2 tháng 6, 2015

Làng báo, nhà báo, nghề báo và… quả báo!

Tác giả: Bùi Hoàng Tám (Bài trên Lao động Nghệ An)
KD: Có một vấn đề mà mình rất suy ngẫm khi đọc bài viết này cũng như bài viết về tính chuyên nghiệp của nhà báo VN mà GS Nguyễn Văn Tuấn từng đề cập. Đó là văn hóa báo chí. Xin lỗi những nhà báo chân chính, có văn hóa, nhưng thực sự có đi tác nghiệp, đi công tác, làm việc với nhiều bạn đồng nghiệp, có một điều khi quan sát, mình kinh ngạc về cái gọi là văn hóa báo chí. Mà nguồn gốc mình vẫn nghĩ, xuất phát từ giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường quá nhiều lỗ hổng. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, lại thấy báo chí VN cũng là sản phẩm tất yếu của một xã hội, một cơ chế, một thể chế chính trị, một nền tảng dân trí- mà thôi! Nghĩ vậy, để bình thản, bình tâm mà… thích ứng
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày này, không khỏi không nghĩ về làng báo (mà mình là một “công dân”), nghề báo (nghề mình đã hàng mấy chục năm gắn bó) và… quả báo (lạy giời!).
Làng báo hôm nay
Nước ta, người viết báo thì nhiều vô kể. Năm vạn, mười vạn hay nhiều hơn thế? Có lẽ không ai có câu trả lời bởi chẳng ai thống kê mà có thống kê cũng không cho con số chính xác. Thôi thì đã gọi “làng báo”, tức là phải có nhiều “nhà”. Tạm qui ước, ai là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thì gọi là công dân làng báo vậy.
Theo con số ước tính, làng báo cả nước có khoảng hơn 19.000 “công dân” ở trung ương và các địa phương, một con số quả là không nhỏ.
Đã gọi là làng, nó cũng như mọi cái làng trên đất nước này. Nghĩa là có cấp chức, có chuyên ngành, chuyên nghề và có cả người tốt lẫn người xấu, người lương thiện lẫn kẻ… bất lương. Tức là có cả thánh thần và ma quỉ.
Các cư dân làng báo, tất nhiên là cũng như mọi thành phần cư dân khác, tập trung khá đông ở Hà Nội và các thành phố lớn. Chỉ trừ ở một số cơ quan báo chí có sự quản lý chặt chẽ và một số địa phương vẫn nặng nề tư duy thời bao cấp, nhà báo ở các thành phố lớn hiện nay khá thỏa mái khi thay đổi “lãnh địa”.
Họ có thể làm cho một hay nhiều tờ báo khác nhau và sẵn sàng “chuyển nhượng” như cầu thủ bóng đá. Nhất là với những nhà báo tay nghề vững, họ là những “bạo lực lao động” nên nơi nào cũng cần. Hay thì ở, dở thì chào!
Tóm lại, làng báo giờ đây hao hao như mọi “cái làng” Việt Nam thời mở cửa. Thông thoáng, khoáng đạt…!
Nghề báo thì sao?
Đã có khá nhiều người “định nghĩa” về cái nghề này. Ở các nước phương Tây, báo chí được coi là “quyền lực thứ tư”, sau lập pháp, tư pháp và hành pháp.
Ở Việt Nam thì không phải thế.
Đã từng có hẳn bộ phim nước ngoài nói về hoạt động báo chí mang tên “Nghề nguy hiểm”.
Báo chỉ Việt Nam có nguy hiểm không?
Tất nhiên là có và thậm chí từng rất nguy hiểm. Đó là những phóng viên chiến trường của các cuộc kháng chiến mà trong họ, đã có nhiều nhà báo, phóng viên báo chí anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều và rất nhiều nhà báo đang ngày ngày đối mặt với hiểm nguy, tất nhiên là không thể so với những năm tháng chiến tranh nhưng lại cám dỗ hơn và phức tạp hơn.
Vì vậy, có một thuật ngữ chỉ nghề này có lẽ xác đáng hơn. Đó là “Nghề báo – Nghề nghiệt ngã” của Nhà báo, Nhà văn Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban Công tác hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Sự nghiệt ngã của nghề báo giống như sự nghiệt ngã của số phận: Bất trắc và khó lường. Nó là sự nghiệt ngã của chữ nghĩa bởi có thể chỉ một chữ, một câu thôi là đủ hủy hoại thanh danh của một số phận và hủy hoại thanh danh của chính nhà báo đó.
Nói thì dài, có trong nghề mới thấy nghề sao “nghiệt ngã”!
Nghề báo và… quả báo.
Làng báo hiện nay có nhiều và rất nhiều những nhà báo chân chính, dũng cảm nhưng cũng có cả đám “hùm beo, hổ báo”.
Trong dân gian lưu truyền có mấy “thuật ngữ” để chỉ những nhà báo tha hóa như: “Kê đơn bốc thuốc tại nhà”, “Đánh gà chết”, “Đội Lê dương”, “Tiền binh hậu lễ”, “Đánh hội đồng”…
“Kê đơn bốc thuốc tại nhà” là để chỉ loại “nhà báo” đến tận nơi, đặt giá hẳn hoi, vụ này là bằng này, vụ này là bằng kia… Tức là “niêm yết bảng giá” hẳn hoi.
“Đánh gà chết” là chỉ những nhà báo chuyên “đánh” những người ngã ngựa, kiểu “kền kền” chờ xác chết khiến nhiều người thân đã bại, danh đã liệt còn bị đẩy đến đường cùng.
“Quân Lê dương” là chỉ hành động đâm thuê, chém mướn giống như lính đánh thuê thời Pháp thuộc…
“Tiền binh hậu lễ” là chỉ hành vi “túm ngực”, lấy… quảng cáo.
“Đánh hội đồng” là “thuật ngữ chỉ một nhóm nhà báo thuộc các báo khác nhau xúm vào “đập” một ai đó” đến “chết” thì thôi.
Đó là chưa kể có cả đám mượn danh “nhà báo” nghe phong thanh đâu đó có việc gì đó đến để lừa đảo, thậm chí chỉ để… kiếm cái phong bì.
Tất nhiên, số người nêu trên không nhiều nhưng dư luận nhân dân phản ánh thì khó có thể nói là không có.
Nếu có một số người ngoài nghề rất sợ loại nhà báo này thì trong giới, anh em còn “sợ” hơn bởi chính họ làm ô uế cái nghề nghiệp cao quý của mình.
Trong cái “kho tàng” văn học dân gian nói về nghề báo, ngoài các câu như “Bới bèo ra bọ”, “Nhà văn nói láo, Nhà báo nói ngoa”… có lẽ cũng cần có một câu nữa.
Đó là “Không có lá báo, hoa báo nhưng có… quả báo!”.
Âu đó cũng là những câu tự răn mình mỗi khi cầm bút…

Không có nhận xét nào:

Trang