10 tháng 1, 2015

Dùng quyền đôn đốc giám sát để "hốt" "sâu tham nhũng"

Năm 2014, Ban Nội chính Trung ương sẽ lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp. Dư luận mong chờ, việc tăng cường công tác giám sát của Ban Nội chính Trung ương sẽ “hốt” hết “sâu tham nhũng”!
Sẽ thành lập đoàn giám sát các vụ án tham nhũng nghiêm trọng
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ 2014 của Ban Nội chính Trung ương mới đây, Trưởng Ban Nguyễn Bá Thanh nhận định: “Ban đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc tiến trình tố tụng một số vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm trong thời gian qua; khắc phục tình trạng áp dụng án treo tùy tiện tại các địa phương trong xét xử các vụ án tham nhũng”.
Trong tháng 1/2014, Ban Nội chính Trung ương đã báo cáo và được Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đồng ý đề xuất bổ sung 4 vụ án, 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đề nghị đưa 15 vụ án, 5 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 24 vụ án, 16 vụ việc đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Ban Nội chính Trung ương cũng tổ chức cuộc họp nghe các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo về vụ án Phạm Thị Bích Lương; vụ việc liên quan đến 2 vụ án xảy ra tại Vinalines và vụ án “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”; vụ án xảy ra tại công ty TNHH Công nghệ biển Hải Phòng.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã trực tiếp theo dõi phiên tòa xét xử các vụ án: Dương Chí Dũng và đồng phạm tham ô tài sản, cố ý làm trái; Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tham nhũng… Việc trực tiếp theo dõi những “đại án” tham nhũng của Trưởng Ban Nội chính Trung ương được dư luận đánh giá là một bước ngoặt trong việc “hốt hết sâu tham nhũng”.
Được biết, trong số các nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 2/2014 của Ban Nội chính Trung ương có việc tập trung thực hiện nhiệm vụ Ban Bí thư Trung ương Đảng giao về việc giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng (qua thông tin công bố, một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương xác nhận tố cáo của ông Dương Chí Dũng gồm có hai nguồn là bằng đơn thư và lời khai tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Tự Trọng-PV). Trong số các nội dung tố cáo có nội dung liên quan đến người đã “mật báo” cho ông Dương Chí Dũng trốn trước khi cơ quan chức năng tiến hành lệnh bắt và lời khai về việc ông Dương Chí Dũng đưa tiền cho người đã báo tin nêu trên…
Từ nhiệm vụ giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng mà Ban Nội chính Trung ương được giao, dư luận đặc biệt quan tâm và kỳ vọng đến hiệu quả của công tác giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp.
Theo kế hoạch, năm 2014, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu, thành lập và phục vụ các đoàn công tác của ban chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo Kế hoạch 08-KH/TW của bộ Chính trị. Ban cũng sẽ khảo sát tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động của một số tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần.
Giám sát để “thẳng tay” chống tham nhũng!?
Trao đổi với PV, ĐBQH Bùi Thị An nhận định, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội và hành vi tham nhũng diễn ra trên phạm vi rộng, ở hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Tham nhũng không loại trừ tỉnh, thành phố nào. Vậy, tại sao thanh tra, kiểm tra không phát hiện được tham nhũng? Thực tế là tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và toà án chưa được khắc phục. Đây chính là “điểm nghẽn” khiến việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra yếu kém. Cơ quan chuyên trách hoặc có chức năng thanh tra, điều tra, làm rõ các vụ việc tham nhũng nhưng khi cán bộ đảm nhận nhiệm vụ chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, thì kết quả chống tham nhũng bằng không.
Theo bà An, công tác giám sát “bắt sâu” tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương là những thành tựu bước đầu và tiến tới phát hiện, giám sát những vụ việc mới có dấu hiệu tham nhũng. Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc tiến trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án trọng điểm được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc xử lý các vụ án tham nhũng cực kỳ khó khăn, vì thế công tác giám sát các vụ án tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương cũng là nhằm chỉ đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan sai. Cũng theo bà An, việc giám sát quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp cũng là nhằm “thẳng tay” cắt đi những “ung nhọt tham nhũng”, tránh tình trạng các vụ án lớn phát hiện chậm, kéo dài, lúc đầu to bằng voi rồi xử bé như chuột.
Theo LS.Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Việc giám sát là hết sức quan trọng. Nếu các cơ quan có thể giám sát lẫn nhau, viện Kiểm sát có thể giám sát việc điều tra của công an, giám sát việc xét xử xem có đúng quy trình pháp luật hay không. Nếu nội dung này làm không tốt thì người tham nhũng thật vẫn cứ nhơn nhơn.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần xử lý nghiêm những “con sâu” tham nhũng. Tuy nhiên, nếu như người đứng đầu tham nhũng thì xử lý ai? Theo tôi, cần phải làm rõ hơn nữa trách nhiệm của người quản lý để xảy ra tham nhũng. Bởi tham nhũng chỉ có thể được thực hiện bởi những người có điều kiện, có địa vị chứ người dân làm sao có điều kiện để tham nhũng? Cấp dưới tham nhũng thì dễ trị, còn lãnh đạo tham nhũng mới khó xử lý. Vì thế công tác giám sát đặc biệt quan trọng nhằm xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng, đồng thời ngăn chặn những vụ việc mới có dấu hiệu tham nhũng.
PGS.TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Hiện chúng ta không thiếu về tổ chức chống tham nhũng mà cái thiếu căn bản là công khai, minh bạch, kiên quyết trong xử lý tham nhũng. Quan trọng nhất là phải công khai minh bạch trong các hoạt động công, trong kê khai tài sản của cán bộ công chức… Tuy nhiên cũng cần làm rõ việc xử lý người đứng đầu nếu tham nhũng? Cơ chế xử lý cần phải rõ ràng để có thể thực hiện hiệu quả. Đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý, đưa ra xét xử một số vụ án trọng điểm.
Ban Nội chính có quyền đôn đốc, giám sát các vụ án
Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Ban Nội chính Trung ương không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nhưng có thẩm quyền và trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và giám sát trong quá trình xử lý các vụ việc, vụ án”.
Động thái mà dư luận cho là tích cực khi Ban Nội chính khẳng định: Có thể lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp để điều tra lời khai của Dương Chí Dũng. “Việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp để tránh “chuyện trong nhà”. Vụ án bình thường cơ quan điều tra dư sức, thừa quyền làm được. Nhưng để đảm bảo khách quan thì cần có sự chỉ đạo liên ngành”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết.
N.Giang

Không có nhận xét nào:

Trang