19 tháng 11, 2016

20 THÁNG 11, MỜI RƯỢU VÀ KIỀU

Ông Bộ trưởng giáo dục, không thương giáo viên của mình thì chớ, còn trách họ “… Các thầy cô phải giữ phẩm chất. Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc”. Câu nói thật khó hiểu, giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trách người lôi kéo chứ sao lại trách người bị ép?
___
Lê Văn
Có người bảo 20 tháng 11 là ngày “lễ”, có người thì bảo “không”. Lễ hay không, chưa bàn, nhưng các ngành khác đều có “ngày” thì ngành giáo dục có “ngày” là chuyện công bình và xứng đáng, bởi giáo dục là “quốc sách”, là ngành “chính” đào tạo con người cho xã hội. Nghị quyết nầy, đại hội kia dành cho giáo dục một số chương, điều hẳn hoi, gần đây nhất là chủ trương cải cách giáo dục cơ bản, toàn diện.
Cứ đến ngày 20.11, các cơ sở giáo dục tổ chức kỷ niệm. Ngày “kỷ niệm” nầy (tạm chia) ra hai phần: lễ và hội.
Phần lễ tiến hành trước, người dự là thầy, trò và khách mời (cấp trên của ngành, chính quyền, phụ huynh học sinh). Nội dung chính của buổi lễ có diễn văn của chủ nhà, báo cáo một số thành tích đã đạt, các phát biểu của các đại biểu, và (quan trọng nhất) phát biểu “chỉ đạo” của lãnh đạo. Ngoài ra cũng có thể có “cảm tưởng” của một số người được chọn trước. Xen kẻ là những tiết mục văn nghệ, dâng hoa, trao bằng khen, phát thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong năm qua.
Hầu như trong các diễn văn, các phát biểu đều không thiếu các câu “dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo/ nghề thầy là nghề cao quí/ trọng thầy mới đươc làm thầy/ không thầy đố mầy làm nên/ dù khó khăn gian khổ cũng thi đua dạy tốt, học tốt/ thầy trò trường XYZ quyết tâm lập thành tích để chào mừng sự kiện ABC. …” Có vị còn nêu gương ông Carnot, người Pháp, làm đến đại tướng mà khi về làng vẫn đến thăm thầy cũ. Quý hóa biết bao. Pháp không nói những câu trên nhưng họ hành xử lại đẹp, còn ta?
Có vị lại góp ý với giáo viên rằng thầy cô phải cải tiến phương pháp giảng dạy, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, phải nâng cao năng lực, phẩm chất (đừng nhậu nhẹt, đừng đàn đúm nhau đi karaoke mang tiếng xấu, bị tai nạn…), phải tôn trọng nhân cách học sinh, v.v…Cũng hay. Nhưng các việc nầy giáo viên đã làm hằng ngày và còn hơn thế, tức là thực hiện các chủ trương mới nhất của ngành như nói không với thành tích, nhà trường thân thiện, mô hình trường VNEN…
Phần hội là liên hoan, tuy phụ, nhưng sôi nổi. Phần nầy là tiệc trà thân mật có thêm văn nghệ, giáo viên, học sinh, khách hát hò, kể chuyện, đố vui… Tiệc tùng thì không thể thiếu rượu, bia. Người ta nâng cốc (hô dzô 100%) chúc mừng chung. Rồi có người mang ly đi bàn nầy, bàn nọ chúc riêng. Quan khách chúc mừng thầy cô, đáp lại, giáo viên, chủ nhà mời khách, đó là xã giao không phải là nhiệm vụ, nhiệm viếc gì. Có người còn thấy vinh dự được “cụng ly” với lãnh đạo.
Đến đây sực nhớ chuyện 21 giáo viên nữ, cấp 1, cấp 2, ở Hồng Lĩnh, Nghệ An được “trên” điều đi tiếp khách, “mời rượu” các quan chức địa phương trong buổi liên hoan “Dân ca-ví dăm”, sau đó còn đi hát hò với các vị nữa. Theo ông trưởng phòng giáo dục, ông chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh, đây là nhiệm vụ chính trị. Nhưng báo “Giáo Dục” ngày 17.11.2016 có bài “Nhiệm vụ chính trị là gì mà giáo viên không muốn làm thì cũng tránh đường trời ?”. Báo nầy dẫn lời một giáo viên mầm non ngậm ngùi “Trong bữa tiệc, khi chén bia chén rượu vào, sẽ không tránh khỏi những hành động như ôm vai, bá cổ”.
Thật buồn! Nhưng, ông Bộ trưởng giáo dục, không thương giáo viên của mình thì chớ, còn trách họ “… Các thầy cô phải giữ phẩm chất. Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc”.
Câu nói thật khó hiểu, giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trách người lôi kéo chứ sao lại trách người bị ép?
Nếu chính quyền, phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh điều giáo viên đi làm sạch môi trường biển, lao động công ích thì chẳng ai có ý kiến.
Tại sao chỉ điều giáo viên nữ mà không điều giáo viên nam hay công nhân các ngành khác đi tiếp khách? Có vị đã cho rằng giáo viên nữ có nhan sắc. Rất sành điệu! Uống rượu mà có người đẹp tiếp thì còn thú (vị) nào bằng, nếu xỉn chút xíu (biết đâu) lại thú hơn. Lời ông trưởng phòng giáo dục Hồng lĩnh “…Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Trong các vị trên, chắc chắn có vị có con, cháu đang đi học, 20 tháng 11 nầy, vị nào đến trường chúc mừng “Ngày Nhà Giáo” ? Có vị nào sẽ gặp lại những cô đã mời rượu mình? Nếu được mời phát biểu ý kiến, quí vị sẽ nói thế nào? –Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương cho sáng học sinh noi theo/ muốn sang thì bắt cầu kiều/ muốn con hay chữ phải yêu kính thầy… hay một câu nào hay hơn?
Ai đã qua cấp phổ thông đều học “Kiều”. Chuyện “mời rượu” ở Hồng lĩnh sao giống giống một đoạn trong “Kiều”. Khi tên tổng đốc Hồ Tôn Hiến giết được Từ Hải bèn mở tiệc ăn mừng chiến thắng, y bắt Kiều mời rượu. Cụ Nguyễn Du viết “Trong quân mở tiệc hạ công/ xôn xao tơ trúc, hội đồng quân quan/ bắt nàng thị yến dưới màn/ giở say lại ép vặn đàn nhặt tâu…nghe càng đắm ngắm càng say/ lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Thấy người đẹp, Hồ Tôn Hiến, một tổng đốc trọng thần rất thâm mưu cũng tính kế “vồ” một miếng, huống chi là hạng thổ quan địa phương.
Đọc đoạn trên thấy thương thân phận Kiều, ghét tay Hồ Tôn Hiến. Nghe chuyện “mời rượu” ở Hồng Lĩnh lại thấy thông cảm cho những cô giáo nơi kia. Nhưng có điều, Kiều là người phụ nữ trong chế độ phong kiến, bị khinh bỉ, áp bức, có khi bị xem là món giải trí của đàn ông. Kiều không có “ngày”. Còn các cô ngày nay đã được “giải phóng”, được bình đẳng, đến như “cô gái sông Hương” cũng sẽ “.. thơm như hương nhụy hoa lài/ trong như nước suối ban mai giữa rừng…(Tố Hữu). Các cô có “ngày”.
Mai đây, ngày 20 tháng 11 các cô sẽ được nghe “trọng thầy mới được làm thầy/ nghề thầy là nghề cao quí toàn xã hội tôn vinh”. Nghe vậy cũng sướng rồi, cần gì mời rượu.

Không có nhận xét nào:

Trang