9 tháng 4, 2013

Công chức dứt áo: Bước chân đi cấm kỳ trở lại?


Vừa chảy máu chất xám, môi trường công chức vừa thu hút những người “bằng lòng” và trở thành kênh trú ẩn an toàn.

Kênh trú ẩn an toàn




Nhà nước với mức lương ba cọc ba đồng, cơ chế chặt, khó tìm được "minh chủ", môi trường cống hiến và phấn đấu còn nhiều hạn chế, những người lên chức lên quyền chưa chắc đã có năng lực… toàn những cái “chán”. Nhưng vào Nhà nước thì không dễ.
Còn làm ngoài, làm cho tư nhân thì có hai trường hợp. Một là những đơn vị nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp thì có thể làm việc sẽ vất vả, lương lậu thất thường, bổng lộc không có, họ sa thải bất cứ lúc nào nếu họ không cần.
Tuy nhiên, nếu một công ty tư nhân có quy mô lớn, môi trường chuyên nghiệp, có việc làm đều đặn, có điều kiện thuận lợi để cống hiến, phát triển và nhất là thu nhập khá như công ty của vị TS nọ thì đó là mục tiêu của nhiều người đang tìm kiếm việc làm.
Đang làm yên ổn ở Nhà nước, luôn được hưởng “bầu  sữa mẹ” nhàn thân nhàn óc mà dứt áo ra đi để thử vận hên xui thì ít gặp lắm, nhất là những người có chức có quyền, hoặc có học hàm học vị. Vậy nên vị TS nọ đang làm ở một cơ quan cấp bộ mà quyết ra đi đã thu hút không ít bàn luận. 


Có thể Nhà nước không có môi trường tốt để cống hiến, phấn đấu, không có minh chủ, lương 3 cọc 3 đồng nhưng thiên hạ nhờ "bầu sữa" ấy mà vẫn sống khỏe, ngoài lương vẫn tranh thủ kiếm thêm, có cơ hội được đi nước ngoài, nếu có “đề tài” thì có khoản bỏ túi rủng rỉnh mà hợp lệ. Nếu chịu khó “dạ vâng” thì có cơ hội được nâng đỡ, được “đãi ngộ” xứng đáng. Vậy anh không nằm trong số này nên dứt áo ra đi?
Môi trường tư nhân có nhiều thuận lợi, cơ chế thoáng, được trọng dụng, được phát huy hết tầm, được khuyến khích sáng tạo và đương nhiên có tiền lương xứng đáng với công sức bỏ ra nên vị tiến sĩ nọ hứng thú khi về với công ty này. Mặt khác, 3 năm trước là thời điểm rất thuận lợi trong việc kinh doanh của các doanh nghiệp nên việc làm và thu nhập cũng dễ chịu hơn.
Tuy nhiên 2 năm gần đây, các doanh nghiệp kể cả những doanh nghiệp đại gia gặp khó, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần, khủng hoảng, đứng bên bờ vực thua lỗ, phá sản.

Vậy nên thu nhập của người lao động cũng bấp bênh, lao động bị cắt giảm, thậm chí nợ lương dài dài, công nhân hay kỹ sư, tiến sĩ cũng cùng chung số phận? Nhà nước lúc này lại trở thành kênh trú ẩn an toàn.
Ai cũng khao khát được cống hiến, được làm việc trong môi trường tốt, minh chủ có tài, có tâm nhưng từ bỏ mức lương khủng (mà lại cũng có môi trường tốt) để đến chỗ có thu nhập 3 cọc 3 đồng (mà chỉ có minh chủ tốt)  như suy nghĩ của vị TS thì tôi không tin.
Bước chân đi cấm kỳ trở lại?
Tôi đồng ý với vị TS này là hy vọng trong tương lai môi trường công chức được cải thiện căn bản, Lưu Gù tăng lên và Hòa Thân sẽ chỉ còn là cá biệt nhưng không phải trong 5-10 năm nữa đâu mà phải 20-30 năm nữa.
Nếu anh quay về thì môi trường làm việc xưa cũng chưa có gì thay đổi, lấy đâu ra để phát huy năng lực, cống hiến, hay cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng?
Anh có thể chia tay mức lương khủng rất dễ nhưng quay về với mức lương 3 cọc 3 đồng thì rất khó đấy. Các cụ xưa nói: Bước chân đi cấm kỳ trở lại. Việc anh ra đi đã gây điều tiếng cho họ rằng không biết giữ người giỏi, không thu hút được nhân tài.
Liệu anh quay trở lại có được "chào đón", trừ khi cả họ và anh thực sự thay đổi. Mặt khác, anh đi thì đã có con ông cháu cha thế chân rồi, làm gì còn chỗ cho anh nữa? Nên nếu nói rằng “sẵn lòng” quay lại trong trường hợp này e không ổn.
Tôi cũng đã từng làm công chức hơn 20 năm. Môi trường làm việc của tôi cũng giống như anh nên tôi rất thông cảm cho anh. Nhưng tôi chấp nhận hoàn cảnh, tôi không đủ dũng cảm để ra đi tìm sự thay đổi.
Ở cơ quan tôi (một cơ quan ngang bộ) cũng chỉ thu nhập 3 cọc 3 đồng nhưng thủ trưởng quyết không chịu về hưu, ông tìm mọi cách chạy chọt để lùi thời hạn và rốt cục 65 tuổi trước nhiều sức ép, ông đành chấp nhận cầm quyết định hưu.
Nhưng ông quyết không về hẳn, bằng mọi cách để được ký hợp đồng tiếp tục làm giám đốc thêm 1 năm nữa. 
Một khi cơ chế chưa thực sự đổi mới, nhân tài không được trọng dụng thì môi trường công chức còn chảy máu chất xám. Nhưng ngược lại, cơ chế ấy, môi trường ấy lại thu hút được những người “bằng lòng” và nó trở thành kênh trú ẩn an toàn hơn đâu hết.
Công ty anh làm, theo như anh nói thì mọi thứ đều rất tuyệt vời (ngoại trừ đang lâm vào khó khăn mà anh không nói thật) thì anh có nỡ lòng lại phải “dứt áo ra đi” để “sẵn lòng” quay trở lại nơi mà anh còn lăn tăn về nhiều thứ?
Tôi nghĩ anh và cả những người tài hiền, hãy chọn cho mình một công việc, một môi trường xứng đáng để cống hiến, phát huy khả năng, vừa có lợi cho bản thân vừa có ích cho dân cho nước, cứ gì phải là Nhà nước hay tư nhân?




Không có nhận xét nào:

Trang