4 tháng 1, 2016

“Khách quan, biện chứng” của TBT Nguyễn Phú Trọng ở đâu?

Đầu năm 2012, triển khai Nghị quyết TW 4, tiếp xúc với cử tri Hà Nội,
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng tôi cũng xót dzuột lắm! Tiêu cực,tham nhũng nhìn ở đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có,nhưng chống…phải xem xét một cách khách quan, biện chứng”

* BÙI VĂN BỒNG
Muốn biện minh, lý giải, đưa ra những ‘biện chứng, khách quan, bối cảnh, tình hình” kiểu gì; cho dù nhét lý luận vào ý định chủ quan rồi biện lý ‘quy luật’ này, ‘phạm trù’ kia để cho là ‘thực tiễn, khoa học’, thì cái Quyết định 244 quy định danh sách nhân sự sắp sẵn ‘dội từ trên xuống’ là sự trắng trợn tiếm quyền lãnh đạo cho cá nhân, phe nhóm, sự áp đặt chủ quan rõ nét. Làm như thế, vừa thẳng cánh vi phạm nguyên tắc, điều lệ đảng, lại mất dân chủ (ngay trong đảng) rất nghiêm trọng.
Nghị quyết của đảng xưa nay nặng về ‘thuyết minh câu chữ’ cho kêu, cho hay, tự ca ngợi thành tích một chiều, thắng lợi, thành công tốt đẹp…nhưng không sát thực tế nền kinh tế, văn hóa, xã hội và nhiều vẫn đề khác trong cuộc sống. Nhưng ngay cái cách khóa trước chọn nhân sự cho khóa sau, không cần qua đại hội, lập ‘danh sách đóng đinh, kẹp chì’ rồi bắt bên dưới phải bầu. Không một đảng viên nào, kể cả Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Thường vụ các cấp từ trên xuống dưới được đề cử hay ứng cư thêm ai ngoài danh sách đã chốt chặt, mặc định sẵn. Tự đề ra quy định lạ hoắc với kiểu chọn nhân sự và bầu như thế đã 'khách quan, biện chứng' hay chưa? Có chủ quan tuyệt đối không?
Thế thì còn gì là nguyên tắc, điều lệ đảng? Sao mà đến nhân sự cũng cố tình thoát ly khỏi thực tế, chỉ từ một hoặc mấy cái đầu 'quyền lực phe nhóm' chụm lại, coi như đã “Number One”, xong! Tuy chỉ nằm trên giấy, nhưng với TBT thì chỉ có cách đó mới đúng 'ý định chỉ đạo', mới xứng tầm lãnh đạo có sáng tạo, mới tập trung, rõ ràng ‘bỏ cối không trật’. Lại nữa, khi bầu các cấp độ bí thư (dưới lên trên), danh sách 1 bầu 1, thậm chí trên chỉ đích danh, thế thì áp đặt quá còn gì? Thà đừng bầu, một quyết định, một văn bản thông báo là gọn nhất, nhanh, đỡ tốn tiền, mất thời gian!
Đó là sự nguy hiểm khi lãnh đạo đảng coi thường thực tiễn, nhất là thực tiễn cơ sở, bỏ phắt đi quyền dân chủ. Bộ chính trị cũng như các cấp Thường vụ khóa mới thì chỉ khoanh trong ‘bộ sậu’ cũ, như diễn viên chính, chuyên nghiệp đoàn kịch-phim, chỉ khác: Thay vai mà thôi!
Vậy, thực tiễn chẳng là cái đinh gì? Người có tâm có tài từ thực tiễn, dẹp hết! Đó là 'chính sách nhân sự trong mùng'!
- “À! Cái này thì...từ từ, cậu bình tĩnh 
để tớ tính xem cái “khách quan, biện chứng”
 nó nằm ở đâu!”
Có những vấn đề lý luận thấy phân tích cũng hay, nhưng khi nhìn vào thực tế lại thấy lý luận vẫn một đường, thực tế lại nằm ở nẻo khác. Đọc Nghị quyết thì hầu như cả chục năm sau nhiều nội dung vẫn thấy giống nhau, sự rập khuôn, công thức, na ná, phần nhiều soạn lai kiểu ‘tầm chương trích cú’ rất khó chịu, nhàm! Trong khi thực tiễn cuộc sống lại không ngừng biến đổi. Cho nên, mỗi khi tự đem soi lý luận với thực tự cuộc sống, thấy vẫn còn nhiều tắc, vướng, có những điều còn khó lý giải, nhất là từ cảm thụ, nhận thức, suy lý đến quan sát.
Tôi vẫn ghi nhận cái lý đúng đã được đúc kết: “Lý luận thì xám xịt, mà cây đời mãi mãi xanh tươi”. Một suy nghĩ khác mà tôi cũng phải tự nhắc mình phải rất thận trọng, phải nghĩ đi nghĩ lại. Đó là khi nói đến cộng sản, một chủ nghĩa, một lý tưởng thường chỉ được ngợi ca một chiều như phụng sự. Một thời khá dài, cả mấy chục thập niên, mỗi khi nói đến Đảng cộng sản cần phải biết có chạm ‘vấn đề nhạy cảm’ hay không? Nói đụng đến còn e dè, sợ sệt hơn đụng vào bệ Thánh, tượng Phật, “đụng” đến sự thiêng liêng nào đó ghê gớm lắm. Mà nếu nói đến Đảng cộng sản phải nói và viết theo những gì người ta (ý kiến bí thư, thường vụ, nhà lãnh đạo, nhà giáo huấn, nhà tổ chức) đã nói và viết, phải đúng đường lối, đúng nghị quyết, không cẩn thận sẽ bị đánh giá là sai quan điểm, đường lối, sai nguyên tắc quy định, nói sai nghị quyết, và không khéo bị truy chụp là chống Đảng, bị nhắc nhỏ, xem xét, nặng hơn là đưa ra kỷ luật, thậm chí lập tức hốt liền, nhốt ngay, truy tố, lôi các điều 258, 88, 79 trong Bộ luật hình sự ra chụp thẳng lên đầu.
Thử hỏi các nhà ăn lương chuyên viết nghị quyết đảng: khi đặt ra yêu cầu mọi người phải tin và làm theo đường lối, liệu đã chắc chắn rằng đường lối như thế là đúng nhất, là chuẩn xác, là hay nhất, sát với thực tiễn đời sống xã hội hay chưa? Nếu chỉ là ‘suy ngẫm trên đường phố, viết lách trong phòng lạnh, mắt dán vào đống sách, giấy; tai quán triệt chỉ đạo’ thì rõ ràng thiếu hẳn thực tiễn đời sống đang diễn ra sôi động hàng ngày. Cái bản chất vốn có như trời sinh ra là cuộc sống xã hội sinh động, phong phú, không ngừng biến động, lại bị đưa vào những câu chữ lý luận khô cứng, sáo mòn, rập khuôn đến mức bị đứng im, đóng khung bất động. Chỉ riêng như vậy cũng là sự thể hiện không biện chứng về các quy luật, phạm trù: Vận động và đứng im; sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập; về nguyên nhân và kết quả…Mà những thứ quy luật, phạm trù này có lẽ ít ai thuộc làu làu bằng nhà giáo triết-chính trị, GS.TS Xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng.
Rượu đặc sản 'Ý thức hệ' - Made in China quá ngon!
Chỉ có từ trong thực tiễn mới thể hiện những diễn biến nội tại trong những quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Viết như trên đây, nếu như ai đó đánh giá là có động cơ xấu với Đảng, trước hết tôi không tán thành cách nghĩ và cách nhìn áp đặt đầy chủ quan, phiến diện ấy, vì thực chất người viết bài này xuất phát từ ý thức xây dựng Đảng. Tôn trọng tự do tư tưởng chính là bản lĩnh cần có ở những người cộng sản, bởi đó chính là vấn đề từ trong thực tiễn, quy luật của tự nhiên. Tư tưởng con người không phải là bất di bất dịch, mà luôn luôn thay đổi tùy bối cảnh xã hội và những tác động khách quan từ cuộc sống. Miệng cứ nói ra rả những “khách quan, biện chứng” nhưng thoát ly hẳn, xa rời thực tế, ngay trong đảng cũng không biết phân biệt, đánh giá tốt-xấu, phải-trái, thẳng thắn và nịnh hót, …coi như đi ngược quy luật, tự phá ngang quy luật.
Người cha Các Mác, ông Heinrich Mordechai, cũng rất nhạy cảm khi ông biết phải tự chủ, đổi mới, coi trọng những phát sáng mới về tư tưởng sao cho phù hợp nhất với chính kiến của mình, trong đó thể hiện tính xu hướng khá rõ. Ông là con người rất thực tiễn. Ngay như việc theo đạo của ông Heinrich cũng thể hiện chữ “thời” và quan điểm tự cải biến tư duy rất rõ. Ông có nguồn gốc nhiều đời là giáo sỹ Do Thái, đã cải đạo sang Ki-tô giáo, dù ông có nhiều xu hướng thần luận. Nhưng khi luật của nước Phổ không cho phép người Do Thái làm về luật pháp, ông đổi sang đạo Lutheran. Sự thường trực của chí quyết tự chủ cải biến tư tưởng suy cho cùng là con người cách mạng. Ông không khô cứng, đã xác định theo đạo nào là không thay đổi, mà cải đạo nhiều lần trong đời H.Mordechi chính là sự làm gương về ý thức cách mạng của Các Mác.
Với Các Mác, mọi việc trên dời đêu phải được nhìn nhận và xem xét từ trong thực tiễn cuộc sống xã hội. Vì thế, “thực tiễn là sợi cho chỉ đỏ” xuyên suốt trong toàn bộ học thuyết của Mác. Với phẩm chất ấy, Các Mác là người rất nhanh nhạy và ưa đổi mới, con người thực sự cách mạng. Vậy, làm 'lãnh đạo cộng sản' mà chỉ duy ý chí, duy lý luận, khô cứng, giáo điều, xa thực tế, không biết vận dụng sáng tạo thì cũng coi như xa rời chủ nghĩa Mác-Lenin, đi chệch 'mục tiêu, lý tưởng', không trung thành với những luận giáo mang tính khoa học-thực tiễn của Mác.
Các Mác viết “Tư bản luận” vào nửa cuối thế kỷ 19, là dựa trên cấu trúc hiện hữu của nền tảng xã hội thời kỳ đó, dựa trên hạn định tư tưởng và phương thức sản xuất cũng như diễn biến xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ thẩm định và tiếp cần xã hội thời kỳ đó. Nhưng nếu như Các Mác có viết “Tư bản luận” vào thời kỳ đầu thế kỷ 21 này chắc chắn ông ta sẽ lược bỏ những lý giải nhất thời mà thêm vào những luận thuyết mới rất sát với thực tế các nước tư bản, các nước đã giành độc lập dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Bởi vì hơn 200 năm trước, Các Mác lấy đâu ra thực tiễn xã hội hiện nay để đưa vào học thuyết? Nếu như bê nguyên xi những câu Các Mác nói và viết thời đó, không đem soi vào thực tế xã hội mà bản thân mình đang sống hiện nay thì rất dễ bị đem cái đã quá xưa, hợp thời lúc đó, tại bối cảnh đó mà áp đặt vào cái tân thời, nghĩa là sẽ bị lạc hậu hóa, sai lầm lớn từ suy lý đến hành động.
Cho nên, cần tránh những xem xét, nhìn nhận nặng về bảo thủ, giáo điều, một chiều, đánh giá những biểu hiện tự do tư tưởng, những đề xuất hoặc hành động cải cách, những tư tưởng sáng tạo, mạnh dạn vận dụng lý luận chính trị-xã hội vào thực tiễn là biểu hiện của “xét lại”, là chống Dảng (như vụ ông Kim Ngọc là một trong những vị điển hình). Cách nhìn nhận, đánh giá như vậy là biểu hiện đi trật nguyên lý chủ nghĩa Mác, là sự tự tách rời thực tiễn, quan liêu cũng từ đó mà ra. Một thực tế cũng cần được ghi nhận là phân biệt Chủ nghĩa Mác-Lê-nin với câu nói của nhà minh triết.
Chỉ có những người chuyên tâm lý luận đơn thuần, xa rời thực tế, đem chủ nghĩa Mác phổ truyền một cách khô cứng, rập khuôn, máy móc, công thức hóa chủ nghĩa Mác-Lê-nin, giáo điều và bắt chước theo kiểu con vẹt, mới tham mưu cho lãnh đạo những điều mà lẽ ra phải để cho lãnh đạo sáng tạo, phát huy năng lực từ trong thực tiễn. Bản chất của cách mạng là đổi mới. Bảo thủ, không đổi mới, hoàn toàn không phải làm cách mạng. “Hệ thống lý luận mở liên tục”, như Các Mác đã khẳng định trong luận thuyết của mình chính là sự thể hiện tính cách mạng của lý luận chủ nghĩa Mác-Lê-nin trên những tầm cao mới, với mỗi biến thiên phát triển tất yếu của các thời đại mới. Do đó, sức sống của chủ nghĩa Mác là trường tồn và kim chỉ nam cho mọi thời đại. Khi coi lý luận chủ nghĩa Mác là hệ thống liên tục mở, không chỉ bó hẹp trong các câu chữ một thời, vấn đề là phải xem các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản, kể cả các đảng viên cộng sản, các vị đứng đầu cấp ủy, chính quyền có thấy cần mở, dám mở, có biết cách mở hay không mà thôi. Nhận rõ quan điểm này của Các Mác, trên cái nền gọi là “mở” ra từ lý luận cơ bản ấy, giáo sư Tương Lai đã khẳng định: “Trí tuệ của Các Mác đang chắp cánh cho chúng ta”.
Theo Các Mác, thực tại không phải là một cảnh trạng do ai có thể tự tạo ra nó theo ý định chủ quan, mà là một tiến trình lịch sử diễn biến mãi không ngừng. Mấu chốt để nắm bắt thực tại là nắm bắt bản chất của biến đổi lịch sử. Cho nên, Chiến lược phát triển kinh tê-xã hội của Đảng ta vạch ra, cần được thường xuyên xem xét, bổ sung cho phù hợp thực tế trên thế giới và trong nước, không nên cứ giữ nguyên cái bất biến trong nghị quyết để áp vào cái biến động thưởng nhật. Người lãnh đạo phải biết sự ra đời và vận hóa của các quy luật, nếu không, như trong 3 bài học quy luật mà cố Chủ tịch nước Trường Chinh đã đúc kết là “Làm trái quy luật, đi ngược lịch sử sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát”. Luận giải biện chứng của Các Mác là :“Quy luật có thể phát hiện được về sự biến đổi là biện pháp chứng, với sự vận động tạm thời lặp đi lặp lại của tiền đề, phản đề và hợp đề. Biến đổi lịch sử không phải là ngẫu nhiên mà tuân theo một quy luật có thể phát hiện được. Điều giữ cho quy luật đó hoạt động không ngừng là sự phóng thể, chính nó bảo đảm rằng mỗi tình trạng kế tiếp sau cùng sẽ chấm dứt bằng những mâu thuẫn nội tại của nó”.
Suy cho cùng, “cuốn theo chiều gió” là con người phải đi kịp tiến trình lịch sử nhân loại và ý nguyện đa số cộng đồng xã hội, trên cơ sở không được tách rời thực tiễn và vận dụng các quy luật cuộc sống để chủ động vận hóa cho phù hợp, với cái điểm đích là chất lượng, hiệu quả cao nhất. Tiến trình đó vượt ngoài sự kiểm soát của con người nhưng bị đẩy tới trước bằng chính những quy luật nội tại của nó và con người bị cuốn theo nó. Bảo thủ là sức ỳ lớn. Sức ỳ càng lớn thì sự trì trệ, chậm tiến càng rõ nét. Và đó cũng chính là nguy cơ dễ bị triệt tiêu, nhường chỗ cho sự ra đời và phát triển của cái mới phù hợp, tuân thủ quy luật hơn. Đem mớ lý luận cũ đem soi vào những biến đổi của thực trạng xã hội mà không tuân thủ để đổi mới lý luận cho phù hợp, lại bắt thực tế phải theo đúng như lý luận đã lỗi thời, đó là sai lầm lớn. Cho nên, thực tiễn chính là biết cách nắm đúng, nắm nhanh, theo kịp tiến trình phát triển của xã hội. Ở đó, tiến trình được diễn tả như thế sẽ tiếp tục cho đến khi đạt tới một hoàn cảnh mà trong đó tất cả những mâu thuẫn nội tại phải được giải quyết nhanh. Lúc ấy sẽ đủ sức vượt lên lực ma sát của sự khô cứng lý luận, sự ấu trĩ, bảo thủ, trì trệ, và do đó tự nó (thực tiễn) sẽ trở thành lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển.
Đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản là sự chỉ ra con đường duy nhất đúng của học thuyết Mác nửa cuối thế kỷ 19, khi chưa thực tế thành công của cách mạng vô sản. Nhưng khi cách mạng vô sản thành công, giai cấp vô sản đã nắm quyền lực xã hội, thì cách vận dụng và nhìn nhận quan điểm về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản phải khác, phải chuyển hẳn sang phương thức mới, nếu không sẽ chuyên chính với ngay chính giai cấp mình, giai cấp đã giao quyền lãnh đạo cho mình, trở thành “nồi da nấu thịt”, dẫn tới vi phạm quyền dân chủ ngày càng nặng nề, nghiêm trọng, đảng tự tách mình thành tầng lớp khác, không còn tình giai cấp vô sản nữa.
Lãnh đạo, chủ trương cho đến biện pháp của đảng vì động cơ toàn trị, độc quyền, vì muốn giữ chặt ‘song quyền’ (quyền lực, quyền lợi) mà quay lại chuyên chính với người dân, thủ tiêu đấu tranh phê bình, tự phê bình, bóp chẹt tự do ngôn luận, bắt dân phải chấp hành răm rắp những mệnh lệnh khô cứng và sai lầm, thì vô hình trung nhà lãnh đạo tự mình sinh ra cái bệnh nói không trung thực, nói không đi đôi với làm, nới một dằng làm một nẻo.
Muốn ‘không ai đụng đến ta’ thì ta phải có uy, dùng công an, quân đội để chỉ biết nghe lệnh đảng, riết rồi thành kiêu binh, thành thể chế ‘công an trị’, ai đi trái ý, dù chỉ là cấp ủy viên, bí thư đảng ủy, chi bộ phường, xã đã có công an ‘dàn xếp’ ngay!
Hậu quả để lại là dân cứ trách móc, than phiền, thậm chí chửi thẳng đảng, nhà nước. Thế nên dẫn đến mất uy tín do người lãnh đạo đã làm sai quan điểm, đường lối, đi ngược lại mục tiêu, quyền lợi giai cấp. Chính quyền do dân dựng lên lại quay lại tranh giành quyền lợi với dân, đàn áp người dân, là hoàn toàn mất bản chất cộng sản “của dân, do dân, vì dân”.
Nước ta đã tốn biết bao máu xương tiến hành đấu tranh giai cấp. Đừng để tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống là những cái mầm “tự diễn biến” tai hại, hình thành một thứ giai cấp bóc lột mới ngay trong lòng của Đảng cộng sản chân chính, ngày càng nặng tính đối kháng với giai cấp vô sản. Để rồi chính giai cấp vô sản lại phải làm cuộc đấu tranh chống lại đặc quyền đặc lợi kéo dây thành hệ thống để thực hiện công bằng xã hội. Tham nhũng, đặc quyền đặc lợi là đi ngược lại với xu thé không ngừng phát triển tiến bộ, dân chủ, văn minh của loài người. Theo PGs.Ts Lê Bỉnh: "Đặc quyền, đặc lợi là sản phẩm tất yếu của một chế độ xã hội độc đoán, chuyên quyền, không có dân chủ".
Cái tâm lý sợ làm sai nghị quyết, cũng như bắt phải làm đúng theo nghị quyết, suy cho cùng là sự kìm hãm sáng tạo và trái quy luật tự nhiên của quá trình nhận thức, tư tưởng. Có những vấn đề, những nội dung khi đưa vào nghị quyết thấy cũng đúng, chấp nhận được, nhưng khi cuộc sống thực tế đã khác xa nhiều, có những diễn biến không còn phú hợp, liệu có kịp thời dám bổ sung, thay đổi nội dung và cách thức, lấy gia trị thực tiễn làm trọng.
Quy trình ngược của sự ấn định, áp đặt là “Đưa nghị quyết vào cuộc sống”. Đúng ra phải đưa cuộc sống vào nghị quyết, khi thực hiện nghị quyết cũng soi rọi lại để điều chỉnh, bổ sung cho sát với thực tế của cuộc sống.
Hậu quả do chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội ngay từ cấp vĩ mô quá kém có nguyên nhân cơ bản là xa thực tế, xa chính nhân dân, xa rời giai cấp của mình - lực lượng cách mạng hùng hậu của Đảng. Các Mác cũng đưa ra đánh giá: “Khi đạt tới hoàn cảnh không xung đột, con người sẽ không bị cuốn theo những lực lượng nằm ngoài sự kiểm soát của nó, mà lần đầu tiên nó sẽ làm chủ số phận của mình”. Tại sao những yếu kém, những suy thoái, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn xa lạ với bản chất cộng sản (như vẫn tuyên truyền) đã xuất hiện khá rõ nét trong Đảng cả gần thế kỷ rồi, nay vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí ngày càng nặng nề, nguy hại hơn? Lãnh đạo mà không biết thương dân, không đi sâu, đi sát nắm bắt thực tế, ngại đi cơ sở, chỉ nắm tình hình qua báo cáo, nặng về hành chính, quan liêu, giải quyết cái gì cũng đầy chủ quan tùy tiện, không có hiệu quả thực tế, thậm chí ủng hộ cho cái sai, làm mất lòng dân thì hoàn toàn không phải là người cộng sản. Đừng để những yếu kém trong Đảng kéo dài, thành thứ bệnh nan y, như chứng ung thư hết thuốc chữa.
Vậy, nhìn lại thực trạng Đảng ta hiện nay, hơn 3,6 triệu Đảng viên, các nhà lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương, Bộ, ngành,… đã hòa nhập vào thực tế đời sống, như cấu thiết thân, tâm tư nguyện vọng của người dân lao động được bao nhiêu? Các sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta đang phải chính đốn chỉ có trong thực tế mới chỉ ra được. Không ai hiểu rõ, nắm chắc, luận giải, sáng tạo, có nguồn tổng lực tiền của, công sức bằng nhân dân. Đừng nói đến thanh trừng, mà đây phải là sự mạnh dạn thanh lọc, phải kiên quyết và nhanh chóng đưa ra khỏi Đảng những đảng viên đã thoái hóa, biến chất, chỉ rập khuôn công thức, bảo thủ, giáo điều, lý luận suông, hô khẩu hiệu.
Cái bài quen đã xưa cũ và không mang tính Đảng là “đóng cửa bảo nhau”, “xử lý nội bộ”, “trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ”…là trò ụ xọe, bao che cho nhau, cố thủ bè cánh, nhóm lợi ích. Càng kỷ luật trong đảng kiểu như vậy càng thêm đã mất lòng dân. Nói Nhà nước pháp quyền mà thực thi pháp luật không chính xác, không nghiêm minh, sao cứ hô hào “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”.
Làm lãnh đạo mà chỉ có lý tuyết suông, tay ôm kè kè nghị quyết, không lo cho dân, không gần dân, xa thực tế, coi tường dân chủ, suốt nhiệm kỳ chỉ lo vun vén cá nhân, củng cố nhóm lợi ích, kéo bè kết cánh, lo xây vững ‘lô cốt song quyền’ lo đấu đá giành ghế nhau, thì có xứng danh xưng “đảng cầm quyền” hay không?

Không có nhận xét nào:

Trang