23 tháng 5, 2015

Tại sao Tổng Bí thư nói những điều đã quá tất nhiên ?

* BÙI VĂN BỒNG
Sau Hội nghị Trung ương 11, TBT Nguyễn Phú Trọng lại (như bao lần khác) gặp cử tri quận Ba Đình, quận tây Hồ (Hà Nội). Khi các cử tri ‘lục vấn’ về nhân sự cho Đại hội 12 sắp tới, Tổng bí thư ‘buộc phải’ thừa nhận đây là việc "vô cùng khó khăn". Ông nói: “Từ xưa đến nay, bất kỳ đại hội nào công tác chuẩn bị nhân sự cũng có ý kiến này ý kiến khác. Thậm chí toàn dân bàn nhân sự, trong chưa bàn nhưng dư luận đã có rất nhiều phương án, không chỉ chúng ta quan tâm mà các nước bạn cũng quan tâm”. Câu lý giải của TBT tưởng có lý mà lại…ắp đầy vô lý. Nhiều khi ông nói những điều, những việc rất chung chung, những chuyện tất nhiên phải thế và xưa nay vẫn thế: “Từ xưa đến nay, bất kỳ đại hội nào công tác chuẩn bị nhân sự cũng có ý kiến này ý kiến khác”. Điều đó ai chả biết, trong xã hội, trong một tổ chức đảng có nhiều người, ý kiến này ý kiến khác là đương nhiên. Sao ông lại nói ra cái điều đã rõ kiểu như ‘rau mà cũng nhiều loại khác nhau’? Chẳng lẽ ông ‘lý tưởng hóa’ đến mức trong xã hội ai cũng phải nghĩ, nói và hành động giống nhau. Ngay như trong gia đình nho nhỏ của ông cũng vậy, một việc gì đó cũng mỗi người mỗi cách nghĩ, cách nói chứ. Người, chứ đâu phải hàng hóa sản xuất ‘tự động hóa’ mà cả loạt đều giống nhau đến từng mã vạch? Nhưng không hiểu sao một giáo sư nghiên cứu nhiều về triết, về xã hội học mà lại ngán ngại, thậm chí sợ sự khác nhau về quan điểm, cách nhìn, khác về nhận thức? Nếu như thế thì có thực sự “khách quan, biện chứng” như từ thường dùng của ông hay không?

Ông nói: “Toàn dân bàn nhân sự”. Hóa ra “dân chủ” đến thế kia đấy! Có không? Toàn dân có được "bàn nhân sự không"? Đảng viên và cả cấp ủy viên còn không được bàn, nói gì đến dân! Mà nếu đảng viên, nhân dân được bàn, có nghe theo không-hay bỏ ngoài tai?! Nhưng thực chất, dân nào được bàn nhân sự? Ai cho bàn? Vì lần này ai thuộc “diện cơ cấu” thì từ Bộ Chính trị đến các cấp ủy tận xã phường đã được “chấm” hết cả rồi. Danh sách đó là một hằng số, là không đổi, bất di bất dịch, như dân ta thường nói: “Bỏ cối không trật”! Ngoài danh sách mà “trên” đã chốt, không ai được quyền đề cử, ứng cử thêm. Trong đảng đã mất dân chủ, thì lấy đâu mà dân được ‘quyền dân chủ’? Đã đến mức vào khuôn sẵn như vậy, nếu như “dư luận đã có nhiều phương án” thì cũng chỉ là chuyện phiếm thôi. Điều này giáo sư TBT đã hiểu quá rồi, sao còn nói với cử tri như vậy?
Ông nói: “Các nước bạn cũng quan tâm”. Đúng thế, theo dõi về chính trị các nước, ai mà không quan tâm xem ‘con tạo xoay vần đến đâu’. Nhưng cũng chỉ là quan tâm. Mà đó cũng là sự đương nhiên. TBT không nói, ai cũng biết tất nhiên nó đã vậy từ xưa llawsm rồi. Nhất là thời đại bùng nổ công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay. Nếu nói ‘nước bạn quan tâm”, thì chắc chắn rằng quan tâm và cả chỉ đạo, định hướng phải là “bạn 16+4 Trung Nam Hải”!?
Ông nói: “Xây dựng được một cơ quan lãnh đạo tốt nhất thì phải làm từng bước, theo quy trình rất chặt chẽ, quan trọng nhất là theo đúng nguyên tắc của Đảng, đúng Điều lệ Đảng”. Vậy xin hỏi ông: “Quy định về chọn nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội 12 kèm theo những động thái lãnh đạo nghiêm ngặt và rất chủ quan từ Ban chấp hành Trung ương đến Bộ, ngành, tỉnh, thành, quận, huyện, phường , xã…có đúng “nguyên tắc điều lệ đảng hay không”?
Ông nói: “Đây là vấn đề rất lớn, rất nhạy cảm. Cách làm phải thật chặt chẽ, có đổi mới, vừa dân chủ vừa tập trung, kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành TƯ những người không đủ tiêu chuẩn nhưng làm thế nào để đạt được điều đó không hề đơn giản”. Thế tại sao “vừa dân chủ, vừa tập trung” mà chỉ thấy tập trung đến mức như thể chế “Trung ương tập quyền”, đâu thấy dân chủ, áp đặt đến mức không cho ai phát hiện nhân sự mới, không cho ứng cử, đề cử. Nhiều cấp xã phường đại hội xong khóa này rồi, nhưng phần nhiều đảng viên đều lắc đầu: “Vậy cần gì đại hội, chỉ là hình thức, như công khai vở diễn, đảng cấp trên cử ai thì thông báo cho các chi bộ là đủ rồi”!
Lại nữa, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cần kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm..., nhiều cử tri mong muốn Đảng ta sẽ tăng cường chỉ đạo để thực hiện cho bằng được mục tiêu này.
Điều đó cũng tất yếu và cần thiết, không ai cãi. Nhưng chắc gì trong “Danh sach đã chốt sẵn” không có những kẻ cơ hội và có đủ các ‘tật xấu, yếu kém’ như TBT đã nêu trên?
Liên quan đến công tác cán bộ, cử tri quận Ba Đình và quân Tây Hồ đều cho rằng cần chú ý cán bộ đầu ngành, mạnh dạn đổi mới trong công tác tuyển chọn để thu hút những người có đủ đức, đủ tài tham gia trong bộ máy Nhà nước, có như vậy mới vận hành, đưa đất nước tiến lên được. 
Qua “sự kiện” Hội nghị 11 và những phát biểu của TBT khi gặp cử tri mới rồi, Luật sư Vũ Đức Khanh tin rằng chỉ những người 'thua cuộc' mới hay 'nói nhiều' và 'nói lớn lên', đồng thời cho từ sâu xa, các phát biểu nói trên, mặc dù không tường minh 'nhắm vào đối tượng nào'… Nhưng chúng ta đọc kỹ bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, thì có thể thấy rằng những tiêu chuẩn vào cấp ủy từ Trung ương trở xuống theo chỉ đạo còn quá mập mờ, chồng chéo nhau, cái này dính vào cái kia, rất là phức tạp. Tựu trung, như thế nào là thì gọi là người cơ hội chủ nghĩa, thì vấn đề đó ông Trọng và những người theo quan điểm của ông ấy cần phải nêu rõ ra. Cái khái niệm như thế nào gọi là người cơ hội chủ nghĩa?".

Không có nhận xét nào:

Trang