4 tháng 5, 2015

Xóa bỏ hận thù, lấy đại cục làm trọng

“Một trong những vấn đề cấp bách của một đất nước sau chiến tranh là hòa giải dân tộc: Xóa bỏ hận thù, lấy đại cục làm trọng, lợi ích của dân tộc là trên hết, cùng nắm tay nhau xây dựng đất nước phồn vinh. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã thực hiện hòa giải dân tộc, đã làm được nhiều việc, nhưng trong thời gian tới cần phải làm nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa”.
Đó là chia sẻ của PGS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) với NTNN nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dân tộc là trên hết
Tháng 4.2014, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng đoàn Việt kiều đại diện 70 nước và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã dâng hương Lễ hội Giỗ Tổ tại Việt Trì, Phú Thọ. 
PGS Nguyễn Trọng Phúc nói: Hòa giải nói riêng và hòa hợp dân tộc nói chung của dân tộc ta có truyền thống rất lâu đời. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, đến đời nhà Trần, đặc biệt là Trần Nhân Tông, đã đạt tới đỉnh cao về hoà hợp và hoà giải. Chiến thắng lừng lẫy giặc Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông bước vào những ngày hòa bình thịnh trị bằng chính hòa giải và hòa hợp. Ngay khi từ phòng tuyến kháng chiến trở về Thăng Long, việc đầu tiên mà vị Vua chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc ấy bắt tay vào là đốt toàn bộ những sổ sách ghi chép bằng chứng của những người đã trót phản bội đầu hàng giặc.
Sử gia Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” khi mô tả lại sự kiện này đã viết: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.
PGS Nguyễn Trọng Phúc
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấm nhuần sâu sắc đạo lý của Trần Nhân Tông về vấn đề này?
-Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền non trẻ đã đặt ra vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc; làm mọi điều có thể để đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Khẩu hiệu cách mạng lúc đó là “Độc lập trên hết”, “Dân tộc trên hết”. Quyền lợi của giai cấp, của từng tầng lớp, của từng bộ phận đều phải đặt dưới sự tồn vong của dân tộc.
Khi Ủy ban Dân tộc giải phóng về đến Hà Nội, chuyển thành Chính phủ lâm thời, hầu hết những thành viên là người cộng sản như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng… đều rút ra khỏi Chính phủ để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước. Trong chính phủ lâm thời và chính quyền các cấp lúc đó có cả những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim, như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, Vua Mèo Vương Chí Sình… Đồng thời Cụ Hồ cũng chỉ thị cách mạng phải chăm sóc cho các thành viên hoàng tộc ở Huế, tổ chức một lễ thoái vị trang trọng cho Vua Bảo Đại.
Nhưng, thưa ông, vì sao khi chính quyền còn non trẻ như vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tin và sử dụng “những người thua cuộc”, thậm chí là cả ngững người đã chống đối quyết liệt với Việt Minh?
-Bác có niềm tin vào tinh thần yêu nước của mỗi người Việt, đặc biệt là trí thức. Bác biết là những trí thức chân chính, dù có thể ở trong bộ máy chính quyền cũ, nhưng họ vẫn khát khao độc lập. Tôi xin lấy một ví dụ để minh chứng. Cụ Phan Kế Toại từng là Khâm sai đại thần của triều đình Huế ở Bắc Kỳ, lúc khởi nghĩa cụ cũng không chịu giao chính quyền cho Việt Minh, nhưng sau cụ đã thấy được đại nghĩa vì dân tộc của Việt Minh nên hết lòng hợp tác với chính quyền mới, làm Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến lúc mất vào năm 1969.
Rồi thì trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tháng 2.1946, cụ Huỳnh ra Hà Nội với ý định chỉ để xem thế nào chứ chưa định hợp tác, làm việc với chính quyền cách mạng. Thế là Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời cụ Huỳnh gặp Bác. Hai người gặp nhau khoảng một tiếng đồng hồ. Chỉ sau cuộc gặp ấy thôi, cụ Huỳnh đã vui vẻ tham gia chính quyền.
Đoàn kiều bào, chức sắc các tôn giáo, chụp hình kỷ niệm với chiến sĩ đảo Trường Sa năm 2012. Tư Liệu
Có thể nói Bác làm cách mạng với một tấm lòng chân thành vì dân, vì nước và tuyên bố rằng: “Việt Minh không có một lợi ích nào khác là lợi ích của dân tộc. Và tôi cũng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc”. Vì thế sự chân thành của Bác còn lôi cuốn được cả giới trí thức người Việt ở nước ngoài theo về phục vụ cách mạng như Trần Đại Nghĩa ở Pháp, Lương Định Của ở Nhật… Theo tôi, mẫu số chung giữa Bác và những người trí thức thời kỳ đó là tất cả để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước chứ không phải vì mục tiêu riêng của đảng phái hay cá nhân nào.
Thưa ông, thời kỳ chính quyền còn rất non trẻ mà Bác đã dám làm như vậy, vì sao sau này khi chính quyền đã được xây dựng và củng cố mạnh, đôi khi chúng ta lại rất coi trọng thành phần lý lịch?
-Đúng là sau này có những lúc chúng ta còn hơi “tả”, tả trong đường lối tổ chức cán bộ, nặng về thành phần giai cấp, về lý lịch. Nhưng chúng ta cũng đã sửa rồi. Làm như hiện nay cũng là sửa. Chúng ta cũng biết rằng trong thực tế, có biết bao nhiêu nhà tư sản, địa chủ yêu nước, đóng góp nhiều cho cách mạng. Cách mạng tiến lên do đóng góp của nhiều thành phần, nhưng công nhân, nông dân chỉ có sức người chứ còn của cải thì phải từ những nhà giàu, những tư sản, địa chủ yêu nước, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng.
Đã làm nhiều, nhưng cần nhiều hơn nữa!
Theo ông thì vấn đề hòa giải dân tộc của chúng ta sau tháng 4.1975 đã được thực hiện như thế nào?
-Về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc không phải là sau năm 1975 mới đặt ra. Thực tế là từ đầu, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đã giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc nhằm tập hợp mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, cùng nhau chống xâm lược, bảo vệ độc lập và thực hiện thống nhất nước nhà.
Năm 1972, sau 4 năm đàm phán tại Hội nghị Paris, các bên đã đi đến thỏa thuận: Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam; còn vấn đề chính trị miền Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết. Để thực hiện điều này, một hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc sẽ được thành lập để chuẩn bị cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam. Hội đồng hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần: Chính quyền Sài Gòn, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam và các lực lượng chính trị khác.
Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30.4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng miền Nam, không hề có “tắm máu” như phía bên kia tuyên truyền, chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng trên thực tế chúng ta đã thực hiện hòa giải dân tộc được như chúng ta nói chưa, thưa ông?
-Tại sao lại chỉ là trên lý thuyết? Chúng ta nói và làm chứ. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, trên chuyến bay xuống Tân Sơn Nhất, Tổng Bí thư lúc bấy giờ là đồng chí Lê Duẩn đã nói về hòa giải dân tộc. Rồi thì, sau đó vài tháng, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đặt câu hỏi: “Sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất”? Trả lời ông, người thì cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hàng đầu, người thì cho rằng phải phát triển nông thôn, đưa người nông dân đi lên, người khác thì nói cần ưu tiên đẩy mạnh khai thác tài nguyên…
Ông chăm chú lắng nghe mọi người nhưng không ưng ý kiến nào cả. Rồi ông hỏi từng người ngồi xung quanh mâm cơm một câu: “Có ai có bà con trong Nam không?“. Ai cũng trả lời có. Ông nói: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.
Rồi thì đồng chí Võ Văn Kiệt khi đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đề cập thẳng thắn đến vấn đề hòa giải dân tộc. Tại Đại hội Đoàn (7.1977) ông nói: “… Không ai chọn cửa mà sinh ra. Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn. Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới…”.
Không chỉ nói mà Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam nhằm mục tiêu: “Giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
Năm 2004, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 36 về Việt kiều và đã xác định: Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt; là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng đất nước; là cầu nối cho tình hữu nghị, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Rồi nhiều chủ trương, chính sách khác nữa về thu hút đầu tư, kiều hối, nhà cửa, đất đai… cho Việt kiều cũng đã ra đời.
Chính sách này đã giúp cho những người con xa quê vì nhiều lý do đã trở lại quê hương, đất nước với mong muốn góp phần xây dựng đất nước mình, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Trần Văn Khê, Trung tướng Đỗ Mậu, nhạc sĩ Phạm Duy, Tướng Nguyễn Cao Kỳ… Không ít người trong số này đã tham gia công tác chính quyền, đoàn thể như Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh- phụ tá Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Ông tham gia làm Ủy viên UB MTTQ TP.Hồ Chí Minh, Ủy viên UB T.Ư MTTQ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Hữu Có- nguyên Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Thủ tướng Việt Nam cộng hòa, vẫn sống trong con ngõ nhỏ tại quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh. Vợ Tướng Có tham gia hầu hết các tổ chức của địa phương như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ… của phường.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại thế này: Chúng ta đã làm được rất nhiều rồi, nhưng đáng ra chúng ta có thể làm nhiều hơn thế, tốt hơn thế nữa.
Hòa hợp: Với ai, bằng cách nào?
Như ông vừa nói, về hòa hợp dân tộc chúng ta đã làm, nhưng đáng ra phải làm nhiều hơn, nhất là sau 1975?
Quan điểm
PGS Nguyễn Trọng Phúc
Chúng ta giành thắng lợi hoàn toàn ngày 30.4 với kết quả một thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và sau giải phóng miền Nam, không hề có “tắm máu” như phía bên kia tuyên truyền, chính là nhờ chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.”
-Theo tôi, về nguyên nhân thì nhiều, nhưng chỉ xin nhấn mạnh nguyên nhân bao trùm vẫn là việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thắng lợi to lớn. Không ít người nghĩ rằng khó như đánh Mỹ còn thắng được thì làm việc gì chả được và đâm ra chủ quan, nhiều khi duy ý chí.
Hơn nữa lúc bấy giờ ý thức hệ còn nặng nề; tư tưởng địch – ta vẫn rất mạnh. Vì vậy việc hòa giải dân tộc diễn ra còn chậm. Rồi còn có nguyên nhân nữa là do sau chiến tranh công tác nghiên cứu, định hướng chiến lược phát triển của chúng ta vẫn còn ít nhiều hạn chế, thậm chí có lúc, có những vấn đề còn giáo điều. Giải phóng miền Nam thì cái gì sửa cái gì giữ- thì đôi lúc lại làm chưa tốt lắm. Nhất là trong tình trạng bị cấm vận, tình hình khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Theo ông, hiện nay vấn đề hòa hợp dân tộc cần đặt ra như thế nào?
-Theo tôi có lẽ đặt ra trước hết với người Việt ở nước ngoài. Đối với người Việt ở ngoài nước, cần chú ý đến nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là người Việt yêu nước. Nhóm thứ hai là những người chỉ lo tập trung làm ăn. Tôi cho rằng đây là nhóm đa số. Đây là nhóm mà Nhà nước cần có chính sách tranh thủ.
Tóm lại, đối với những người đã ủng hộ, đã sống hòa hợp, thích hợp rồi thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện thuận lợi để họ đi về đóng góp thăm viếng đất nước. Hòa hợp dân tộc tức là chúng ta phải quay về với tư tưởng của Bác đặt sự nghiệp của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Quyền lợi của giai cấp, của từng tầng lớp, của từng bộ phận đều phải đặt dưới sự tồn vong của dân tộc.
Xin cảm ơn ông!
Lê Thọ Bình (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Trang