14 tháng 12, 2016

KHI LUẬT PHÁP BẤT CÔNG

FB Luân Lê
Ảnh minh họa. Nguồn: inernet 
Trong bất kể Hiến pháp nước nào trên thế giới, đều quy định một quyền năng thiết yếu nhất và thường trực nhất đối với quyền con người, đó là quyền được đảm bảo công bằng trước pháp luật và quyền được bào chữa để bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người dựa trên nguyên tắc hiến định “không ai bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh bằng trình tự hợp pháp thông qua bản án có hiệu lực pháp luật của toà án” (điều 31.1 Hiến pháp 2013). 
Nhưng ở nước ta, đây là quyền con người đang bị tước bỏ và đối xử bất công trong Bộ luật Tố tụng hình sự, kể cả bộ luật ban hành năm 2003 và bộ luật mới được thông qua năm 2015 mới đây mà đang phải chờ sửa đổi lại do sai sót. 
Bởi lẽ, bản Hiến pháp đã ấn định rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (điều 16), được tôn trọng bảo vệ các quyền công dân, và ai cũng có quyền được đảm bảo xét xử công bằng, được quyền bào chữa bằng cách tự mình thực hiện hoặc nhờ luật sư để đảm bảo quyền đó (điều 31.4 Hiến pháp 2013). Các quy định này cũng được cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (điều 4, điều 5 và điều 11), nay là điều 8, điều 9 và điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. 
Nhưng chính Bộ luật Tố tụng hình sự, ban hành năm 2003 và năm 2015, phần quy định đối với các tội liên quan đến “tội phạm an ninh, chính trị quốc gia” đã tước bỏ quyền được bào chữa của người có dấu hiệu xâm phạm vào các tội ở chương đầu tiên này của Bộ luật Hình sự. Vì, trong giai đoạn điều tra, luật sư sẽ không được tham gia để bảo vệ, bào chữa cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam về những cáo buộc đối với các loại tội đó. 
Đây chính là các quy định của luật đã hạn chế và tước bỏ quyền con người, quyền được đối xử công bằng và đảm bảo bình đẳng trước pháp luật, xâm phạm quyền được bào chữa của những người đang bị cáo buộc mà chưa phải tội phạm. 
Do chăng tư duy của các nhà lập pháp xã hội chủ nghĩa lo lắng rằng, những gì liên quan đến an ninh, chính trị quốc gia đều là nguy hiểm hơn các tội phạm khác? Nên đã phân biệt đối xử đối với các hành vi thuộc loại tội này vì nó đe doạ đến an nguy của nhà nước? 
Nếu ai đã xem bộ phim “Người đàm phán” trong thời Đông và Tây Đức còn ngăn cách bởi bức tường xã hội chủ nghĩa Berlin mà diễn viên chính là một luật sư do tài tử Tom Hank đóng, sẽ thấy được rằng, một nền dân chủ và tôn trọng quyền con người được đảm bảo như thế nào trước pháp luật khi ngay cả “gián điệp” (người Nga hoạt động trên đất Mỹ) cũng được quyền nhờ luật sư bảo vệ và các cơ quan tố tụng không được từ chối, mà còn phải mời luật sư cho họ hoặc khi chính họ yêu cầu được bảo vệ. 
Tội phạm nào cũng đều nguy hiểm, đối tượng xâm hại nào cũng là nạn nhân và bị gây thiệt hại. Không thể có quyền con người cho loại tội này nhưng lại hạn chế hay tước bỏ quyền con người (quyền phổ quát, mang tính liên tục và bất hạn định trong mọi không-thời gian) đối với tội phạm khác. 
Đây chính là những quy định của tư duy lập pháp lỗi thời, đầy toan tính và tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, tạo ra tâm lý phân biệt đối xử giữa người với người, giữa xã hội với người bị nghi là đã thực hiện loại tội phạm này trước pháp luật, tạo ra tâm lý kết tội và đẩy người chưa phải là tội phạm rơi vào những bất lợi vô cùng lớn trước sự quy kết của cơ quan điều tra và trước sự ruồng bỏ, phán xét đầy định kiến của đa phần xã hội mà còn thiếu hiểu biết. Đây chính là các quy định và bao hàm cả việc thực thi luật pháp đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ và đối xử công bằng của con người trước pháp luật. 
Hiến pháp, đạo luật có giá trị hiệu lực cao nhất của một quốc gia, đã ấn định, nếu là khoa học, văn minh và tôn trọng con người, thì bắt buộc phải rõ ràng và không được tuỳ tiện hạn chế bởi “luật” – văn bản có giá trị hiệu lực thấp hơn Hiến pháp. Và có lẽ họ đã bám vịn vào điều 14 Hiến pháp 2013 để tìm lấy nguyên do hạn chế quyền con người, quyền công dân “vì lý do an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, tính mạng, sức khoẻ và đạo đức cộng đồng” như một ngăn kéo dành cho sự loại trừ các quy định khác cũng như các nguyên tắc hơp lý của Bộ luật Tố tụng hình sự đã dẫn giải về các quyền con người. Nhưng lý do an ninh, quốc phòng (mang tính sự biến và tình thế) không và hoàn toàn không đồng nghĩa với việc “đảm bảo quyền được đối xử công bằng thông qua thủ tục luật định trong việc kết tội một người”. 
Chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng nếu pháp luật ấy vốn lại chứa đựng sẵn những bất công và bất bình đẳng, thì chúng ta phải có nghĩa vụ lên tiếng và đấu tranh để giành lại những thứ quyền năng ấy mà đảm bảo chúng phải được thực thi nghiêm minh và rõ ràng trên thực tế. 
Làm được điều đó thì chúng ta mới đảm bảo được con người là con người, luật pháp là luật pháp, nếu không chúng ta không còn nguyên nghĩa là con người và luật pháp cũng chẳng còn là hình hài luật pháp nữa.

Không có nhận xét nào:

Trang