14 tháng 10, 2015

‘Tiêu cực trong quản lý đang phá hoại chất lượng công chức’

Tác giả: Bích Ngọc
KD: Tiêu cực trong quản lý công chức ngày càng nặng ở cả cấp huyện, tỉnh và Trung ương.
Chẳng lẽ cứ ra ngõ là gặp…. tiêu cực hay sao?
Đọc thêm:
Phó Thủ tướng: Chưa rõ tỷ lệ công chức cắp ô
Ông Bùi Đức Lại, nguyên Chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương đã nói điều này khi tham gia thảo luận tại diễn đàn khoa học “Xây dựng chế độ công chức – công vụ chuyên nghiệp, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công chức Việt Nam trong điều kiện cải cách hành chính” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức sáng 12/8.
Đây cũng là sự kiện mở đầu cho chương trình Diễn đàn trí thức do Liên hiệp hội Việt Nam phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức thí điểm Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tại diễn đàn: “Xây dựng chế độ công chức – công vụ chuyên nghiệp, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công chức Việt Nam trong điều kiện cải cách hành chính”, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần nghiêm túc đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, vạch rõ nguyên nhân yếu kém cũng như nhấn mạnh biện pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng.
Nhiều nhà khoa học đóng góp ý kiến tại diễn đàn
Báo cáo tại diễn đàn, ông Trần Văn Lợi, Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ đã nói về thực trạng cải cách chế độ công chức – công vụ ở nước ta trong thời gian qua.
Theo đó từ các quy định cũng như việc hoàn thiện về hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức, viên chức đã được xây dựng. Hoàn thiện thể chế đánh giá, phân loại công chức, viên chức.
Thời gian qua việc nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức cũng đã được nghiên cứu triển khai…
Tuy nhiên ông Lợi cũng chỉ ra những yếu kém, hạn chế cả việc hoàn thiện văn bản quy định cũng như triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia cao cấp Bùi Đức Lại cho rằng đánh giá chất lượng và số lượng đội ngũ công chức hiện nay chính là điểm xuất phát cho mọi chủ trương về công chức trong thời gian tới.
Theo ông Lại, điểm yếu quan trọng của đội ngũ công chức là tinh thần công vụ nhìn chung thấp, tâm lý làm thuê phổ biến tạo sức ỳ lớn mà chưa một biện pháp nào trong thời gian qua có tác động.
“Tiêu cực trong quản lý công chức ngày càng nặng ở cả cấp huyện, tỉnh và Trung ương. Trong khi đó, quyền hạn và trách nhiệm công vụ của công chức không rõ ràng, dễ bị lãnh đạo lạm dụng. Hơn nữa, tổ chức không ổn định, chức năng vừa chồng chéo, vừa hay thay đổi, không phù hợp”, ông Lại nói.
Ông Bùi Đức Lại phát biểu tại diễn đàn
Đồng quan điểm này, theo Tiến sĩ Nguyễn Sinh Cúc, Hội Thống kê Việt Nam, vấn đề đặt ra là chất lượng công chức không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội.
“Chủ trương giảm biên chế 10% hàng năm không thực hiện được mà thực tế số lượng công chức nhà nước lại tăng nhanh. Biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập từ 1,63 triệu người năm 2010 lên 2, 31 triệu người năm 2014.
Nhiều tỉnh có số biên chế rất cao như Nghệ An 18 nghìn người, Thanh Hóa 17.300 người. Điều đáng nói, trong khi các nỗ lực cắt giảm biên chế đang thực hiện thì nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục có công văn đề nghị xin thêm biên chế”, ông Cúc nêu cụ thể.
Đưa ra giải pháp xây dựng chế độ công chức – công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, ông Bùi Đức Lại kiến nghị nên tập trung các biện pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức trong bộ máy hành chính cấp Trung ương trong 10 năm tới.
Theo đó, tinh giản biên chế buộc phải thực hiện, loại trừ nguy cơ giảm mà không tinh. Quan trọng nhất là khắc phục các tệ nạn tiêu cực trong công tác cán bộ, nếu không thì mọi vấn đề đều tắc nghẽn. Vấn đề then chốt vẫn là đổi mới công tác quản lý công chức, nếu cứ “rón rén” đi bước một để rồi trở lại điểm xuất phát thì không hy vọng tình hình có chuyển biến.
Tiến sĩ Nguyễn Sinh Cúc thì cho rằng, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm đạo đức công vụ, những hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của dân, đặc biệt là các trường hợp tái phạm.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thuận thì đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam cần đưa ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tới cấp có thẩm quyền, làm sao Việt Nam xây dựng 1 chế độ công chức phù hợp, hiện đại trong những năm tới”, ông Thuận nói.
Được biết sau 1 tháng trên cơ sở hội thảo, diễn đàn sẽ có một cuộc hội thảo đối thoại chính sách với Bộ Nội vụ.

Không có nhận xét nào:

Trang