10 tháng 11, 2016

Cơ hội cho Việt - Mỹ gần nhau hơn

   


Một số sự kiện và thời sự gần đây ở Á châu Thái bình dương cho thấy TT Duterte đang có thái độ và hành dộng “ly khai” với Mỹ. Nhưng đây lại là một thời cơ tốt và lợi cho VN xích lại gần với Mỹ nếu những người CS cầm quyền còn có tinh thần VN, lương tâm VN cố gắng giảm bớt cái tròng Trung Cộng áp bức VN.
 Xét cho cùng kỳ lý không phải Mỹ cần VNCS như cần VN Cộng Hoà trong vai trò tiền đồn thiết yếu ngăn chận đệ tam quốc tế CS nam tiến, vượt qua được cái mô VN Cộng Hoà thì dàn domino tự do, dân chủ của Thế Giới Tự do ở Đông Nam Á sẽ sụp đổ. Vì rằng hiện thời nếu chiến tranh giữa Mỹ với TC xảy ra, thì đó là một cuộc chiến tranh bằng phi cơ, tàu chiến, hoả tiễn, pháo binh, vũ khí laser, kỹ thuật số là chủ lực chớ bộ binh là hoàng hậu của chiến trường như trong chiến tranh cổ điển. Nên yếu tố địa lý quân sự của VN như một cái voi lòi ra hành lang con đường hàng hải huyết mạch của quốc tế và của Mỹ, không còn thiết yếu như trong Chiến tranh VN thời Chiến tranh Lạnh nữa.
Cái mà Mỹ cần VN là tách CSVN ra khỏi TC, như khi Mỹ vận động TC tách ra khỏi đế quốc CS đệ tam do Nga chủ đạo. Trong ba nước CS còn sót lại ở Á châu, CSVN là nước hùng mạnh chỉ sau TC, quân đội nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn cả Hồng Quân TC, và nhiều lần vượt trội hơn CS Bắc Hàn.
Cái kẽ hở, nứt bể giữa hai chế độ CSTQ và VN là tiền cừu hậu hận của người Việt đối với quân Tàu xâm lược. Nó xuất phát từ lịch sử Trung Hoa xâm lăng lãnh thổ của VN thời vua chúa và truyền kiếp qua thời CS. Trung Hoa xâm chiếm VN 1.000 năm trong lịch sử 4.000 năm của quốc gia dân tộc Việt.
Tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu can trường và kiên nhẫn của VN qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê cả ngàn năm bị Trung hoa cai trị mà VN không bị đồng hoá. Và thời CS, Đặng tiểu Bình TC khoa trương “dạy cho VN một bài học” xua quân qua VN đông gấp cả chục lần, TC không thắng nổi VN. Thương vong của TC nhiều hơn VN. Thời Tập cận Bình TC xâm lấn biển đảo của VN, chiếm cứ nhưng CSVN cũng không coi như bị mất, luôn khẳng định chủ quyền trên vùng TC tạm chiếm.
Chiến lược gia Mỹ là những người khai thác cái kẽ hở ấy, giữa TC và VC. Có thể nói Mỹ đã khá thành công trong việc banh vết thương tiền cừu hậu hận của VN đối với TQ thành vết thương lịch sử mà quân dân VN dù núi xương sông máu vẫn không đầu hàng quân Tàu nay CS đổi tên là Trung Quốc.
Vấn đề Biển Đông đã gây chia rẽ Đảng Nhà Nước CSVN, giữa phe hướng về TC do Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng cầm đầu và phe hướng về Mỹ do TT Nguyễn tấn Dũng nắm. Dân chúng VN thì tuyệt đại đa số thích Mỹ, muốn đất nước đi với Mỹ.
TT Obama chơi một đòn ly gián cao siêu. Ông đặc cách mời Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng công du Mỹ và trước đó các Bộ Mỹ mời Phạm quang Nghị Bí Thư Thành Uỷ Hà nội, Trần đại Quang Bộ Trưởng Công an công du Mỹ. Tổng Trọng cũng thấy được Mỹ vượt tập tục ngoại giao, đặc cách mời một đảng trưởng đảng chánh trị thay vì quốc trưởng. Tự ái Tổng Trọng quá thoả mãn, được lời như mở tấm lòng, được chuyện riêng mà cũng được chuyện chung, nên Ông nửa đường dấn bước sang ngang đi với Mỹ là một công tư lưỡng lợi.
Và trong biến cố Phi chia tay với Mỹ, đi với TC, CSVN không bỏ lỡ cơ hội tốt xích lại gần Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Bộ chánh trị cử nhân vật quyền thế thứ hai trong Đảng sang TQ rồi sang Mỹ.
Hai bên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Đinh thế Huynh Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhân vật số 2 của Đảng CSVN tuyên bố 2 nước quyết tâm “tăng cường khả năng bảo vệ việc tuân thủ pháp luật trên Biển Đông.”
Tin VOA tiếng nói chánh thức của chánh quyền Mỹ còn loan tải, “Nhằm củng cố sức mạnh của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, cuối tuần trước chiến hạm USS Decatur của hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc hành trình tuần tra vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam.”
Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam đặc trách ngoại giao, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu sau buổi gặp mặt với Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Cara Amercrombie tại Hà Nội, nói Việt Nam sẽ ủng hộ “việc Mỹ can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương càng lâu bền càng tốt miễn là việc can dự này đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng.”
Còn Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, đã tới Hà Nội trong chuyến thăm 3 ngày để tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ song phương Mỹ-Việt trong bối cảnh tranh chấp trên biển Đông tiếp tục căng thẳng… “đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật.”
Chánh quyền Mỹ là của dân, do dân, vì dân. Mỹ luôn luôn là một trên mặt trận ngoại giao và quân sự trước những vấn đề quốc gia đại sự và vấn đề quốc tế liên quan đến an ninh, hoà bình của thế giới. Dân chúng Mỹ lúc nào cũng ủng hộ quân đội Mỹ (Support Our Troups).
Nếu TC chống đối bằng vũ lực như khi chiến hạm USS Decatur của hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc tuần tra thứ tư thì chắc chắn không lực và hải lực Mỹ sẽ sẵn sàng đáp trả.
Hiện thời Mỹ vẫn còn ở thế hải thượng, vượt trội TC nhiều lần hơn. Mỹ mới tăng cường Hạm đội 3 về Á châu Thái bình dương để phối hợp với Hạm đội 7. Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, trong đó có 4 hàng không mẫu hạm, hơn 30 tàu ngầm, mười tàu hỗ trợ chuyên yểm trợ cho các đơn vị tấn công. Trong bầu không khí căng thẳng đó, chắc chắn TT Obama hay tân tổng thống Hillary hay Trump dù có muốn chủ hoà cũng phải hành động theo thế nước và lòng dân, quân Mỹ.
Tình hình cho thấy thế nước lòng dân, quân VN đều muốn đi với Mỹ. Không có lúc nào VNCS đi với Mỹ là đúng, hợp thời cơ, thuận nhơn hoà hơn lúc này. Trước tiên, về đối ngoại, Mỹ đang cần một số nước liên minh với Mỹ để ngăn cản TC bánh trướng, tranh giành thế hải thượng của Mỹ ở Á châu Thái bình dương.
Trong đó, Nhựt ở Đông Bắc và VN ở Đông Nam Thái bình dương, là hai nước có kinh nghiệm già dặn chiến đấu chống quân Tàu, có quân đội hùng mạnh TC không thể coi thường. Đại đa số dân chúng VN thích Mỹ, muốn nhà cầm quyền đi với Mỹ. Còn đa số đảng viên CSVN và giới chức nhà nước thì bằng mặt nhưng không bằng lòng, môi hở răng lạnh với TC, trong rất nhiều vấn đề.
Trong tương quan giữa các nước, không có thù muôn thuở, bạn muôn đời. Nhà cầm quyền không có gì phải mặc cảm khi tách rời một đồng mình, đồng chí dã tâm muốn biến nước bạn nhược tiểu thành thuộc địa kiểu mới.
Trái lại xa rời loại đồng minh đầy tham vọng, mưu đồ xâm lấn đất đai, thô bạo xen vào chánh trị để đi với một nước lớn khác dù là cựu thù để bảo vệ chủ quyền quốc gia, cương vực lãnh thổ là một chánh quyền khôn ngoan, thương dân yêu nước.
Vi Anh/(Việt Báo)

Không có nhận xét nào:

Trang