18 tháng 12, 2012

Khát vọng cùng day dứt


Trần Trung

(Về tập Trăng lạnh của Hồ Phong Tư)

Mới cách đây chừng mươi ngày – những ngày cuối của tháng 11/2012, Tiến sĩ – Nhà Thơ Hồ Phong Tư gọi điện cho tôi: anh đến ngay quán cà phê Phạm Huy Thông đi…
Khi tôi vừa đến, Tư chìa ngay cho tôi cuốn thơ mới “ra lò” của anh – tập Trăng lạnh (nhà xuất bản Văn học – Hà Nội 2012).
Ngẫu hứng, tôi giở luôn bài thơ Trăng lạnh mà đọc và ngẫm ngợi luôn, cảm hứng luôn… Vì sao Hồ Phong Tư lại lấy bài thơ này để đặt tên chung cho tập của anh (bao gồm 56 bài thờ - 56 mảnh Trăng–Tâm–Tình kí thác và thông điệp của tác giả)?!
Và, tôi muốn khởi phát thẩm bình từ bài Trăng lạnh của Hồ Phong Tư (thi phẩm thuộc phần I, trong hai phần của toàn tập). Tôi thích và tâm đắc cái cách viết ngắn mang độ nén của xúc cảm và suy tư – hay như cách định danh thơ tư tuyệt mà Chế Lan Viên đã gọi là thứ thơ: “Bé hạt tiêu”.

Tất cả lặng đi. Vầng trăng nhô lên
Trăng đầu tháng xanh gầy trên biển vắng
Muốn gửi gắm điều gì cho xa thẳm
Lại tái tê cát sỏi dưới chân mình…

Điều đáng nghĩ và đáng nói là dòng địa danh và thời gian mà nhà thơ ghi ở cuối bài thơ bốn câu này: Côn Đảo 2006 – 2012.
Từ một bài cụ thể, lại đọc tiếp 45 bài trong tập mà giúp tôi đọc và nhận biết ra vị ngọt ngào cùng cay đắng; nhận ra cái được và cái mất; nhận ra cái giá của cuộc đời và số phận … Mà, theo tôi, bao trùm lên chính là thông điệp tâm tình của Người-Nghệ-Sỹ, của Thi nhân: Nỗi cô đơn muôn thuở cổ - kim, từ nhận biết bởi cái đẹp (vốn mong manh, vốn buồn nữa!) như trăng đầu tháng xanh gầy trên biển vắng. Người–Thơ trao gửi thổ lộ cả hai chiều: Khao khát và đớn đau; cái đẹp thanh tao, mong manh cùng cả nỗi tái tê thân phận:
Muốn gửi gắm hiều gì cho xa thẳm
Lại tái tê cát sỏi dưới chân mình…
Tôi lại chợt nhớ và ám ảnh bởi câu nói của Thi hào người Đức thế kỷ XIX: “Cô đơn là điểm xuất phát của nghệ thuật”.
Trong tập thơ Trăng lạnh tôi đã bắt gặp nhiều điệp khúc, nhiều biến thái của nỗi cô đơn trong cảm quan giầu xúc động và suy tư, và triết lí của Hồ Phong Tư. Tương tự thế, đọc thơ trong Trăng lạnh, hay bắt gặp trạng thái tâm hồn vừa giản dị, chân thành lại vừa đa cảm, đa suy của tác giả. Từ cảm quan ngoại giới hay cảm quan đột xuất từ trái tim đa tình của thi sĩ… mà tập thơ này của Hồ Phong Tư tràn ngập xúc cảm – cô đơn:
- Đó là nỗi cô đơn trong hoài niệm:

Hình như có dòng sông trắng
Vắt qua những giấc mơ mình
Hình như bạch dương thuở ấy
Đến giờ vẫn trắng lặng thinh…

(Nhớ… Gửi Ki-ép trong phần thơ có tên Những câu thơ nhặt ở bệnh viện)
- Nỗi đơn cô trong trạng thái bức xúc khao khát mà chẳng tìm ra địa chỉ neo đậu của Tình-Nghệ-Sỹ:

CHIỀU NÂU

Chiều bện viện buồn so, thưa vắng khách
Bệnh nhân ngồi lơ đãng nhớ về đâu
Chợt tíu tít đàn sẻ ngô xòa cánh
Như bàng hoàng, chiều bỗng đượm sắc nâu

Cũng chính bởi nỗi niềm cô đơn, thế nên Trăng lạnh của Hồ Phong Tư càng đào sâu vào niềm đau cùng nỗi đau mang màu sắc xã hội; đau buồn cùng nghĩ suy bởi Nhân-Tình-Thế-Thái.
Hồ Phong Tư hay chạnh lòng, chạnh nghĩ từ những bình ổn cùng biến thiên trong bộ mặt cuộc sống và lòng người; từ Đường làng sạch láng bê tông mà chạm tới nước mắt của hoài niệm:

ĐƯỜNG LÀNG

Không còn bùn vương, nước vũng
Đường làng sạch láng bê tông
Vườn ai trổ bông chuối đỏ
Cay cay khói rạ trên đồng…

Càng cảm lại càng buồn, càng đau khi đối diện, nghênh diện với hiện thực đa chiều; đối mặt với cái được và cái mất. Cũng bởi thế, thơ của thi sĩ họ Hồ nhuốm đượm thứ triết lý-ngậm ngùi-nhân sinh. Từ mong manh của vẻ đẹp buồn Hoa cúc dại mà chạnh buồn, chạnh nghĩ về thân phận, về kiếp người:

Cúc dai lẫn vào cỏ dại
Thường ngày ai nghĩ bón chăm
Thu sang vườn cây vàng lụi
Trắng ngần cúc giọt đăm đăm
(Hoa cúc dại)

Tôi tâm đắc những bài thơ tình (thuần túy!) luôn chân thành, xúc động và đầy rẫy tâm trạng đa chiều trong tập Trăng lạnh của Hồ Phong Tư:
- Đấy là trạng thái tâm tư vừa say đắm ầm ào lại vừa dịu dàng âu yếm:

ĐỪNG NGHĨ

Em đừng nghĩ anh là con của biển
Ngoài sự ầm ào chẳng có gì thêm
Em thấy đấy muôn vàn con sóng nhỏ
Vẫn dịu dàng âu yếm gót chân em…

- Mượn giọng của nước, của Trời đùa, mà kí thác nỗi niềm Chênh chao mà dường như thành quy luật cổ - kim của chuyện buồn vui Tình-Ái:

TRỜI ĐÙA

Trời đùa đổ nắng vào mưa
Đổ cây vào lá, đổ chùa và chuông
Đổ em vào nỗi buồn suông
Cho chênh chao cả căn buồng chênh chao

Với tập Trăng lạnh tôi cảm nhận, cảm thức chất-riêng-phong-cách của thơ Hồ Phong Tư.
Với tập thư thứ tư này (sau ba tập: Dã hương, Vẹt mòn bậc đá và Lục bát làng) khiến tôi vừa quý lại vừa thương thi nhân họ Hồ. Cái gì đã qua. Cái gì đang tiếp diễn. Cái gì sẽ tới… Tôi tin yêu niềm khao khát và day dứt từ thơ Hồ Phong Tư!

Không có nhận xét nào:

Trang