11 tháng 4, 2016

Quyết tâm của Bí thư Thăng: TP.HCM đang mặc áo quá chật

(Diễn đàn trí thức) - TP.HCM không nên hướng tới mô hình đặc khu kinh tế mà cần tổ chức ngay chính quyền đô thị theo kiểu thành phố trực thuộc.
Đây là quan điểm của ĐBQH Trần Du Lịch trước việc TP.HCM muốn trở thành đặc khu kinh tế, sánh ngang đặc khu kinh tế Thượng Hải của Trung Quốc.
PV:- Thời gian gần đây, dư luận bày tỏ sự đồng tình với quyết tâm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc xây dựng đặc khu kinh tế tại TP.HCM. Tuy nhiên, ông lại cho rằng, TP.HCM nên hướng tới mô hình chính quyền đô thị. Tại sao vậy, thưa ông?
ĐBQH Trần Du Lịch: Tôi ủng hộ tinh thần của Bí thư là TP HCM nên có đột phá về thể chế để TP.HCM phát triển. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là TP.HCM không nên xây dựng theo mô hình đặc khu kinh tế mà cần xây dựng bộ máy quản lý theo mô hình chính quyền đô thị đầy đủ giống như Thượng Hải (Trung Quốc).
ĐBQH Trần Du Lịch
Tôi nhấn mạnh, TP.HCM nên đi theo mô hình thành phố trực thuộc trung ương, tăng tính tự quản, tự chủ cao giống như Thượng Hải, Trùng Khánh, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác trên thế giới, không phải mô hình đặc khu như Thẩm Quyến hay Vân Phong, Vân Đồn, Chu Lai của Việt Nam.
Vì sao tôi nói vậy? Bởi lẽ, cơ chế quản lý của TP.HCM như bây giờ giống như cơ chế quản lý của một tỉnh, không còn phù hợp với một thành phố với hơn 10 triệu dân nữa. Nó giống như chiếc áo quá chật với một cơ thể đã đủ lớn mạnh.
Nếu xây dựng TP.HCM như mô hình chính quyền đô thị theo kiểu bốn thành phố trong một thành phố sẽ xác lập rõ ràng đâu là trách nhiệm, quyền hạn thuộc trung ương và đâu là trách nhiệm, quyền hạn thuộc địa phương. Nói cách khác, chính quyền đô thị sẽ giúp nâng cao vai trò của cơ quan dân cử tại TP.HCM, tăng tính tự chủ, tăng khả năng tự chịu trách nhiệm, xác lập quyền tự quyết của địa phương.
Trên thực tế, mô hình chính quyền đô thị đã từng được nói tới từ rất lâu. Tôi cũng từng được giao xây dựng đề án chính quyền đô thị cho TP.HCM, tuy nhiên, khi đó còn vướng mắc quá nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý cũng như việc xác định khái niệm chính quyền đô thị còn quá mới mẻ, lạ lẫm.
Đến nay, vấn đề này đã dần được tháo gỡ, việc TP.HCM quay lại mô hình chính quyền đô thị sẽ có những thuận lợi nhất định. Về mặt pháp lý, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và sau này là Nghị quyết 16 có một đoạn rất quan trọng, nói rõ rằng "Vấn đề gì mà luật pháp chưa quy định, hoặc quy định không phù hợp thì đề nghị Chính phủ cho TPHCM làm thí điểm". Ngoài ra, Luật Chính quyền địa phương đã cho phép tổ chức thành phố trong thành phố.
PV:- Mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM hướng đến cụ thể như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Trần Du Lịch: Thứ nhất, nên xâu dựng mô hình 4 thành phố trong một thành phố, cụ thể là thành phố Đông - Tây - Nam - Bắc để nâng tính tự chủ của các thành phố đó, giảm tải cho chính quyền một thành phố là TP.HCM.
Thứ hai, thực hiện ba cơ chế minh bạch: phong quyền, phân cấp, và ủy quyền.
Ba là, trong đề án, TPHCM tiếp tục nghiên cứu nâng trách nhiệm giám đốc các Sở, không chỉ còn là cơ quan tham mưu, dễ thì làm khó thì đẩy sang UBND. UBND chỉ giải quyết những vấn đề khó, vượt thẩm quyền các Sở.
Trong mô hình chính quyền đô thị thì tôi nhấn mạnh tăng vai trò của Hội đồng nhân dân trong quyết định và giám sát để bớt cơ chế xin cho, tạo động lực cho thành phố phát triển.
Cái khó khăn hiện nay là quy định có nhưng chưa minh bạch rõ ràng. Ví dụ Hiến pháp 2013 đã mở ra quy định chính quyền và cấp chính quyền. Tuy nhiên khi làm Luật Chính quyền địa phương thì chỉ quy định cấp chính quyền. Đấy là điểm mà Hiến pháp mở ra, song luật lại khép. Do vậy, đây là điểm mà TP HCM cần tiếp tục kiến nghị.
Nếu Luật Chính quyền địa phương chế định cả hai cấp thì Chính quyền sẽ giúp TP HCM tổ chức các cơ quan chính quyền thay vì một cấp chính quyền quá cồng kềnh mà không có tính tự chủ.
PV:- Vậy theo ông, để theo đuổi mô hình này, TP.HCM phải làm gì?
ĐBQH Trần Du Lịch: Thứ nhất là phải có được đồng thuận. Khó khăn ở đâu sẽ tháo gỡ ở đó, không phải thấy khó mà bỏ.
Thứ hai, so sánh, hoàn thiện nội dung đề án với Nghị quyết, luật pháp hiện hành, nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ ba, tiếp tục đề xuất một số cơ chế mà trước đây đã từng đề nghị, bây giờ cần tiếp tục đề xuất, hoàn thiện. Quan trọng vẫn là xây dựng quy chế, cơ chế, phân định rõ ràng trong từng lĩnh vực. Đặc biệt là ngân sách. 
Nếu làm được như vậy, việc đưa TP.HCM thành một thành phố văn minh, hiện đại ngang tầm với một đô thị lớn của khu vực theo Nghị quyết của Bộ chính trị là hoàn toàn không khó.
Lam Lam

Không có nhận xét nào:

Trang