25 tháng 5, 2012

CÁI MỒM CÔNG VÀ TỘI


                                                                        Trần Huy Thuận
Chức năng chính của CÁI MỒM là ĂN và NÓI. Hai chức năng đó đều có cả phần CÔNG lẫn phần TỘI. ĂN để tồn tại là CÔNG, ăn đến khuynh gia bại sản, đến thâm thủng công quỹ quốc gia, là TỘI. NÓI để cắt nghĩa việc LÀM là CÔNG, NÓI để che đậy cái xấu, cái ác là TỘI.

Người và động vật không ĂN thì sớm muộn gì cũng sẽ chết! Cho nên công lớn nhất của cái Mồm là nhận và nghiền nát thức ăn rồi chuyển nó xuống dạ dày. Tiếp đó thức ăn được chế biến để lấy dinh dưỡng nuôi cơ thể. Với con người, mồm còn để diễn đạt cảm xúc và tư tưởng bằng lời nói (một số động vật cũng biết diễn đạt một số cảm xúc bằng tiếng kêu từ mồm). Cho nên với mỗi người chúng ta, công lớn thứ hai của mồm là NÓI.
ĂN thường mang theo nhiều hệ quả: Khi nói: Hay ăn thì lăn vào bếp, tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ là ám chỉ việc muốn có ăn tức muốn tồn tại, thì con người phải biết lao động - lao động trí óc hay lao động chân tay (xã hội càng tiến lên, thì hàm lượng lao động chân tay càng giảm, hàm lượng trí thức trong lao động càng tăng). Chỉ muốn ăn mà không muốn làm thì đích thị là kẻ ĂN BÁM rồi. Con cái còn bé, chưa đến tuổi lao động, việc nuôi ăn là do cha mẹ, ông bà... Nhưng đã đến tuổi trưởng thành mà vẫn không tự lo kiếm miếng ăn nuôi bản thân, thì không thể chấp nhận được, sớm muộn cũng phải thay đổi thôi, nếu không, khi người lớn qua đời, chỉ có nước đi ăn mày!
Trong nội bộ một gia đình cũng đã không có ai ưa gì cái kẻ ăn bám, nói chi xã hội? Kẻ ăn bám xã hội thường là kẻ ăn trên ngồi trốc - Thế mới ngược đời chứ! Không phải là kẻ ăn trên ngồi trốc, mà muốn ăn bám thì chỉ có là kẻ ăn mày, ăn xin ... quá nữa là bọn ăn cắp, ăn cướp. Còn đã là kẻ ăn trên ngồi trốc, thì nỏ cần xin ai, cái ăn vẫn cứ tự nhiên dâng lên hàng ngày, toàn của ngon vật lạ! Mà kẻ đem dâng lại còn biết ơn kẻ ăn bám nữa - Thế đấy!

Ăn cũng là một cái nết. Có nết đẹp và có nết bẩn, nết xấu (cái thằng cha ấy xấu ăn lắm, không chơi được!). Nết đẹp là ăn uống từ tốn chừng mực, là ăn có mời, (làm có khiến), là ăn trông nồi ngồi trông hướng,.. không nên thấy ngon xơi là cứ thế tọng hồi lùng, chẳng nghĩ đến ai, chỉ cốt thoả cái thèm khát của bản thân. Ăn như thế gọi là ăn tham, ăn bẩn, ăn mảnh, là nết xấu. Đã tham ăn thì thể nào cũng dẫn đến bệnh về tiêu hoá - Xưa các cụ dạy rồi: tham thực cực thân, không chỉ cực, ối kẻ còn chết vì bội thực đấy! Nhưng trò đời, cái THAM nó không bao giờ có chừng mực cả, không bao giờ có điểm dừng! Trong xã hội, kẻ ăn trên ngồi chốc mà tham, nhân dân gọi là QUAN THAM. Quan tham hay dân tham thì cũng như nhau hết: Lòng tham vốn không bao giờ có đáy!

Thời nay kẻ khôn ngoan không ăn một mình. Ăn một mình dễ bị đệ tử ghen ăn. Trong tình yêu, đòn ghen vốn rất hiểm, nhưng ghen ăn, đòn còn hiểm hơn nhiều. Nhãn tiền thấy rồi. Quan tham hiện đại ăn cũng hiện đại, không ăn riêng lẻ nữa mà ăn bè, ăn tập đoàn, ăn kiểu chén chú chén anh. Dân thì còng lưng lo làm chủ tập thể, còn quan tham phưỡn bụng ăn nhậu tập đoàn! Ăn như tằm ăn rỗi, làm sao che đậy được? Khó gì đâu, đứa nào định phát hiện, kéo ngay nó vào cùng bè, tống vào họng cho nó một phần, mắt nó tối lại, mồm nó không há ra được nữa, thế là... kín như bưng như bít! Hè nhau mà ăn như thế, Trời cũng phải bó tay, nhắm mắt, giả điếc làm ngơ. Mà Trời làm gì có tay, có mắt, có tai nhỉ? Mà cho dù có đi chăng nữa thì trước mỗi vụ làm ăn, bọn họ đều đã biện lễ khấn vái cầu Trời phù hộ độ trì rồi thôi?!.

NÓI là hoạt động bầy tỏ tình cảm, quan điểm, sự hiểu biết,... của mỗi con người đối với cộng đồng (Nói phải có người nghe, chứ nếu sống đơn lẻ, một mình một cõi, chả ai cần NÓI. Trường hợp ấy mà lảm nhảm một mình, chỉ có kẻ bị thần kinh!). Vậy công của NÓI là lớn lắm.

Tuỳ trạng thái và đối tượng mà người ta chọn cách nói thế này, cách nói thế kia. Việc không cần nói to, thì ghé tai thì thầm (kẻ làm điều xấu cũng thường hay nhỏ to với đồng bọn hoặc ra hiệu thay cho phát ngôn). Việc phải nói to thì hoặc hô hào, hoặc hét toáng lên. Kẻ trộm cắp cũng hay hét lắm - Dân ta vẫn nói: Vừa ăn cướp vừa la làng là gì! Chả trách các quan tham thường ăn to nói nhớn là phải! NÓI thường là loại hoạt động lắt léo và ẩn chứa nhiều cạm bẫy, nên cha ông ta xưa đã từng để lại cho hậu thế rất nhiều lời khuyên nhủ, nào là Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau, nào là Lời nói như dao chém đá, Lời nói đọi máu, nào là Nói ngọt lọt đến xương, nào là Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay,...

NÓI là hoạt động năng động nhất của con người - trừ người khiếm khuyết bộ phận phát âm. ĂN chỉ có ba bốn, nhiều lắm là mươi lần trong một ngày. NÓI thì có thể suốt ngày, thậm chí ngủ rồi, nhiều người vẫn nói mê! Tần suất hoạt động của cái MỒM NÓI nhiều hơn rất nhiều cái MỒM ĂN. Nhưng hai cái này liên kết với nhau chặt chẽ lắm: Ăn càng tốt, nói càng nhiều, ăn to nói lớn. Không ăn thì rã họng ra, nói sao được?!. Cho nên các quan tham không chỉ có biệt tài ĂN KHOẺ mà thường bao giờ NÓI CŨNG HAY (đã làm đến chức quan thì nhất định nói phải hay rồi, hiếm có quan nói không hay lắm. Nhưng quan tham thì tuyệt không thấy quan nào nói dở cả!). Mà cái phạm trù quan tham nói hay nhất lại là vấn đề chống ... ăn tham! Trong đám dân thường, xét ra khó có ai nói hay, nói giỏi được như họ trong lĩnh vực nhạy cảm này! Không tin, ai đó cứ thử nói xem? Không khéo lại mắc tội ... phát ngôn vô tổ chức, chứ chẳng chơi!

Ngược lại, đến phận mình, CÁI MỒM NÓI lại tác động trở lại CÁI MỒM ĂN, theo nguyên tắc có vay có trả, chứ tuyệt không ăn không: Quan tham nào nói càng giỏi thì quan đó ăn càng lớn - đó là điều đã được thực tế cuộc sống chứng minh một cách rất hùng hồn, không thể có điều gì còn nghi hoặc! Cứ thế, CÁI MỒM ĂN giúp cái MỒM NÓI nói tốt; CÁI MỒM NÓI đến lượt nó, lại giúp CÁI MỒM ĂN ăn khoẻ hơn, cái nọ là tiền đề của cái kia và ngược lại - Quy trình đó cứ thế phát triển, không ngưng nghỉ!.. Chì có CÔNG SẢN QUỐC GIA là ngày một hao mòn mà thôi...

Công dụng của CÁI MỒM NÓI lớn lắm, khó mà kể hết. Chỉ xin điểm thêm mấy điều sau đây: Thời xưa dạy: Nói hay không bằng cày giỏi, nhưng ngày nay nhiều khi ngược lại: Người cày giỏi không bằng kẻ nói hay! Một lời nói khéo có thể xoa dịu mọi cơn thịnh nộ. Một lời nói hay có thể làm mê hoặc lòng người. Một lời bốc thơm bề trên, cả bề trên và chủ của nó đều lên mây. Một kẻ ỉ thế, buông lời nạt nộ, ngàn vạn bầy tôi bay hồn, bạt vía.

Vậy, cuối cùng, xét theo bình diện xã hội thì giữa CÔNG và TỘI của CÁI MỒM, thì thứ nào hơn, thứ nào kém? Điều đó chắc phải nhờ cậy các nhà đạo cao đức trọng phân xử thôi, kẻ hèn mọn này không dám lạm bàn! 

Không có nhận xét nào:

Trang