24 tháng 6, 2014

65 NĂM QUAN HỆ VIỆT – TRUNG (1949 – 2014)

    * TRUNG HÀ
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào đặt trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta từ ngày 1/5/2014 không phải là một hoạt động đột biến khác thường trong quan hệ Trung –Việt mà là sự tiếp nối của một âm mưu nhất quán đã có từ lâu nhằm từng bước thực thi ý đồ bành trướng Đại Hán của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với Việt Nam.Không cần nhắc lại dài dòng về quá khứ xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Hoa trước kia, chỉ cần hệ thống lại những sự kiện đã diễn ra từ ngày ĐCSTQ giành được chính quyền (1949) và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến nay, cho thấy :
1. Mục đích thực sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc giúp ViệtNam :
Ngay từ đầu, việc Trung Quốc giúp ta trong kháng chiến chống Pháp hoàn toàn không phải trên tinh thần “quốc tế vô sản” mà mang một động cơ, mục đích khác : trước hết là để đẩy lực lượng đế quốc ra xa biên giới lãnh thổ Trung Quốc, dùng Việt Nam làm khu đệm, đồng thời biến Việt Nam thành một nước chư hầu, lệ thuộc, tạo điều kiện mở con đường bành trướng xuống Đông nam châu Á. 
Việc “giúp” ta tiến hành cải cách ruộng đất đi đôi với chấn chỉnh tổ chức đã bộc lộ rõ ý đồ phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, loại bỏ những cán bộ lãnh đạo và chỉ huy tài giỏi xuất thân từ gia đình tư sản, địa chủ, phú nông, quan lại, trí thức cũ...ra khỏi quân đội.
Trắng trợn nhất là việc ép ta đình chiến ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, thực hiện việc chia cắt 2 miền bằng vĩ tuyến 17.
Sau khi tập đoàn cứ điềm Điện Biên Phủ bị đập tan, chính phủ Pháp lo sợ đội quân viễn chinh Pháp sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, đã trù tính rút khỏi Hà Nội, Hải Phòng và đồng bằng Bắc bộ vào cố thủ trong Nam...Về phía ta việc tiếp tục khuyếch trương chiến quả, thừa thắng xốc tới để giải phóng hoàn toàn đất nước trong một thời gian ngắn đã nằm trong tầm tay. Nhưng chính vào lúc đó, Trung Quốc đã ngăn cản, ép ta phải đình chiến.
“Những người lãnh đạo Trung Quốc muốn chấm dứt chiến tranh Đông Dương bằng một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị...”(*)
Hội nghị Genève năm 1954 gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Trong quá trình đàm phán, Chu Ân Lai đã 4 lần bàn bạc riêng với Pháp để thỏa thuận trước với nhau một giải pháp khung về Đông Dương có lợi cho cả Trung Quốc và Pháp, gây thiệt hại cho cách mạng 3 nước Đông Dương... Riêng Việt Nam bị chia cắt thành 2 miền...
2. Ngăn cản Việt Nam đấu tranh thống nhất nước nhà :
- Tháng 11/1956 Mao Trạch Đông nói với lãnh đạo ta ; “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ...nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”.(*)
- Khi không ngăn cản được ta đấu tranh vũ trang và đồng khởi thì Trung Quốc lại “khuyên” ta chỉ nên đánh du kích, đánh nhỏ với quy mô tiểu đội, trung đội...và chỉ giúp ta một số vũ khí nhẹ, trang bị hậu cần... để chứng minh cho thế giới thấy thiện chí của Trung Quốc vẫn tích cực ủng hộ cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao uy tín, tập hợp lực lượng các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ la-tinh theo Trung Quốc chống Liên Xô.
3 - “Bật đèn xanh” để Mỹ trực tiếp đem quân vào xâm lược Việt Nam.
- Năm 1965 Trung Quốc đã tìm mọi cách để đánh tiếng cho Mỹ biết ý đồ của Mao Trạch Đông là : “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người” (*) để cho Mỹ yên tâm ồ ạt đưa quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến và tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam.
Ngày 23/6/1965 Chu Ân Lai còn nói với tổng thống Ai cập A.Nát-xe rằng : “Mỹ càng đưa nhiều quân vào Việt Nam thì chúng tôi càng vui lòng...nếu ngài muốn giúp đỡ người ViệtNam thì cần khuyến khích Mỹ ném càng nhiều lính Mỹ vào Việt Nam càng tốt”.(*)
- Bị thất bại ngày càng nặng nề, tháng 3/1968 Mỹ buộc phải xuống thang : tạm ngừng ném bom miền Bắc và tiến hành đàm phán với ta. Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc lại khuyên ta : “nên để cho Mỹ bắn phá trở lại miền Bắc, làm như vậy là để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, đồng thời cũng chia sẻ bớt khó khăn cho miền Nam...lần này nếu các đồng chí chấp nhận bốn bên đàm phán tức là giúp cho Giôn-sơn và Hăm-phơ-rây đoạt được thắng lợi trong bầu cử...làm cho nhân dân miền nam có khả năng bị tổn thất lớn hơn...Như vậy giữa 2 đảng và 2 nước chúng ta còn cần nói chuyện gì nữa ?” (* Bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị).
4. Đàm phán riêng với Mỹ bàn giải quyết vấn đề Việt Nam.
Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang ở vào thời kỳ quyết định thì năm 1972 Trung Quốc đã dùng vấn đề Việt Nam để mặc cả với Mỹ : nếu Mỹ rút hết các lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ra khỏi Đài Loan thì Trung Quốc sẽ ép Việt Nam chấp nhận những điều kiện của Mỹ trong cuộc đàm phán tại Pa-ri.
Trước lập trường kiên định của ta, Trung Quốc đã bật đèn xanh để Mỹ đánh phá trở lại miền Bắc, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng và dùng B.52 thả bom rải thảm nhằm hủy diệt Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã khác trên miền Bắc. Song với lòng dũng cảm và trí thông minh tuyệt vời của quân và dân ta đã lập nên một “Điện Biên Phủ” mới trên không, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri theo những điều kiện của ta.
5. Cản trở Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, xâm lược quần đảo Hoàng Sa.
- Sau hội nghị Pa-ri, Mỹ buộc phải rút quân về nước, tháng 6/1973 Mao Trạch Đông nói với lãnh đạo ta : “Ở miền Nam Việt Nam cần ngừng chiến đấu nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm càng tốt. Cách mạng miền Nam nên chia làm 2 bước. Gộp lại làm một, người Mỹ không chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn mấy chục vạn quân”.(*)
- Ngày 19/1/1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta trong tay chính quyền Sài Gòn. Do có sự thỏa thuận trước với Trung Quốc nên Mỹ đã bác bỏ yêu cầu cứu viện của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Hạm đội 7 đã được lệnh tránh xa khu vực Hoàng Sa.
- Cuối tháng 4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh của ta sắp kết thúc, Mao Trạch Đông đã gửi điện sang cho lãnh đạo ta khuyên chớ nên mạo hiểm đánh vào Sài Gòn, vì Mỹ sẽ quay lại can thiệp ! mặt khác còn thông qua một nhà báo Pháp khuyên tổng thống Dương Văn Minh chớ đầu hàng, chỉ cần giữ vững trong 24 giờ, tình thế sẽ thay đổi !? Thực ra đó chỉ là âm mưu sảo quyệt muốn làm cho lực lượng của cả 2 bên Việt Nam đều bị tổn thất nặng nề thêm và thành phố Sài Gòn sẽ trở thành đống gạch vụn. Nhưng Dương Văn Minh với lòng tự trọng và không muốn bị lệ thuộc vào Trung Quốc nên đã không nghe theo.
6. Biến Cămpuchia thành bàn đạp tấn công Việt Nam.
Từ lâu Trung Quốc đã lôi kéo, nuôi dưỡng, và xúi giục bè lũ Pôn Pốt – Iêng Xa-ry dùng nhiều thủ đoạn đen tối để chống phá Việt Nam ngay trong quá trình hợp tác cùng đánh Mỹ trên đất Căm-pu-chia.
Chỉ mấy ngày sau khi Sài Gòn được giải phóng, Trung Quốc đã hối thúc bọn Pôn Pốt đánh chiếm đảo Thổ Chu và liên tiếp gây ra nhiều vụ đột nhập sâu vào nội địa của ta, khơi mào cho cuộc chiến tranh ở hướng tây nam. Thực chất đây là cuộc chiến tranh do Trung Quốc đánh ta bằng lực lượng của bè lũ “khơ me đỏ” diệt chủng Căm-pu-chia.
Tháng 12/1978 bọn Pôn Pốt đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Tây Ninh, gồm nhiều sư đoàn tinh nhuệ, có xe tăng và pháo binh yểm trợ, gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Buộc chúng ta phải đánh trả để tự vệ đồng thời giúp nhân dân Căm-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng.
7. Phát động cuộc chiến tranh biên giới phía bắc.
Tháng 2/1979 Trung Quốc huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn với 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo...phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía bắc gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta... nhằm trả đũa cho sự thất bại ở Căm-pu-chia và làm suy yếu Việt Nam...Kết cục là bị quân và dân ta giáng trả đích đáng, buộc chúng phải rút quân. Tuy nhiên sau đó vẫn tiếp tục lấn chiếm một số điểm cao trên đất Hà Giang, khiến cho cuốc chiến ác liệt trên biên giới còn phải kéo dài thêm mấy năm mới chấm dứt.
8. Đánh chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của ta và gây rối trên Biển Đông.
Từ cuối tháng 11/1987 đến cuối tháng 2/1988 hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Louisa và một số bãi đá không có lực lượng của ta đóng quân (Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa). Ngày 14/3/1988 Trung Quốc huy động nhiều tầu chiến của hai hạm đội đổ quân lên đánh chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Sau đó liên tiếp có những hành động phi pháp ở Biển Đông như : Thành lập huyện Tam Sa bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta, lập căn cứ quân sự; phá cáp tầu Bình Minh và Viking II đang thăm dò trên vùng biển của ta; bắn chìm nhiều tàu đánh cá, giết hại ngư dân ta v.v... 
9. Hội nghị Thành Đô :
Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, đứng trước tình hình các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô đang trên đà sụp đổ, lãnh đạo cấp cao của ta lúc đó đã lo lắng, chủ động đi tìm chỗ dựa mới, trông mong vào một nước lớn ở bên cạnh “cùng ý thức hệ cộng sản” để tồn tại ! Đó là con đường dẫn tới Thành Đô, Tứ Xuyên.
Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội này để đưa ra những đòi hỏi vô lý đối với ta.
Với mong muốn sớm được bình thường hóa quan hệ Việt-Trung, lãnh đạo của ta đã chấp nhận những điều kiện bất lợi về phía mình... Có thể nói đó là sai lầm lớn nhất, để lại hậu quả nguy hiểm nhất trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 65 năm qua ! Điều đáng ngạc nhiên là thỏa thuận Thành đô diễn ra vào đầu tháng 9/1990, nghĩa là sau những sự kiện nghiêm trọng xẩy ra trước đó không lâu (Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam 1977 - 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 – 1984, Trường Sa 1988).
Tiếp theo đó là những ngôn từ mỹ miều : “16 chữ, 4 tốt”...mà Trung Quốc đưa ra nhằm lừa gạt, ru ngủ và trói chân trói tay nhà cầm quyền của ta.
Đáng chú ý là trong khi ta đặt lòng tin vào sự tương đồng về bản chất XHCN và ý thức hệ cộng sản.. thì trên thực tế với việc thực hiện lý luận của Đặng Tiểu Bình : “mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột đều tốt”, ý nói chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản đều tốt miễn sao Trung Quốc được giầu mạnh lên... thì về thực chất, Trung Quốc đã vứt bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhưng vẫn giả vờ khoác chiếc áo : chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc để lừa bịp nhân dân trong nước và che mắt thiên hạ.
Rất tiếc là trong một thời gian dài với biết bao xương máu của quân dân ta đã đổ, lãnh thổ liên tiếp bị gặm nhấm từng mảng lớn mà lãnh đạo của ta vẫn không nhận ra bộ mặt xảo quyệt ti tiện của nhà cầm quyền Bắc Kinh, vẫn tin tưởng vào “tình đồng chí”, cùng tôn thờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin !?
Cho đến nay nội dung cam kết cụ thể tại hội nghị Thành Đô vẫn nằm trong màn bí mật. Nên có nhiều lời đồn đoán rất đáng lo ngại, thậm chí có người cho rằng các vị lãnh đạo của ta dự hội nghị Thành Đô đã chấp nhận để Việt Nam trở thành một khu tự trị của Trung Quốc !? Rất khó tin đó là sự thật. Tuy nhiên căn cứ vào thái độ ứng xử, cách đối phó yếu ớt của lãnh đạo ta trước những hành động ngang ngược của Trung quốc gây thiệt hại cho ta; không cho tổ chức kỷ niệm cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta chống Trung quốc xâm lược ở biên giới phía bắc; ngăn cản, phá rối các cuộc tưởng niệm những liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa; đàn áp, bắt giam những người yêu nước biểu tình hoặc tỏ thái độ chống Trung quốc bành trướng v.v...thì về cơ bản mọi người cũng đã ngầm hiểu được những gì mà các nhà lãnh đạo của ta đã chót cam kết với Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô.
Đến nay, việc đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 vào đặt trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chính là sự tiếp nối của hàng chuỗi hành động đã diễn ra trước đây và chắc chắn là sẽ không có điểm dừng, nếu ta không biết cách và không đủ sức ngăn chặn. Rồi đây họ sẽ còn tiếp tục hạ đặt ở nhiều vị trí khác nữa, mỗi điểm hạ đặt giàn khoan sẽ là một tọa độ đánh dấu chủ quyền của Trung Quốc... cho đến khi chiếm nốt được toàn bộ quần đảo Trường Sa và hiện thực hóa ý đồ xác lập chủ quyền theo “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Mặt khác Trung Quốc cũng đang ráo riết xây đắp Gạc Ma thành một đảo nhân tạo khổng lồ trong lòng quần đảo Trường Sa. Trên đó sẽ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch. Gạc Ma sẽ trở thành căn cứ nổi quy mô lớn ở Biển Đông có thể đón các tàu tải trọng lên tới 5.000 tấn. Một khi được hoàn thành, đây sẽ là nơi để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự nhằm uy hiếp, khống chế các nước ven bờ Biển Đông. Bên cạnh Gạc Ma, Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch xây bãi đá ngầm Chữ Thập theo một kịch bản tương tự. v.v...
Sự kiện giàn khoan HD 981 cũng chứng tỏ ngày nay Trung quốc không cần che đậy ý đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, tự mình vứt bỏ mọi cam kết mỹ miều với “16 chữ và 4 tốt”, coi khinh mọi sự phản đối của Việt Nam và dư luận thế giới !
Điểm lại những sự kiện kể trên cho thấy rõ chủ trương đối sách của nhà cẩm quyền Trung Quốc (qua nhiều thế hệ) đối với nước ta trong 65 năm qua là mang tính hệ thống, nhất quán, xuyên suốt, chưa bao giờ dừng lại hoặc giảm cường độ...mà ngược lại ngày càng ngoan cố, trắng trợn, hung hăng hơn! nhằm thực hiện bằng được âm mưu không chế, thôn tính nước ta.
Thời gian 65 năm đã quá đủ để ta khẳng định bản chất của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong quan hệ đối với Việt Nam : không ngoài mục đích làm suy yếu Việt Nam và từng bước làm cho Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, tiến tới thôn tính hoàn toàn, hiện thực hóa âm mưu bành trướng bá quyền Đại Hán.
Tình thế đặc biệt nghiêm trọng hiện nay đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề trước sự tồn vong đất nước, thách thức sứ mệnh lãnh đạo của Đảng trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Cần coi đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu phải tập trung giải quyết. Nếu không làm được như vậy ĐCSVN sẽ không còn là gì nữa trong con mắt của nhân dân.
Điều mà nhân dân cần lúc này là dẹp bỏ mọi thứ, tập trung mọi khả năng, mọi lực lượng để ngăn chặn cho được âm mưu bành trướng, thôn tính của Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện được yêu cầu đó ? Trước mắt cần có ngay những giải pháp như :
1 - Nhà nước, Quốc hội cần ra tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu biển ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta.
2 - Khởi kiện ra Liên hiệp quốc và các Tòa án quốc tế, kêu gọi các nước lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam.
3 - Tiến hành Hội nghị chính trị đặc biệt bao gồm đại diện các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài nhằm biểu thị tinh thần đại đoàn kết và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.
4 - Tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trên toàn quốc phản đối những hành động xâm lược của Trung Quốc.
5 - Dân chủ hóa đất nước. Trả tự do cho những người đang bị tù đày, giam giữ vì lý do biểu thị tinh thần yêu nước, chống những hành động bành trướng của Trung quốc.
6 - Sẵn sàng và chủ động xây dựng mối quan hệ đối tác, đồng minh chiến lược với các nước trên thế giới không để chống ai mà để bảo vệ chủ quyền độc lập và cùng nhau gìn giữ hòa bình v.v...
Tuy nhiên đó mới chỉ là những giải pháp tức thời, chưa phải là căn bản.
Đứng trước âm mưu lâu dài vô cùng thâm độc và ngày càng trắng trợn của nhà cầm quyền Trung Quốc, thực sự uy hiếp chủ quyền độc lập của Tổ quốc, chúng ta phải nhanh chóng thoát ra khỏi ảnh hưởng và sự kiềm chế của Trung Quốc bằng những giải pháp căn bản, triệt để hơn ngay từ trong nội bộ Đảng, như :
1 - Tuyên bố từ nay ĐCSVN không còn bị ràng buộc bởi những thỏa thuận tại hội nghị Thành Đô năm 1990, do phía Trung Quốc đã không tôn trọng và trên thực tế đã đơn phương hủy bỏ.
2 - Từ nay ĐCSVN khảng định không còn có chung ý thức hệ với ĐCSTQ trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Mục đích của ĐCSVN hiện nay là : xây dựng nước Việt Nam Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ và giầu mạnh...theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3 - Việt Nam luôn tôn trọng gìn giữ tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.
4 - Quan hệ giữa Việt Nam và Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa là quan hệ hữu nghị và cùng tuân thủ 5 nguyên tắc chung sống hòa bình : Tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau; không tấn công nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và hai bên cùng có lợi; chung sống hòa bình.
Đó là giải pháp tốt nhất, căn bản nhất trong giai đoạn hiện nay nhằm thực hiện cho được Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh :
“ XÂY DỰNG MỘT NƯỚC VIỆT NAM HÒA BINH, THỐNG NHẤT, ĐỘC LẬP, DÂN CHỦ VÀ GIẦU MẠNH...”, đáp ứng ý chí và nguyện vọng của toàn dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Trang