23 tháng 4, 2013

" ĐI NGANG"


Chưa bao giờ Đảng, Nhà nước ta chấp nhận hoặc cho phép một ai đó dùng quỹ công để mua quà, biếu xén nhau, kể cả trong dịp Tết. Chúng ta đã có nhiều văn bản nghiêm cấm tệ nạn này, đặc biệt, năm nay Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị quy định"nghiêm cấm các hình thức tặng quà Tết cho cấp trên"; "không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết và xuân Quý Tỵ"; "không tổ chức để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, chúc tết các địa phương"; "không tổ chức đón, tiếp khách tại trụ sở các cơ quan đảng".

"Đi dọc rồi lại đi ngang/ Đi mà không khéo đâm quàng vào gông". 
Như vậy, có thể nói một cách ngắn gọn là: năm nay cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và cán bộ, đảng viên không được "đi lên" và "đi xuống" để chúc Tết, biếu quà cho nhau.
Tuy nhiên, đối với những cán bộ, đảng viên đã suy thoái về đạo đức và lối sống thì thường có những "đối sách" để đối phó. Không phải đến bây giờ mà từ mấy năm trước, khi chưa có lệnh cấm "đi lên", "đi xuống" để biếu và nhận "quà" thì nhiều người để "không đi lên", "không đi xuống" đã nghĩ ra cách "đi ngang". Bởi theo họ "lý sự", người ta cấm "đi lên", cấm "đi xuống" chứ có cấm "đi ngang" đâu, hơn nữa chẳng ai có đủ "nghìn tay, nghìn mắt" để biết được hết ai là người "đi ngang" hay đi xiên, đi xẹo như thế nào.
Xin được kể ra đây vài cách thức "đi ngang" để biếu và nhận "quà" một cách phổ biến nhất.
Thứ nhất, về phương tiện. Trong thời điểm này, tối kỵ việc dùng ô-tô biển xanh, biển đỏ để đi đến nhà lãnh đạo. Nếu dùng xe công thì cũng dừng xe cách "mục tiêu" hàng cây số, sau đó sử dụng phương tiện gọn nhẹ, như xe ô-tô biển trắng, xe tắc-xi, xe ôm, thậm chí gần đến số nhà, địa chỉ, điểm hẹn thì xuống xe lững thững đi bộ vào là tốt nhất...
Thứ hai, ai biếu và ai nhận "quà"? Tất nhiên, cả người "biếu" và người "nhận" đều là cán bộ nhà nước. Người đã có "thâm niên" đi biếu quà quả quyết rằng, trong 100% số lần đi biếu quà không có cán bộ nào được biếu mà lại từ chối nhận quà cả!
Về nguyên tắc, đoàn đi biếu không được đông, nhưng cũng không đi một người để còn giám sát, hỗ trợ nhau. Tốt nhất, "đoàn" chỉ từ hai đến ba người thật sự "tâm đầu ý hợp". "Đi ngang" để biếu quà phải nắm được gia cảnh, thói quen, cả những vấn đề "tế nhị", nhạy cảm của người nhận quà.
Nhớ rằng, không phải lúc nào và không phải bao giờ người được biếu cũng trực tiếp nhận quà từ tay người biếu. Bởi vì, bây giờ phương tiện ghi âm, chụp ảnh rất tinh vi, hiện đại nên người nhận quà cũng phải dè chừng vì biết đâu bọn đàn em "chơi" lại lãnh đạo lúc nào không biết. Cho nên, nhiều khi cần trao quà tại nơi ở và cho phu nhân hoặc phu quân của người mình cần biếu.
Trước khi đến nơi người nhận quà, người đi biếu cũng phải thông báo cho người được biếu về mục đích, thời gian, địa điểm để người được biếu "thu xếp" bố trí và tránh "khách đụng khách". Có khi người nhận quà có nhà hẳn hoi mà buộc phải nói dối là không có nhà, nhưng có "chị" hoặc "anh" ở nhà. Có khi người nhận muốn được "quà" gửi qua tài khoản hoặc ở quán cà phê, giải khát đâu đó...
Thứ ba, quà gì cho những chuyến "đi ngang"? Thời buổi này chẳng ai "đi ngang" biếu quà lại xách theo gói mứt, hộp bánh, bởi đến cả biếu rượu Tây thì giờ đã là lạc hậu. Ngày thường, người ta cũng có thể biếu nhau bằng biệt thự, căn hộ, lô đất này, cổ phiếu kia, nhưng ngày Tết và với hàng tồn kho, rớt giá như hiện nay thì cả người đi "biếu" lẫn người nhận "quà" đều muốn gọn, nhẹ, chất lượng, hiệu quả theo phương châm: "có tiền mua tiên cũng được"; "cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền"...
Người đời đã có câu "Đi đêm lắm sẽ có ngày gặp ma". Với những người đã và đang "đi ngang", người ta lại có câu "Đi dọc rồi lại đi ngang/ Đi mà không khéo đâm quàng vào gông".
·                                 Theo Tạp chí Cộng sản


Không có nhận xét nào:

Trang