15 tháng 7, 2014

BA NGƯỜI TÀI SINH RA… TỪ TRƯỜNG CẤP III BA ĐỒN

LÊ QUANG VINH
Ba anh em từng được đào tạo từ ngôi trường huyện xa xôi ấy (mạn sườn namĐèo Ngang, sát sông Gianh)
GS Nguyễn Quang Mỹ
GS Nguyễn Quang Mỹ
 Trường PT Cấp III Ba Đồn – Như chiếc “NÔI” an lành chăm bẵm quện lời ru của mẹ; để khi ra trường là “những viên ngọc quý” được mài luyện công phu đã, đang và tiếp tục tỏa sáng trên quê hương đất nước.
Nền giáo dục cả nước, có những ngôi trường phổ thông cấp huyện – vì những lý do nào đó, ít khi được tuyên truyền vì thế không nổi tiếng lắm trong dư luận. Tuy nhiên, theo bề dày đào tạo và cống hiến, đặc biệt lớp lớp các thế hệ học sinh những ngôi trường “không nổi tiếng lắm” đó; sau khi ra trường tiếp tục học lên, họ trưởng thành rồi ra đời tham gia chiến đấu trong chiến tranh cứu nước trước đây và lao động trong hòa bình ngày nay, nhiều “cựu học sinh” lại rất “nổi tiếng” bởi những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho đất nước. Ngôi trường thực sự điển hình về sự độc đáo này chính là Trường Phổ thông Cấp III Quảng Trạch (tên phổ biến trên cửa miệng bao thế hệ là “Cấp 3 Ba Đồn”), tỉnh Quảng Bình trước đây – Tên mới bây giờ là Trường THPT số I Quảng Trạch.
Một trong ba cán bộ chủ chốt được cấp trên cử về Quảng Trạch để đứng ra thành lập ngôi trường này từ ngày 1 tháng 9 năm 1962 của thế kỷ trước, là Nhà giáo Nguyễn Quang Đạng (hai nhà giáo khác nữa là Trần Đình Côn – Hiệu trưởng và Phạm Ngọc Căng – Bí thư Đoàn trường). Ba người con trai trong số đàn con cháu rất đông đúc của thầy Nguyễn Quang Đạng, được học hành tại ngôi trường của chính cha mình là: Giáo sư – nhà địa mạo số một VN Nguyễn Quang Mỹ, Nhà văn – nhà báo Nguyễn Quang Lập, Nhà văn – nhà báo Nguyễn Quang Vinh.
Danh thắng Động Phong Nha và khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được cả thế giới biết tới và cuốn hút khách thăm như ngày nay là kết quả công lao suốt mấy chục năm nghiên cứu khoa học không ngơi nghỉ; là tình yêu quê hương đất nước điển hình, vô cùng cảm động qua nhiều luận văn khoa học chuyên ngành địa mạo (địa cầu) nghiên cứu sâu, hẹp về “hang động” của người con trai đầu Nguyễn Quang Mỹ. GS Nguyễn Quang Mỹ đã luôn tranh thủ nhiều hội nghị khoa học toàn cầu về trái đất, các tổ chức của LHQ và khu vực để làm rõ giá trị to lớn, điển hình, độc đáo của danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng; giúp giới khoa học đa ngành quốc tế nhận ra dung mạo, quy mô và sự thâm sâu tiềm ẩn của tài sản vô giá ấy của hành tinh; cũng như những giá trị nổi bật đại diện cho quá trình lịch sử trái đất và địa chất. Vì thế, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là “Di sản Thiên nhiên Thế giới” vào tháng 7 năm 2003.
Bọ Lập
Bọ Lập
Người con sát út là Chiến sĩ – Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Lập – một Blog tâm huyết, tài danh, chí hướng hiển hách theo gương tiền bối – Nhà yêu nước Phan Châu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Vì thế đã lập ra được cho nhân dân Blog “Quê Choa” có sức thu hút và lôi cuốn lòng người khá đặc biệt (dù cho thế lực nào đó muốn hay không) nó đã mặc nhiên “khai sáng” nhận thức cho nhiều đảng viên Cộng sản, nhiều cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, nhiều bộ đội công an; tầng lớp trí thức, sinh viên học sinh; người lao động ở nông thôn lẫn thành thị; bà con kiều bào ở hải ngoại và bạn bè quốc tế…Thử hỏi trên đất nước này, từ Bắc vào Nam, có một tờ báo hay một trang mạng intenet nào có được sức lan tỏa về thông tin thứ thiệt, lòng yêu nước thứ thiệt, sức chiến đấu thứ thiệt (tấn công vào bệnh dối trá, nghèo nàn và lạc hậu, bảo thủ và trì trệ, tham nhũng, ức hiếp nhân dân đang là “dịch” làm yếu hèn đất nước) như Blog “Quê Choa”? Nếu không như thế, thì làm sao cắt nghĩa được điều ngỡ như “thần kỳ”, chỉ sau 3 năm “Bọ Lập” vào Sài Gòn (đến ngày 25/6/2014), đã có 100 triệu views. Trong khi báo giấy của nhiều bộ ngành T.Ư chủ quản, mỗi kỳ chỉ phát hành được 500 đến vài nghìn tờ. Đa phần 500 – 700 tờ/kỳ với bộ máy vận hành mỗi TS thường 100 – 150 “nhà báo” và cán bộ chuyên môn. Đấy là số lượng cơ học các báo phát hành ra, là cách phát hành “ví dụ” để lùa quảng cáo lấy tiền nuôi nhau, còn được người mua báo đọc hay không thì chắc chắn con số ấy sẽ vô cùng tệ hại. Tình hình mấy nghìn đầu báo, tạp chí ra hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng của T.Ư và địa phương; cung cách làm ăn theo kiểu “nô bộc” của ngót vài chục nghìn nhà báo được Bộ Thông tin – truyền thông cấp “Thẻ nhà báo” để hành nghề đang làm nghèo đất nước bởi hiệu quả tuyên truyền của nó. Vì thế, nếu tính “thành tiền” làm lợi cho đất nước thì“100 triệu views” của Blog Quê Choa là cả…”núi tiền”! Nhưng dầu “núi tiền” cũng không thể quý và thay được sự “khai sáng” trí não người dân. Có “PHÚC” lắm mới làm được việc “ĐẠI HIẾU” ấy với nhân dân và tương lai dân tộc.
Nguyễn Quang Vinh - Blog "Cu Vinh Khoai Lang"
Nguyễn Quang Vinh – Blog “Cu Vinh Khoai Lang”
Con trai út là Chiến sĩ – Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh – Blog “Cu Vinh Khoai Lang”; từng là “hắc tinh” của bọn tội phạm bởi nhiều vụ án được phơi bày, ân nhân của bà con lương thiện bị bọn chính quyền xấu các cấp ức hiếp, trấn lột, cướp đất vô lối. Là nhà báo luôn có mặt đầu tiên, trước hết ở các địa bàn bị thảm họa thiên tai khắp miền Trung suốt mấy chục năm ròng; kịp thời có tiếng nói trung thực về sự khốn cùng mất mát của người dân, gây xúc động lớn để xã hội vào cuộc. Là nhà văn có hàng trăm tác phẩm văn học, kịch bản sân khấu, kịch bản – đạo diễn sự kiện chính trị – truyền thống – lịch sử nổi tiếng cấp quốc gia, cấp quân khu của LLVT…Nhà văn duy nhất cho tới thời điểm này, có kịch bản về nhân vật huyền thoại Võ Nguyên Giáp khi người đang sống, được dàn dựng và trình diễn hoành tráng ra công chúng…Cùng với Blog “Quê Choa” của người anh trai, Blog “Cu Vinh Khoai Lang” luôn cập nhật những thông tin nóng hổi và nhiều bình luận sắc sảo vào thẳng tim can người đọc.
Người cha thì khai phá vùng cát nghèo nàn nóng bỏng dựng xây nên cơ sở tri thức cao cấp nhất của huyện nhà thời đó. Chiến tranh ập đến, phải “cõng trường” tới nơi chiến khu xưa tận Bầu Mây – Pháp Kệ sơ tán; hòa bình về, lại lập trường lại như thuở hoang sơ không còn lấy viên gạch vỡ. Còn ba người con, từng được đào tạo từ ngôi trường “Cấp III Ba Đồn”; để khi ra trường là “những viên ngọc quý” được mài luyện công phu thành ba tài danh độc đáo. Cả ba người con trai đất Ba Đồn ấy – Ba đứa con yêu của Nhà giáo Nguyễn Quang Đạng, đã – đang và tiếp tục tỏa sáng trên quê hương đất nước.

Không có nhận xét nào:

Trang