6 tháng 5, 2018

Chính cán bộ cao cấp đầu cơ đất Thủ Thiêm??? Và chuyện dừng thanh tra đột ngột…

Tác giả: Theo facebook Ba Kiem Mai và Trương Châu Hữu Danh (Dân Việt)
Đoàn Thanh tra Chính phủ và các nhà báo nên phỏng vấn hai ông Bẩy Thanh và Chín Lực để biết các lãnh đạo ác ôn nào từng thâu tóm đất đai Thủ Thiêm. Không công bố quy hoạch cho người dân bị giải tỏa, làm mất bản đồ là vi phạm luật pháp! (Ba Kiem Mai)
KD: Kinh quá, tác giả dùng từ “lãnh đạo ác ôn” khiến mình tự nhiên nhớ “chế độ ngụy quân, ngụy quyền thối nát”… ngày xưa 
Xin đăng cả hai thông tin để bạn đọc tiện theo dõi.
Title bài chủ Blog xin đặt 
                                                  ————— 
Khoảng năm 2000, trong cuộc họp HĐND TPHCM, sau khi phê phán gay gắt lãnh đạo Q.2 chậm trễ trong công tác giải tỏa đền bù, chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh gút lại: “Anh Chín Lực (Đỗ Tiến Lực – chủ tịch UBND Q.2), tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở anh nhiều lần phải tiến hành cắm mốc đường dẫn từ hầm Thủ Thiêm lên (đường Mai Chí Thọ bây giờ), để bàn giao cho đơn vị thi công, tôi cho anh hứa lần cuối, chừng nào cắm xong?”. Anh Chín Lực ngửa bài: “Thưa anh Bảy, anh làm ơn nói với các ông lớn, bà lớn cho tôi biết đất chỗ nào của ông nào hay của bà nào, để tôi biết đường mà cắm”. Toàn thể đại biểu cười rần, có lẽ chạm nọc nhạy cảm, ông Bảy Thanh chuyển sang phần nghị sự khác.
Hôm sau, chỉ có báo Phụ Nữ đăng câu nói của anh Chín Lực, anh khều tôi nói nhỏ, báo Phụ Nữ chịu chơi! Không ngờ vài tháng sau, ông Bảy Thanh cách chức chủ tịch Q.2, điều anh Chín Lực về làm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐQT công ty Samco (Cơ khí Ô tô Sài Gòn) chuyên đóng ô tô buýt. Anh Chín rất bản lĩnh, xuống chức vẫn vui vẻ.
Đoàn Thanh tra Chinh phủ và các nhà báo nên phỏng vấn 2 ông 7 Thanh và 9 Lực để biết các lãnh đạo ác ôn nào từng thâu tóm đất đai Thủ Thiêm. Không công bố quy hoạch cho người dân bị giải tỏa, làm mất bản đồ là vi phạm luật pháp!
P/S: Luật Quy hoạch đô thị Số: 30/2009/QH12
Điều 9. Lưu trữ, lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị
1. Hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị, cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị và cung cấp tài liệu về đồ án quy hoạch đô thị cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 53. Công bố công khai quy hoạch đô thị
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch đô thị phải được công bố công khai bằng các hình thức sau đây:
a) Trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ, mô hình tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan về quy hoạch đô thị, trung tâm triển lãm và thông tin về quy hoạch đô thị và tại khu vực được lập quy hoạch;
b) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng;
c) In thành ấn phẩm để phát hành rộng rãi.
2. Nội dung công bố công khai gồm các nội dung cơ bản của đồ án và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành, trừ những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
3. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.
Điều 54. Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch đô thị
1. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn công bố công khai đồ án quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn do mình quản lý.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương;, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn có trách nhiệm công bố công khai đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Đọc thêm:
Bản đồ Thủ Thiêm “mất tích” và chuyện dừng thanh tra đột ngột
Tác giả: Trương Châu Hữu Danh
Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện “nội bộ” của TPHCM và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng “dấu mật”, phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn.
Bản đồ gốc quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm hiện đang bị “mất tích” 
Chuyện cái bản đồ Thủ Thiêm “bị mất”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng phát hiện ra từ hồi cuối tháng 11.2017 khi ông làm việc với TP.HCM. Tại cuộc họp đó, TP.HCM đã báo cáo “các sở ngành liên quan đều không tìm thấy”.
Cho đến cuộc họp báo ngày 2.2, một lần nữa TP.HCM “lại không tìm thấy” dù bản đồ này liên quan trực tiếp đến ít nhất 15.000 hộ dân.
Trưa 2.5, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo định kỳ để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng tháng 4 trên địa bàn. Tại cuộc họp, các cơ quan báo chí cũng như các cán bộ dự họp khá bất ngờ khi phóng viên Hồ Văn của báo Dân Việt đặt câu hỏi “Bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay đang ở đâu?”. Người chuyên quản lý việc vẽ bản đồ – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã tiếp tục cho biết… đến giờ vẫn tìm chưa ra.
“TP đã chỉ đạo các sở – ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ – ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy” – ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, từ năm 1996 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ bản đồ này. Ông Nhã cho biết tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng bản đồ đi kèm lại không có, đồng thời khẳng định TP đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp để xin ý kiến.
Nói rõ hơn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay bản đồ KĐTMTT chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có, các bộ, ngành cũng đang cố gắng tìm.
“Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định thì mới được phê duyệt. Rất tiếc, hơn 20 năm rồi, không hiểu lúc ấy công tác lưu trữ làm như thế nào, đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch đó. Quyết định 367 kèm theo bản đồ là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được” – ông Hoan nhấn mạnh. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo phải tìm bằng được và “nghe nói” đã tìm thấy bản photocopy chứ không phải bản gốc, bản màu.
Thực ra thì bản đồ không hề mất. Ngay trong năm 1996, bản đồ này đã được đăng trên báo Lao Động, công khai ở địa phương bị thu hồi đất. Hiện nay, hàng chục người dân xin được bản sao ở Chi cục Văn thư lưu trữ, dấu mộc đỏ chót. Thậm chí, công dân Lê Văn Lung – người đi khiếu nại 20 năm qua, ngoài “bản đồ gốc” còn nắm giữ hàng trăm bản đồ giải thửa của bà con xung quanh.
“Họ cần chúng tôi sẽ cho không. Nhưng không có bản đồ thì làm sao mà thu hồi đất. Họ sợ lộ vụ Thủ Thiêm nên thủ tiêu thôi chứ mất sao được!” – ông Lung cười chua chát.
Bản đồ đi kèm Quyết định 367 được xem là “chìa khóa” giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua. Để đầu tư xây dựng “siêu dự án” này, TP HCM đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP.HCM cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Cũng từ đó, chuyện khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh. Vấn đề khiếu nại kéo dài, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh giới quy hoạch.
Theo “bản đồ gốc”, phần thu hồi tập trung đất nông nghiệp, ít đất dân cư và các cơ sở công cộng, trường học. Nhưng sau đó, hàng loạt hộ dân cũng bị thu hồi đất vì không hiểu sao nằm ngoài quy hoạch cũng bị thu hồi. Những công dân ở đây chua xót khi có nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vừa xây xong đã bị đập phá nhường đất cho dự án. Nhiều nhà cửa nằm ngoài quy hoạch cũng bị cưỡng chế di dời.
Mấy năm qua, xung quanh Trụ sở tiếp Công dân của Thanh tra Chính phủ ngoài Hà Đông (Hà Nội) bỗng dưng xuất hiện “làng Thủ Thiêm” khi cả trăm người dân Thủ Thiêm kéo ra đây sống vạ vật kế bên để khiếu nại kéo dài.
Năm 2015, người dân mừng khấp khởi khi Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra Dự án Thủ Thiêm. Nhưng, đoàn thanh tra sau vài ngày làm việc, phát hiện hàng loạt sai phạm thì Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bất ngờ có văn bản “Mật” đề nghị hoãn thanh tra toàn bộ dự án.

Ông Lê Văn Lung và tấm bản đồ do Chi cục Văn thư lưu trữ cung cấp (Ảnh: Hữu Danh)
Vào giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đối thoại với đại diện các hộ dân khiếu nại trong dự án. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch KĐTMTT và đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm Quyết định 367 để xác định ranh giới. Tuy nhiên, người ta không thể cung cấp được bản đồ này. Qua năm 2017, ông Ngô Văn Khánh có văn bản thông tin sẽ thanh tra dự án này trên cơ sở kế thừa các kết quả cũ. Tuy nhiên, đến nay đã gần giữa năm 2018, dự án này vẫn chưa bị thanh tra.
Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện “nội bộ” của TP.HCM và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng dấu “mật”, phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn.
Chưa lúc nào hơn lúc này, người dân Thủ Thiêm lại trông chờ hình ảnh cái lò đốt sạch củi khô đến vậy.

Không có nhận xét nào:

Trang