“Có khi công chức nhàn rỗi lại chính là
“con cháu các cụ cả”. Liệu lãnh đạo cơ quan có đủ dũng cảm giảm số này không
hay chưa kịp giảm thì đã bị “giảm” rồi?”.
Đó là nhận định của ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - trong cuộc
trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Lãng phí… phổ biến
Ông có bất ngờ với con số 30% cán bộ công chức hàng ngày làm việc
theo kiểu “vật vờ” đó không?
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội .
Tôi không bất ngờ. Trong một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
tôi đã từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: theo thống kê của nhiều cơ quan,
trong số công chức hiện nay, có khoảng trên 30% làm được việc, 30% phải cầm tay
chỉ việc và 30% còn lại thì dù cầm tay chỉ việc cũng không biết việc mà làm.
Bây giờ ở cơ quan nào cũng có cảm giác như thế. Tức là, số làm được việc chỉ
khoảng 70%.
Tôi đã hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Có phải do khâu tuyển dụng của ta
có vấn đề, đó là chủ yếu nghiên cứu hồ sơ, đó là dựa vào bằng cấp là chính mà
chưa coi trọng năng lực thực sự và hiệu quả của công việc? Một đợt thi tuyển
công chức hoặc thi ngạch nâng bậc cùng một đề thi cho cả trăm người trong khi
đó trăm người này sẽ vào trăm vị trí công việc khác nhau. Áp lực bằng cấp vô
hình chung đã làm cho cán bộ chạy điểm, mua bằng, thuê thi, thuê học”.
Thực tế cho thấy, tại nhiều cơ quan nhà nước đang tồn tại
những lãng phí lớn, có lãng phí vô hình, có lãng phí hữu hình. Một trong những
lãng phí lớn nhất là thời gian, con người và chất xám. Đáng buồn là việc này
lại tương đối phổ biến.
Theo ông, tại sao chúng ta có đầy đủ bộ máy quản lý hành chính công
từ trung ương đến cơ sở mà vẫn để tồn tại hàng trăm ngàn công chức vô dụng, mỗi
năm tiêu tốn cả chục ngàn tỷ đồng ngân sách như vậy?
Có nhiều lý do. Trước hết là người đứng đầu đơn vị, ban ngành của
số công chức đó cũng làm việc thiếu nghiêm cẩn. Nếu làm nghiêm, tôi khẳng định
chẳng công chức nào dám “vật vờ”. Thứ hai, do chúng ta chưa có cơ chế quản lý
chặt chẽ, hiệu quả, khoa học. Hiện nay, tình trạng phổ biến là chỉ quản lý thời
gian, bỏ qua việc theo dõi hiệu quả công việc.
Tình trạng phổ biến hiện nay tại nhiều cơ quan nhà nước là lãnh đạo
chỉ quan tâm đến việc: sáng “anh” có đến không, chiều thì mấy giờ “anh” về. Đó
là tệ quản lý hết sức thô sơ. Thời gian đấy, họ có mặt nhưng có làm gì
hay không, hay chỉ “chat”, chơi game, tán chuyện cho qua ngày.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về 30% cán bộ công
chức “cắp ô” càng thúc giục phải sớm tiến tới cách quản lý công chức khoa học, dựa
trên hiệu quả công việc, khoán công việc và theo dõi công việc đó hoàn thành ở
mức nào.
“Công chức 5 C”
Là người từng trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau, đã khi nào
ông gặp phải những công chức “cắp ô”? Ông xử lý ra sao với số cán bộ này?
Tôi từng nhiều năm làm công tác quản lý, từ cấp phòng, cấp vụ cho
đến cương vị hiện tại, cũng luôn cố gắng tạo cơ hội cho anh em phát huy được
tài năng sáng tạo của từng người chứ không quản lý gò ép. Ngoài việc quản lý
thời gian làm việc, cái phải quan tâm khác là hiệu quả công việc.
Còn với người nào theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” thì kiến
nghị để chuyển, tìm vị trí công việc thích hợp hơn hoặc tạo điều kiện để họ tự
tìm công việc thích hợp với người ta hơn.
Vậy theo ông, đâu là khâu khó nhất trong việc xử lý những công chức
“cắp ô” này?
Tôi tin, những khó khăn trong việc giải quyết những công chức này
thì ai cũng nhìn thấy nhưng vấn đề mất thời gian nhất chính là giảm ai? Quyết
giảm rồi thì số công chức đó đi đâu, sẽ làm gì? Chưa kể khó khăn ở những chỗ tồn
tại công chức 5C – CON CHÁU CÁC CỤ CẢ, có khi người nhàn rỗi đó lại chính là
“con cháu các cụ”. Lãnh đạo cơ quan đó có đủ dũng cảm giảm số này không hay
chưa kịp giảm thì đã bị “giảm” rồi?
Đó là lý do bấy lâu nay dư luận ca thán rằng, đâu đó việc tuyển
chọn cán bộ, công chức chỉ dựa trên tiêu chí quan hệ, tiền bạc còn năng lực làm
việc chỉ là thứ yếu…
Tôi từng nghe dư luận lo ngại về việc có chỗ này, chỗ khác chưa
minh bạch, thiếu công bằng trong khâu tuyển công chức. Và đâu đó vẫn còn tồn
tại những người lãnh đạo sẵn sàng ưu tiên tuyển người xuất phát từ mặt quan hệ,
ngoại lệ, hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ. Còn trí tuệ lại là tiêu chí xếp sau cùng… Rõ
ràng, trí tuệ mà được ưu tiên kiểu đó thì không thể nói tới chuyện phát huy
chất xám.
Bên cạnh đó, vẫn còn những người lãnh đạo hành xử không công bằng
đối với các nhân viên, không ưu tiên sử dụng những người thực sự có tài năng.
Điều đó chỉ làm những người làm được việc càng thêm ngao ngán.
Hậu quả lớn nhất là chảy máu chất xám, đánh mất người tài. Không
phải người ta rời bỏ cơ quan nhà nước vì đồng lương hoặc miếng cơm manh áo mà
là vì lòng tự trọng bị tổn thương, vì bị đối xử không công bằng. Điều đó làm
nản lòng những người làm việc nghiêm túc, muốn thăng tiến một cách công bằng
trong công việc.
Giải pháp cho một sự bình đẳng trong tuyển chọn, sử dụng công chức,
theo ông là gì?
Là lãnh đạo ban ngành hoặc cơ quan công quyền phải xếp người vào
đúng vị trí công việc; trong công tác tổ chức phải gắn vị trí công việc để sinh
ra biên chế.
Nếu vẫn giữ cái nếp, công việc chỉ đáng 1 người thì lại xếp đến 2 –
3 người thì kéo theo nhiều hệ lụy. Từ việc sắp xếp biên chế đó thì sắp xếp được
quỹ lương. Chỉ có giảm được biên chế thì mới tăng được lương.
Phải tính dần đến phương án khoán quỹ lương. Một bài toán rất đơn
giản: 10 người cũng quỹ lương như thế, nay sử dụng 5 người thì 1 người có thể
hưởng mức lương gấp đôi.
Lương tăng đương nhiên đòi hỏi anh phải làm việc tương xứng mức
lương được lĩnh. Cùng với đó là thường xuyên có đánh giá tín nhiệm một cách
công bằng, thước đo là sự tín nhiệm của nhân dân. Ai không đạt thì thải
loại ngay. Nếu làm tốt việc này, chất lượng công chức chắc chắn sẽ nâng lên,
công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có cải thiện.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
1 nhận xét:
Con cháu các cụ cả .Đó là con cháu các cụ nào? Con hư tại mẹ ,cháu hư tại bà ...Rõ ràng ở đây cháu nó hư là tại cả bà lẫn ông .Ông đút cháu vào bà biết cháu ông đã ngủ gật nhưng vẫn cứ để vậy mặc cho nó ngủ ...vì sợ ông đi léng phéng với bà khác mât luôn khoản thu nhập đáng kể.Ở đây biết con các cụ không làm được việc nhưng không giám tố vì sợ mình bị đuổi việc trước .Thật là một bon thủ đoạn đang lừa bịp người dân ,tận hưởng sức lao động ,mồ hôi nước mắt của người dân lương thiện.
Đăng nhận xét