16 tháng 10, 2016

“NGHIỆP CHƯỚNG”

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng. Ảnh: VNE 
Những người làm toán thì thường giản dị, chân thật, trong sáng đến lạ lùng, đương nhiên với họ, mọi thứ khá xoàng xĩnh và cũng không có gì đẹp đẽ hơn là nghiên cứu toán học. 
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, một người làm toán chuyên nghiệp nổi tiếng trên thế giới, giành huy chương vàng toán quốc tế khi mới 14 tuổi, đến hôm nay tôi mới được thấy ông xuất hiện trông rất “bụi bặm”, dù trước đó tôi cũng đã có may mắn được một người bạn của ông (cũng là luật sư ở Hà Nội) bảo tôi gửi lời giải giả thuyết của mình cho ông, tôi đã gửi qua email và ông phản hồi lại khá hài hước là “số học không phải lĩnh vực của ông”. 
Tôi luôn yêu mến và dành một sự trân trọng đối với những người làm khoa học, nhất là toán học. Tuy nhiên, nước nhà không phải nơi để ươm mầm và phát huy tài năng của lĩnh vực này. Những người làm toán chuyên nghiệp không thể sống được với mức lương bèo bọt 3 – 5 triệu đồng/tháng, thua cả một anh công nhân hay chị osin giúp việc. 
Trong khi đó, toán học là lĩnh vực chi phối rất lớn, mặc dù âm thầm, mọi mặt trong đời sống, nhưng được trọng dụng đặc biệt ở những nước văn minh như phương Tây hay Mỹ, thì lại bị đối đãi khá khiêm tốn và gần như bị bỏ quên vì “không làm ra của cải trực tiếp” ở nước này. 
Ông Lê Bá Khánh Trình vang danh một thời rồi cũng chỉ làm ông giáo già lọ mọ ở trường Đại học Sư phạm TPHCM bao năm qua để rèn luyện những lứa gà nòi đi “chọi” toán quốc tế IMO. 
Viện nghiên cứu Toán học ở Hoàng Quốc Việt, trông rất khiêm tốn và hiu hắt vì sự im ắng của nó. Tôi đã đến đó 3 lần với ý định gặp trực tiếp giáo sư Hoàng Xuân Phú để trao đổi và để lại lời giải cho thầy kiểm tra, nhưng cả ba lần đều không gặp. Ngay cả một tạp chí lâu đời và quen thuộc như Toán học và Tuổi trẻ, nằm gọn lỏn trên tầng 4 một toà nhà rất cũ kỹ trong ngõ 187 Giảng Võ, và chỉ có năm ba thầy ở đó để biên tập, làm bài, trông rất sơ sài, thiếu thốn. 
Tôi không hiểu, rồi nền toán học nước nhà sẽ có còn là một dấu chấm nhỏ như trong nhận định của một nhà khoa học người Mỹ dành cho Việt Nam hay không, hay rồi sẽ chìm hẳn trong nền văn minh ngày càng biến thiên quá nhanh chỉ trong một cái chớp mắt là đã có một bước tiến dài ra ngoài vũ trụ? 
Tôi cũng đã chỉ ước rằng, mình có thể quẳng bỏ hết những gánh lo cuộc sống này sang một bên để chỉ ngồi một xó mà giải toán cho thoả đam mê thực sự của mình, và tôi càng không mong muốn sa lầy trong những mâu thuẫn xã hội, sự sa sút kinh tế, sự tha hoá văn hoá, con người, sự ngập lụt tư tưởng trong nền giáo dục lạc hậu và cả sự bất công đầy phi lý cứ dồn đẩy nhiều tầng lớp người ngày càng khốn cùng hơn. 
Phải chăng, đây là nghiệp chướng nó phải trải qua mà không thể khác trước khi có thể trở mình để lớn lên trên sự văn minh?

Không có nhận xét nào:

Trang