23 tháng 10, 2015

Rào cản từ kiến thức

Toàn cảnh khu công viên phần mềm, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh,
nơi dự kiến hỗ trợ cho các spin-off trong năm 2016
* NGUYỄN ANH THI
Để đẩy sản phẩm ra thị trường, các nhóm spin-off phải lo từ A-Z, điều này đòi hỏi ở nhà khoa học năng lực phát triển đội ngũ, kiến thức cơ bản về thị trường và kinh doanh, cách thức kêu gọi vốn, mà những kiến thức này vẫn là điểm yếu lớn của các nhà khoa học Việt Nam.
Trong năm hoạt động cốt lõi của quá trình thành lập spin-off mà GS. Dornberger (2015)1 xác định: (1) thành lập nhóm sáng lập, (2) gọi vốn, (3) phát triển PoC (Proof-of-Concept, sản phẩm mẫu ở giai đoạn minh họa ý tưởng), (4) xây dựng mô hình kinh doanh, (5) thâm nhập thị trường, thì hoạt động thành lập nhóm sáng lập được coi là quan trọng nhất, quyết định thành bại của doanh nghiệp spin-off. Nhóm sáng lập phải hội đủ các năng lực cần thiết, đặc biệt là kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các nhà khoa học – tác giả của công nghệ không chỉ thiếu những kiến thức trên mà còn “không nói cùng ngôn ngữ” với giới kinh doanh nên khó có hợp tác giữa hai bên. Bên cạnh đó, họ bị chi phối bởi công việc giảng dạy (xấp xỉ 200 giờ/năm) nên không có thời gian tập trung vào doanh nghiệp của mình.
Việc công ty có ra đời được hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng của nhóm sáng lập, bởi họ phải tự lo kinh phí hoặc đi huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư cá nhân hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm. Giai đoạn phát triển PoC để chứng minh tính khả dụng của công nghệ chủ yếu được tài trợ bởi ngân sách cho nghiên cứu. Tuy nhiên, khoảng cách từ PoC đến sản phẩm thương mại thường khá xa, đòi hỏi đầu tư không nhỏ và rủi ro cũng rất lớn. Nguồn đầu tư cho giai đoạn này đa dạng hơn so với giai đoạn đầu tư cho PoC, nhưng cũng không nhiều và không dễ để tiếp cận. Phần lớn các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện tại chỉ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn có rủi ro thấp và khi dự án đã có những cứ liệu cho thấy sản phẩm phát triển thực sự mang lại giá trị và được thị trường đón nhận2 Do vậy, giai đoạn từ PoC đến sản phẩm thương mại được giới chuyên gia mô tả là “thung lũng chết” của thương mại hóa công nghệ để diễn đạt sự khan hiếm nguồn lực trong giai đoạn này. Vì vậy, nhóm sáng lập cần có năng lực huy động các nguồn vốn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển khác nhau của spin-off.
Ngay cả khi các nhà khoa học không tham gia toàn bộ vào việc kinh doanh của spin-off mà chỉ dành một phần thời gian cho công việc này thì kiến thức khởi nghiệp vẫn đóng vai trò dẫn dắt họ trong suốt quá trình hình thành công ty, giúp họ tránh lãng phí nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Trọng tâm của giai đoạn khởi nghiệp của doanh nghiệp là tìm kiếm một mô hình kinh doanh khả thi3, thông qua quá trình học hỏi có kiểm chứng4(thử và sai), theo đó sản phẩm liên tục được phát triển và đưa ra thị trường để kiểm nghiệm. Căn cứ trên các phản hồi của khách hàng, các yếu tố của mô hình kinh doanh sẽ được điều chỉnh. Quá trình tìm kiếm mô hình kinh doanh khả thi là một quá trình lặp, cần được thực hiện một cách thông minh với sự tiêu tốn nguồn lực (tiền bạc và thời gian) tối thiểu. Đến bước thâm nhập thị trường, là giai đoạn bán sản phẩm cho những khách hàng có tầm nhìn (early adopters), nhận phản hồi và hoàn thiện sản phẩm, tìm kiếm các hỗ trợ về phân phối và các dạng hỗ trợ khác từ những khách hàng này. Để làm được điều đó, đội ngũ sáng lập cần có kiến thức và kinh nghiệm marketing công nghệ cao và biết kết nối với giới công nghiệp. Không may là các nhà khoa học thường quá chú trọng đến công nghệ mà thiếu quan tâm hoặc không được trang bị các kiến thức và công cụ cần thiết để xây dựng mô hình kinh doanh khả thi (công nghệ chỉ là một trong chín thành phần chính của mô hình kinh doanh). Thậm chí, những kiến thức và công cụ này còn không được giảng dạy tại các trường kinh doanh.
Những giải pháp trước mắt
Các nhà khoa học cần có một cách nhìn khác về việc xây dựng đội ngũ sáng lập. Thay vì tự mình làm tất cả mọi việc, họ cần phải hợp tác. Để xây dựng spin-off thành công, cần làm tốt đồng thời hai việc: phát triển sản phẩm và phát triển thị trường. Phát triển sản phẩm phải được dẫn dắt bởi các thông tin phản hồi từ thị trường. Nhà khoa học có năng lực chuyên môn để phát triển sản phẩm ở khía cạnh kỹ thuật, nhưng thiếu những kiến thức và kỹ năng để phát triển thị trường. Vì vậy, ngoài nhà khoa học, nhóm sáng lập cần được bổ sung các thành viên có kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, đặc biệt là kinh nghiệm quản trị các dự án khởi nghiệp. Để thuận lợi trong hợp tác, các nhà khoa học cần được đào tạo, huấn luyện những kiến thức, công cụ cơ bản về quản trị khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các viện, trường cũng phải tạo điều kiện khuyến khích các nhà nghiên cứu thành lập spin-off. Chẳng hạn, trên thế giới, nhà khoa học được phép tạm thời ngưng công việc hiện tại để làm việc toàn thời gian cho spin-off của mình. Trường hợp spin-off thất bại, nhà khoa học được phép quay trở lại với công việc trước đây.
Ở tầm vĩ mô, có nhiều giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả việc hỗ trợ các spin-off nhưng quan trọng nhất và trước mắt cần làm ngay là đầu tư để tăng cường năng lực các vườn ươm trong viện, trường. Họ là đầu mối kết nối những huấn luyện viên khởi nghiệp, các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư tư nhân, đồng thời liên lạc với nền công nghiệp và thị trường, hỗ trợ các startup.
*** 
Cách làm của vườn ươm ITP (Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP. HCM). Xác định những điểm yếu cố hữu của các nhà khoa học và nhận định rằng không thể một sớm, một chiều cải thiện những hạn chế như đã phân tích trong bài, tôi quyết định “làm ngược” so với cách của các vườn ươm truyền thống.
Cụ thể, tôi bắt đầu bằng việc hỗ trợ các startup ở bên ngoài trường đại học. Sau đó, tập trung xây dựng các hoạt động “kết nối”, giúp các startup này tiếp cận các nguồn lực thiết yếu cho khởi nghiệp, như: nguồn nhân lực, thông tin và vốn. ITP kết nối với các đối tác để cung cấp dịch vụ cho các startup chứ không tự mình cung cấp tất cả các dịch vụ này. ITP chỉ xây dựng các dịch vụ khi không tìm thấy đối tác phù hợp. Bên cạnh đó, không giống với các vườn ươm trong viện, trường khác, ITP tham gia mạnh mẽ vào hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương. 
Sau một năm vận hành, cách làm trên được cộng đồng startup hưởng ứng khá tích cực. Cụ thể VCCI, UNICEF đang nghiên cứu đặt văn phòng tại ITP để cùng phát triển “hệ sinh thái khởi nghiệp ITP” (từ này được dùng từ cuối năm 2013).
Tôi dự kiến năm 2016 sẽ bắt tay vào việc thúc đẩy phát triển spin-off từ các nhà khoa học và sinh viên. Hoạt động này sẽ tập trung vào giai đoạn tiền ươm tạo (pre-incubation), kết hợp với các dịch vụ đang triển khai cho startup trước kia sẽ giúp các nhà khoa học, sinh viên (đại học và sau đại học) khắc phục những điểm yếu đã bàn đến ở trên.
N.A.T (Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM)/Tia sáng
----------
1. Fostering Entrepreneurship in the context of University: challenges in academic spin-off creation, Leipzig University’s Innovation school 2015
2. Trạng thái này được gọi là điểm hòa hợp sản phẩm– thị trường (Product-Market Fit)

Không có nhận xét nào:

Trang