11 tháng 8, 2014

Động cơ chính trị và vấn đề tăng lương tối thiểu

Nam Nguyên/RFA
Ảnh bên:Công nhân làm việc tại một công ty may ở TPHCM, ảnh minh họa chụp trước đây.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 6/8/2014 đã quyết định đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu 14,8% kể từ năm 2015. Thời gian gần đây, truyền thông nhà nước đưa nhiều tin bài về chủ đề này, được cho là rất nhạy cảm đối với 8 triệu người lao động làm việc cho doanh nghiệp và có bảo hiểm xã hội.
Tiến thoái lưỡng nan?
Như vậy Hội đồng Tiền lương quốc gia đã không ủng hộ đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động là sang năm 2015 phải tăng lương tối thiểu 23% so với hiện nay. Trước đó trên VnExpress, ông Đặng Ngọc Tùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động nói rằng, lộ trình tăng lương tối thiểu vùng sẽ phá sản nếu năm 2015 tiền lương không đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Lương tối thiểu năm 2014 hiện hành được Nhà nước phân chia làm 4 vùng tùy theo tình trạng vật giá, cao nhất là vùng 1 với mức 2.700.000đ/tháng và thấp nhất là vùng 4 mới chỉ đạt 1.900.000. Phần lớn các quận huyện của Hà Nội và TP.HCM nằm trong vùng 1.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Đây là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan theo ngạn ngữ Việt Nam. Bởi vì bây giờ đời sống tối thiểu của người lao động Việt Nam đã quá thấp, nếu mà không tăng lương thì không được. Tuy nhiên, tăng lương lại gặp cái bất khả kháng, thu nhập của các doanh nghiệp hay nói cách khác thuế đóng của các doanh nghiệp cho nhà nước rất là ít, nguồn ngân sách hạn hẹp. Trong việc lựa chọn này thì không thể không tăng lương được. Kỳ vọng tăng lương với mức độ cao hơn nhưng mà không có nguồn ngân sách, vừa rồi cũng chỉ tăng với mức độ nhỏ giọt chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Tôi nghĩ cái đó cũng góp phần giải quyết cải thiện một chút đời sống của người lao động và thứ hai là làm cho dư luận xã hội bớt đi về việc chính phủ không quan tâm đời sống người lao động.”
Được biết năm 2012 Trung ương Đảng đã chỉ đạo, phải điều chỉnh tiền lương tối thiểu để đến năm 2015 đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Mục tiêu này không khả thi nên một lộ trình tăng lương tối thiểu vùng được thiết lập lùi thời gian tới 2017. Ông Đặng Ngọc Tùng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động nói trên VnExpress là, theo khảo sát năm 2014, hiện tại các vùng sinh hoạt ở Việt Nam mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng từ 68% tới 76% mức sống tối thiểu. Do vậy lộ trình tăng lương tối thiểu vùng sẽ phá sản nếu vào năm 2015 tiền lương không đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Đó là các lý do khiến Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất tăng 23% lương tối thiểu, cụ thể vùng 1 sẽ đạt 3,4 triệu đồng và thấp nhất là vùng 4 sẽ đạt 2,3 triệu đồng.
Ảnh bên:Công nhân đánh bài trong giờ nghỉ trưa tại Cần Thơ hôm 10/8/2013.
Luật sư Lê Thị Công Nhân, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội nhận định:
“Vấn đề này được thảo luận có vẻ sôi nổi trên truyền thông Việt Nam nhưng theo tôi nó mang động cơ chính trị. Chứ không phải vì động cơ mang tính kinh tế hay nhân đạo. Về câu hỏi nó đến vì lạm phát tăng hay GDP tăng mà dẫn đến tăng lương. Chúng ta có thể thấy một thực tế thời gian vừa qua ở Việt Nam lạm phát không tăng, đặc biệt 6 tháng vừa rồi những số liệu này hoàn toàn có thật. Nhưng lạm phát không tăng không phải là chỉ dấu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, lạm phát không tăng là vì sức chịu đựng của người dân đã đến giới hạn cuối cùng. Nó giống như câu chuyện một người nội trợ đi chợ, trong cuộc sống sinh hoạt có tăng nữa thì bây giờ người ta không suy nghĩ có nên mua hay không mà quyết định không mua món hàng đó nữa. Chỉ đơn giản vậy thôi tức là mọi cái đã bị cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy tới tận cùng sau lừng là bức tường rồi. Chính quyền Việt Nam thấy rằng với lực lượng công nhân đông đảo trong tình hình như vậy mà không tăng lương thì chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn còn hơn khủng hoảng kinh tế. Theo tôi Chính quyền lo sợ về điều ấy nên họ làm việc chúng ta đang thấy là bàn thảo về việc tăng lương.”
Gây sốc cộng đồng doanh nghiệp?
Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động như một động thái xả xú-páp dồn nén lâu ngày của những thành phần công nhân lao động làm công ăn lương. Nhưng cũng có những ý kiến ngược lại cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam không có sức chịu đựng một đợt tăng lương tới 23% mà thực tế sẽ là 29% do mức tăng bảo hiểm xã hội, y tế, phí công đoàn…
Trên VnEconomy, VnExpress và nhiều báo điện tử khác, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng đề xuất mức tăng lương tối thiểu 23% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế và gây sốc cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo lời ông mấy năm qua, mỗi năm có 60% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, có nghĩa là họ bị lỗ hoặc cầm cự hòa vốn. Ngoài ra 6 tháng đầu năm 2014 vẫn có hơn 33.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Ông Vũ Tiến Lộc còn cảnh báo việc tăng lương quá sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ dẫn tới tăng thất nghiệp; Ông cho rằng tăng lương không nên làm mất cơ hội trở thành công nhân các ngành công nghiệp của hàng triệu lao động phi chính thức hoặc lao động nông nghiệp.
Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa nhận định về vấn đề liên quan:
“Bây giờ tăng lương quá mức theo yêu cầu của người lao động thi doanh nghiệp đang thua lỗ đang phá sản làm sao có đủ điều kiện để tăng lương. Như thế người ta đẩy người lao động ra ngoài xã hội, thất nghiệp thì còn khổ sở hơn; cho nên thà nhận một mức lương ít hơn là thất nghiệp.”
Có nhiều ý kiến kết nối tình trạng không minh bạch trong trong hoạt động kinh tế và sự điều hành của nhà nước. Thực trạng này đã cản trở sự phát triển đáng lẽ phải có của cộng đồng doanh nghiệp và đó chính là nguyên nhân của tình trạng lương tối thiểu không bảo đảm đời sống tối thiểu. Nhà hoạt động xã hội dân sự, Luật sư Lê Thị Công Nhân nhận định:
“Đồng tiền nó chỉ là một tờ giấy mang một giá trị, nếu như in quá nhiều những tờ tiền đó thì giá trị nó sẽ bị giảm đi. Câu chuyện ở Việt Nam là có 10 đồng tiền đem đi phải đút lót cho bọn tham nhũng mất 5 đồng. Với 5 đồng còn lại anh vẫn muốn tạo nên con số ảo chia đều cho những người lao động, thì nó dẫn đến tình trạng người ta chỉ có 5 bó rau muống, anh mang 5 đồng mua được 5 bó rau mà mang 5 nghìn đồng cũng chỉ có 5 bó. Bây giờ phải giảm bớt tối đa nạn tham nhũng để đưa những đồng tiền tư túi các quan chức nhân viên công quyền tham nhũng đưa nó trả lại cho những người lao động. Khi đó giá trị đồng tiền mới bảo toàn và giá trị nền kinh tế có thực chất, có lành mạnh thì mới có cơ may phát triển.”
Ông Nguyễn Thiện Nhân, một chuyên viên kế toán làm việc ở miền Đông Nam Bộ cho rằng, lương tối thiểu của công nhân ở khu vực của ông có giúp một phần cho cuộc sống của người lao động nhưng từ năm 2007 tới nay lương tối thiểu không thể bù đắp chi phí tối thiểu do lạm phát vật giá leo thang. Ông Nhân nhấn mạnh rằng, thể chế của Việt Nam dẫn tới môi trường cạnh tranh không lành mạnh, tham nhũng hối lộ anh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và tất nhiên ảnh hưởng thu nhập và đời sống của công nhân. Ông nói:
“Thứ nhất chi phí vô hình của doanh nghiệp bỏ ra khi thành lập và khi đi vào hoạt động. Thí dụ như chi phí bôi trơn lót tay, hối lộ, doanh nghiệp bị những phí vô hình đó nên họ phải vắt sức lao động của công nhân để bù đắp những chi phí đó. Thứ hai họ bị cơ chế cạnh tranh không lành mạnh giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân. Thứ ba là những doanh nghiệp có thế lực hoặc có quen biết với thế lực nhà nước sẽ dễ dàng trúng thầu những dự án mà các doanh nghiệp khác không thể trúng được.”
Đề cập tới nhu cầu cải cách bức thiết ở Việt Nam để đất nước có động lực tiếp tục phát triển, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. GSTS Vũ Văn Hóa nhận định:
“Có rất nhiều những tồn tại, nhưng không thể một lúc ta có thể giải quyết tất cả mọi thứ. Bây giờ giải quyết từng bước một, trước hết trong dư luận và làm cho yên tâm những người lao động thì giải quyết trước mắt như thế. Những tiêu cực trong xã hội Việt Nam thì nhiều lắm, không thể một chốc một lát mà làm ngay được. Ví dụ như cải cách thể chế, rồi cải cách hành chính tài chính công, cải cách thủ tục hành chính mà vừa rồi chính phủ có đưa ra.”
Sau gần 40 năm thống nhất đất nước về một mối và kiên trì đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Trước sự phá sản của lý thuyết kinh tế Mác- Lê, cuối thập niên 1980, Đảng Cộng sản Việt Nam áp chế một đường lối chưa từng có là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các lý thuyết gia của Đảng không thể đưa một sự giải thích hợp lý nào, bởi vì kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa không thể đúng chung. Trong đề xuất tăng 23% lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động, sự nhìn nhận mức lương tối thiểu ở Việt Nam chưa bao giờ đáp ứng mức sống tối thiểu là một sự thật bẽ bàng.

Không có nhận xét nào:

Trang