15 tháng 12, 2015

Cán bộ kê khai tài sản: Ba lần chưa hết đất, nhà

Tác giả: An An

KD: Đương nhiên, kê khai chỉ dựa vào cái lưỡi, chứ có kiểm soát được nguồn gốc và thu nhập tài sản của đối tượng đâu. Có cảm giác các kiểu chống tham nhũng này giông giống….. đánh trận giả. Bởi rất duy ý chí
————
Đối tượng bị yêu cầu kê khai, nhưng kê khai tới 3 lần vẫn không hết tài sản, tiếp tục không trung thực…
Câu chuyện trên được ông Ngô Mạnh Hùng, phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), nêu lên tại hội thảo quốc tế “Xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh ngày 10/12.
Thêm bài học chống tham nhũng từ vụ Giang Kim Đạt
Tờ Tuổi trẻ ghi lại lời ông Hùng kể về một trường hợp cụ thể là ông Nguyễn Văn A (không phải tên thật) cho biết: đầu tiên ông này kê khai tài sản gồm có 3 căn nhà, 1 ôtô, thu nhập 360 triệu đồng/năm.
Sau khi có đơn tố cáo, cơ quan chức năng yêu cầu kê khai bổ sung, ông này kê khai thêm hai tài sản lớn hơn là một căn nhà ở quận 2, TP.HCM diện tích 539m2 và một mảnh đất tại quận 9 có diện tích 10.000m2 mua cùng bạn.
Tiếp tục được yêu cầu kê khai bổ sung lần thứ hai, ông kê thêm 6 thửa đất ở quận 9 (trong đó có 2 thửa vừa chuyển nhượng cho người khác) và một thửa đất ở quận 2.
Cơ quan chức năng xác minh thì thấy ông này còn có thêm 9 thửa đất khác tại quận 9 và quận 2 với tổng diện tích khoảng 15.000m2 và tổng cổ phiếu nắm giữ gần 24 tỉ đồng.
Ngạc nhiên hơn, khi ông Hùng cho hay dù ông A nhiều lần không trung thực, kê khai tài sản không đúng nhưng hình thức xử lý với ông này chỉ là “khiển trách về Đảng”. Sau vụ việc, cũng không một cơ quan nào xác minh dòng thu nhập ra, vào, cũng không thấy một cơ quan nào thanh tra xem việc thăng tiến, chức vụ, quan hệ ông này ra sao.
Tài sản công dần trở thành tài sản tư
Tham gia phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Quyền – phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho hay: “các nước người ta kiểm soát tài sản, thu nhập rất nghiêm khắc. Ví dụ ở Nam Phi, người ta nói rằng các băng tội phạm nhỏ nếu cướp được ngoại tệ thì phải vứt đi bởi không thể tiêu được trên đất nước của họ, chỉ có các băng tội phạm xuyên quốc gia mới có thể “rửa” và chi tiêu được ngoại tệ”.
Trong khi ở VN kiểm soát thu nhập yếu, khi kê khai thường không có gì. “Chẳng ai dại gì mà kê khai xe hơi xịn hàng chục tỉ, mua nhà hàng trăm tỉ. Người ta nói con đường đi lên của các đại gia ở VN gần giống như con đường đi lên của các đại gia ở Nga thời hậu Xô viết, đó là con đường những tài sản công dần trở thành những tài sản tư thông qua cổ phần hóa, tham nhũng” – ông Quyền nói.
Vấn đề nữa, ông Quyền cũng cho hay đó là kê khai thì không phát hiện ra tham nhũng nhưng khi phát hiện tham nhũng lại không thu hồi được. Ví dụ như vụ Giang Kim Đạt, Đỗ Thị Huyền Như…
Ông Ngô Mạnh Hùng thừa nhận, quy định kê khai tài sản nếu chỉ trông đợi vào lòng trung thực là chưa đủ.
“Quy định một ông bộ trưởng cũng phải kê khai giống trưởng phòng hay chồng giữ một vị trí có khả năng tham nhũng lớn nhưng vợ tiêu tiền tỉ vẫn không nằm trong diện phải kê khai tài sản là không hợp lý”, ông Hùng nói.
Nêu ý kiến, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đề nghị: “Cần mở rộng ra, đến mức mà chúng ta phải làm cuộc tổng kiểm tra tài sản của toàn dân, của từng người. Khi đã kiểm soát được rồi thì các tài sản phát sinh sau đó sẽ được xem xét, làm rõ nguồn gốc”.
Bất cập
Vấn đề kê khai tài sản là câu chuyện không mới và đã được nhiều chuyên gia đề cập đến từ lâu.
Từng trao đổi với Đất Việt – TS. Lê Hồng Sơn (Nguyên Cục trưởng Cục KTVB QPPL của Bộ Tư pháp) đã chỉ ra mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, đặt ra cơ chế để đưa cả những người thân thích bố mẹ, vợ hoặc chồng, anh chị em và con của người đó vào diện phải kê khai tài sản. Nếu cứ e ngại việc buộc phải kê khai tài sản của người thân thích, họ hàng sẽ là một kẽ hở rất lớn, một đường thoát rất lớn cho kẻ tham nhũng và tài sản tham nhũng.
Thứ hai, phải kê khai tài sản từ thời điểm nào. Khi người đó bắt đầu được giữ chức vụ thuộc diện phải kê khai thì buộc phải kê khai đầy đủ và buộc phải có cam đoan trách nhiệm trong trường hợp che dấu các tài sản. Hàng năm, phải kê khai bổ sung.
Thứ ba, việc dựa vào cơ chế tự khai, tự tính cũng chưa thực chất, triệt để.
Thứ tư, trong diện kê khai còn có cả kim khí quý, đá quý… mà ở VN chưa có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này. Vàng thì do tính tự giác của người khai, không ai kiểm đếm được. Đặc biệt là kim cương, chỉ cần một vài viên cũng là cả khối tài sản khổng lồ, không thể kiểm soát.

Không có nhận xét nào:

Trang