10 tháng 7, 2015

Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng: Phải có hành lang pháp lý để báo chí chống tham nhũng và lợi ích nhóm

Tác giả: Ngọc Thịnh (thực hiện)
Báo chí, công luận cũng cần có cơ chế để họ có thể tập trung làm cho mọi chuyện trở nên minh bạch. Cái gian, tham nào cũng sợ ánh sáng. Việc minh bạch thì cần làm cho sáng rõ lên. Khi đã sáng rõ, minh bạch rồi thì sẽ không còn nhiều bóng tối để cái gian, tham ẩn nấp – Ts Vũ Ngọc Hoàng
Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Nghĩa Phạm
Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ với Báo điện tử Một Thế Giới về thực trạng “vùng nhạy cảm” khiến báo chí gặp khó khăn trong chống tiêu cực.
“Bất kể cơ quan, cá nhân nào dù là ở vị trí quan trọng đến mấy, dù là chức to đến mấy mà liên quan đến lợi ích nhóm, tham nhũng và tiêu cực đều là đối tượng để báo chí phản ánh” – ông Vũ Ngọc Hoàng khẳng định.
– Tiến sĩ cho rằng cần phải tạo hành lang pháp lý cho báo chí vào cuộc chống lợi ích nhóm.Theo tiến sĩ, việc tạo hành lang ấy cần phải được tiến hành như thế nào?
– Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Báo chí, công luận cũng cần có cơ chế để họ có thể tập trung làm cho mọi chuyện trở nên minh bạch. Cái gian, tham nào cũng sợ ánh sáng. Việc minh bạch thì cần làm cho sáng rõ lên. Khi đã sáng rõ, minh bạch rồi thì sẽ không còn nhiều bóng tối để cái gian, tham ẩn nấp.
Tôi có nói đến hành lang pháp lý để cho báo chí vào cuộc trong việc chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Pháp luật phải tiếp tục bổ sung cho rõ những việc cấm và thực hiện cho nghiêm. Ví dụ như không được vu cáo người khác, không được đụng đến tự do cá nhân, xúc phạm đời tư của người khác, bảo vệ bí mật quốc phòng, quốc gia,… viết cho rõ ràng, cho tường minh, đừng để bị suy diễn, hoặc dễ qui chụp. Nếu lỡ nói sai thì phải xin lỗi một cách đầy đủ và nghiêm túc, thậm chí phải bồi thường nếu như đã gây thiệt hại.
Một mặt là nghiêm như thế, mặt khác, ngoài những việc đã cấm, là mở rộng đường cho báo chí vào cuộc, không có vùng nhạy cảm nào cả, chỉ trừ những việc liên quan đến quốc phòng, bí mật quốc gia như tôi đã nói. Còn lại, bất kể cơ quan nào, bất kể vị trí nào, bất kể cá nhân nào dù là ở vị trí quan trọng đến mấy, dù là chức to đến mấy đã liên quan đến “lợi ích nhóm”, liên quan đến tham nhũng tiêu cực thì đương nhiên là đối tượng để báo chí hoàn toàn có quyền phản ánh và thậm chí cần phải khuyến khích báo chí tấn công. Như vậy sẽ giúp cho sức đề kháng của cơ thể xã hội tăng lên. Chứ báo chí mà không chiến đấu, không chống lại tiêu cực, lợi ích nhóm, chống tham nhũng thì có nghĩa là sức đề kháng của cơ thể xã hội giảm xuống. Như chúng ta biết rồi, liệt kháng chính là căn bệnh HIV, một cơ thể xã hội mà bị HIV thì cơ thể xã hội đó sống và phát triển bằng cách nào? Nó sẽ rất nguy hại.
– Thưa tiến sĩ, thời gian gần đây mạng xã hội phát triển rất nhanh và mạnh. Bên cạnh mặt tích cực là mạng xã hội truyền tải thông tin nhanh, nhạy đến người sử dụng, nhiều người đã sử dụng mạng xã hội với mục đích không tốt. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này.
– Mạng xã hội sẽ ngày càng phát triển chứ không thể nào khác được. Chúng ta đừng nghĩ sẽ ngăn cản MXH vì sẽ không thể ngăn được và xã hội hiện đại cần có nhiều thông tin. Dần dần MXH sẽ có vai trò riêng của mình, liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người. Lực lượng sử dụng mạng ngày càng nhiều. Tôi nghĩ MXH liên quan đến vai trò báo chí truyền thông nhân dân, có cả mặt được và mặt dở. Mặt được là thông tin MXH rất nhanh nhạy, cụ thể và kịp thời. Cái phải đề phòng là thông tin không đúng, không chuẩn, người đưa tin thì không chịu trách nhiệm. Giải pháp như thế nào ? Tôi nghĩ là:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức chung của xã hội, để tất cả mọi người khi tham gia đưa thông tin lên mạng xã hội, là làm việc thiện, không phải làm việc ác; ta góp tiếng nói cho đời cho xã hội tốt đẹp hơn, chứ không phải đi vấy bẩn, đổ rác, làm cho môi trường sống bị ô nhiễm. Đó là ý thức xây dựng, tinh thần nhân văn khi đưa thông tin lên mạng.
Công chúng phải ý thức được việc nhận thông tin trên mạng phải đề phòng mặt trái của vấn đề khi thông tin không đúng, không ai chịu trách nhiệm, phải nâng cao khả năng đề kháng khi nhận và xử lý thông tin. Có phương pháp tiếp cận, có phương pháp kiểm chứng và phương pháp xử lý thông tin đúng.
Thứ hai, những quy định về pháp lý, cũng giống như anh viết báo vậy. Nếu anh vu cáo, xâm phạm tự do cá nhân, xúc phạm đời tư, làm lộ bí mật quốc gia, gây hại cho quốc phòng,… thì ngoài trách nhiệm trước dư luận xã hội anh còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Còn giải pháp kỹ thuật là phải tiến đến giúp cho dễ phát hiện là thông tin do ai đưa lên, để cho mọi người có trách nhiệm khi đưa thông tin lên mạng. Chứ để những thông tin bịa đặt, vu cáo người khác, cứ tự do, thoải mái thì không được. Ý tôi là muốn thông tin ngày càng phong phú đa dạng nhiều chiều, nhưng phải có cách tiếp cận đề phòng mặt trái của mạng xã hội.
Hiện nay MXH so với báo chí chính thống có nhiều việc tự do hơn, nhanh và kịp thời hơn. Nhưng mặt dở là rất nhiều trường hợp không ai chịu trách nhiệm về thông tin. Theo tôi biết thì có những máy chủ không ở Việt Nam nên cơ quan nhà nước không quản lý được. Việc đó liên quan đến giải pháp kĩ thuật, các nhà kĩ thuật phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp sao cho tăng trách nhiệm của người đưa thông tin, gắn trách nhiệm người đưa thông tin với độ chuẩn xác của thông tin.
Phải có cách tiếp cận: Không cản trở tự do thông tin, nhưng về mặt quản lý phải gắn tự do đưa tin với trách nhiệm xã hội.
– Trước sự phát triển MXH thông tin đưa rất nhanh, có những vấn đề mà báo chí cho là nhạy cảm cần định hướng của cơ quan quản lý, đến một lúc nào đó MXH sẽ lấn át báo chí chính thống. Thì lúc đó hiệu quả của báo chí sẽ giảm đi?
– Tôi nghĩ cách định hướng báo chí phải đổi mới, cũ kỹ quá sẽ cản trở sự phát triển của xã hội. Với các cơ quan trong hệ thống chính trị là cung cấp thông tin, cố gắng cung cấp thông tin chính xác kịp thời, một cách trung thực. Các cơ quan nhà nước biết kỹ thông tin đó hơn bên ngoài nên việc cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch sẽ góp phần cho sự lành mạnh về thông tin. Chương trình “Dân hỏi bộ trưởng trả lời” tôi nghĩ là tốt, nên tiếp tục mạnh hơn nữa, hướng cách làm đối thoại qua lại với nhau là hướng tốt. Các cơ quan đều có trách nhiệm trả lời trước công luận, không bưng bít thông tin.
Công tác định hướng tư tưởng, phải đổi sang đối thoại, không áp đặt, không quy chụp, mà tăng cường đối thoại. Bình đẳng, tôn trọng và thuyết phục lẫn nhau. Anh không đủ sức đối thoại là do cơ quan kém, cán bộ kém. Bắt phải đối thoại thì năng lực mới tăng lên, không đối thoại thì năng lực sẽ kém dần, không theo kịp thiên hạ. Áp đặt một chiều làm cho người khác thụ động, một tập thể thụ động, không phát triển được tư duy đổi mới.
Thông qua đối thoại mà cùng nhau nhận thức hướng đi đúng, không phải cầm tay bảo viết thế này thế kia. Tôi biết có một thực tế có đồng chí lãnh đạo mất rồi, nhưng báo chí đợi chỉ đạo đưa tin thế nào. Cũng có lý lẽ rằng không thể nói ông ấy mất rồi, cụt ngủn, mà phải có chủ trương đám tang thế nào, mới đưa tin cho đầy đủ. Những thông tin dạng như vậy trong khi mạng bên ngoài, báo nước ngoài đưa rồi, nếu chúng ta không đưa hay đưa chậm sẽ tạo nghi ngờ và mất công chúng. Việc lãnh đạo mất khi báo chí biết rồi thì cứ đưa tin cho nhân dân biết nhanh nhất, còn đám tang thế nào thì bản tin sau sẽ đưa tiếp.
Về các định hướng, theo tôi nghĩ là phải chuẩn bị trước về nhận thức, về tư duy và phương pháp tiếp cận, để tự từng người cầm bút, để ban biên tập, thư ký tòa soạn có sẵn hướng (của mình) để xử lý. Từng tờ báo cũng nên đưa thông tin nhiều chiều, lý lẽ ông A phân tích việc này theo hướng này, ông B phân tích hướng ngược lại. Ông A, ông B có ý kiến khác nhau trên một tờ báo hoàn toàn có thể và rất nên, đưa cả hai ý kiến người ta tranh luận qua lại, giúp cho nhận thức vấn đề toàn diện hơn, sâu hơn chứ không phải một chiều.
– Xin cảm ơn tiến sĩ.

Không có nhận xét nào:

Trang