14 tháng 10, 2019

Đất và người xứ Nghệ

                        Nghệ sĩ Minh Tuệ đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 8/2019 (ảnh NSND Minh Tuệ cung cấp) Anh là một nghệ sĩ tài hoa. Trời phú cho anh một gương mặt sáng, một khả năng hát và diễn tốt. Nhưng tôi nghĩ, cái không kém phần quan trọng làm nên nét riêng và tạo chỗ đứng vững chắc cho anh trong làng Kịch hát Nghệ An nói riêng, Kịch hát nước nhà nói chung, có lẽ đó là khả năng tìm tòi, đam mê sáng tạo không ngừng. Đúng như NSƯT An… 

Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ là một bậc trứ danh thuộc loại hiếm của đất nước. Nhưng không phải là một anh hùng cứu quốc, cũng không phải là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà văn hóa lớn, một thiên tài văn chương, một học giả uyên bác, một nhà canh tân kiệt xuất, một nhà cách mạng lớn… 
Với tôi, ở Nguyễn Công Trứ là một sự lên ngôi của cái Tôi - cá thể, không chỉ ở thời trung đại mà cả cho đến hôm nay và là một mẫu người kinh bang tế thế đáng để cho hậu thế noi theo. 
I. Sơ lược về khái niệm kinh bang tế thế. 
Học thuyết nào thì cũng muốn được hiện thực hóa thông qua mẫu người lý tưởng của học thuyết đó. Ở Nho giáo, trước hết là mẫu người hiền nhân quân tử để làm gương cho công cuộc thực hành đạo lý trong nhân quần theo lý tưởng của đạo Nho là xây dựng xã hội đức trị. Cùng với mẫu người quân tử, kinh bang tế thế là mẫu người trực tiếp thể hiện tính chất nhập thế ưu việt của đạo Nho. Trong lịch sử, đội ngũ Nho gia đã phân hóa thành ba loại là: nhà Nho nhập thế, gắn bó và xây đắp cuộc đời. Nhà Nho ẩn dật xa lánh cuộc đời, tìm nơi vắng vẻ mà sống với thiên nhiên cây cỏ, Nhà Nho tài tử vẫn gắn với cuộc sống nhưng có phàn sống theo cảm hứng riêng, phá cách, ít nhiều phi Nho. Thực tế lại đá có chân Nho là người học sách Nho và hành động đúng với sách. Còn ngụy Nho là học sách Nho nhưng sống lại ngược sách Nho. Còn hủ Nho là người học Nho nhưng lạc hậu bảo thủ trước những vấn đề của cuộc sống. Với nhà Nho nhập thế chân chính thì vô cùng đa dạng do tính chất đa dạng của cuộc sống qui định nhưng bao trùm lên tất cả chính là sự nghiệp kinh bang tế thế. Hai từ kinh tế (économie) mà ngày nay đang dùng chính là lấy từ chữ kinh và chữ tế trong mệnh đềkinh bang tế thế nhưng nội hàm rộng hẹp khác nhau cơ bản. Ngày nay khi nói kinh tế thì chỉ đơn thuần nói về của cải vật chất, tiền bạc và phải làm sao cho mỗi ngày một tăng trưởng đối với từng người, từng gia đình, từng xóm làng, từng khu vực, từng quốc gia…và cả nhân loại. Trong khi nội hàm của khái niệm Kinh bang tế thế là rộng lớn bao gồm mọi phương diện của cuộc sống trần gian, có cơ sở triết lý sâu xa từ học thuyết nhập thế mà sách Đại học, một trong Tứ thư của Nho giáo đã nêu lên với một logich không một học thuyết cổ kim Đông Tây nào có bằng:“Chính tâm thành ý, cách vật trí trí, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Kinh có nghĩa là trải qua, là hành động để tạo ra thành quả này nọ. Bang là giang sơn đất nước. Kinh bang là chăm lo mọi việc để quốc phú dân cường trong đó có đời sống vất chất sung túc, có đời sống tinh thần cao đẹp, chứ không chỉ đời sống vật chất, Tế là phù trì giúp đỡ, đưa lại hạnh phúc cho người khác. Tế đi đôi với độ - tế độ - cũng có nghĩa là thế. Thế là đời là nhân quần là người đời. Tế thế là giúp đời, sống cho đời. Kinh bang tế thế, nói gọn lại là giúp nước giúp đời. Mà để làm được điều cao cả đó là phải đi đúng lộ trình: Chính tâm thành ý (tâm địa phải chính đáng, ý nghĩ phải thành khẩn) cách vật trí tri (hiểu biết cuộc sống) tu thân (rèn luyện đạo đức cá nhân), tề gia (xây dựng được gia đình êm ấm), trị quốc bình thiên hạ (xây dựng đất nước hạnh phúc khắp thiên hạ người người bình yên). Kinh bang tế thế là thuộc sứ mệnh trị quốc bình thiên hạ. Cùng với khái niệm Kinh bang tế thếlà bát mục, Nho giáo còn có nói đến: Minh minh đức là phát huy đức sáng tính tốt tính thiện của nhân dân kể cả với tàng lớp thống trị cũng phải vậy. Tân dân là đổi mới lòng dân để bỏ cũ theo mới, bỏ ác theo thiện. Chí ư chí thiện là đạt đến đạo đức hoàn thiện. Chưa nói là nền giáo dục dựa vào Nho giáo mà sách báo sau này thường chê bai là giáo điều, sách vở, xa thực tế, chỉ đào tạo ra những ông quan ăn trên ngồi trốc nhân dân cần xóa bỏ trong khi chính nền giáo dục này đã có triết lý giáo dục cao siêu tưởng không gì hơn là “Nhân bất học bất tri lý” (Người mà không học thì không biết lẽ phải), “Ấu bất học lão hà vi” (Trẻ không học thì sống đến già biết gì mà làm), “Tri hành hợp nhất” (Học và hành là một). “Học nhi bất yếm, giáo nhân bất quyện” (Học không biết chán. Dạy người không biết mỏi). Dĩ nhiên, nên giáo dục nào thì cũng tồn tại trong những điều kiện lịch sử cụ thể mà thành công nhiều hay ít. Nền giáo dục thời Nho giáo với những triết lý như thế đã có thành quả rõ rệt mong dừng ai chối cãi nữa mặc dù không phải không có hạn chế này nọ… Sứ mệnh kinh bang tế thế là dựa trên nền tảng văn hóa đức trị theo những triết lý nhân sinh như thế, chứ đâu như ngày nay kinh tế đơn thuàn chỉ là chuyện làm giàu của cải vật chất cho từng cá nhân hay cho tập đoàn cho quốc gia... mà chương trình CEO hàng ngày vẫn có trên Truyền hình. Ở đây cũng khuyến khích những doanh nhân thành đạt làm từ thiện, làm công ích mà trong những chuyện này đâu đã thuần khiết trăm phần trăm một khi vẫn có chuyện bánh ú đi bánh dì lại. 
II. Nguyễn Công Trứ một mẫu hình kinh bang tế thế hấp dẫn. 
Nói đến Nguyễn Công Trứ là nói đến một nho sinh đang độ “khoa trường đeo đuổi” đã dâng Thái bình thập sách (Mười chính sách để có hòa binh cho đất nước) lên vua Gia Long trong hoàn cảnh đất nước vừa qua cuộc nội chiến giữa họ Nguyễn và anh em Tây Sơn, giang sơn mới được qui về một mối. Rồi là một giải nguyên một nhà nho được Nguyễn Bách Khoa trong sách Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Tạp chí Văn hóa, Hà Nội, 1944 là người đầu tiên tiếp theo học trò là Trần Đình Hượu và học trò của Trần Đình Hượu là Trần Ngọc Vương mệnh danh là nhà nho tài tử. Nhà nho tài tử vẫn là nho nhưng đã có mặt vượt ra khỏi tính chất khuôn phép có phần cứng nhắc của nhà nho chính hiệu. 

Nói đến Nguyễn Công Trú là nói đến một ông quan, trải qua ba đời vua của triều Nguyễn với lý tưởng tôn quân “sắp hai chữ quân thân mà gánh vác”, tham dự nhiều chức trách, xông pha khắp đất nước kể cả sang tận đất Cao Miên, lên voi cũng ghê nhưng có lúc xuống chó cũng gớm. Hậu thế khi nói về cụ Thượng Trứ, ông Đốc Củng thì nhớ nhất là sự kiện; Với chức trách Doanh điền sứ đã khai dân lập ấp mở mang ra hai huyện Kim Sơn (thuộc Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình), một vài xã khác thuộc Nam Đình.và còn nhiều địa phương khác có nơi thuộc Nam kỳ. Ai đã đến Kim Sơn, quan sát cách thức phân bố địa phận địa giới cho từng xã thì sẽ thấy tài kinh bang tế thế của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ là thế nào. Mỗi xã, chiều ngang chỉ khoảng 500 mét còn chiếu dọc thì đều hướng ra phía biển, cứ thế mà dài thêm theo độ bồi của đất và khả năng lấn biển của người dân, xã này cách xã kia bằng kênh đào theo chiều dọc. Do đó mà xã nào cũng có sông nước để thả rau muống, đặt bè nuôi tôm nuôi cá, sáng ra hái rau vớt tôm cá về ăn, nuôi vịt thả sông, vừa có thủy sản vừa có nông phẩm, vừa có phần đất thuần hóa lâu đời để làm nhà làm cửa, vừa có phần đất bồi sớm muộn mà canh tác. Xã nào cũng cớ phần đất giáp biển nên đều có trách nhiệm bảo vệ đê biển. Cuộc sống từ đó và mãi mãi ấm no, ít có nơi nào ở đồng bằng Bắc Bộ sánh kịp trong tình hình kinh tế nông nghiệp. Còn Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ làm xong việc khai dân lập ấp thì rũ áo ra đi không một chút tơ vương. Chỉ để lại lòng tri ân đời đời của người dân nơi đó. Ở Kim Sơn và Tiền Hải đều lập sinh từ thờ sống ân nhân Nguyễn Công Trứ. Tại Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình), đã bao đời nay, không chỉ người dân bên lương mà cả người dân bên giáo đã phá lệ của giáo hội thường xuyên đến lễ bài đền thờ Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Gần đây ngôi đến này đã được mở rộng nâng cấp nguy nga tráng lệ thành nơi hành hương tham quan của nhiều khách thập phương, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc hội nghị tổng kết công tác thủy lợi toàn miền Bắc trước năm 1975 đã mệnh danh Nguyễn Công Trứ là một “nhà khẩn hoang lỗi lạc”. Bản thân người viết bài này năm 1962 cũng đã về Kim Sơn Phát Diệm và cả Tiền Hải tìm hiểu Nguyễn Công Trứ đến nay 56 năm rồi vẫn in đậm trong đầu niềm thần phục về tinh thần thân dân và bộ đại não của nhà khẩn hoang lỗi lạc này. 
Nói đến Nguyễn Công Trứ cũng là nói đến một ông quan đã theo lệnh triều đình đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở Sơn Nam hạ và cuộc khởi nghĩa Nồng Văn Vân ở Tuyên Quang mà hậu thế theo lập trường giai cáp, lâp trường cách mạng chống phong kiến thì lên án một cách gay gắt. Nhưng nghĩ theo lợi ích quốc gia thì lại có thể nghĩ khác hoàn toàn. Bởi với Nguyễn Công Trứ điều quan trọng hơn là tìm mọi cách khẩn hoang khai dân lập ấp mở mang cuộc sống cho người dân để họ khỏi nổi dậy để đất nước yên bình. Đó không phải là giải pháp tối ưu sao?. Mà không chỉ một Nguyễn Công Trứ làm việc đó. Vũ Phạm Khải gần như cùng thời với Nguyễn Công Trứ cũng làm thế sau khi phải theo lệnh triều đình dẹp loạn nông dân ở vùng biên giới phía Bắc.. 
Nói đến Nguyễn Công Trứ, hậu thế cũng không quên chuyện với tư cách Trấn Tây nguyên soái đã đề nghị vua Minh Mạng rút khỏi Cao Miên để kéo lại sự hữu hảo giữa hai đất nưóc vốn không đơn giản từ thực tế địa giới. Hậu thế càng không quên chuyện Nguyễn Công Trứ tuổi 80, nghỉ hưu đã lâu, nhưng khi nghe tin thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng đã dâng biểu xin cho cầm quân chống giặc xâm lăng mà không được nhà vua chấp nhận vì thấy tuổi đã quá cao. 
Nói đến Nguyễn Công Trứ, bên cạnh những gì vừa nói, còn là một thi bá, chuyên dụng thơ nôm (chỉ một bài thơ Hán), gồm các thể loại cổ điển và đã dược coi là vi thủy tổ của thể loại hát nói. Hát nói đã có mầm mống từ trước nhưng đến Nguyễn Công Trứ mới định hình về số lượng và kết tinh thành đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật. Cùng thời có Cao Bá Quất cũng làm thơ hát nói nhưng ở thể loại này họ Cao chưa ngang tầm họ Nguyễn. Về sau có Dương Khuê, Tản Đà, Tràn Tuấn Khải... tiếp tục nhưng vẫn là đàn em cụ Trứ. Đặc điểm của thể loại hát nói là sự kết nối giữa hai nguồn cảm hứng và ngôn ngữ cùng thi pháp bác học và dân gian dẫn đến sư hốn hợp cả ba thành tố: lời, nhạc và vũ. Từ đó mà có nghệ thuật Ca trù ngày nay được Unessco công nhận là Di tích văn hóa thế giới. Còn với Nguyễn Công Trư thì hát nói đã là thú vui ngâm ca trong cuộc đời kinh bang tế thế, đặc biệt là trong những năm tháng làm Doanh điền sứ khẩn hoang khai dân lập ấp, không chỉ với riêng mình mà còn với những người dân ấp dân lân. Có thể nói, sáng tác hát nói cũng là một phương tiện kinh bang tế thế tích cực của Nguyễn Công Trứ và chứng tỏ ở ông là văn võ song toàn trong sự nghiệp kinh bang tế thế. 
Mẫu người kinh bang tế thế ở Nguyễn Công Trứ đã thể hiện ở những hành vi nổi trội hiếm có nhưng cũng có mặt không dễ gì có sự đồng thuận trong sự đánh giá của hậu thế là như thế. Nhưng gì thì gì, đây là thành quả của “sự lên ngôi của cái Tôi - cá thể” ở Nguyễn Công Trứ, đáng coi là đột khởi so với lích sử, kể cả với hậu thế. Chúng ta sinh ra giữa cõi đời mỗi người là một cá thể sống, mội cái Tôi - cá thể (L’individu) với hai thuộc tính: sinh học tự nhiên và xã hội dần dần hình thành mang tính cá biệt. Ngay hai anh em sinh đôi cũng thế vì mỗi người là một cá thể sống. Cá thể sống là tế bào tạo nên các cộng đồng sống trong đó có cộng đồng quốc gia dân tộc. Tế bào khỏe thì cộng đồng khỏe. Cái Tôi trong cá thể sống đang nói đây là cái Tôi nhân văn sáng tạo, về bản chất hoàn toàn đối lập với cái Tôi của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ (L’individualisme). Đất nước muốn phát triển cho ra phát triển thì phải cầu nguyện cho cái Tôi cá thể chân chính trỗi dậy sớm chừng nào hay chừng ấy. Ngược lại phải tiêu diệt cái Tôi vị kỷ tai hại được chừng nào thì dân được nhờ chừng ấy. Trong thực tế, sự nhận thức vế cái Tôi - cá thể là từ vô thức đến hữu thức, sớm muộn cao thấp khác nhau giữa các quốc gia khu vực. Ở phương diện này, phương Tây đi trước phương Đông là nhờ sớm phất triển kinh tế tư hữu nên trong văn chương thời cổ đại Hy La đã thấy cái Tôi ló mặt… Đến thời Phục hưng.thì đã lộ rõ hơn một khi Hamlet, nhân vật của Sêchxpia, đã tuyên bố Tồn tại hay không tồn tại (To be or not to be). Tiếp đến Descartes với mệnh đề Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại (Je pense donc que je suis) thì chứng tỏ sự nhận thức về cái Tôi - cá thể đã ở trình độ tự giác sâu sắc. Còn ở ta, thuộc phương Đông thì sao? Rõ là rất muộn. Bởi ở nước ta, vốn là một nước nông nghiệp, chế độ công xã kéo dài, tầng lớp thị dân tiền tư bản chậm phát triển. Đã thế, với Phật giáo và Nho giáo là hai học thuyết ngự trị đất nước lại chủ trương vô ngã phi ngã. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, chỉ có cái Tôi đạo đức là nổi rõ nhưng vẫn chưa phải cái Tôi đang cần nói ở đây. Trong ngôn ngữ, vẫn có từ ngã, từ ngô đều có nghĩa là tôi và trong văn chương, đặc biệt với thể loại trữ tình, tự nó đã có mặt cái tôi cảm xúc nhưng vẫn chưa phải là sự nhận thức triết học về cái Tôi - cá thể. Có người chưa hiểu điều đó nên đã nói văn học đời nào lại chẳng là cái Tôi. Với triết học, cái Tôi - cá thể vừa là chủ thể vừa là khách thể. Tôi tự nhận thức về tôi và còn là nhận thức về cái Tôi ở người khác. Văn học khám phá thế giới con người mà chưa tự giác về việc khám phá con người cá thể thì hời hợt là điều cầm chắc. Ở nước ta, từ thể kỷ XVIII, cái Tôi - cá thể mới bắt đầu ló mặt dần trong văn chương của Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Du, Ngô Thời Sỹ, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, rõ nhất là Nguyễn Công Trứ. Có thể nói Nguyễn Công Trứ là người Việt Nam đầu tiên có đáp án về vấn đề Tôi là ai? “Tồn tại hay không tồn tại” giữa cuộc dời này? “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng” nghĩa là tôi - Nguyễn Công Trứ - đang tồn tại đây. Tôi có kiếp đời của tôi cũng như người khác có kiếp đời người khác bởi “Rút cục lại mỗi người riêng một kiếp” (Nghĩa người đời) và “Người có biết ta hay thì chớ. Chẳng biết ta ta vẫn là ta” (Thích chí ngao du) “Thiên phú ngô, địa tải ngô. Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý” (Trời che ta Đất chở ta. Trời đất sinh ta là có ý. Nợ công danh). Dĩ nhiên, với Nguyễn Công Trứ, tồn tại phải ra tồn tại. Tồn tại hết mình. Hết mình về phận sự với nhân quân. “Vũ trụ chi gian giai phận sự” (Phải có phận sự với mọi chuyện giữa vũ trụ này. Luận kẻ sĩ). “Vũ trụ nộ mạc phi phận sựi”. “Đứng trượng phu một túi kinh luân” (Bài ca ngất ngưởng). Một nét dặc sắc ở cái Tôi - Nguyễn Công Trứ là nghị lực sống. Đường khoa bảng với ông đâu có suôn sẻ mà chắc chắn là không vì học lực. Nhưng ông vẫn vươn lên lấy cho được cái giải nguyên. Trên đường hoạn lộ, làm đến chức lớn này chức lớn khác mà có lúc bị án “trảm giam hậu” bị giáng xuống làm lính thú nhưng vẫn không nản để cuối cùng lịch sử vẫn ghi là ông Đốc Trứ, cụ Thượng Trứ. Nguyễn Công Trứ quả thật là một “thằng Tôi” (Le Moi) hành động theo Chí làm trai. được đẩy cao thành Chí khí anh hùng: Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/Nợ tang bồng vay trả trả vay/Chí làm trai nam bắc tây đông/Cho phí chí vẫy vùng trong bốn bể/Nhân sinh thế thượng thùy vô tử/Lưu đắc đan tâm chiếu hạn thanh/Đã chắc rằng ai dại ai khôn /Mấy kẻ biết anh hùng thời vĩ ngộ/Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ/Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/Chí những toan xé núi lấp sông/Làm nên đứng anh hùng đây đó tỏ”(Chí khí anh hùng). Ở Nguyễn Công Trứ, chữ danh “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông” gắn chặt với tinh thần tự nhiệm, với sự nghiệp kinh bang tế thế, xa lạ đối cực với hư danh, hiếu danh tầm thường bỉ ổi. Bởi Nguyễn Công Trứ hơn ai hết cũng thừa biết “Trên đường danh lợi vinh liền nhục/Trong cuộc trần ai khóc lẫn cười”. Nguyễn Công Trứ cũng là người đầu tiên có ý thức cậy tài khoe tài, tự biết mình là người có tài mà không dấu tài, không khiêm tốn giả vờ như thói quen ở nhiều người đời: “Trời đất cho ta một chữ tài/Giắt lưng ngày tháng để mà chơi”. Với ông kinh bang tế thế, xông pha cống hiến nhưng cũng không phải là người ép xác. Ở ông, cống hiến đi đôi với hưởng thụ. Ngày trẻ đã thế. Đến già vẫn thế. Lên chùa tụng kinh niệm Phật mà vẫn “gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” để Bụt cũng phải “nực cười ông ngất ngưởng”. Vào cái thời buổi nguyên lý “khắc kỷ phục lễ” vẫn nặng nề mà Nguyễn Công Trứ nhà ta đã tuyên bố thẳng thừng trước thế gian: “Nhân sinh bất hưởng lạc/Thiên tuế diệc vi thương” (Người ta sinh ra giữa cõi đời mà không biết hưởng lạc thì có sống trăm tuổi cũng coi như là chết yểu). Dĩ nhiên là hưởng lạc thanh tao, giắt “một đôi dì” lên chùa chứ không phải vào bụi rậm hay vào nhà nghỉ như thời nay. Mở đầu bài viết, tôi nói Nguyễn Công Trứ là người nhất vàngười hơn ai hết là từ những điều thế đấy… Một con người như thế, kinh bang tế thế, làm nên “đứng anh hùng đây đó tỏ” như thế nhưng kết thúc cuộc đời lại trong tâm trạng: “Kiếp sau xin chở làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/Giữa trời vách đá cheo leo/Ai mà trụ được cùng trèo với cây”. Ấy mới hay bi kịch trần gian là thế. Bi kịch mà cao cả. Cao cả trong bi kịch. Đúng, Nguyễn Công Trứ không phải là một danh nhân gì trong các danh nhân mà trên đã nói. Ở Nguyễn Công Trứ là một sự lên ngôi của con người cá thể mà trở thành một mẫu người kinh bang tế thế, một người rất người hấp dẫn như thế. Triết học và Khoa giá trị học về sự sống của nhân loại đánh giá con người này thế nào nhỉ? Riêng tôi, xin bái lạy và thăm thắm cảm tạ Uy Viễn tướng công đã cho tôi thêm một thần tượng để thêm yêu thêm quí thêm tự hào về xứ Nghệ quê tôi. 
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội 
Chú thích 
Xem thêm Nguyễn Đình Chú: Nguyễn Công Trứ: sự lên ngôi của cái Tôi - cá thể. Đoàn Tử Huyến chủ biên - Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử. Nxb Nghệ An. Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. 2008. Nguyễn Đình Chú; Văn hóa - Văn học - Giáo dục. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội 2018. 
Xem thêm Nguyễn Đình Chú: Vấn đề ngãvà phi ngã vô ngã trong văn học Việt Nam trung cận đại. Nguyễn Đình Chú tuyển tập. Nxb Giáo dục Việt Nam 2012

Không có nhận xét nào:

Trang