5 tháng 1, 2016

Đừng xách cặp chạy ra Hà Nội nữa!

Tác giả: Lê Thanh Phong 
KD: Thú thực, các bác quan chức đầu đàn ở địa phương nên tự trọng, biết xấu hổ một chút. Đừng nên cứ vin vào tỉnh nghèo khó “vác rá” ra HN xin Trung ương. Trung ương thì cũng là tiền thuế của dân. Trong khi ở địa phương thì xây cất đủ thứ lãng phí, thất thoát, khiến dư luận XH không tài nào chịu nổi. 
Hãy nên hành xử kiểu người lớn! Đừng thiếu trưởng thành mãi như vậy! 
Mình đọc câu TTCP phát biểu: “Phải đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, phải tạo ra thể chế, cơ chế thu hút đầu tư của xã hội. Còn cứ xách cặp chạy suốt ra Hà Nội mà xin thì không được đâu”– mà ngượng thay! 
———— 
“Phải đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, phải tạo ra thể chế, cơ chế thu hút đầu tư của xã hội. Còn cứ xách cặp chạy suốt ra Hà Nội mà xin thì không được đâu” – đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các tỉnh, thành ngày 29.12. 
Xách cặp chạy ra Hà Nội xin tiền là “nghề” của không ít địa phương. 
Để làm lãnh đạo các địa phương, vị nào cũng được xem là tinh hoa của địa phương đó. Tài năng, tinh hoa, nhưng điều hành quản lý kém, thường xuyên báo cáo với trung ương còn nhiều khó khăn để xin hỗ trợ. Tài năng lãnh đạo mà để cho địa phương không có tiền trả cho giáo viên, tình trạng “vỡ ngân sách” không chỉ xảy ra ở Cà Mau, Bạc Liêu, mà rất có thể còn tiềm ẩn ở nhiều địa phương khác. 
Không phát triển kinh tế hiệu quả, nhưng xài tiền thì vô tư. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đưa ra con số 2.105 đoàn đi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài trong năm 2015 và đánh giá rằng: “Các đoàn đi có mục đích nhưng một số đoàn chủ yếu đi học tập kinh nghiệm, chưa hiệu quả, chưa có chương trình hợp tác cụ thể với các nước bạn”. 
Dân hiểu cụ thể rằng, họ đã lấy tiền thuế của dân đi chơi. Lấy danh nghĩa tham quan học tập đi du lịch tập thể thì không nghèo sao được. Mua sắm thẳng tay, xe công xài như đồ chùa, không hết tiền sao được. 
Nghèo mà đòi xây tòa nhà hành chính cho to. Thích xây nhà to nhưng không làm ra tiền, chỉ biết ngửa tay đi xin. Giống như đứa con không chịu làm việc, nhưng suốt ngày xin tiền cha mẹ sắm ôtô, mua biệt thự. Đó là những đứa con hư. Cho nên, nói “không được đâu” là lời quở trách rất nhẹ. 
Những vụ “vỡ ngân sách”, những dự án tòa nhà hành chính, quảng trường, những con số chi tiêu cho xe công và đi tham quan học tập cho thấy nguyên nhân của cạn kiệt ngân sách và những món nợ công. Chưa cần phải phát hiện ra hành vi tham nhũng, nhưng chi tiêu đồng tiền không phù hợp, lãng phí tiền của, đó cũng là một chân dung khác của tham nhũng. Chấn chỉnh được “những đứa con hư” hoặc bất tài, suốt ngày ngửa tay xin tiền cha mẹ để xài, thì cái nhà Việt Nam (quốc gia) mới mong khá lên được. 
Chấn chỉnh bằng cách tạo ra thể chế, cải cách thể chế như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo. 
Chấn chỉnh bằng cách có quy định pháp luật hiệu quả để đảm bảo kỷ luật ngân sách. 
Chấn chỉnh bằng cách thay những lãnh đạo yếu kém bằng người có năng lực thực sự. Địa phương là “đứa con hư” suốt ngày xách cặp ra Hà Nội xin tiền không có nghĩa là nhân dân ở địa phương đó “hư”, mà là lãnh đạo “hư”.

Không có nhận xét nào:

Trang