13 tháng 10, 2016

BÀN THÊM VỀ BẠO LỰC CỦA CÔNG AN

Nguyễn Đình Cống
Công an nhân dân luôn là nỗi kinh hoàng của người dân. Ảnh: internet
Ngày 11 tháng 10 trang Ba Sàm có đăng bài “Về bệnh nghiện bạo lực của ngành công an”. Bài báo đã nêu ra nhiều hành động của CA hoàn toàn giống bọn côn đồ chuyên nghiệp, đáng phẫn nộ, lên án và truy tố (chứ không phải hành động của những người bạn dân).
Bài báo cũng phân tích nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các việc làm như vậy. Đó là là từ lãnh đạo Bộ Công an và từ Bộ Chính trị của ĐCS. Họ xem những người trong nhân dân yêu công lý, đấu tranh cho dân chủ, chống lại cường quyền, chống bọn Formosa và bè lũ bành trướng Trung quốc đều là phản động, đều là kẻ thù của Đảng, của chế độ, cần phải triệt hạ. Họ huấn luyện cho CA những thủ đoạn trấn áp, và khi những chiến sĩ CA hoặc lực lượng bổ sung có dùng bạo lực quá tay, gây ra tội ác thì lại được cấp trên, được lãnh đạo bao che. 
Nhận định như vậy là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Tôi muốn bổ sung thêm 2 nguyên nhân sau: sự bức xúc nội tại và thú tính được cổ vũ.
1- Sự bức xúc nội tại. Nhiều tin từ ngành CA lọt ra cho biết để có một chân làm nhiệm vụ trong ngành, phải chạy hàng trăm triệu, và mỗi ngày làm việc phải có khoản nộp lên cấp trên theo mức khoán. Để có việc làm phải bỏ vốn ra để chạy. Vậy khi làm phải ưu tiên cho việc thu hồi vốn. Ngày nào thu được nhiều thì vui vẻ, phấn khởi, ngày nào thu được ít thì cau có, tức giận. Những lúc bị huy động đi trấn áp người biểu tình hoặc bắt một người nào đó tay không (không có hoặc không kịp dúi cho vài tờ) thì coi như không thu được gì. Thế thì càng tức giận. Vì chúng mày mà ông phải mất công, mất thu nhập. Dân ta đã có câu “giận cá chém thớt”. Đánh người để hả cái giận trong lòng.
2- Thú tính được cổ vũ. Trong con người chúng ta vẫn tồn tại một số thú tính. Đơn giản nhất là thích xem và khuyến khích đồng loại tranh giành nhau, đấm đá nhau, cao hơn một chút là thích thể hiện sức mạnh và quyền lực đối với người khác. Khi có nền giáo dục nhân bản thì thú tính giảm đi, khi có nền luật pháp công minh thì người ta sẽ kiềm chế để thú tính không bộc lộ. Nhưng khi nền giáo dục lệch hướng, khi luật pháp buông lỏng thì thú tính trong con người dễ dàng trỗi dậy. Chẳng thế mà chúng ta chứng kiến bạo lực khắp nơi, trên đường phố, trong gia đình, tại học đường, tại những nơi cưỡng chế đất đai. Đối với CA thì bạo lực còn được khuyến khích, được dung túng và bao che, thì thú tính trong con người càng phát triển. Được tự do đánh người là để thỏa mãn thú tính, thể hiện quyền lực.
Nạn bạo lực trong xã hội, đặc biệt bạo lực trong CA là một trong những tai họa của dân tộc hiện tại (cùng với những tai họa khác như dối trá, tham nhũng, xuống cấp về giáo dục và đạo đức, oan sai của dân, thực phẩm bẩn v.v…). Về những vấn đề đó tôi đã có kết luận là: “Nguyên nhân gốc của mọi tai họa là do sự kết hợp, sự cộng hưởng giữa một bên là một số yếu kém trong nền văn hóa dân tộc và một bên là những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê nin”. Những nguyên nhân đã được nêu trong bài “Về bệnh nghiện bạo lực của ngành công an” và bổ sung trên đây, chính là sự kết hợp đó.

Không có nhận xét nào:

Trang