* BÙI VĂN BỒNG
Một tệ nạn không mang tính xã hội phổ quát,
mà chỉ có ở quan chức, chỉ có trong 'giới cầm quyền". Đó là tệ nạn
tham nhũng. Dân thì có gì để mà tham những? Đảng viên thường, cán bộ cấp thấp
và các nghề ít dính đến tiền bạc nhà nước, ít dính đến quyền quản lý đất đai,
dự án, lương chỉ '3 cọc 3 đồng' thì tham nhũng vào đâu? Chỉ có cán bộ có chức
có quyền, sử dụng tiền ngân sách nhà nước, ký cót giấy tờ này-kia, quản lý sử
dụng đất đai, làm các dự án, quản lý, điều hành các tập đoàn, các tổng công ty,
các doanh nghiệp… là những mảnh đất màu mỡ sinh ra và phát triển tham nhũng.
Trước đây, nói đến hiện trạng tràn lan tham nhũng có nhiều người còn ngờ vực,
còn rất tin vào 'cán bộ của đảng' và rất cẩn trọng nghĩ rằng đợi đấy
“còn xem nó thế nào"?!
Thực tế cho thấy tệ nạn nguy hại này mỗi ngày
càng làm suy yếu nền kinh tế, làm nghèo đất nước, kéo lùi và làm “lạc hậu hóa”
mọi sự phát triển toàn xã hội. Đến nay, thực tế đã chứng minh rõ rành rành tham
nhũng đã trở thành “phong trào” tràn lan, phức tạp, nỗi nhức nhối của toàn xã
hội. Nó còn hơn nạn dịch.
Mới đây, phát biểu của Tổng Thanh tra chính phủ, ông Huỳnh Phong
Tranh, rằng: Những đoàn khiếu kiện tập thể mà ông gọi là quá khích, đặc biệt
mang màu sắc chính trị thì yêu cầu phải có biện pháp cưỡng chế. Các địa phương
có đoàn đông người phải phối hợp để thu thập tài liệu chứng cứ xử lý dứt điểm.
Dự
luận cho rằng đây là một sự xúc phạm Hiến pháp. Và coi như Tổng thanh tra Chính
phủ biểu hiện rõ việc dựng lên rao chắn để bao che tham nhũng. Tuyên bố này của
ông Tranh đã gây nhiều bất bình trong nhân dân, nhất là những người dân lâu nay
mất đất, quá thiệt thòi đã mấy chục năm khiếu kiện chưa kết quả, nay Nhà nước
đang “Tuyên chiến với chống tham nhũng, tuyên chiến với dân oan”. Người
ta cho rằng ông Tổng thanh tra chính phủ đã quên mất vị trí của mình, là nói
thay cho Bộ công an, nơi thường đưa ra những quy định dưới luật để có lý do đàn
áp, bắt bớ người dân...
Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận xét:
“Tôi không đồng ý về cái việc đấy. Không
phải tất cả các cuộc khiếu nại đông người đều mang màu sắc chính trị, phải rất
cẩn trọng trong việc có màu sắc chính trị hay không có màu sắc chính trị. Khi
người ta đã tập trung đông người để biểu tình là vì quyền lợi cụ thể của người
ta mà mình kết luận như vậy thì phải hết sức thận trọng. Tuyên bố hay hoạt động
như vậy là vượt quá phạm vi của một ông Tổng thanh tra.”
Trách nhiệm của Thanh tra chính phủ trước
chồng đơn cao ngất của người dân mất đất là tìm hiểu xem nguyên do nào người
dân kêu cứu. Kẻ thi hành luật tại địa phương có biểu hiện sai trái gì và các vụ
bồi thường giải tỏa có công bình và đúng với tinh thần trưng thu của nhà nước
hay không… Ngược lại ông Huỳnh Phong Tranh lại đi thanh tra người khiếu kiện
bằng những lời lẽ hăm dọa, đe nẹt và chụp cho họ cái mũ là “mang màu sắc chính
trị”. Như thế đã lộ rõ ngày càng nhiều ‘hàng rào, công sự’ xây thêm boong-ke,
lô cốt, kiên quyết phòng ngự để chống lại cuộc đấu tranh chống tham nhũng của
toàn đảng, dân hiện nay. Thái độ 'tuyên chiến với dân chủ' như thế khác nào nói
trắng ra rằng từ nay chấm dứt khiếu kiện đòi quyền lợi, chống bất công gì nữa,
ai mất đất ráng chịu nếu như không muốn bị bắt giam, bỏ tù!?
Những người có chức có quyền mang danh đảng
viên cộng sản đã và đang theo đuổi mục đích tham nhũng đều có động cơ, chủ
đích, tính toán, vạch ra cho mình một lối thoát khá chủ động và an toàn cho
"tương lai". Tất nhiên, lối thoát đó là của riêng họ, không nằm trong
đường hướng chung của dân tộc, tách ra khỏi đường lối của Đảng, không cùng
tuyến với nhân dân. Nếu họ đã vì dân vì nước như lời thề khi vào Đảng và khẩu
hiệu "suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản" thì họ đã
không cố tình tham nhũng, hẳn rằng họ đã phải sống, làm việc theo hiến pháp và
pháp luật, là họ đã đi theo "gương Bác Hồ", họ đã sống gương mẫu theo
phẩm chất cần có của một người CS chân chính, làm việc vì dân, vì lợi ích của
dân tộc, vì tương lai đất nước.
Xin chớ ngộ nhận hoặc hy vọng, chờ đợi họ
tự nhận ra khuyết điểm, đừng mong họ sám hối, thú nhận và từ bỏ sai lầm, đi
theo con đường chân chính nói trên. Trong thực tế không có một tên ăn cắp
chuyên nghiệp nào tự giác vào nhà lấy đồ đã ăn cắp trả lại và xin lỗi người bị
mất cắp. Tự bản thân họ hành động với mục đích như vậy, xuất phát từ lòng tham,
muốn cuộc sống lắm tiền, nhiều vàng, đô la để hưởng thụ. Họ là những con người
đã thực sự từ bỏ lý tưởng cộng sản ngay từ trong máu, muốn thành nhà tư bản. Họ
không còn chất cộng sản từ trong chính trị, tư tưởng, đến đạo đức, lối sống.
Cho dù họ là cán bộ đảng viên đương chức đương quyền, nhưng nếu đem đạo đức
cách mạng nói với họ chỉ bằng thừa, thêm mất công. Đối với họ, đạo đức cách
mạng là sự ngáng trở hành vi tham nhũng mà họ đang theo đuổi, che giấu, ém
nhẹm, không muốn cho ai đụng đến.
Với những người đã có chủ đích tham nhũng
cố tình vơ vét làm giàu, nếu như nhắc lại những lời Bác dạy, đưa nguyên tắc,
điều lệ Đảng ra để soi xét, đưa cả đạo lý mà nhắc nhở, thậm chí trích dẫn pháp
luật...thì có ích gì !? Họ chỉ biết có tiền, và càng nhiều càng thấy còn ít,
lòng tham bao giờ cũng vô đáy!Cho nên, đối với họ không có một sức mạnh nào lớn
hơn sức mạnh đồng tiền, không có lời kêu gọi, lời giáo huấn nào thiết thực và
ngấm nhanh bằng tiếng gọi thôi thúc của kim tiền. Ngược lại, trong thâm tâm họ
chẳng bao giờ thích nghe người khác rao giảng về đạo đức cách mạng dù trên mặt
cố làm ra vẽ “tiếp thu” một cách giả dối, rằng "tôi rất cầu thị, cần nghe
người dân phê bình"!
Với động cơ, chủ đích làm giàu, họ phải
chạy cho ra tiền để mua chức trọng quyền cao, có vậy mới đủ điều kiện tham
nhũng. Vì bài toán "thời đại và cơ chế"cho phép, có chức có quyền mới
vơ tiền nhanh và dễ dàng. Khi họ đã mua được chức, quyền thì phải khôn ngoan và
khéo léo hành động ngay khi mới yên vị, tức là tìm mọi cách mua lòng cấp trên,
xây dựng niềm tin của lãnh đạo, từng bước thò bàn tay tham nhũng, ăn hối lộ,
làm cò mồi cho những vụ việc/dự án của cơ quan để vừa bù cho khoản đã bỏ ra mua
chức quyền, vừa thực hiện giấc mơ giàu sang phú quý. Con đường họ tự vạch ra là
vậy, không có cách nào khác!
Thử hỏi mượn danh cộng sản để tham nhũng,
làm giàu, có tồn tại lâu dài và ôm trọn gói trong thể chế chính trị theo đường
“cộng sản”gian dối ấy được hay không? Chắc chắn là không vì như người xưa
thường nói “vải thưa đâu thể che mắt thánh”, “cây kim bọc giẻ lâu ngày cũng sẽ
lòi ra” có che giấu mãi được đâu!. Vì thế, cái mưu kế phải nảy sinh. Họ vơ vét
tiền trong nước, đổi ra ngoại tệ, vàng, kim loại quý, đá quý, đưa ra nước ngoài
(phải là nước tư bản giàu có) để đầu tư, mở công ty, mua biệt thự, lâu dài, xe
hơi "xây tổ" lâu dài. Những tài sản đó nằm lù lù như thế thì che dấu
vàođâu?
Còn kinh tế đất nước bị suy thoái ư? Nhân
dân lao động rơi vào cảnh đói kém, cực khổ ư? Có liên quan gì đến họ đâu!
Mackeno! Thực trạng đó lại càng hợp với logich mà họ mong muốn. Cảnh nội chiến
nồi da xáo thịt, hoặc khi giặc ngoại xâm tràn vào bóc lột, hà hiếp dân trong
nước ư? Họ “cóc” cần. Trái lại, khi đã giàu sụ do tham nhũng mà có, lắm tiền,
nhiêu vàng, họ còn muốn chế độ này sụp đổ để họ trở thành ông chủ tư sản hưởng
sung sướng đến đời con, cháu, chắt...Và nếu sự biến xảy ra như "thành trì
XHCN" Liên Xô bị sụp đổ trong vụ 19-8-1991 kéo theo sự sụp đổ của hàng
loạt nước trong hệ thống XHCN ở Đông Âu, thì họ chỉ cần mấy chục phút là vèo ra
nước ngoài, ung dung sống cuộc đời lưu vongtrên ghế ông chủ ngay tại nước tư
bản lớn. Cái "chiến thuật" này đã được các "tư sản Đỏ" Liên
Xô cũ làm ngon ơ, trót lọt rồi. Đã nhiều tiền của, lại tạo lập được cái vị thế
từng mong đợi lâu nay ở nước ngoài, họ đâu có ngán ai! Trong con mắt họ, khi đã
có nhiều tiền vàng thì trong thể chế chính trị nào họ vẫn "sống
khỏe".
Cho nên, cần nhận diện cho rõ, đó chính là
động cơ, đồng thời cũng là chủ đích của quan tham. Chống tham nhũng trước hết
phải nhanh chóng và tỉnh táo nhận ra những kẻ đó, ngăn chặn, quản lý chặt thì
mới không bỏ sót chủ mưu, không bị "mất tăm" đối tượng chính, nếu
không, "bài chuồn" là kế sách cuối cùng, an toàn và rất ngon lành của
họ. Gương của Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Hồ Ngọc Tùng, Diệu Hiền vẫn còn sờ
sờ ngay đấy. Cả mấy thập kỷ nay hô hào tuyên chiến với tham nhũng, tuyên chiến
với buôn lậu, tuyên chiến với các loại tội phạm xã hội. Nhưng xem
ra,"TUYÊN" rất lớn, đầy hào khí, rất mạnh...cái mồm, nhìn lại đâu
thấy ai có đủ quyền hành, thế lực mà dám "CHIẾN", và chưa bao giờ
thấy "TUYÊN CHIẾN" mà thắng cuộc! Anh nào cũng lên bục, lên đài, phát
biểu trước cử tri với những "TUYÊN" rất hào khí, rất quyết liệt,
nhưng khi vào "CHIẾN" thì hầu như co vói lại hết. "Nói
dzậy thôi, mà hổng phải dzậy nghe! Chẳng lẽ Ta đi chống chính Ta, mắc mớ gì,
ngu gì tự lấy đá đập đầu mình?". Có khác nào những chiến công của anh
hùng "Đông-ky-sốt. Ai chống ai, ai điều tra, xử lý ai? Nhìn lại:
Chẳng lẽ 'quân ta đánh quân mình', cũng là TA cả mà! Kết cục vẫn
là: " Cả làng tỉ số Không-Không / Tội tôi chỉ Một, tội ông cả
Mười / Bắt tay, gác kiếm, cùng cười...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét