24 tháng 6, 2015

Việt Nam công khai ‘bí mật’ về phòng chống tham nhũng

Tác giả: Bá Đô
KD: “Tự sướng” hơi nhiều :
Mình chú í cái Box: Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam chính thức được Thanh tra Chính phủ phát động vào sáng nay tại Hà Nội. Ban tổ chức đã chọn 10 đề án, trong hàng trăm đề án về phòng chống tham nhũng trên cả nước để nhân rộng, trong đó có những đề tài nổi bật như ‘Nói không với phong bì trong y tế”, ‘Hạt giống phòng chống tham nhũng trong trường học và cộng đồng”…Dự kiến đến năm 2016 sẽ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 10 đề án này để triển khai ở các địa phương, trong đó mỗi đề tài được cấp tối đa 7.000 USD (140 triệu đồng).
Các bác cứ phát động phòng chống tham nhũng kiểu duy í chí này, chỉ tốn tiền dân. Trong khi giải pháp có ý nghĩa tích cực chống tham nhũng thì không thực hiện: Đó là cơ chế công khai, minh bạch. Đó là xóa bỏ văn hóa giao thương tiền mặt- cái gốc của việc không kiểm soát được tài sản quan chức ở đâu mà có. Đó là cổ phần hóa DNNN, xóa bỏ cơ chế xin- cho, nơi đẻ ra lợi ích nhóm ngang nhiên và …hợp pháp :
—————
Về nguyên tắc, báo cáo đánh giá việc thực thi công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng mỗi nước không công bố đầy đủ, tuy nhiên Việt Nam công khai những bí mật này với thế giới.
Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị “Nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng” tại Hà Nội sáng 23/6, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, nước ta là một trong những quốc gia hoạt động sôi nổi, hiệu quả và được đánh giá rất cao trong hiệp hội Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.
Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng tại cuộc họp. Ảnh: Bá Đô.
Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá với chu trình thứ nhất – hình sự hóa về thực thi pháp luật và hợp tác quốc tế phòng chống tham nhũng. “Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành và nộp báo cáo này, được nhiều chuyên gia của các nước thành viên như Lebanon, Italy đánh giá rất cao”, ông Lượng cho hay.
Về nguyên tắc, bản báo cáo này không được công khai toàn bộ mà chỉ tóm tắt, tuy nhiên Việt Nam là nước đi đầu hoàn thành báo cáo và làm rất tốt nên Tổ chức Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng đã đề nghị công khai toàn bộ, kể cả những bí mật lên trang của tổ chức.
“Khi được Thủ tướng và các bộ ban ngành đồng ý, Việt Nam đã cho đăng toàn bộ bản báo cáo về việc thực thi công ước phòng chống tham nhũng, công khai trên toàn thế giới”, ông Lượng nói.
Phó tổng Thanh tra cũng tiết lộ, một số bí mật về phòng chống tham nhũng chỉ có chuyên gia của các chính phủ mới nắm rõ, “theo cơ chế chỉ được công khai một phần, còn những cái hay, cái dở phải được giữ bí mật, tuy nhiên chúng ta thì công khai nhưng một số quốc gia khác như Trung Quốc lại không đồng ý công khai”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thêm.
Theo sự thống nhất của các nước ký công ước về phòng chống tham nhũng, mọi quốc gia bắt buộc báo cáo đánh giá về hoạt động của mình. Việc đánh giá chia làm hai chu trình là các nước tự đánh giá và hai nước thành viên đánh giá lại. 
Trong hiệp hội các nước thực thi công ước về phòng chống tham nhũng, với trên 140 quốc gia, Việt Nam cùng một số nước khác đánh giá Austria, Trung Quốc và Congo.
“Trung Quốc đánh giá cao và cảm ơn chuyên gia của nước ta đã có những bình luận tốt với bản báo cáo của họ và đặc biệt họ gửi lời mời chuyên gia của ta sang Bắc Kinh bàn kỹ hơn về bản báo cáo”, ông Lượng thông tin.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây báo cáo trước Quốc hội về vấn đề tham nhũng. Theo báo cáo, việc phòng chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt trên nhiều mặt, đạt được một số thành quả tích cực, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. 
Chương trình nhân rộng sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam chính thức được Thanh tra Chính phủ phát động vào sáng nay tại Hà Nội. Ban tổ chức đã chọn 10 đề án, trong hàng trăm đề án về phòng chống tham nhũng trên cả nước để nhân rộng, trong đó có những đề tài nổi bật như ‘Nói không với phong bì trong y tế”, ‘Hạt giống phòng chống tham nhũng trong trường học và cộng đồng”…Dự kiến đến năm 2016 sẽ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho 10 đề án này để triển khai ở các địa phương, trong đó mỗi đề tài được cấp tối đa 7.000 USD (140 triệu đồng).

Không có nhận xét nào:

Trang