13 tháng 7, 2014

Đường đi trăm ngả, cầu nối trăm sông...

(Baohatinh.vn) - Mỗi sáng mai thức dậy, ta nhập với dòng người thân thuộc đi trên những con đường. Con đường đã gắn bó với con người, với mỗi cuộc đời ngay từ lúc sinh thành. “Trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi lại nhiều nên thành đường đó thôi”. Câu triết lý kinh điển của đại văn hào Lỗ Tấn giúp ta hiểu rằng: đường sinh ra bắt đầu từ sự gần gũi giữa người với người từ bao đời nay.
Con đường luôn luôn tồn tại trong sự vận động và phát triển, trở thành mạch nối hữu cơ, thành mối lương duyên của cả cộng đồng. Đường như mạch máu, dòng huyết quản li ti hàng ngày tuần hoàn trên cơ thể chúng ta. Nếu mạch máu bị tắc nghẽn thì bộ óc tê liệt, quả tim sẽ ngừng đập. Đường là cơ thể sống của mỗi quốc gia, của hành tinh xanh bất diệt. Thế giới càng văn minh, càng hiện đại bao nhiêu thì những con đường càng vươn tới, càng đi xa, càng mở rộng, hào phóng bấy nhiêu. Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Mỗi con đường đều gánh trên vai mình một sứ mệnh lịch sử, một trọng trách cao cả, một niềm tin khát vọng và hoài bão lớn lao.

Cầu Bến Thủy 2 nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Quang Vinh
“Ôi những con đường ta yêu ta quý”, những con đường đã làm rạng danh nước Việt Nam ta, rạng danh nhân dân ta, dân tộc ta - một dân tộc quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Con đường ta đi hôm nay đã thấm không biết bao nhiêu máu đào và linh hồn của cha ông thuở trước, bằng nghĩa khí, bằng lòng quả cảm, bằng những binh lược sáng tạo đã mở ra những con đường đánh giặc trăm trận trăm thắng:
“Đường lên Tây Bắc, đường về Điện Biên
Đường cách mạng dài theo kháng chiến
Đến hôm nay đường xuôi về biển
Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!...”
(Ta đi tới - Tố Hữu)
Hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, Việt Nam đã sáng tạo nên 2 con đường: đường mòn Hồ Chí Minh xuyên rừng Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Rất có thể những đôi quang gánh, những vành mũ tai bèo, những chiếc bi đông đựng nước của một thời bom rơi, đạn lửa bây giờ đã trở thành kỷ vật lưu giữ ở các viện bảo tàng, nhưng những nhân chứng vẫn còn hiện hữu quanh ta. Những cựu thanh niên xung phong một thời là cô gái mở đường, cắm tiêu cho xe ra trận. Những cựu chiến binh tóc trắng như mây một thời cưỡi sóng, cưỡi gió giữa hun hút trùng khơi chở hàng trăm tấn đạn dược, lương thực trên đoàn tàu không số từ hậu phương tới chiến trường.
“Nhắc tới những con đường xưa, con đường một thời xe chưa qua, nhà không tiếc, nếu chúng ta minh họa lại con đường, tri ân những nhân chứng cái thời ra ngõ gặp anh hùng, thì chúng ta còn nợ lịch sử nhiều lắm. Nhưng đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, đang thời kỳ dựng xây. Muốn giàu, muốn mạnh lại phải đi lên từ những con đường”. Đấy là những lời nói ruột gan khi tôi có dịp hàn huyên với cố Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt, người được mệnh danh là “thủ lĩnh tài ba” của ngành Giao thông Hà Tĩnh thời chống Mỹ. Dẫu ông rất khiêm tốn, giản dị, ít nói về mình nhưng chính sự lặng thinh đó, nói như nhà thơ Ep-tu-sen-ko đã “Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh”.
Thời gian như một dòng sông chảy hoài vô tận, nhưng thời gian cũng là “chiếc máy lọc” nghiêm khắc để đào thải tất cả những cặn bã, lắng lại cho cuộc đời, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người bằng những giọt nước tinh chất nhất. Chính ông và cả một thế hệ trùng điệp bên ông đã góp những giọt nước tưới cho cây đời xanh lá, đơm hoa, nên sự nghiệp ông, tên tuổi ông vẫn đi cùng năm tháng. Không những hết lòng vì công việc, ông Trần Quang Đạt là vị lãnh đạo tỉnh rất yêu thơ, mê nhạc. Một trong những nhạc sĩ tài năng được ông tôn trọng, đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Nhớ một lần ngồi với mấy anh em làm văn nghệ, ông kể một cách say sưa về sự ra đời bài hát: “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” rồi ông cầm bút đứng dậy vừa gõ nhịp, vừa hát hồn nhiên: “Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm. Còn bao nhiêu con đường ra mặt trận, giặc điên cuồng trút hàng loạt bom rơi. Đường vẫn hiên ngang vượt qua truông qua suối, thêm bao nhiêu con đường của lứa tuổi hai mươi...”.
Nghệ thuật từ trái tim và trả lại cho trái tim. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã trả lại đích thực cho người Hà Tĩnh hình bóng những con đường và từ con đường mở rộng tầm mắt là hình bóng quê hương, hình bóng đất nước. Khi trăm sông chung về biển cả, khi trăm cánh rừng dệt cho đất nước màu xanh thì trăm con đường cũng hòa nhập đại lộ thênh thang của dân tộc. Con đường quá khứ Hà Tĩnh năm xưa là con đường ra trận, con đường Hà Tĩnh hôm nay là con đường xây dựng cuộc sống mới.
Gần 4 thập kỷ qua, hòa chung với dòng chảy đất nước trong cuộc tái thiết hòa bình, Hà Tĩnh đã có những bước đột phá về cách mạng giao thông từ đô thị tới nông thôn. Đường đẹp làm cho bộ mặt Hà Tĩnh tươi tắn, đường đẹp chính là “chìa khóa” mở ra thời cơ mới, vận hội mới cho Hà Tĩnh.
Có hồi tưởng về một phà Bến Thủy, bến phà Linh Cảm, Hương Đại, những “túi đựng bom” khổng lồ trong chiến tranh mới thấy mát lòng, hởi dạ khi bây giờ được chiêm ngưỡng những nhịp cầu vươn dài lung linh cùng trời mây, sông nước. Không ai cân, đong, đo, đếm được những con đường và những cây cầu trong chiến tranh trên mảnh đất Hà Tĩnh đã gánh bao tang thương từ sự hủy diệt của kẻ thù. Chỉ biết rằng, trong nhịp sống mới hôm nay, cả nước đang chung sức, chung lòng cùng Hà Tĩnh xây cầu mới. Quốc lộ 15A từ năm 1991-2004 đã thi công 20 chiếc cầu. Không ít chiếc cầu một thời trở thành “điểm vàng” của lịch sử như Tùng Cóc, Thọ Tường. Từ tỉnh lộ 1 đến tỉnh lộ 5, nhiều tên cầu nghe lạ tai như: Mụ Nít, Trầy, Khe Ma đã nhập cùng với những con đường nhựa êm ru, ngày đêm đón biết bao xe cộ và hành khách ngược xuôi ríu rít.
Có một đêm trung tuần tháng sáu, gió nam rười rười thổi, tôi đứng trên cầu Hộ Độ nhìn xuống dòng sông Hạ Hoàng chan đầy ánh trăng, lòng bỗng bần thần nhớ lại kỷ niệm xưa. Ngày ấy, mới tách tỉnh, chúng tôi ngồi lên đò để đến với những cánh đồng muối trắng, lòng vẫn mơ bao giờ Hộ Độ có một cây cầu... Chẳng thể ngờ sau 1 năm tái lập, 1 chiếc cầu nối vùng quê nghèo với thị xã được bắc qua. Khi làm lễ hợp long cầu Hộ Độ, rừng người, rừng cờ với tiếng reo dậy trời, rợp đất. Mới đó đã hơn 2 thập kỷ đi qua. Hai thập kỷ ấy đâu chỉ có Hộ Độ làm thêm nhiều công trình giao thông mà cách mạng giao thông nông thôn đã ăn sâu vào đất Hà Tĩnh. Ai đi hết bao nhiêu sông, bao nhiêu suối Hà Tĩnh mới tính được những cây cầu đang bắc, những con đường đang xây.
Bộ mặt nông thôn mới Hà Tĩnh hôm nay, làng quê văn minh hơn lên, đẹp hơn lên chính bắt đầu từ những con đường…
                                                                                                                             PHAN THẾ CẢI

Không có nhận xét nào:

Trang