14 tháng 10, 2019

NHẬT VÀ RÁC NHẬT


Thấy trên mạng ai cũng khen vùng đô thị ven Tokyo của Nhật “ngập nước vì cơn bão Hagibis hôm qua, nhưng không thấy rác vì nước vẫn xanh trong”. Có lẽ mọi người vẫn chưa nhận ra các sự thật sau:
1. Dân Nhật chuyên môn đi mua hàng hóa trong siêu thị nên chắc chắn tỷ lệ rác thải tiêu dùng từ nền công nghiệp đóng hộp rất nhiều. Người Nhật có thói quen và văn hóa “gói đồ ăn và nhiều thứ khác bằng lớp màng plastic tiện dụng” hàng đầu thế giới. Nước Nhật cũng là quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, về lượng thải rác nhựa. Ngoài ra, người Nhật luôn thay đồ điện tử trong nhà sau mỗi chu kỳ/hạn dùng khuyến cáo bởi hãng sản xuất, dù chúng không hề hư. Thế cho nên chắc chắn họ có rác rất nhiều sau chuỗi tiêu dùng khổng lồ quốc nội. Xem:
2. Người Nhật rất tỉ mỉ trong việc phân loại và thu gom rác, và chắc chắn có công nghệ xử lý và tái chế rác, nhưng không thể giải quyết được hết đống rác khổng lồ của họ. Thế cho nên trong 2 thập niên gần nhất, họ đã phải chuyển rác qua Trung Quốc dưới chiêu bài “xuất khẩu rác có chọn lọc để tái chế ở nước thứ ba”. Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác, Nhật khốn đốn vì núi rác của họ ngày càng phình to ra, nên đã đẩy qua các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia, Thái Lan Philippines và Việt Nam. Tại Hội nghị G20 vừa qua, cả thế giới yêu cầu nước Nhật phải xem xét lại nguồn thải rác của mình. Xem:
Tôi biết có khá nhiều người Việt gom đồ điện tử thải loại của Nhật đem về Việt Nam bán lại, và khen lấy khen để rằng đồ Nhật hàng second-hand vẫn xài ổn và bền. Đấy chẳng qua là gom rác và xử lý rác giùm người Nhật mà thôi.
Có những nguyên tắc như sau về rác mà chúng ta cần hiểu:
1. Nơi nào giàu có, nhiều tiền thì ăn xài, tiêu thụ nhiều hơn, và do đó thải ra rác nhiều hơn.
2. Tái chế rác cần nhiều năng lượng và nỗ lực gấp nhiều lần so với sản xuất “bao bì và đồ hộp”. Và như thế, xét về khía cạnh kinh tế, chẳng có hãng nào đóng gói sản phẩm với chi phí 1 đồng, lại phải chi thêm nhiều đồng khác để tái chế rác từ quy trình đóng gói ấy. Như vậy hóa ra họ không có lợi nhuận sao? Về phương diện kinh tế, tái chế không có lợi.
3. Không tái chế thì chỉ có 3 cách: đốt, chôn lấp hoặc vứt qua nhà hàng xóm. Đốt và chôn lấp thì gây ô nhiễm môi trường nước sở tại. Như vậy, cách tốt nhất là chi tiền để vứt qua nhà thằng khác, rồi để cho nó đốt, chôn lấp và làm dơ bẩn nhà của chính nó.
4. Đối với thiên nhiên, không hề có khái niệm tái chế, mà là phân hủy và sử dụng lại – giống hệt các cánh rừng tại Amazon vậy. Quá trình quang hợp của cây rừng ban ngày giải phóng khí oxygen bao nhiêu, thì ban đêm hấp thu lại qua hiện tượng thở bấy nhiêu. Lá cây chứa carbon rụng xuống đất bao nhiêu, thì sẽ bị phân hủy vào đất và được rễ cây hút vào sau đó bấy nhiêu. Tất cả không tốn nhiều năng lượng, không gây ô nhiễm trên diện rộng, và đóng góp một phần hài hòa vào chu trình sống của hệ sinh thái.
Vì vậy, đừng khen nức nở nước Nhật. Họ đã vứt rác qua nhà người khác, trong đó có nhà của chúng ta. Họ cũng đã xả nước làm nguội lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima chứa 18.000 đơn vị nhiễm xạ terabecquerel (TBq) của đồng vị caesium 137 ra Thái Bình Dương vào năm 2011, và từ năm 2013, 30 đơn vị nhiễm xạ gigabecquerel (GBq) của đồng vị caesium 137 vẫn còn chảy vào đại dương mỗi ngày. Sắp tới, Nhật tuyên bố sẽ tiếp tục xả 1 triệu tấn nước nhiễm xạ ra biển.
Đấy là cái giá phải trả cho một nền công nghiệp phát triển, tiêu thụ năng lượng lớn, tăng trưởng kinh tế tột bậc và xả thải nhiều mà thôi. Cái quan trọng là dù rác sinh ra từ Nhật và đốt ở Malaysia chẳng hạn, hay nước nhiễm xạ của Nhật xả ra ở Bắc Thái Bình Dương, nhưng chảy qua tận Đại Tây Dương, thì hơn 7 tỷ người trên hành tinh này đều ăn cá và hít không khí trên cùng một hành tinh. Và điều bất công rõ ràng hiện ra khi mà một bên giàu có, ăn uống, xả rác với phong cách “rất lịch sự và sạch sẽ”, trong khi bên kia phải gánh lấy trách nhiệm giải quyết mớ rác, nếu không nói là phải ăn cá và hít không khí ô nhiễm.
Mấy ngày qua, tôi không muốn nói nhiều về cơn bão HAGIBIS ở Nhật nữa, vì thật ra, nó đã làm tốt công việc của mình rồi. Nó thậm chí vẫn yếu hơn rất nhiều lần khi đổ bộ vào Tokyo (giảm cấp xuống Cat.2), so với điều DORIAN đã làm tại Bahamas (sức mạnh tuyệt đối Cat.6). Điều đó cho thấy, dân nghèo Bahamas đã chịu đòn tàn khốc của thiên nhiên còn hơn cả dân Nhật. Và đó là ví dụ minh họa rất rõ ràng cho bất công của giây phút hiện tại (vấn đề rác), và trong tương lai gần (đột biến khí hậu).
Nhật là nước đứng thứ 5 trên thế giới về xả thải khí nhà kính. Và sốc nóng, bão lũ, mưa to, mực nước biển dâng, Đồng bằng Sông Cửu Long chìm xuống đáy biển một phần là nhờ công ơn “sạch sẽ” của nền công nghiệp Nhật Bản.
Hãy nhớ điều đó trước khi khen ngợi người ta!

Không có nhận xét nào:

Trang