22 tháng 5, 2014

Việt Nam đang phải chống trả lại hai kẻ thù lớn.

Vy Huyền

Những ngày này, biển Đông dậy sóng. Trung Quốc thực hiện giấc mơ bành trướng bằng việc đặt giàn khoan trong lãnh hải Việt Nam. Họ đưa hơn trăm chiếc tàu lớn nhỏ uy hiếp và ngăn chặn các tàu tuần dương Việt Nam làm nhiệm vụ ngay trên lãnh hải của mình. Đây không đơn thuần là hành động khiêu khích, chèn ép trên phương diện ngoại giao và chính trị, mà là hành động xâm phạm chủ quyền - sự xâm lăng.
Dân tộc Việt Nam đứng trước một thách thức lớn, và chính quyền Việt Nam đang đối diện với canh bạc chính trị, dân sự và quân sự lớn nhất trong hơn ba thập niên qua. Với mỗi người dân Việt Nam, viễn cảnh bi quan của việc bị xâm lăng và lấn lướt trong lúc này là điều hiển nhiên. Nhưng chính trong viễn cảnh bi quan đó, kể từ sau cuộc chiến 1975, tôi chưa bao giờ thấy một sức mạnh toát ra từ niềm tin và sự phản kháng mạnh mẽ của toàn dân như hôm nay. Đó là niềm hy vọng đặc biệt về tương lai của dân tộc Việt.
Những nỗi lo âu
Nỗi lo thứ nhất, Việt Nam thua kém Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự. Quân đội Việt Nam thiếu những thiết bị và vũ khí cần thiết trong trường hợp phải tranh chấp quân sự tay đôi với người láng giềng Trung Quốc - điều tối quan trọng trong những cuộc hải chiến. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ phải kiên trì và không để sai sót trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền.
Nỗi lo thứ hai, Việt Nam không có một đồng minh thật sự. Sau cuộc chiến 1975, chính quyền Việt Nam bằng mọi phương cách khống chế, đàn áp khả năng hình thành một xã hội dân sự. Họ áp dụng chính sách mị dân, bưng bít thông tin và tạo ra một đại bộ phận thờ ơ trước những hành động và ứng xử của chính quyền, và do đó, cũng vô tình thờ ơ với thực trạng của đất nước. Đối ngoại, chính quyền Việt Nam đi nước đôi trong quan hệ giữa Nga và Trung Quốc và xa lánh phương Tây. Họ dựa vào Trung Quốc để củng cố quyền bính, xây dựng một nền chính trị độc tài, và một chính quyền lũng đoạn và tham nhũng bậc nhất thế giới. Lịch sử đã nhiều lần cho thấy, Trung Quốc là một láng giềng tồi và luôn mang dã tâm cướp bóc và vơ vét những gì có thể đối với những láng giềng của họ. Trong tình thế này, khi xung đột xảy ra, Việt Nam không có được một đồng minh chính trị và quân sự thực thụ để có thể trợ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền. 
Việt Nam hôm nay phải phụ thuộc và gần như hoàn toàn thần phục Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo hiện nay đa phần nhu nhược và bất tài. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lúc này là hệ quả của những hành xử nhu nhược và sự phụ thuộc của chính quyền vào sự bảo trợ của Trung Quốc trước đó. Từ lâu, dã tâm xâm lăng của Trung Quốc đã rất rõ ràng; mục đích của họ là lấn dần vào lãnh thổ của các láng giềng nhỏ, và tìm đường để khẳng định quyền lực quân sự và sự hiện diện của họ ở biển Đông.
Nhưng giữa những nỗi lo lớn, có những động thái khiến tôi tin rằng đây là bước ngoặt đưa Việt Nam thoát ra khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc, và là cơ hội cho nhà cầm quyền lập lại niềm tin với người dân.
Từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh thổ Việt Nam, đã có những chuyển biến tích cực trong hành xử của nhà cầm quyền. Tôi gọi đây là những chuyển biến tích cực và cần thiết, khi so sánh với những gì đã xảy ra trước đó. Cách đây gần mười năm, khi dự án Bauxite manh nha thực hiện và những va chạm, xô xát xảy ra giữa tàu của ngư dân Việt Nam và tàu Trung Quốc trên biển Đông, một bộ phận rất nhỏ người Việt quan tâm đến thời cuộc phản đối và lên tiếng. Đáp trả lại cho lòng yêu nước của họ, chính quyền Việt Nam đã đe doạ, áp đảo tinh thần và thậm chí bỏ tù những công dân yêu nước. Những cuộc biểu tình tự phát của giới trẻ và sinh viên cũng bị nhà cầm quyền bóp nghẹt. Nhưng kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan và đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 2 tháng 5, phần nào đó, ta thấy có sự mở miệng cho báo chí và sự cởi trói cho người dân. Trên tất cả các báo trong nước, chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa luôn chiếm trang nhất. Trên các trang báo mạng, độc giả được quyền đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó, đã có những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc nổ ra khắp nơi, và chính quyền có những thời điểm dường như bớt gây khó dễ như đã từng làm trước đó. Tự do báo chí và biểu tình là quyền bình thường trong những xã hội tự do, nhưng đó là điều tuyệt đối cấm kỵ đối với những chính thể độc đảng độc tài như Việt Nam. Dường như, chính quyền Việt Nam biết rằng nếu họ không dựa vào dân lúc này, thì họ sẽ phải đối chọi với cả hai mặt trận đối ngoại và đối nội. Việc cởi trói cho báo chí và trao lại quyền yêu nước cho người dân là điều hết sức cần thiết để có thể có một tương lai sáng lạn.
Sự trỗi dậy của lòng yêu nước
Trên các trang mạng xã hội và trên các trang báo, tất cả mọi người Việt Nam ở mỗi giai tầng đều quan tâm đặc biệt đến những căng thẳng ở biển Đông. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên có một sự đồng nhất và hiệp nhất trong cái nhìn của toàn dân về lòng yêu nước, thực trạng của dân tộc và chủ quyền của đất nước. Điểm đặc biệt thứ hai là sự quan tâm và khát khao được thể hiện của giới trẻ trong tiến trình bảo vệ chủ quyền. Đó chính là niềm hy vọng lớn nhất. Một dân tộc có được sức mạnh và niềm tin của giới trẻ là một dân tộc không bao giờ chết, cho dù hành trình phía trước có khó khăn và dài lâu đến bao nhiêu.
Những chuyển biến tích cực trong hành động của nhà cầm quyền đối với Trung Quốc
Cho đến thời điểm này, nhà cầm quyền Việt Nam có thái độ rất kiên quyết và kiên trì trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Đó là điều chưa từng xảy ra từ sau cuộc chiến biên giới. Đây có thể là cơ hội cho những hợp tác ngoại giao lâu dài với những đồng minh quân sự khác trên thế giới, trong đó, không loại trừ khả năng đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ và phương Tây. Tất cả những hợp tác quân sự đều có cái giá của riêng nó, nhưng đây là lúc chính quyền Việt Nam cần đặt lên bàn cân sự lợi và hại của những đường lối ngoại giao mà họ đã và sẽ thực hiện. Trong lời bạt cuốn tự truyện, From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000 Lý Quang Diệu đã viết “Trong thời gian Chiến Tranh Lạnh những năm của thập kỷ 1960 và 1970, khi chưa rõ phe nào sẽ chiếm được ưu thế, chúng tôi chọn phương Tây. Sự chia cắt trong Chiến Tranh Lạnh khiến môi trường quan hệ quốc tế trở nên đơn giản.Vì những nước láng giềng đều chống cộng sản, chúng tôi nhờ đó mà nhận thêm được những hậu thuẫn quốc tế từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phương Tây. Đến cuối thập niên 1980 thì đã rõ là chúng tôi nằm về bên thắng cuộc.” Đôi khi, trong hành trình ngoại giao và giữ gìn lãnh thổ, các nước nhỏ đặt vận mệnh của dân tộc mình vào canh bạc chọn lựa đồng minh. Và nếu phải chọn, lịch sử dạy cho ta rằng, Trung Quốc đã và sẽ không bao giờ là một lựa chọn cho Việt Nam.
Việt Nam đang phải chống trả lại hai kẻ thù lớn. Kẻ thù thứ nhất là kẻ thù xâm lăng Trung Quốc. Kẻ thù thứ hai là sự mù quáng của những trục lợi cá nhân trước hoàn cảnh của dân tộc. Nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một bước ngoặt lịch sử. Thế hệ trẻ Việt Nam, những người sinh ra sau chiến tranh, giờ đây đang phải đối diện với những vấn đề của dân tộc trong thời đại họ. Và đây là lúc để chính quyền Việt Nam, tuy muộn, thể hiện rằng họ đang đứng về phía người dân và dân tộc. Cuộc chiến chống bành trướng của Trung Quốc là một cuộc chiến lâu dài. Nhưng chừng nào những dòng máu yêu nước và lòng nhiệt thành còn chảy, chúng ta còn có quyền hy vọng. Chỉ với một điều kiện, đừng vì những trục lợi cá nhân mà dập tắt lòng nhiệt thành ấy đi. 
P/S: Xin nói thêm rằng, khi tôi vừa hoàn tất bài viết này, thì hôm Chủ nhật vừa qua, lực lượng an ninh Việt Nam đã cấm đoán ngăn chặn và bắt bớ những người yêu nước biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc. Từ hy vọng lớn tôi bỗng rơi xuống nỗi thất vọng lớn.


Không có nhận xét nào:

Trang