23 tháng 4, 2013

Lấy phiếu tín nhiệm: Đừng để 'hòa cả làng'


Bàn về quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước sắp được triển khai tới đây, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần đặc biệt tránh hiện tượng định hướng cho đại biểu trước mỗi lần lấy phiếu.

Ông cũng đề xuất yêu cầu công khai số phiếu, để những người thấy mình không đủ tín nhiệm thì từ chức.
Ông Nguyễn Minh Thuyết:Từ năm 2003, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, nếu có đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc hay một Ủy ban của Quốc hội hoặc có 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị thì Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi có quy định đến nay, gần như Quốc hội chưa bỏ phiếu tín nhiệm ai, trừ trường hợp xét đơn từ chức của vị Bộ trưởng Nông nghiệp để chịu trách nhiệm về vụ Lã Thị Kim Oanh.
Theo ông thì tại sao đã có quy định trong Luật Hoạt động giám sát củaQuốc hội nhưng việc bỏ phiếu tín nhiệm rất ít được thực hiện như vậy?
Bởi vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chưa bao giờ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một ai. Trong khi đó, việc lấy được ý kiến đồng tình của 20% tổng số đại biểu Quốc hội để bỏ phiếu tín nhiệm là bất khả thi, khi luật không quy định lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội như thế nào. Trên 92% đại biểu Quốc hội là Đảng viên, theo kỷ luật Đảng thì không thể đi vận động lấy chữ ký vào một kiến nghị tập thể như vậy được.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân sâu xa ở chỗ công tác nhân sự là do Đảng phụ trách, cho nên khi chưa có ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm của Đảng thì không thể nào bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh này.
Chính vì thế, tôi đánh giá cao việc Quốc hội ra Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhờ nghị quyết này, một vấn đề đã được quy định trong luật có khả năng trở thành hiện thực.
Quy định còn cồng kềnh
Như ông vừa nói thì việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm dù được luật quy định nhưng còn vướng phải không ít cản ngại. Vậy lần này việc lấy phiếu tín nhiệm có suôn sẻ?
Tôi nghĩ tâm lý của dân, tâm lý của đại biểu và nhu cầu thực tế đã chín muồi cho việc này. Dân và đại biểu Quốc hội đã mong chờ từ lâu rồi, bởi vì đây thực sự là một công cụ giám sát hữu hiệu của Quốc hội. Nó sẽ buộc những người có chức vụ cố gắng làm việc, và giúp cho công việc chung của đất nước tiến triển hơn. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm có được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả hay không thì còn nhiều vấn đề mà hiện nay thực sự tôi cũng chưa an tâm.
Vì sao, thưa ông?
Có nhiều người đã phát biểu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ "hòa cả làng". Tôi nghĩ mối quan ngại ấy là có cơ sở, trước hết bởi có thực tế là trải qua cuộc kiểm điểm này kiểm điểm khác ở các cấp, người ta thấy kết quả không có gì đáng kể, chủ yếu là "rút kinh nghiệm" một cách nhẹ nhàng. Do đó, người dân nghi ngờ, băn khoăn cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Thứ hai, quy định của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng cồng kềnh quá. Cụ thể là phải lấy phiếu tín nhiệm xem "anh" có đủ tín nhiệm hay không rồi mới bỏ phiếu tín nhiệm. Khi lấy phiếu tín nhiệm thì có 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và không tín nhiệm. Ngay quy định ba mức như thế cũng dễ tạo cho người ta tâm lý "dĩ hoà vi quý" rồi.
Tiếp theo là quy định hai năm liền tín nhiệm thấp thì mới đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Xét về tâm lý, đến sinh viên kém cũng không ai nỡ đánh trượt 2 năm liền nữa là cán bộ lãnh đạo, chẳng lẽ 2 năm liền đại biểu đều xếp người ta vào ô "tín nhiệm thấp".
Cuối cùng, chính quy trình "sau một năm nhận nhiệm vụ mới lấy phiếu tín nhiệm, sau hai năm lấy phiếu tín nhiệm bị tín nhiệm thấp thì mới bỏ phiếu tín nhiệm" cũng dễ tạo ra tâm lý xuê xoa. Bởi vì đến lúc có ai đó phải bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng mất hơn ba năm, cũng gần hết nhiệm kỳ rồi, cho nên những người bỏ phiếu rất có khả năng nể nang, cho qua.
Ngược lại, trong việc bỏ phiếu, nếu thiếu khách quan thì cũng có khả năng những người làm việc tốt nhưng va chạm nhiều chưa chắc đã được tín nhiệm cao. Hơn nữa, có thể khó tránh khỏi chuyện vận động hậu trường mà nhất là ở ta sinh hoạt theo đoàn đại biểu.
Gắn với trả lời chất vấn và giám sát của Quốc hội
Vậy thì quy trình lấy phiếu tín nhiệm cần phải được triển khai ra sao để hạn chế những nguy cơ này?
Tôi cho rằng Quốc hội đã ra nghị quyết rồi thì phải thực hiện theo nghị quyết thôi. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần gắn chặt với sự giám sát của Quốc hội về các lĩnh vực. Để thực hiện được như thế, vai trò của các Uỷ ban chuyên trách là rất quan trọng. Uỷ ban phải giám sát thì mới làm nổi bật được vấn đề, từ đó đại biểu mới có căn cứ để bỏ phiếu. Thế nhưng, từ kinh nghiệm hoạt động ở Ủy ban chuyên trách của Quốc hội, tôi nhận thấy rằng mối quan hệ giữa Ủy ban chuyên trách và cơ quan nhà nước có liên quan thường rất mật thiết. Cho nên, khả năng Ủy ban đưa ra một nhận xét khách quan là khó.
Thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm phải gắn với trả lời chất vấn. Qua trả lời chất vấn đại biểu mới có thêm thông tin để hiểu được những người phụ trách các lĩnh vực ấy năng lực ra sao, bao quát tình hình thế nào, có đề ra được những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy công việc không. Nhưng từ trước đến nay, ngoài một số vị bộ trưởng và người đứng đầu một số ngành có nhiều "điểm nóng" được xã hội quan tâm thường xuyên đăng đàn chất vấn thì còn nhiều vị khác không mấy khi phải trả lời chất vấn. Các vị bộ trưởng là Ủy viên Bộ chính trị thì lại càng hiếm khi ra trả lời chất vấn. Duy nhất tại Quốc hội khóa XI có hai lần Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Bộ Chính trị trả lời chất vấn. Như vậy cũng khó đánh giá các vị chưa lần nào trả lời chất vấn của đại biểu QH.
Trường Minh


Không có nhận xét nào:

Trang