23 tháng 6, 2015

NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN TÝ, TƯỢNG ĐÀI TRONG LÒNG NGƯỜI HÀ TĨNH

Bs Trần Nguyên Phú tặng hoa Nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng.
Bs Trần Nguyên Phú tặng hoa Nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng.
NGUYỄN TRỌNG TẠO: 
Trên chuyến xe đưa tôi từ Hà Tĩnh ra Nghệ An, nhà báo Nguyễn Ngọc Vượng và bác sĩ-nhạc sĩ Trần Nguyên Phú cùng tôi nói chuyện về nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – người đã có 2 bài hát để đời cho Hà Tĩnh. Ông đang bệnh nặng, không thể từ Sài Gòn ra Hà Nội dự Đại hội nhạc sĩ lần này được, dù có thể đây là lần đại hội cuối cùng của ông. Được biết tỉnh Hà Tĩnh từ tháng 9/2014 đã quyết định trợ cấp trọn đời cho ông 5 triệu/tháng, tôi bảo Vượng nên viết bài báo về việc làm rất đáng nể của địa phương đối với người nghệ sĩ có công lớn với quê hương mình nhân dịp đại hội nhạc sĩ sắp khai mạc. Và mấy hôm sau, bài báo đã được đăng trên tờ báo mà Vượng đang làm việc. Xin giới thiệu cùng bạn: 
NGUYỄN NGỌC VƯỢNG: Đại hội, Hội nhạc sĩ Việt Nam năm nay được tổ chức tại K.S. La Thành, 218 Đội Cấn (Hà Nội) từ ngày 23/6 đến 25/6 sẽ vắng đi khuôn mặt của một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý do ông lâm bệnh nặng tại T. P Hồ Chí Minh. Lần đại hội Hội nhạc sĩ VN gần đây nhất cũng tại Hà Nội vào năm 2010, ông đã hết sức cố gắng ra tham gia trong điều kiện phải dùng xe lăn. Biết được tin này, nhiều người tỏ ra rất buồn và bày tỏ sự chia sẻ với người nhạc sĩ đầy tài hoa, nhưng lận đận bằng cách hát lên những ca khúc đi cùng năm tháng của ông.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ( ngồi trên xe lăn) cùng nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đình Toán và nhạc sĩ Doãn Nho tại Đạị hội Hội NSVN năm 2010 – Ảnh tư liệu của NTT
Hẳn đến ngàn năm sau vẫn không ai có thể lý giải nổi tại sao, Hà Tĩnh một dải đất hẹp giữa miền Trung đầy nắng, gió… lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ thai nghén nên những ca khúc bất hủ! Trong số đó, chỉ với Hai ca khúc: “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ” và “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng đã đủ làm náo loạn cả nền âm nhạc Việt Nam vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ 20! Những ca khúc sừng sững giữa dòng thời gian ấy đã khắc họa một cách hoàn mĩ nhất về khuôn mặt của quê hương, đất nước, con người Hà Tĩnh trên bản đồ đất nước, một khuôn mặt trẻ trung tràn đầy nhựa sống, đáng yêu, đáng thương, và đặc biệt là đáng nể phục!
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ra và lớn lên giữa buổi nhiễu nhương, ông đã được thượng đế trao cho cây đàn Tì bà để xua đuổi lũ quỷ ma đầy ám ảnh, lay thức trái tim tình yêu của bao người vùng dậy mà cất cao lên khúc hát tự do hòa bình và tình yêu cuộc sống. Ông sinh năm Giáp tý (1924) nay mặc dù đã 92 tuổi và đang phải vật lộn với cuộc sống trước một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, không muốn nói là “bi kịch cuối đời”. Nhưng như một nhà thơ nào đó đã từng nói thì “ngón chân cái” của ông vẫn “chưa khô bùn vạn dặm” trong con đường sáng tạo của mình.
Mở đầu cho cuộc thiên di hướng về bờ Nam sông Lam cùng với cây đàn Tỳ bà của mình, mảnh đất đầu tiên mà ông đặt chân tới chính là Hà Tĩnh. Và trong một tối mùa thu se lạnh dừng chân dưới cươi (sân) một túp lều lá tuềnh toàng, buồn bên đường quốc lộ vắng tanh ở ngoại ô thị xã Hà Tĩnh thời đó, ông đã uống cạn cả mảnh trăng lưỡi liềm dưới đáy đọi ( bát) chè xanh, xua đi bao cơn khát muộn màng của tuổi tác, đọi nước chè xanh đó được một thôn nữ từ trong túp lều ấy thẹn thùng bước ra kính cẩn dâng lên vị hành giả đầu đời cô bắt gặp. Không ngờ, đó cũng là một phần lý do để người nghệ sĩ tài hoa đánh đổi lấy dấu giầy lận lận suốt đời mình mà viết lên những ca khúc về Hà Tĩnh trải theo năm dài, tháng rộng!..
Cô Thái Thị Thương đại diện cho tuổi trẻ Hà Tĩnh thăm và tặng quà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý năm 2012
Đã không biết bao nhiêu thế hệ con người Hà Tĩnh, ngay cả mẹ tôi khi sinh thời cũng coi Nguyễn Văn Tý như một thần tượng! Nhiều khi bà vẫn thắc mắc tại sao tỉnh Hà Tĩnh lại chưa xây tượng cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý? Ngày 01 tháng 10 năm 2012 nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi, cô Thái Thị Thương, Giám đốc Công ty Văn hóa Thái Hoàng tại T.P Hồ Chí Minh, cháu ruột nhà nghiên cứu dân gian Thái Kim Đỉnh ( T.P Hà Tĩnh) cùng Hai bạn trẻ Lệ Ngọc và Vũ Hoàng đến từ Berlin, đại diện cho thế hệ trẻ người Hà Tĩnh sống tại thủ đô Berlin Cộng hòa Liên bang Đức đã đến nhà riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại phố Trần Khắc Chân, quận 1, T.P. Hồ Chí Minh thăm hỏi tặng ông 532 đồng Euro và nhiều vật phẩm lưu niệm khác. Nghe các cháu nói giọng lơ lớ Bắc- Nam ông gọi bảo:
– Đều là người “quê choa” cả, các cháu cứ nói giọng “quê choa” cho đã cái miệng và nghe cho đã cái lỗ tai!
Khi ông mang chiếc máy nghe nhạc đã cũ kỹ ra mở cho nhóm đại diện tuổi trẻ Hà Tĩnh nghe bài: “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ” đến đoạn: “Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ”, cô Thái Thị Thương thắc mắc câu ca từ này giống như bị đánh đố vậy?
– Bác có thể giải thích cho chúng cháu được không?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cười và nói:
– Da nâu tức là màu da bánh mật, nó gợi lên trong suy nghĩ chúng ta màu da tượng trưng cho tinh thần lao động. Và mặc dù giữa tiết trời khắc nghiệt miềnTrung, nhưng trong nắng, trong gió vẫn bừng lên sức trẻ niềm tin và hy vọng!
Bức thư của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gửi nhóm tuổi trẻ Hà Tĩnh tại Berlin
Với câu ca từ trên, nhà thơ Lê Duy Phương, người từng được nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh- Trần Quang Đạt giao trọng trách tháp tùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi khắp các vùng đất Hà Tĩnh thời còn loang lỗ hố bom để viết nên ca khúc: “ Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” (năm 1974) và “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ” (năm 1976) cho biết: Hồi đó sau khi nghe nhạc sĩ công bố bài hát này đã có rất nhiều người, trong đó chính nhà thơ cũng đã góp ý đề nghị nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chữa lại câu khác, nhưng nhạc sỹ vẫn không nghe. Ai ngờ, sau này mỗi khi bài hát được ngân lên thì hàng triệu con tim người Việt cứ ngây ngất với câu ca từ “cực đắt” đó.
Riêng về câu: “Trâu ơi theo bầy ta về đồng cỏ mênh mông” theo nhà thơ Lê Duy Phương cho rằng: Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đã đồng ý sửa lại theo ý ông, thay vì trước đó Nguyễn Văn Tý viết nguyên câu: “Trâu ơi theo đàn ta về đồng cỏ mênh mông”. Bởi theo nhà thơ Lê Duy Phương khi chữ đàn được luyến láy nghe như từ Đảng thành ra: “Trâu ơi theo đảng ta về đồng cổ mênh mông” thì tai hại quá!
Người Hà Tĩnh dù bất cứ thế hệ nào, dù đi đâu, về đâu và sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn tự hào về Hai ca khúc bất hủ: “ Một khúc hát tâm tình người Hà Tĩnh” và “Người đi xây hồ Kẽ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Mỗi khi bài hát được cất lên nhất là với giọng ca được thể hiện của nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền (đơn ca bài “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”), và Thu Hiền với Kiều Hưng đồng ca bài (“Người đi xây hồ Kẽ Gỗ” thì không ai mà không xao động cõi lòng! Những bài hát đó luôn là nguồn động viên an ủi và tiếp sức cho người Hà Tĩnh hồ hỡi xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu. Thực tế cho thấy, Hà Tĩnh từ một đống đổ nát sau chiến tranh nay đang trở thành một điểm sáng về kinh tế xã hội dưới bầu trời miền Trung. Năm 2014 thu ngân sách địa phương đạt tới 12.000 tỷ đồng, (gần gấp đôi so với Nghệ An và Thanh Hóa). Dự kiến, năm 2015 mức thu ngân sách sẽ đạt 17.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu tại khu vực Bắc miền Trung, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Trước niềm vui ngày mới, hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý càng trở thành tượng đài bất khả xâm phạm trong tâm khảm con người Hà Tĩnh, và dường như sông núi nơi này cũng luôn tri ơn ông! Hà Tĩnh coi như luôn chịu một món nợ quá lớn đối với ông! Vậy nhưng, trong căn phòng chưa đầy 11 mét vuông tại phố Trần Khát Chân quận 1,T.P Hồ Chí Minh ông già Nguyễn Văn Tý trong lúc đang vật lộn với bao khó khăn và bệnh tật hiểm nghèo vẫn khiêm tốn nói: “Tôi luôn cảm thấy mắc nợ Hà Tĩnh dù là một ngọn cỏ, bóng cây, một nụ cười hay giọt nước mắt chưa kịp khô trên khuôn mặt ai đó…. và một ngày nào khi nhắm mắt xuôi tay, tôi chỉ ân hận là chưa thể trả hết ơn nghĩa của mình cho quê hương con người Hà Tĩnh mà thôi”!…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ( trái) và nhạc sĩ Doãn Nho (phải) – Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo

Với những cống hiến của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho Hà Tĩnh, Tỉnh ủy , UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh tiền thân là Công ty Thủy nông Kẽ Gỗ thành lập Quỹ nhân ái để chia sẻ khó khăn với  nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Cụ thể, bắt đầu từ tháng 9/2014, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sẽ nhận mỗi tháng 5 triệu đồng đến cuối đời. Ngoài ra một số tổ chức cá nhân khác trong đó có nhóm tuổi trẻ Hà Tĩnh tại Berlin cũng bày tỏ sự chia sẻ với nhạc sĩ thông qua cô Thái Thị Thương con em thành phố Hà Tĩnh hiện công tác tại T.P Hồ Chí Minh…

Không có nhận xét nào:

Trang