chứ không phải đây là “bàn đạp” hay là “điều kiện” để thăng chức như nhiều cán bộ có suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành động mất phương hướng?


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các trí thức trẻ tại Hội nghị tuyển chọn trí thức trẻ.

Đảng là niềm tin?
Từ khi Đảng được thành lập, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu người con ưu tú của nhân dân vào Đảng trước hết là để được đi tiên phong trong sự nghiệp giành độc lập tự do cho dân tộc. Mỗi đảng viên của Đảng phấn đấu hết mình, không sợ hy sinh tính mạng, tất cả vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Hàng vạn cán bộ, đảng viên được Đảng phân công vào các chiến trường gian khổ, biết trước ra đi chưa hẳn có ngày về nhưng không so sánh thiệt hơn, không đòi hỏi về quyền lợi vật chất cho riêng mình. Hàng vạn đảng viên bị địch bắt, tù đày và bị tra tấn dã man, nhiều đảng viên đã hy sinh anh dũng, đâu có tính đến chức, quyền danh vọng. Sống “sạch” và sống “đẹp” như thế thì dân nào không thương, không quí cho được!
Tuy nhiên, sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, nhất là từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường, Nghị quyết Trung ương III (khoá X) đã nhận định: “Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm”.
Thực tế cho thấy, không ít đảng viên, cán bộ vào Đảng không phải vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân mà vì quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Từ đó sinh ra chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, sửa tuổi, nói xấu, kích bác người khác, gây ra mất đoàn kết nội bộ. Khi đã giành được địa vị, quyền lực thì lo xoay xở bổng lộc, cấu kết nhau nhận hối lộ, tham nhũng tràn lan trong hệ thống chính quyền. Có cán bộ lãnh đạo lợi dụng chức quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho vợ con làm điều sai trái. Thế thì, làm sao dân không nghĩ tiêu cực “vào Đảng là để phục vụ lợi ích cá nhân” ?!
Trước những vấn đề nóng như thế này, không dưới 1 lần, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Đảng phải cương quyết loại bỏ ra khỏi Đảng một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng, thoái hoá biến chất, tham nhũng. Đây là cơ hội cho Đảng và nếu không sớm loại bỏ thì bộ phận không nhỏ đó lây lan ra rất rộng, dẫn đến nhiều nguy cơ như Nghị quyết Trung ương 4 đã bàn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của Đảng mà còn ảnh hưởng đến độc lập dân tộc. Đây là thử thách cuối cùng và nếu cơ quan phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư mà còn không làm được việc này thì không cơ quan nào có thể chống tham nhũng được nữa”.
Không để dân mất niềm tin vào Đảng!
Hiện nay, ngoài bọn phản động ra, có một số thành phần chống Đảng và kêu gọi lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những lý do họ quay lưng là vì có khá nhiều cán bộ, Đảng viên làm sai, bị tha hóa nên dẫn đến một số người dân mất niềm tin. Vì một cá nhân, một nhóm người làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả một đất nước mà ông cha đổ xương, đổ máu xây dựng thì không thể chấp nhận được? Những thành phần núp áo “Đảng” để làm chuyện đồi bại, phá hoại đất nước thì phải loại trừ và áp dụng hình phạt trừng trị cụ thể, để lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho những ai đã và đang, sắp là Đảng viên. Trước khi vào Đảng, lúc nào cũng có thời gian thử thách, trong thời gian đó, nên truyền thêm lửa về giá trị đạo đức để đoàn viên ưu tú – đối tượng Đảng được thông suốt. Phải nói ngay từ lúc đầu như Thủ tướng nhắc nhở: “Trí thức trẻ phấn đấu trở thành Đảng viên. Tuy nhiên, vào Đảng không phải để lên quan, lên chức mà để thực hiện lý tưởng cao đẹp, đóng góp xây dựng đất nước“.
Thủ tướng khuyên các tri thức trẻ trong ngày họp Hội nghị tuyển chọn trí thức trẻ: “Phấn đấu vượt qua khó khăn, có ý chí lớn nhưng hoàn thành tốt từng việc nhỏ, từng nhiệm vụ cụ thể để có niềm tin, uy tín với dân, chưa thành công cũng không nản chí”.
Thủ tướng cũng căn dặn cặn kẽ, việc tăng cường nguồn nhân lực trẻ có trình độ ĐH về các xã khó khăn thuộc các huyện nghèo là để cùng cấp ủy, chính quyền, mặt trận và nhân dân nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói thoát nghèo. Thế nên, “phải khiêm tốn, lắng nghe, tôn trọng và thương dân, gắn bó với chính quyền và nhân dân, đề xuất những việc cụ thể, thiết thực. Phải phấn đấu vượt qua khó khăn, có ý chí lớn nhưng hoàn thành tốt từng việc nhỏ, từng nhiệm vụ cụ thể để có niềm tin, uy tín với dân, chưa thành công cũng không nản chí.
Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Nó là một loại virus của quyền lực. Bất kỳ quyền lực nào về bản chất cũng chứa đựng mầm mống nảy sinh tham nhũng nên việc bổ nhiệm người trẻ, có trình độ, ưu tú, có lòng nhiệt tình, tinh thần tình nguyện về vùng đất nghèo khó – để xây dựng đất nước là hết sức cần thiết. Việc này, sẽ làm cho người dân tin vào Đảng hơn và niềm tin đó có sức bền vững hơn khi được “truyền lửa” từ những tình nguyện viên hăng say với công tác tình nguyện, đầy nhiệt huyết, không ngại dấn thân?! Mô hình này, cần nhân rộng và áp dụng rộng rãi. Đã đến lúc đào thải những thành phần Đảng viên mất chất, hại dân hại nước và thay vào đó là những cán bộ, thanh niên ưu tú, đoàn viên giỏi, có tài, có trình độ, phẩm chất đạo đức bền vững để chung tay đẩy lùi tham nhũng, xây dựng đất nước trở nên giàu đẹp hơn.
Một đất nước dẫu có nền kinh tế phát triển nhanh nhưng tham nhũng đầy ắp, tham ô hiện diện khắp nơi trong bộ máy chính quyền và con người ta phấn đấu vào Đảng chỉ là để “tiến thân” thì chắc chắn, đất nước đó sẽ lụi tàn, không thể nào tồn tại được. Giặc ngoài và giặc trong, cả 2 đều nguy hiểm tuy nhiên giặc trong nước nguy hiểm gấp bội so với giặc ngoài. Lý do chắc có lẽ mọi người cũng hiểu rõ. Thế nên, không thể để một cá nhân hay tập thể nào đó có bại hoại đạo đức nắm chức, nắm quyền. Càng không thể để niềm tin trong dân bị mất dần chỉ vì những “con sâu, con mọt” thích đục của công, làm no cái bụng còn đất nước ra sao thì … mặc kệ?
Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Trang