2 tháng 8, 2015

Làm ăn ở Việt Nam phải có chống lưng đỡ đầu!”

Tác giả: Theo Hà Giang – Báo Người Việt
KD: Chuyện! Ông rút chân giò, bà thò chai rượu :
————
LTS: Tiến sĩ Alan Phan là một tên tuổi quen thuộc trong giới kinh doanh, với 43 năm kinh nghiệm về đầu tư vào thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và cả Việt Nam. Ông hiện là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California và Hồng Kông, chuyên tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các công ty đa quốc. Là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của những thị trường mới nổi, Tiến sĩ Alan Phan còn là một cây bút quen thuộc với nhiều bài phân tích sâu sắc, với thương hiệu “góc nhìn Alan” được nhiều người biết đến.
Nhân dịp sắp đến buổi ra mắt hai cuốn sách mới “Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Kinh Tế Toàn Cầu” và “42 Năm Làm Ăn Tại Mỹ Và Trung Quốc -Ấn Bản Usa,” vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy, 25 tháng Bảy, 2015, tại hội trường nhật báo Người Việt, ông dành cho ký giả Hà Giang cuộc phỏng vấn dưới đây:
Hà Giang (NV): Vừa là một người cầm bút, một nhà đầu tư, một giáo sư dậy về kinh doanh, ông tự tả về mình như thế nào?
Alan Phan: Thực tình thì cũng không có gì nhiều để tả. Tôi 70 tuổi, thì đương nhiên là có nhiều trải nghiệm, sống qua bao nhiêu tình huống, khác biệt so với những thế hệ trẻ hơn. Nhưng tôi là con người rất là bình thường: đi học, làm việc, sống cho gia đình, bạn bè, vui chơi. Cũng hưởng thụ nhiều, cũng đau khổ nhiều trong mọi môi trường. Nhưng nói tóm lại thì cũng là một đời rất bình thường, không có cái gì đặc biệt. Tôi hiện giờ bình an với những gì mình đã có, đă mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là những chuyện nó đã xẩy ra rồi, thế thôi vậy.
NV: Ông có thể nói sơ về Alan Phan Associates có trụ sở tại California và Hồng Kông?
Alan Phan: Tôi làm việc bên Hồng Kông cũng khoảng 14, 15 năm, điều hành một quỹ đầu tư do tôi và ba anh bạn khác, người Trung Quốc và người Hồng Kông sáng lập. Chúng tôi đầu tư vào những công ty nhỏ và đem họ lên sàn chứng khoán. Mình đồng thời cũng là nhà đầu tư nên có lợi trong những phi vụ đó qua nhiều khía cạnh. Quỹ đầu tư đó hiện giờ vẫn được những người bạn tôi tiếp tục điều hành, thực tình thì là thế hệ sau của những người bạn tôi.
Cách đây hai năm, tôi về lại Mỹ, có thể nói là để tìm một cuộc đời an lành hơn. Nhưng nhiều người bạn vẫn đưa công việc tới cho Alan Phan Associates (APA), do tôi và khoảng sáu chuyên gia tư vấn độc lập hoạt động. Chúng tôi giúp họ tạo ra chiến lược toàn cầu, giúp họ làm những M & A (Merger and acquisition), tức thâu tóm và sát nhập vào những công ty bên Mỹ.
Chiến lược khá đơn giản. Thay vì bỏ sức bỏ tiền lập những công ty mới ở đây, tôi khuyên họ là lợi dụng những công ty có sẵn thị trường ở đây, có sẵn thương hiệu, có sẵn những sản phẩm hay công nghệ đặc thù, và sau khi thâu tóm, sát nhập vào với công ty của mình bên Trung Quốc hay bên Việt Nam, thì tương đối chặng đường nó dễ hơn, nhanh hơn.
NV: Qua 70 năm thăng trầm của cuộc sống, nếu được làm lại, thì ông sẽ giữ phần nào và thay đổi phần nào? Ông có điều gì hối tiếc không ?
Alan Phan: Thật tình thì tôi ít khi suy nghĩ về quá khứ, những chuyện gì nó đã qua thì nên để cho nó qua luôn. Có những chuyện mình rất là tự hào, rất là vui thú, thì nhìn lại ở cái điểm khác có thể nó không hay đẹp như mình đã nghĩ. Hay là những chuyện ngày xưa mình xấu hổ, mình thua thiệt, thì bây giờ nhìn lại nó lại là các bài học hay. Thành ra thật tình tôi không quan tâm lắm về chuyện quá khứ. Mình sống bây giờ đã bảy mươi năm thì cũng trải qua nhiều, từ đỉnh hạnh phúc đến đáy đau khổ, ông trời đã định như vậy rồi, bây giờ mình mới ngồi nghĩ lại là nên giữ cái này, vứt cái này, thì với tôi không cần thiết.
Dĩ nhiên có những cái hối tiếc lặt vặt, nhưng rồi mình cũng quên đi. Thực tình theo tôi nghĩ những người mà gọi là thành công, không phải thành công lớn như Warren Buffet hay Bill Gates, mà thành công bình bình như tôi, khi về già có nhiều thất vọng mang theo, nhất là những điều mà mình mong ước mà chưa thực hiện được. Có khá nhiều hối tiếc, đáng lẽ mình nên làm như thế này, nên làm như thế kia. Thêm vào đó, người già lại thích khuyên bảo, lý tưởng hóa các kinh nghiệm như là để lại một cái di sản gì đó cho thế hệ sau. Nhưng với tôi điều quan trọng là mình sống thực với mình, không làm hại ai, không chơi xấu ai, tất cả rất là fair play, theo Mỹ nói. Tất cả những cuộc chơi gì mình đã tham dự, lúc mình bước ra ngửng cao đầu, dù thắng dù thua, đó là quan trọng.
NV: Hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng và dị biệt? Liệu rồi kinh tế Trung Quốc có sụp đổ vì thị trường chứng khoán đang bị thụt giá của họ không?
Alan Phan: Chính sách kinh tế của những nhà nước độc tài rất giống nhau, đó không phải là những nền kinh tế thực sự thị trường. Về vấn đề thị trường chứng khoán đang tuột dốc tại Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp chống đỡ, bằng tài chánh và chính trị, có thể sẽ kéo dài năm mười năm.
Tại Việt Nam cũng vậy, lúc trước tôi cũng gây nhiều tranh cãi về vấn đề bất động sản tại Việt Nam, vì tôi cho rằng cứ để cho những dự án này chết, rồi sẽ có nguồn đầu tư khác và thị trường sẽ tái sinh, nhưng chính quyền không thích như vậy. Thà rằng hy sinh kinh tế để giữ cho xã hội ổn định, luôn luôn là phương châm của Trung Quốc và của Việt Nam. Thành ra thị trường chứng khoán của Trung Quốc nó cũng giống như thị trường bất động sản tại Việt Nam, đáng lẽ thì nó phải chết, nhưng chính phủ cứ nhất định nuôi. Họ cứ chống đỡ cho càng lâu càng tốt, hy vọng 10 năm sau đó sẽ có phép lạ hay có gì thay đổi, hoặc những thế hệ sau, nhiệm kỳ sau… sẽ giải quyết, bằng một cách nào đó thì họ chưa quan tâm lắm. Kéo dài suy thoái kinh tế chỉ là một cái giá phải trả để nắm chặt quyền lực.
Về dị biệt thì có hai điểm. Thứ nhất là kích cỡ. Kinh tế Trung Quốc phải nói là lớn gấp 15 lần Việt Nam, và nó đi trước Việt Nam khoảng 12, 13 năm, thành ra Việt Nam đang copy những gì Trung Quốc đã làm. Đôi khi họ đã thất bại hay chịu nhiều hệ quả xấu rồi, nhưng mà mình vẫn cứ làm thế. Khi thị trường mình nó nhỏ, mình cũng thiếu cơ hội phát huy hay dùng lực nước ngoài. Điểm yếu thứ hai là doanh nhân và con người. Tôi đã làm việc với doanh nhân Trung Quốc lẫn Việt Nam thì tôi thấy người Trung Quốc chịu khó hơn người Việt Nam nhiều. Họ tiết kiệm nhiều hơn, họ cần cù hơn, và họ thủ đoạn hơn. Dù là Việt Nam cũng mánh mung không kém ai về mặt thủ đoạn, nhưng thích hưởng lời ngay lập tức, nên làm đối tác ngại. Người Trung Quốc họ thâm hiểm hơn, họ nghĩ xa hơn, dài hơn, So với Trung Quốc, Việt Nam chuộng kiểu “mì ăn liền”; còn Trung Quốc, họ biết nấu nướng, và biết đợi.
NV: Ông có lời khuyên gì cho người muốn mang tiền về Việt Nam đầu tư?
Alan Phan: Thật ra thì tôi không dám khuyên, nhưng có hai điều cần yếu quan trọng để thành công ở Việt Nam. Thứ nhất là phải có quan hệ, phải có người chống lưng đỡ đầu thì mới đi xa được. Thứ hai là phải có một sự kiên nhẫn, quan hệ với người Việt Nam mà muốn cho sâu đậm, cũng phải mất vài ba năm, chứ không phải đi vào làm ào một cái mà được, người ta chưa tin mình. Muốn có sự tin cậy cũng phải mất vài ba năm.
Sau đó thì là chuyện hên xui may rủi, nếu quan hệ đúng với người đang lên, có quyền lực chính trị quan trọng, thì tiền sẽ vào như nước. Còn đầu tư lầm một ông đang đi xuống, thì có thể bị tù tội dễ như chơi, đó là chuyện rất bình thường ở Việt Nam. Cái thằng đấy mình đang tính là mấy năm nữa nó lên, mà đùng một cái nó qua bên Tây bên Mỹ chữa bệnh, hay nó bị về hưu non thì điều đó phiền lắm (cười.)
NV: Điều gì khiến ông bắt đầu sự nghiệp viết lách, cho ra đời nhiều bài viết rất được ưa chuộng, và thương hiệu nổi tiếng “góc nhìn Alan?”
Alan Phan: Khi còn ở bên Trung Quốc thì cuối tuần tôi có đi dạy những lớp MBA cho executives. Dạy thì phải soạn bài, nên tôi bắt đầu viết lách từ đó, nhưng cũng không viết nhiều. Đến năm 2007 thì tôi về Việt Nam thường xuyên hơn. Lúc đó mấy anh bạn, anh Trần Trọng Thức, báo Doanh Nhân, anh Tuấn ở Vietnamnet, họ nhờ tôi viết về Trung Quốc. Bài đầu tiên tôi viết là chuyện về “Con voi Trung Quốc,”. Khi viết xong, tôi ngạc nhiên là bài viết lại tạo ra được một luồng sóng thích thú. Người viết giống như người nghiện, có một chút thuốc vô rồi lại say, lại viết tiếp tục. Giờ thì lớn tuổi rồi, viết cũng là một lối tiêu khiển. Ngày xưa khi mình còn trẻ thì mình lông nhông ngoài đường, bây giờ thì ăn uống cũng sợ cũng lo, sức khỏe không còn đủ năng lượng, thành ra mình không đi ra ngoài tiệc tùng, ăn uống chơi khuya nhiều nữa. Ở nhà không có gì thì viết đại cho rồi.
NV: Ông có thể kể lại vài kỷ niệm vui, lý thú khi làm việc ở Việt Nam?
Alan Phan: Ở Việt Nam thì luôn luôn mình đối diện với hai vấn đề. Thứ nhất là mình sẽ có rất nhiều bạn, vì là mình có tiền và họ có thì giờ, cho nên bất cứ lúc nào, mình không kêu họ thì họ kêu mình. Cho nên mình luôn luôn bao quanh bởi bạn bè, gia đình, muốn hay không muốn, tương đối khá vui. Đi chơi biển, đi chơi núi, tất cả đều dễ dàng hơn ở Mỹ. Ở Mỹ mà muốn tập trung được ba, bốn người đi, rồi tìm thì giờ trùng hợp để đi chung với nhau thì là cả một sự xếp đặt. Còn ở Việt Nam thì rất dễ, nếu hứng, thì chỉ 5 phút sau là lên đường thôi.
Niềm vui đó tự phát, nhưng đồng thời nó cũng có nhiều cái bực. Đi ra ngoài một tí là tai nạn này, mưa giông kia, tắc đường, rồi ô nhiễm, rồi khói bụi, rồi người này người kia, nói ra bàn vào, tranh cãi như chó mèo…Một môi trường hỗn loạn, đôi khi mình muốn bình an cũng không được. Muốn tìm góc lặng nào đó để đừng ai quấy rầy mà kiếm không ra. Trong khi ở Mỹ thì mình có muốn được phiền hà, người ta cũng không muốn. Đó là cái khác biệt giữa hai văn hóa và môi trường.
Ở Việt Nam, sống rất là open, nhà hàng xóm biết nhau, biết đủ thứ, và ai cũng nhẩy xổm vào chuyện riêng của người khác. Cái câu hỏi mà tôi được hỏi nhiều nhất là ‘anh có bao nhiêu tiền? Hồi trước anh làm gì? Vợ con gia đình ra sao? Họ muốn biết tất cả mọi điều về đời mình. Trong khi người Mỹ thì người ta tôn trọng sự riêng tư. Hai lối sống hơi khác một tí, nhưng mình ở đâu rồi cũng điều chỉnh được. Vấn đề là mình muốn điều gì.
NV: Đã sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, tại sao cuối cùng ông lại về Mỹ, mà không nghỉ hưu ở Việt Nam, chẳng hạn?
Alan Phan: Thực tình, khi có nhiều tiền thì ở đâu cũng vui cả, Việt Nam hay Trung Quốc, hay Mỹ hay Monaco hay là bất cứ chỗ nào. Thành ra cái yếu tố quan trọng là yếu tố có nhiều tiền.
Tuy nhiên, trong lựa chọn của con người, ngoài vấn đề tiền bạc còn vấn đề môi trường sống, còn vấn đề bạn bè, gia đình, còn vấn đề mà mình không muốn phải đối diện hàng ngày, như đói nghèo, dốt nát…vì đôi khi nó làm mình bức xúc. Mình muốn tâm mình được an bình hơn. Lúc trẻ thì những điều này không quan trọng lắm, mình thích stress, thích áp lực, thích tất cả những chuyện thử thách, nhưng đến khi già rồi thì mình muốn giảm thiểu tối đa những áp lực, những khó khăn phải đương đầu. Tôi nghĩ hiện nay môi trường Mỹ nó giúp cho tôi có được điều đó. Đó là lý do quan trọng lúc này. Trong tương lai, mọi thứ có thể thay dổi.
NV: Cảm ơn tiến sĩ Alan Phan đã thì giờ cho cuộc phỏng vấn, và chúc ông nhiều thành công trong buổi ra mắt sách vào 2 giờ chiều thứ Bảy, ngày 25 tháng Bảy này, tại hội trường nhật báo Người Việt.

Không có nhận xét nào:

Trang